Posted by Unknown

Bấm máy phim tài liệu
“Đền thờ Bác Hồ”
DƯƠNG ĐÔNG

Hướng tới kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2015, Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đã có dự án làm phim tài liệu với đề tài “Đền thờ Bác Hồ”. Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam cho biết:
- Bộ phim do Nghệ sĩ nhân dân Lê Thi làm đạo diễn, dự kiến dài 30 phút, dự tính quay trong 89 ngày, là những câu chuyện cảm động về việc các gia đình lập bàn thờ và nhân dân nhiều nơi tự xây dựng và bảo vệ đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt hoặc chính quyền và nhân dân các nước xây dựng tượng đài, trường học, quảng trường, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bối cảnh phim “Đền thờ Bác Hồ” được quay tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, trong đó có Mông Cổ, Thái Lan, Lào và Campuchia... vì Đền thờ Bác Hồ không chỉ được dựng tại rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nước đầu tiên đoàn làm phim đến là Mông Cổ, tượng đài Hồ Chí Minh trên đất nước này được nhân dân gìn giữ rất tốt, rất trang trọng và uy nghiêm. Đoàn đã tới quay ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, quay phòng truyền thống Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều ký ức về vị lãnh tụ kính yêu.
Sau đất nước Mông Cổ, đoàn sẽ tiếp tục ghi lại những hình ảnh, kỷ niệm, tình cảm của nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lào và các tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan, như La-khon Pha-nôm, U-don Tha-ni, sau đó đến Campuchia… Đây là những nơi Bác đã từng đặt chân và người dân địa phương đã tạo dựng đền thờ Bác Hồ để thờ cúng, lễ bái và chiêm ngưỡng.
Ở trong nước, các nơi được ghi hình là khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì là một trong những đền thờ nổi tiếng nhất Việt Nam, được xây dựng từ ngày 1-3-1999 và khánh thành đúng vào ngày 21 tháng Bảy âm lịch cùng năm. Núi Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Dãy núi Ba Vì có ba ngọn, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua, cao 1.296m. Đỉnh giữa là đỉnh Tản Viên, cao 1.281m. Đỉnh thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1.120m. Trên đỉnh ngọn núi nổi tiếng nhất là Tản Viên có Đền Thượng thờ Thánh Tản - một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt (Thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh). Còn trên đỉnh núi Vua cao nhất là “Đền thờ Bác Hồ”. Để đến được nơi này, từ chân núi Ba Vì, phải đi ô tô leo dốc quanh co vượt quãng đường dài 12km, sau đó phải leo hơn 1.300 bậc thang đá bên vách núi, đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ trên trăm năm tuổi, mốc và rêu xanh, dây leo bám chằng chịt và ánh mặt trời xiên qua màn sương mù giăng kín rất đẹp.
Khu di tích Đá Chông nằm trong hệ thống vùng đất đồi gò huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây có tọa độ địa lý 21 độ 8 vĩ độ Bắc và 105 độ 19 kinh độ Đông cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50 km theo đường chim bay. Độ cao bình quân so với nước biển là 40m, địa hình bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ, cao ở phía Bắc và phía Đông, thấp dần về phía Tây và Tây Nam. Diện tích khoảng 275 ha, hồ ao 17,7 ha.
Cái tên K9 được bắt đầu bằng một lần Bác Hồ đi thăm Sư đoàn 316 đang diễn tập bên sông Đà vào năm 1956. Bác dừng chân nghỉ ăn cơm trưa ở đây, thấy khí hậu mát mẻ, địa thế hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của T.W đề phòng giặc Mỹ có thể leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Ngay sau đó, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và xây dựng một ngôi nhà làm nơi họp, làm việc, nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị. Ðến năm 1960, công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng và gọi tên là K9. Năm 1969, sau khi Bác mất, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa thi hài Bác lên đây để cất giữ và bảo quản. Đến năm 1975, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được chuyển về thủ đô, đưa vào lăng. Do vậy nơi này còn có một tên khác ít người biết đó là K84.
Trong những năm tháng chiến tranh, trong những điều kiện khó khăn khắc nghiệt nhất, hình tượng Bác Hồ vẫn luôn được nhân dân kính trọng và giữ gìn đã cho thấy sự đức độ và tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được lòng người. Vì thế, những người còn lại và thế hệ trưởng thành sau này phải biết giữ gìn, bảo vệ, trân trọng, học tập và truyền bá tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bộ phim “Đền thờ Bác Hồ” dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19-5-2014. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives