ĐỌC SÁCH  

Posted by Unknown

Đọc VE VÃN SÀI GÒN
HẢI ANH
Ve vãn Sài Gòn là tập tản văn của tác giả Chị Đẹp - bút danh của blogger Lê Phương Thảo (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ, 2013) gồm: Mãi mãi sẽ là một người tình, Sài Gòn, Nhớ Sài Gòn,Vẽ Sài Gòn, Sài Gòn ở, Tiếng Sài Gòn, Xuống phố, Sài Gòn ăn, Giọt Sài Gòn, Đêm Sài Gòn, Noel Sài Gòn, Đàn ông Sài Gòn, Ve vãn Sài Gòn. Đây là tập thứ 2 sau Sóng đưa nước (NXB Hội Nhà văn). Hiện tác giả đang sống đồng thời ở Việt Nam và Mỹ.
Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ, là nơi “đất lành chim đậu”, dung chứa cho tất cả mà không hề định kiến. Nhiều người tự nhận mình là người Sài Gòn dù không phải là dân “chính gốc”, có lẽ vì họ nghĩ rằng mình đã gắn bó đủ lâu nơi đây, vì tình yêu quá lớn dành cho nó, vì lỡ “nhiễm” phong cách của người Sài Gòn: phóng khoáng, tự do tình cảm. Có thể nói, Sài Gòn trong quyển sách này được quan sát ở nhiều góc độ, với những mốc thời gian khác nhau. Sài Gòn xưa và nay hẳn nhiên có nhiều thay đổi đáng kể và tác giả đã khéo léo so sánh, bình luận sự khác biệt đó nhưng tựu trung là cảm giác bồi hồi tiếc nuối một Sài Gòn xưa không quá ồn ào, pha tạp mà thênh thang, sang trọng. Tác giả còn chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt khó quên về góc phố, con đường, quán ăn, về những cảm giác riêng tư, những cuộc gặp gỡ đôi khi mang màu sắc phù phiếm và những câu chuyện tình cảm “hậu trường” hấp dẫn.
Trong Ve vãn Sài Gòn, tác giả tập trung miêu tả, quan sát lối sống sinh hoạt chủ yếu ở khu trung tâm Sài Gòn, nơi có rất nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc. Tác giả viết về những con đường đẹp, đáng nhớ như Nguyễn Thiệp “là một trong những con đường giữ lại được nét xưa cũ nhiều nhất. Chưa bị đập đi để xây cất lại. Chưa bị sửa chữa hiện đại hóa quá nhiều. Cái hẹp cái ngắn cái nhỏ nhoi thiếu hụt của con đường lại chính là những điều kỳ diệu cứu vớt những gì xưa cũ. Những cửa hàng nho nhỏ, xinh xinh, cũ kỹ hay mới lạ đều mang tính cách nơi thời gian đứng lại như thế” (tr.61) hay Đông Du nổi tiếng là con đường có nhiều quán xá, mở ra bao nhiêu thì… đóng cửa bấy nhiêu, cũng là nơi nổi tiếng có đến mấy quán ăn chuyên phục vụ cho người theo đạo Hồi, đường Đồng Khởi có khách sạn Majestic đẹp một cách cầu kỳ, ở góc đường Ngô Đức Kế có khách sạn Grand, theo tác giả là một trong những khách sạn xưa nhất và đẹp nhất từ trước và đến bây giờ…
Nhắc đến Sài Gòn, tác giả không quên nhắc đến những quán cà phê đủ phong cách, từ bình dân (dành cho các bác xe ôm) cho đến sang trọng. Những quán cà phê nổi tiếng trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), một thời được xem như là nơi hẹn hò quý tộc như quán cà phê Java (giờ đã đóng cửa), Gloria Jeans Coffee hay quán Givral xưa: “Givral với một số đông, được xem như một huyền thoại. Thần thánh hóa một số câu chuyện thời trước. Một ổ gián điệp đã ở đây. Những nhân vật chính trị đầy quyền lực của chế độ trước đã ngồi đây. Những tay nhà báo ký giả nổi tiếng đã ở đây” (tr.134) nhưng đáng tiếc Givral giờ đây chỉ còn lại đúng cái tên! Bên cạnh đó, Sài Gòn cũng được gắn với biệt danh “thành phố không ngủ” là vì những quán bar, quán rượu như Headlines, Qbar, Appocalyps, Lush, Fush, Chill Sky, tầng lầu 23 của khách sạn Sheraton… lúc nào cũng đậm đặc mùi khói thuốc, mùi người, mùi nhạc xập xình điếc tai, mùi của ăn chơi quên lãng.
Nhưng Sài Gòn đâu chỉ có thế, mà còn có mùi vị của cuộc mưu sinh khốn khó. Người ta có thể bắt gặp dễ dàng đâu đó là hình ảnh của “một chị bán cà phê di động” không chỉ có ở bến Bạch Đằng mà còn ở khắp góc đường, ngõ hẻm Sài Gòn; hay hình ảnh chị bán cháo bình dân, người đàn bà ngồi bán trái cây… với những lần chạy trốn vì lấn chiếm lòng lề đường. “Theo tôi, người Sài Gòn là người có muốn đi đâu rồi cũng phải quay về, về mà không thể kiếm ra được cho mình một lý do cụ thể để giải thích việc quay về, về để sống với cái vui cái buồn, cái tuy dửng dưng vô tình lợt lạt mà không thể nào quên được của thành phố này, như ăn món cá kho ngót, không đậm đà mặn mòi keo sệt như cá kho tiêu, nhưng vẫn làm người ta thèm thuồng đến bứt rứt một buổi chiều mùa hè nóng nực” (tr.10) 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives