Người nghệ sĩ và hồi ức rừng
Posted by Unknown
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ
(Theo lời kể của soạn giả Đỗ Thanh Hiền,
CLB đờn ca tài tử Tây Ninh)
![]() |
Đội Văn công tiểu đoàn Trường Sơn 1971 - Tranh VŨ GIÁNG HƯƠNG |
Biết tôi vừa mới từ ngoài Bắc vô, chú Tư Đỗ Thanh Hiền kêu cô cháu gái chạy đi kiếm chút đồ nhậu. Ở giữa khuôn viên rợp cây cổ thụ gần cửa số 4 Tòa Thánh Tây Ninh, chỉ có quán cà phê văn nghệ sĩ. Trụ sở Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh vừa từ đây rời đi hồi tháng sáu, nhưng khách tới Câu lạc bộ đờn ca tài tử của chú Tư Thanh Hiền vẫn nườm nượp anh chị em hội viên tới trao đổi, luyện tập. Trong tiếng đờn kìm man mác, chú Tư bày gói thịt heo quay và mấy ổ bánh mì ra ngay bàn làm việc.
- Làm bậy một li đi con! Để nhớ Hà Nội nghen. Năm 1972, chú cũng xuyên dọc Trường Sơn ra Hà Nội học chớ bộ.
Rủ rỉ giữa tiếng chim lích chích chuyền cành, chú Tư kể cho tôi một đoạn đời nghệ sĩ khi vô rừng làm cách mạng.
Quê chú Tư ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, một xã có truyền thống cách mạng kiên cường, được phong là đơn vị Anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Gia đình vốn có truyền thống cách mạng. Chú Sáu Đỗ Văn Vấn là liệt sĩ chống Pháp. Còn chú Ba Đỗ Văn Rỡ thì hoạt động bí mật, nằm trong hàng ngũ địch. Lớn lên đi học, ngoài việc học ở trường, cậu bé Đỗ Thanh Hiền còn rất mê cải lương và bắt đầu tập chơi đờn kìm. Sẵn chú Ba Rỡ tặng cho chiếc máy quay đĩa và mấy bộ đĩa cải lương, Thanh Hiền thuộc lòng cả bộ vở Tô Ánh Nguyệt; Lan và Điệp; Đời cô Lựu, có thể hát từng vai đào, kép trong các vở. Và năng khiếu văn nghệ đã đưa cậu tới lối rẽ cuộc đời bất ngờ. Đó là năm 17 tuổi, Hội đồng xã gọi Thanh Hiền ra trình diện, làm thẻ lược giải cá nhân. Cậu hồi hộp bước vào văn phòng hội đồng. Đây là lần đầu tiên trong đời được bước tới nơi công sở, nên cậu không khỏi e sợ. Hình như các nhân viên công sở nhìn cậu với con mắt dò xét, nghi ngại. Chẳng gì nhà cậu cũng có ông chú là Việt cộng gộc. Làm xong phần thủ tục, đang lơ ngơ đứng trước sân hội đồng thì có tiếng gọi:
- Ê! Thằng Tư phải hôn?
Cậu nhìn quanh, thì thấy thằng Nguyễn Ngọc Thanh bạn học thời lớp đệ ngũ, bận đồ lính vừa bước xuống từ chiếc xe jeep đầy bụi đất đỏ quạch. Thằng này có chú làmsĩ quan ở xã nên nó xin được đi học lái xe, giờ về làm việc tại đây. Thấy Thanh Hiền, vẻ mặt nó vênh vang, tự đắc thật dễ ghét. Nó ngoắt cậu về phía chiếc xe.
- Đi trình diện hả? Xong rồi, phụ tao lau xe đi.
Ném cho cậu miếng giẻ đầy dầu nhớt, nó nói như ra lệnh, còn dặn phải lau cho thật sạch. Chiếc xe jeep chắc vừa đi công cán về, đầy bùn đất. Cậu lúng túng cầm miếng giẻ, không biết bắt đầu từ đâu, đang lom khom cúi nhìn, định bắt đầu từ cái vè chắn bùn, thằng Thanh bỗng đá một phát vào mông, không có chiếc xe chắn lại, cậu đã ngã lộn đầu xuống đất. Nó chửi thề:
- Đ.M! Đừng bữa nay trình diện, mai theo Việt cộng nghen mậy. Mấy thằng Việt cộng tép riu, tụi tao sẽ tiêu diệt hết. Cả mầy cũng vậy, nếu theo Việt cộng, dù bạn bè thì tao cũng cho tiêu luôn.
Không biết nó còn hành hạ người bạn học đến cỡ nào nếu không có chú Ba Đỗ Văn Rỡ bước vô.
- Ủa! Thằng Tư này, ai biểu mầy vô đây lau chùi xe vậy?
Thằng tài xế vội đứng lập nghiêm, giơ tay chào:
- Thưa ngài thanh tra mới tới!
Chú Ba của Thanh Hiền vốn là người của cách mạng “cài” vào lực lượng của địch và làm việc tại thanh tra Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, nhưng hình như thằng Thanh không biết.
Thanh Hiền làu bàu ném mớ giẻ đi.
- Con đi trình diện, làm thẻ lược giải, thằng này bạn cũ, nhờ con lau xe đó.
Thằng Thanh cái mặt xanh lét, vội xách nước tới cho Thanh Hiền rửa tay, miệng thì thào xin lỗi.
- Bỏ qua nghe bồ. Tui giỡn chơi chút thôi.
Nhớ tới những lời dọa nạt và hành vi côn đồ của nó, trong bụng Thanh Hiền đầy căm hận. Tao sẽ xin chú cho đi học sĩ quan, rồi về đây xử mầy sau. Nghĩ tới lúc thằng Thanh phải lái xe cho mình, luôn miệng trình “Thưa trung úy!”, cậu hả hê trong lòng. Con nít hiếu thắng mà. Tuy vậy, khi về nhà, ba má đã tính toán sẵn. Đi trình diện, có nghĩa là sẽ phải kêu quân dịch. Chiến tranh không biết thế nào, súng đạn vô tình, cái chết luôn rình rập. Nhưng nhà mình là dân cách mạng, có chết thì chết cho phía mình, mắc mớ gì chết lãng nhách cho bên ngụy?! Vậy là cậu được quyết định theo cách mạng, trong khi còn chưa bị gọi quân dịch. Một đêm cuối tháng 4-1961, Thanh Hiền từ giã gia đình đi lên chiến khu R, trên vai chỉ có bọc đồ nhẹ tênh và cây đờn kìm.
Tôi đỡ li rượu thuốc có màu hổ phách mà chú Tư Thanh Hiền đưa cho, nhấp một ngụm.
- Chà! Rượu nặng quá bố ơi!
- Hà hà! “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Toàn mấy thứ cây thuốc tao nhờ anh em lấy trên rừng về đó.
Tôi không tưởng tượng nổi, các văn nghệ sĩ kháng chiến sống như thế nào? Có thường hay gặp nguy hiểm không? Chú Tư Thanh Hiền nheo nheo đôi mắt.
Ai bảo lính văn nghệ sướng và ít nguy hiểm? Giỡn mậy! Trong thời gian bám sát chiến trường, phục vụ văn nghệ cho bộ đội, nhiều lần bom đạn nhằm ngay đội hình văn nghệ mà chơi, anh chị em không ít lần cận kề cái chết. Không ai sợ hi sinh, nhưng sợ mình không còn cơ hội để phục vụ nghệ thuật, phục vụ cách mạng. Riêng bản thân chú, từng hai lần đối diện với cái chết.
Lần đầu tiên vào tháng 10-1963, khi vào cứ được hai năm. Hôm ấy chú Tư Thanh Hiền và nhà văn Lê Văn Thảo cùng hai chục anh chị em trong đoàn từ suối Cây Dầu ra bến Ra nhận lương thực và nhu yếu phẩm. Mới đi được nửa đường, bỗng nghe một tiếng “oành” do con đầm già bỏ xuống đoạn bờ sông phía trước. Kinh nghiệm chiến trường cho thấy, sau khi đầm già ném trái khói, bọn khu trục đi sau sẽ nhào xuống ném bom, bắn rốc-két. Lắng tai một hồi, nhưng vẫn chưa nghe tiếng chéo chéo của máy bay khu trục, nên anh em dừng lại nghỉ mệt. Đoạn này không có giao thông hào, nhưng hai bên đường mòn có những gốc cây dầu cổ thụ có thể nấp tránh được. Đúng ra là hơi liều. Lỡ đụng trận, không có hầm thì sống chết là 50/50. Là lính mới, nên nhà văn Lê Văn Thảo mệt phờ, vừa ngồi xuống nghỉ mấy phút là ngủ ngon lành. Chỉ dăm phút sau, đã nghe tiếng “éo ùng” xuống mặt nước, chú Tư Thanh Hiền hốt hoảng đá mạnh vô mông nhà văn Lê Văn Thảo.
- Dậy! Chết bây giờ!
Vừa la vừa cúi xuống lôi bạn dậy, kéo đi. Lê Văn Thảo còn ngái ngủ, bước theo như cái máy. Cả đoàn hò nhau chạy lui chừng 50 mét, con “đầm già” quay lại, bỏ một trái cối ngay gốc cây dầu Lê Văn Thảo vừa nằm ngủ. Hên là chú Tư đá cho bạn một đá, chứ đứng đó mà lay thì chết chùm rồi.
Lần thứ hai, thần chết ghé hỏi thăm anh em văn nghệ trong trận chống càn tại Bến Cát. Năm anh em cùng trú trong một chiếc hầm bí mật, gồm Bùi Quang Lượng, Hồng Cúc, Phạm Minh Tuấn, Viễn Phương và Đỗ Thanh Hiền. Những ngày trước máy bay địch bỏ nhiều bom khiến cây cối bật gốc ngổn ngang. Một cây dầu lớn mọc ven suối đổ ngay sát mí hầm bí mật. Vừa tự động viên nhau là mình gặp hên, nếu gốc cây đè trúng miệng hầm, có nước nằm chịu chết chứ làm sao lên. Tiếng súng im dần, chú Tư bảo mọi người ngồi im rồi bước lên bậc thang hé nắp hầm theo dõi tình hình. Hai tay vừa giở nắp hầm, hé mắt nhìn ra, chú tá hỏa khi phát hiện tốp trinh sát gồm ba tên lính và hai con chó bẹc-giê đang đi tới. Trên tay ba tên lính lăm lăm họng súng M16 và những cây thuốn nhọn dùng để xăm hầm bí mật. Bọn này chắc xăm hầm đã mỏi tay, nên khi đến gần hầm, không thấy xăm xỉa gì nữa, những cây thuốn gõ lắc cắc vào mấy trái lựu đạn bên thắt lưng. Sự bất ngờ làm chú chết đứng. Nói thiệt lúc đó run lắm, đến nỗi không nhúc nhích được. Giờ thả nắp hầm xuống, phát ra tiếng động thì lũ chó phát hiện, mà trồi lên móc lựu đạn ném thì không thể. Mình nhảy lên chưa kịp ném thì súng địch bắn chết rồi, lại làm lộ hầm nguy hiểm cho đồng đội. Chú nghiến răng ráng chống hai tay giữ nguyên nắp hầm, ngực tức nghẹn vì khó thở, mắt chăm chăm nhìn bọn Mỹ. Chúng tới gần, bên kia cây dầu đổ, cách miệng hầm chừng ba mét. Bây giờ chỉ cần đánh rắm (địt) một phát là bị lộ, chết liền. Chú giật mình nghe con chó hực lên một tiếng, suýt buông rơi nắp hầm. Nhưng bọn chó bỏ đi. Mới thấy kinh nghiệm chống chó bẹc-giê bằng cách rải thuốc rê quanh hầm của anh em cũng thiệt hay. Như có linh tính, ba thằng Mỹ đứng bên kia cây dầu, nghiêng ngó chừng một phút. Một phút đó dài như thế kỉ. Lần này chắc chết rồi. Nghĩ như vậy nhưng chú không còn tâm trí đâu mà cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ độ trì nữa. Thế rồi chúng bỏ đi. Chú Tư cố nín hơi, chờ cho vai ba thằng Mỹ nhấp nhô khuất sau hàng cây xa chú mới nhẹ nhàng buông nắp hầm. Sau cơn căng thẳng tột độ chú buông người rơi phịch xuống hầm, giữa vòng tay đồng đội, bên tai còn kịp nghe tiếng kêu thảng thốt của nhà thơ Viễn Phương: “Trời ơi! Sống rồi!” .
Nguyên là Chủ tịch Hội VHNT Tây Ninh, đã nghỉ hưu mấy năm nay, nhưng không ngày nào chú Tư Thanh Hiền xa mái ấm văn nghệ của mình là Câu lạc bộ đờn ca tài tử. Chú bảo, giữa không gian tĩnh lặng trong Tòa thánh, nghe tiếng đờn, nhịp phách dưới tán cây, bao nhiêu kỉ niệm ở rừng thời kháng chiến lại ùa về, nôn nao.
- Có lẽ chú phải viết hồi ký. Bảy mươi tuổi rồi, rất nhiều chuyện muốn để lại cho bạn bè, con cháu được biết, được hiểu. Cái thời gian lao mà anh dũng đó cháu.
Tôi hiểu tâm trạng của chú Tư Thanh Hiền. Kỉ niệm cần phải ghi lại, ghi thật tỉ mỉ. Đừng quên điều gì của quá khứ. Như cách chú Tư Thanh Hiền đang truyền dạy ngón đờn kìm của mình, theo chú cũng là để lưu lại hình bóng người thầy Trần Hữu Trang từng chỉ bảo cho chú những năm ở rừng.
Tháng 9-2013