Truyện ngắn  

Posted by Unknown

Chuyện sui gia
NGUYỄN THANH
(Hội Văn học - nghệ thuật Cà Mau)
Phong cảnh - HS VÕ VĂN THANH
1. Sáu mươi tuổi, nghỉ hưu, tôi có được hai sui khi hai đứa con, một trai, một gái yên bề gia thất, ổn định công ăn, việc làm.
Sui đầu, sui gái, trúng nhằm người bạn học cũ trong vùng địch tạm chiếm: Phan Văn Bé, Bé Còi (vì lúc học chung trường Bé nhỏ con, ốm yếu nên bạn bè gọi thành danh Bé Còi). Năm tôi thôi học ra bưng biền tham gia kháng chiến, Bé Còi còn học tiếp. Là người ở tại thị xã, nhờ cước tuổi lên huốt tuổi quân dịch khá xa nên Bé Còi sinh cơ lập nghiệp an bài. Lúc giải phóng, Bé Còi (kèm thêm tên thường dùng Tám Bé) có cơ ngơi sửa chữa máy móc, kinh doanh ngành tiện tuy để sảy người vợ đẹp, học giỏi, học trên Tám Bé hai lớp, lúc kết thúc chiến tranh, thay cũ đổi mới, hoang mang, đành xách gói theo người tình cũ định cư bên Úc. Tám Bé làm thân gà trống nuôi hai đứa con gái tới tuổi ăn, tuổi học, trưởng thành. Chính vì mối quan hệ sui gia bị “phốt” vượt biên trái phép, tôi từ một Phó Ty Thông tin - Văn hóa được cấp trên “chấp thuận” đơn xin xuống làm Chánh Văn phòng Cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Sui thứ hai, sui trai - Út Hò - bạn kháng chiến cũ - mới vừa nghỉ hưu. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi cảnh sống, kiểu sống. Sui Út Hò thường hay khoe mẽ, hãnh tiến nhưng năng nổ, nhiệt tình. Sui Tám Bé bộc trực, ít nói, trông hiền lành không biết hơn thua, lấn lướt ai, hiền lành từ gương mặt xương xương tới đôi mắt nhìn xa thăm thẳm đến vạt áo sau lưng, trước ngực in lỗ chỗ vết dầu mỡ, sét gỉ nhưng nhiều khi nóng nảy, thẳng thắn phơi bày chính kiến người thợ tiện.
Một lần, dịp nhận quyết định nghỉ hưu, sui Ba Bằng (là tôi) cùng Út Hò đột nhiên sang chơi nhà sui Tám, bắt gặp chủ nhà ngồi uống rượu một mình theo cữ cơm chiều. Chưa ai hỏi, sui Tám lăng xăng, khai: “Hồi trước đó hả, đành rủ rê bạn bè tới nhóc. Mà thôi, tiệc tùng cù cưa, cù nhằng, mất thời gian con gái Út nó dọn dẹp, rửa ráy, thêm tránh được sáng mai khỏi tù mù cái đầu. Vô mùa cày rồi… Mời hai sui ngồi...!”.
Sui Hò ngồi xuống một góc. Tôi ngồi đối diện với chủ nhà, vừa hướng mắt xuống bến bãi ven sông trước mặt xưởng tiện bắt gặp cảnh tượng tốp công nhân trẻ sắp tan tầm còn nán lại hí húi bên cạnh dàn cày sắt, bánh lồng, pít-tông, hộp số, láp đùi hỏng chờ sửa chữa khiến tôi vui lây cảnh ăn nên làm ra của sui gia. Rồi bắt đầu cuộc chạm cốc lai rai, nhẹ nhàng không đợi cháu Duệ con gái Út của sui Tám bưng, bê thêm một ít thức nhắm ra chào khách như thường lệ…
Tửu lượng sui Tám Bé, Út Hò xấp xỉ ngang nhau, tuy không ai ép ai nhưng hai người uống ực nguyên ly rượu. Tôi tợp một nửa. Cho qua... Mỗi lần cụng ly, sui Tám, sui Út tự giác uống một lần nửa ly hoặc hết ly, tôi nhấp một nửa thành ra cái lệ hai sui mạnh rượu có trách nhiệm “gánh” sui vừa yếu vừa nhỏ tuổi hơn. Không những chỉ có lần này tại nhà sui Tám Bé, mà nhiều lần khác, khi nhà Ba Bằng, khi nhà Út Hò, vẫn vậy.
Mỗi lần ba sui gia gặp nhau, khi trà, khi rượu, khi xem bóng đá truyền hình đều tuôn ra khối chuyện năm châu, bốn biển, chuyện gia đình, con cái, chuyện ẩn náu, quanh co, nghịch lý đời thường, đến chuyện chiến tranh bom đạn, phố phường có bến đò kỷ niệm Cây Dương nơi Tám Bé hẹn hò gặp người yêu đầu đời sau này thành vợ đảm đang của Tám Bé...
Với sui Út Hò tuy không giấu dốt nhưng hay chiếm “diễn đàn” dành riêng ba sui gia. Dường như Út tưởng ai cũng biết trước nên khi tôi, Tám Bé ngóng cổ theo dõi chuyện này, Út xen ngang chuyện Út đi tham quan Trung Quốc trước khi nghỉ hưu: Chuyện cái thị trấn Bằng Tường (nước ngoài) khỏi biên giới mấy chục cây số, người nghe tưởng đâu Út ngồi nhà hàng thịt vịt quay tận Bắc Kinh. Kế tiếp, chuyện nọ xọ chuyện kia, vòng vèo, rỗng tuếch nội dung tới lượt ca cẩm thằng con trai Út Truyền trong nhà thăng quan, tiến chức, biết xây nhà trọ, mở quán karaoke kinh doanh hốt bạc tỷ... Đôi khi chuyện tào lao vớ vẩn nóng lên do sui Tám Bé hay chỏi nhẹ sui Út Hò. Khi đó, tôi làm trung gian, đứng giữa, thói quen thường hay tập hợp, hàn gắn, dàn hòa giữa sui gia hục hặc chỉ vì trình độ, lối sống, cá tính riêng của mỗi người: sui Tám thường lấy tin tức trên mạng Internet. Út Hò chăm bẳm theo Đài phát thanh, truyền hình. Với sui Út Hò, cái gì Đài cũng nhất. Cái này Đài nói rồi nghe... Cái kia Đài đã “chiếu”... Nhất. Trách chi báo biếc, báo biếu dịp Tết Quý Tỵ (2013) xếp xó vào một góc bàn tiếp khách nhà Út Hò sắp Tết Giáp Ngọ (2014), vẫn còn mới nguyên!
2. Đừng tưởng hưu non, hưu già, người cao tuổi ắt được vứt ra khỏi khối việc lao tâm, lao lực. Tuổi già là khoảng thời gian hành xác khiêm nhường. Không đợi, vẫn đến: lễ tang, lễ cưới gả, đám thôi nôi, đầy tháng, cúng quải, tân gia, khánh thành... Và nay về thăm quê, mai thăm người bạn kháng chiến cũ nằm điều trị trong bệnh viện, ngày kia dự họp khóm, ngày kìa liên hoan bạn bè sống sót qua chiến tranh... Chưa kể bệnh hoạn âm ỉ, đổ ra thách thức, kéo dài, bồng bềnh nỗi lo huyết áp cao, thấp chỗ vắng người...
Tuy cơm, áo, gạo, tiền đầy đủ, thậm chí có thừa, nhưng với tôi bắt đầu cảm giác cảnh sống cô đơn: Vợ chồng thằng con trai lớn ở miết bên nhà cha mẹ vợ, vừa phụ giúp trông coi xưởng tiện, vừa chạy vạy chữa trị bệnh ngặt nghèo mới chớm của đứa em vợ Út đang đi học, ấp ủ thi vào đại học ngành xây dựng, kiến trúc. Còn vợ chồng đứa con gái thứ Ba thỉnh thoảng vài ba hôm chở con về thăm ông, bà ngoại một lần, sau thưa dần… Không nỡ trách cứ nhằm lúc thằng rể thông tin - truyền thông than bận rát ruột, nó còn nhắc khéo tôi một việc nhỏ thông qua con gái Út tôi về thăm nhà: “Ba ơi, ba coi lại mớ nhạc nén trong ổ lưu máy vi tính của ba còn sót bài Rừng lá thấp? Chồng con nói bài đó là nhạc Sài Gòn cũ, nhạc ngụy đó ba!”. Con gái thỏ thẻ xong vội vội vàng vàng trở về nhà chồng làm phận sự quản gia, vừa coi sóc khoảng sân khá rộng trước mặt nhà mở quán karaoke, phân lô cho thuê mặt bằng buôn bán thay thế ông già chồng bận chạy lo làm thủ tục xin được trợ cấp tiền đền bù nạn chất độc màu da cam vì sức khỏe sui Út Hò có hiện tượng bệnh tiểu đường, đến giấy tờ “Quyền sử dụng nhà ở, đất ở”. Rối tung việc vặt...
Dần dà, khúc mắc, sụt sịt là thẻ thương binh do trong chiến tranh Út Hò là thành viên trong Đội bảo vệ Quân y tỉnh, một buổi sáng sắp vượt sông nghe nổ cái “ầm”, Út Hò ngã ngang. Soát lại: Quân mình bắn quân ta do một đồng đội khi gấp gảy, súng cầm tay bị cướp cò, viên đạn lém lỉnh chui vào kẽ háng, khoét rách một lõm thịt đùi, máu me ra ướt đít... Chiến tranh mà. Út kể lể có thôi có hồi về trăm ngàn thứ thử thách hiểm nguy trên trận mạc, đạn biết tránh người, trăm lần chết hụt trước Hội đồng giám định Y khoa tỉnh. Rốt cùng, Út Hò được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.
Cộng tiền lương hưu, chế độ Thương binh, lương Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông của thằng con trai Út, tiền trợ cấp được hưởng với nhiều khoản thu nhập khác đã và mới phát sinh, gia đình sui Út Hò sống dư dật. Thứ nữa, người đàn bà trong nhà - chị sui Út - được dịp rứt ra khỏi một thời gieo neo nuôi thằng Truyền ăn học, lấy được bằng đại học... Sui gái Út Hò tập tành làm sang, xã giao hiếu hỉ. Nhưng thương thay, sui Út gái không được nắm tiền thu, chi trong gia đình. Tiền chợ búa hằng ngày, Út Hò phát ra mỗi buổi sáng. Khách “xịn”, khách “nhờ vả” sắp tới thăm, mua thịt, cá, tôm thẻ, tôm càng xanh... đành khất nợ năm, mười hôm sau, trả lại. Về nhà, Út Hò gật: “Bà giỏi! Bà biết tánh tôi! Liệu cơm gắp mắm. Tháng tát đìa cá đồng rẻ rề, biết chọn thời điểm ăn được cá đồng. Con cá đồng khác con cá nuôi đen thui, no nưởng, thịt thà bở rệp. Bà biết tánh tôi. Giỏi!”
Quen lối sống rít rớm, tằn tiện của chồng, sui gái Út Hò coi như không có chuyện gì xảy ra, mặt mày ràng rạng, hiếu hỉ, ngồi ngay vào bàn cầm khách lúc ông chồng mau thấm rượu nằm chèo queo trên võng... Lại tự nhiên đứng lên, tay bưng ly bia, tay cầm ly rượu trắng sóng sánh giơ lên cao khỏi ngực, sui gái Út Hò thay mặt chồng, chào sân: “Xin mời... Kính mời... Một... hai... ba... Dô...!”
3. Nhớ sui Tám Bé, tôi móc điện thoại: “Sui Tám nghe không? Nhớ trận chung kết Cúp châu Âu không? Đức gặp Đức? Có Philipplahm (Hùm xám Bayer Munich) chọi Blaszy (Dortmund). Gặp nhau được không?”. Một hồi lâu tiếng rè rớt mạng. Tôi sốt ruột sắp bấm tắt bỗng nổi lên giọng nói khàn đục, mệt mỏi từ bên kia đầu dây: “Chết rồi, sui Ba ơi, tôi đang kẹt trong huyện. Có mấy chiếc máy cày hư vật tôi mấy ngày, với lại con gái Út tôi nằm viện trên thành phố. Hẹn tới chung kết nghe, có mặt sui Hò nữa nghe!”
Sắp tới ngày chung kết Cúp bóng đá danh giá châu Âu, sui Tám Bé vẫn chưa về. Cả hai sự kiện quan trọng: con gái bệnh nặng và trận cầu như mơ, sui không có mặt tại thị xã xem bóng đá trên màn hình rộng là điều hi hữu. Đoán già, đoán non không tìm ra nguyên do gì cột chân sui Tám dưới quê? Rốt cùng, như tôi nhận định lâu nay về sui Tám: Cuộc làm ăn xuôi chèo mát mái và cơ hội vàng... cuốn hút sui Tám.
Tay nghề sửa chữa máy móc, tuy nhiên tuổi tác chỉ cho phép sui Tám cầm cân nẩy mực, nhưng sui Tám còn khoái không gian ruộng vườn, đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Và khi nông thôn mở ra những cánh đồng mẫu lớn buộc người thuần nông phải ban liếp, ban bờ, lấp ao, lấp vũng liền canh, liền cư cho phép những con “trâu sắt” (máy cày, máy cuốc, máy gặt) có điều kiện tung hoành thao tác. “Trâu đen” ăn cỏ. “Trâu đỏ” ăn chó, ăn gà là lẽ thường tình. Đồng đất chưa tan màn sương buổi sớm, những chấm đỏ, chấm xanh, chấm vàng ánh lên, lung linh... Đất vỡ ra thành luống màu gan gà, trải rộng tới tận chân trời xa tít, óng a óng ánh trong nắng sớm mai khiến sui Tám nhiều lúc đứng thẫn người... Ít ai ngờ rằng thợ tiện Tám Bé không chỉ biết nói chuyện bù lon, con tán mà còn là người giàu tình cảm, nhàn tản và hay mơ mộng...!
Không đợi sui Tám nhắn nhe, được tin cháu Út Duệ từ Sài Gòn được chuyển về nhà điều trị, một mình tôi thả qua nhà sui Tám.
Chưa đầy nửa năm, trông cháu Duệ từ một cô gái mười tám tuổi, trẻ trung, khôi ngô, người đầy đặn nay teo tóp, khô khắc, suy sụp đáng ngại. Nhớ Duệ thường ngồi cầm viết, cầm cọ đang viết viết, vẽ vẽ, nghe khách tới dừng hết việc học hành, chạy lăng xăng bưng, bê thức nhắm lên chào khách, tôi cầm bàn tay xương xẩu của Duệ cảm giác lạnh người. Mắt Duệ lờ đờ, môi miệng mấp máy. Từ tiền sử bị viêm gan B chuyển sang ung thư có khối u trong bụng, Duệ biết chắc chắn mình không qua khỏi...
“Ba ơi, ba... làm đơn gởi nhà trường xin cho con nghỉ học đi, nghe... Nhớ nghe... Học hẹo nỗi gì? Con đau... nói chi tới thi vô đại học kiến trúc? Con đau... Con thích vô chùa Phật Tổ. Ở đó con vẽ chùa, vẽ Phật. Chùa phải xây đẹp lên! Phật hiền nhưng oai nghiêm, linh thiêng hơn. Ba với anh chị Hai khổ với con nhiều rồi!”
Nghe con gái thủ thỉ, trối trăng, có nhiều người trong nhà không còn nước mắt để khóc. Kéo tôi ra ngồi ghế đá đặt trước hiên nhà, sui Tám bộc bạch: “Mấy lần nấn ná trong quê thất hẹn với sui gia cũng vì con Út nhà này. Trâu già thôi cày lấy đâu ra tiền trả viện phí, tiền xạ trị vô hóa chất, tiền ăn, ở, lui tới thăm nuôi, thuốc men...?!”
Lần đầu tiên sui Tám bộc bạch về gia cảnh. Theo đà đó, việc chữa trị căn bệnh nan y kéo dài của Út Duệ, sui Tám đã cắt ra một phần nền xưởng tiện để bán, cắt luôn nhiều đối tượng trong biên chế xưởng tiện trong lúc vay vốn ngân hàng nuôi bốn năm người thợ trẻ cũng nên. Nhưng theo tôi biết, sui Tám chưa nản đến đỗi phải tính tới giải thể, bỏ nghề. Còn nước, còn tát. Nhiều lần sui Tám một mình lẻn tới bến đò Cây Dương vừa tìm lại kỷ niệm cũ nơi sui Tám thường hẹn hò với mẹ con Duệ hồi hai người còn trẻ, vẫn dáng đứng thẫn người nhìn đò, nhìn sông, miệng vái van, hy vọng...!
4. Cái gì đến, nó đến: đám tang! Lại là cuộc đưa tiễn người về cõi vĩnh hằng diễn ra nơi chốn thân quen, gần gũi khiến tôi đau đớn, không yên... San sẻ với gia đình thông gia bằng cách nào? Đó là câu hỏi đặt ra với tôi và có cả sui Út Hò từ khi cháu Duệ ngả bệnh nặng tới nay nhưng chưa có lời đáp. Có nhiều lần tôi định đóng góp chút ít tiền vào việc chạy chữa thuốc men cho Út Duệ nhưng điều đó được con dâu trong nhà (tức đứa con gái lớn của sui Tám) can ngăn vì nó biết chắc chắn rằng ông già của nó không bao giờ nhận. Người đơn giản, dễ dãi như sui Út Hò định bụng nếu có tình huống xấu xảy ra, sui sẵn sàng chia sẻ bằng cách phúng điếu kha khá mặc dù đồng tiền đối với sui Út Hò là cực kỳ quan trọng.
Trong lúc bối rối, tôi nhận được tin từ phía tang gia không nhận tiền phúng điếu của bất cứ ai có lòng hảo tâm, khiến nhiều người ngạc nhiên. Mà không ngạc nhiên làm sao được trước hiện trạng nhiều đám tang trong cùng nội ô thị xã lâu nay diễn ra đa dạng: Có nhiều đám tang diễn ra bình thường; có đám lèo tèo vài mâm bàn với vài chục người đến chia sẻ; có đám đìu hiu trà đá, nhang đèn, thưa vắng đến chạnh lòng; đám rình rang cờ, đèn, kèn, trống, chật nhà, chật đường, người đi lẻ không nhập vào đoàn dự tang lễ ắt tới sáng chưa thắp được cây nhang, xong đâu vào đấy, gom tiền phúng điếu xây biệt thự có khuôn viên vườn rau, ao cá...Tôi đoán có lẽ vì tất cả những điều đó tác động khiến một số thành viên, thân nhân gia đình sui Tám không thuận dẫn đến một cuộc hội ý bất đắc dĩ, chớp nhoáng, dĩ nhiên có mặt ba sui gia.
Út Hò bật ngật, xởi lởi nhưng thẳng thắn: “Ông sui nhà này làm như người thừa của ăn, của để. Đại gia. Việt kiều. Phúng điếu là chia sẻ. Khi anh, khi tôi... Lâu nay thành nếp, vậy mà...!”. Út nói có lý được nhiều người đồng tình, có cả tôi trong lúc nhiều thành viên gia đình nghiêng hẳn về phía sui Tám. Họ (có cả con dâu và thằng con trai tôi) khư khư chạy theo lời trối trăn của Út Duệ: “Con chưa chồng, chưa con, chết vô chùa, vẽ chùa, không có điều kiện, khả năng đền đáp, trả ơn ai. Nhà có mắc nợ bán chiếc nhẫn của anh, chị Hai mua cho, bán luôn sợi dây chuyền của má gởi tặng nhưng không nhận tiền của bả (nếu bả có gởi tiền về). Con ở chùa mà, vẽ chùa... Con kính lời cám ơn tất cả!”
Sui Tám vẻ mặt mệt mỏi, từ tốn nhắc lại lời trối trăn của đứa con gái Út. Nhìn lướt qua mặt mọi người một lượt, dừng lại gương mặt ươn ướt mồ hôi của sui Út Hò, tới sui gái Út Hò, day sang sui Ba Bằng; dừng khá lâu ở cặp vợ chồng đứa con trai lớn của tôi rồi lên tiếng cả quyết: “Không!”.
Gương mặt xương xương của sui Tám ngả màu đỏ lựng không phải vì say mà vì tập trung nghị lực, chịu đựng, vượt qua nỗi đau đớn khôn cùng!

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives