Vị tướng lừng danh trong lịch sử đã ra đi…  

Posted by Unknown

Trung tá PHẠM XUÂN TRƯỜNG
(tổng thuật lại)
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến
và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, là học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam suốt cuộc kháng chiến 30 năm chống Pháp và chống Mỹ. Trong những ngày đau thương, các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế đã dành những lời hay nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bậc thầy quân sự Việt Nam”, “Ngọn núi tuyết”, “Vị tướng huyền thoại”. Đại tướng đã ra đi là mất mát lớn lao, là đau buồn của cả nước, của cả dân tộc. Tuần báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xin trích lại những trang viết xúc động của các tướng lĩnh, những bài thơ hay, câu đối viết tặng Đại tướng trong những năm qua, từ cuốn sách do NXB Quân đội Nhân dân vừa phát hành có tên “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên đọc 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam – tại lễ thành lập Đội trong khu rừng Trần Hưng Đạo,
Cao Bằng ngày 22/12/1944. Ảnh: TTXVN
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, ghi lại trong Hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên…”(1). Nói về tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm của người cầm quân và tình thương yêu chiến sĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Trần Văn Trà nhận xét: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong cuộc đời Tổng Tư lệnh của mình, Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện một trong những quan điểm cốt tử củachiến tranh chính nghĩa: dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất nhưng phải đi đôi với hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ. Anh Văn đã kiên nhẫn và kiên quyết đấu tranh cho quan điểm cốt tử đó. Chính tinh thần kiên nhẫn và kiên quyết bảo vệ quan điểm cốt tử này càng làm cho anh Văn xứng đáng là Anh Cả của toàn quân, càng làm cho anh trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội”(2). Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên - Chỉ huy trưởng trận đánh Buôn Ma Thuột đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng chỉ huy có tài thao lược; trí tuệ quân sự; mưu kế chiến lược; lý luận quân sự sáng tạo; được lãnh tụ Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện và được thực tiễn cuộc chiến tranh cách mạng hun đúc nên đã tạo ra một vị tướng văn - võ song toàn, một vị tướng của nhân dân, vị tướng của quân đội cách mạng”(3). Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1: “Anh Văn yêu thương cán bộ và chiến sĩ. Tấm lòng anh đối với toàn quân thật rộng lớn. Võ Đại tướng còn là con người điềm tĩnh. Trong những năm tháng bão táp của đời mình, kể cả cho đến hôm nay, ông vẫn giữ vững nguyên tắc đoàn kết, nguyên tắc tính Đảng và nguyên tắc tổ chức”(4).
Ẩn chứa nhiều giá trị mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành cho Đại tướng từ trong những câu thơ, bài thơ, câu đối..., cụ Trương Quang Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình, gửi đến văn phòng đúng trưa ngày 25 tháng 8, bốn câu thơ “Cõi trăm năm kính chúc Võ Đại tướng Thượng thọ” viết bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ: “Thế giới nghìn xuân mấy tướng tài/ Trường sinh đắc thọ chỉ mình Ngài/ Quảng Bình linh địa sinh nhân kiệt/ Thấu cõi trăm năm nghĩa rộng dài…”.
Đặc biệt nhà báo, nhà giáo Hồ Đắc Cơ đã khắc họa khá hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Văn lo vận nước văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”. Trung tướng Hồng Cư cũng có bài thơ ông sáng tác, trong đó có đoạn: “Trí dũng, nhân, tín, liêm, trung, Anh toàn vẹn/ Dĩ công vi thượng một tầm cao/ Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, nêu gương sáng/ Danh tướng của muôn đời, hạnh phúc sao!”… Giáo sư Trần Văn Hà có nói với Đại tướng khi đến thăm thầy: “Thưa thầy, em nghiên cứu thấy rằng cái đức Nhẫn của Thầy cộng với trí tuệ và tài thao lược của Thầy đã góp phần quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Cho phép em xin tặng thầy chữ Nhẫn của làng mỹ nghệ Bát Tràng cùng với bài thơ vịnh đề chữ Nhẫn của cụ Trần Lê Nhân, tác giả “Cổ học Tinh hoa”: “Có khi Nhẫn để yêu thương / Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan / Có khi Nhẫn để vẹn toàn / Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hạnh phúc lớn là được sự tin yêu ngưỡng mộ hầu như tuyệt đối của toàn quân và toàn dân, sự kính trọng của nguyên thủy quốc gia nhiều nước và bạn bè quốc tế. Đảng bộ và nhân dân quê hương Quảng Bình đề tặng:
“Quảng bá uyên thâm vị tướng tài,
Bình sinh nợ nước nặng hai vai,
Ghi sâu công trạng ngời trang sử,
Ơn nghĩa nhân sinh thắm đượm hoài”.
Các tướng lĩnh, sĩ quan nguyên là cán bộ, học viên khóa I Trường võ bị Trần Quốc Tuấn tặng bức trướng:
“Theo Bác, vì dân, tầm vũ súy,
Thao lược, quân công sánh Lý - Trần,
Đẹp chín mươi mùa xuân thế kỷ,
Sao vàng lấp lánh nét nhân văn”
Đây thực sự là phần thưởng vô giá dành cho một trong những vị “khai quốc công thần”, xứng đáng với 10 chữ vàng: “Võ công truyền quốc sử, Văn đức quán nhân tâm” (tạm dịch: Chiến công lưu truyền lịch sử dân tộc/ Nhân văn đức độ thấu tận lòng người) do Viện Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh kính tặng. Tác giả Trọng Khoát - Ban liên lạc Trường Sơn có bài thơ cảm động được thêu trang trọng trên bức trướng, ghi:
“Chúc mừng Anh chín chục xuân xanh
Đại thụ cao thân cả bóng cành
Tướng sĩ năm châu đều kính trọng 
Võ công ngàn thuở vẫn lưu danh
Nguyên lai xử thế tâm thông tuệ
Giáp trận bài binh trí đại thành
Sống với nhân dân - vì đất nước
Mãi là hạnh phúc - cuộc đời Anh”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con xã Thanh Xương trong chuyến lên thăm Điện Biên Phủ
nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954-7/5/1975). Ảnh: KIM HÙNG - TTXVN
Bộ Nội vụ tặng Đại tướng, có ghi câu đối mang ý nghĩa thật sâu xa, đó là:
“Tâm sáng Đảng tin, đời trường thọ
Trí cao, Dân mến, sử lưu danh”.
Xin được chép lại hai câu trong bài thơ của tác giả Hải Đăng để thay lời kết:
“Võ Đại tướng lừng danh muôn thuở
     Nghiệp non sông còn mãi với nhân gian”.
TP.HCM, 5-10-2013
------------------------------------
(1) Sách đã dẫn, trang 334.
(2) Sách đã dẫn, trang 346.
(3) Sách đã dẫn, trang 34.

(4) Sách đã dẫn, trang 130.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives