NGHỆ SĨ VÀ ĐỜI SỐNG  

Posted by Unknown

Nghệ sĩ hài Trung Dân: “Tánh gia trưởng chưa hẳn là xấu”
PHƯƠNG THẢO - UYÊN PHẠM

ÍT NGƯỜI BIẾT, TRUNG DÂN CŨNG “LẤN SÂN” VĂN HỌC KHI ĐANG SỞ HỮU TRONG TAY 22 TRUYỆN NGẮN VỀ ĐỀ TÀI NÔNG THÔN, CHUYỆN NHÀ NÔNG, CHUYỆN LÚA, CHUYỆN ĐẤT… MANG TÂM TRẠNG NỖI LÒNG CỦA MỘT NHÀ NÔNG RẶT RÒI. NIỀM HÃNH DIỆN NHẤT CỦA ANH CHÍNH LÀ NHỮNG GIẢI THƯỞNG, VÌ ĐÓ LÀ SỰ CÔNG NHẬN, YÊU MẾN CỦA KHÁN GIẢ DÀNH CHO TÀI NGHỆ CỦA ANH TRONG SUỐT 25 NĂM QUA: NHÓM HÀI ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT (2004); GIẢI THƯỞNG “CÙ NÈO VÀNG - 2005” CỦA BÁO TUỔI TRẺ CƯỜI; GIẢI THƯỞNG HTV AWARD LẦN THỨ 2 - 2008; HUY CHƯƠNG VÀNG TẠI HỘI DIỄN SÂN KHẤU KỊCH NÓI CHUYÊN NGHIỆP TOÀN QUỐC 2009.


Làm khách mời cho chương trình “Phẩm chất quý ông”, nghệ sĩ Trung Dân đã đưa ra quan điểm riêng của mình về chủ đề “Gia trưởng có thật sự xấu?” rằng: “Tánh gia trưởng chưa hẳn là xấu”.
Trung Dân tên đầy đủ là Nguyễn Trung Dân, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nên lúc nào anh cũng “vỗ ngực xưng tên” mình là nhà nông chính hiệu. Anh mê con trâu, cái cày, thửa ruộng, lúa sớm lúa chiều, đòng đòng trĩu hạt, có lẽ vì “nằm trong ruột” nên các vai diễn về nghề nông, nhà nông đã được Trung Dân vào vai rất tốt.
Người miền Tây đa số mê hát cải lương, rất khoái sân khấu tuồng, hài, Trung Dân cũng vậy, bắt đầu từ cấp 3 anh khám phá ra mình đã mê làm diễn viên quá rồi, vì thế không ngại ngần, anh đã thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) và tốt nghiệp năm 1992, vai diễn Mười hớt tóc trong vở kịch “Dưới bóng cây bồ đề” đã để lại cảm tình cho khán giả. Tính đến nay sau 25 năm đứng trên sân khấu, là một nghệ sĩ được đông đảo bà con miền Tây yêu thích qua các tiết mục nói về đời sống ở nông thôn, người nông dân, Trung Dân thống kê, hơn 2/3 vở diễn anh tham gia đều là vai diễn nhà nông. Ngoài việc biểu diễn, Trung Dân còn tham gia làm đạo diễn cho chương trình truyền hình “Từ quê ra thành” gồm 250 tập do Đài phát thanh truyền hình Cần Thơ sản xuất. Trung Dân thường nói, anh tự hào mình là “nông dân nòi”, luôn yêu ruộng lúa, mảnh vườn, nên nếu quảng bá bất cứ điều gì cho nông thôn thì anh rất hứng khởi, nên việc làm đạo diễn cho chương trình “Từ quê ra tỉnh” đối với anh cứ như “học sinh đi thi mà trúng tủ”, không có khó khăn cản trở ngại ngùng gì cả. Đứng trước cơn lốc đô thị hóa nông thôn, anh rất đau lòng khi thấy người nông dân bỏ đất, con cái nông dân bỏ quê ra chợ để được gọi là người thành thị da trắng mặt trơn, anh cố gắng trong sức mình để hình ảnh nông thôn Việt Nam có mặt trong các phim ảnh, vào kịch, cổ động và kêu gọi mọi người hướng về một nông thôn mới của kỷ nguyên hôm nay và mai sau.
Trung Dân tâm sự: “Nước mình có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, tôi là một diễn viên xuất thân từ nông dân, nên tôi luôn mong mỏi được làm việc gì đó giúp ích cho người nông dân, nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Nam bộ nói riêng”.
Khi nhận lời mời tham dự chương trình “Phẩm chất quý ông” bàn về chủ đề “Gia trưởng có thật sự xấu?”, Trung Dân cho biết, theo nhận định của ông bà từ xưa để lại, tính gia trưởng không xuất hiện ở miền Tây, nhất là ở nông thôn, đặc biệt trong giới nông dân càng không có. Tính gia trưởng thể hiện rõ nhất khi người đàn ông lập gia đình. Họ luôn đưa ra những nguyên tắc để các thành viên trong gia đình phải nghe theo. Nhiều người cho rằng đây là một đức tính xấu, thể hiện sự độc đoán của người đàn ông. Thế nhưng, theo nghệ sĩ Trung Dân, sự gia trưởng ở cánh mày râu có thể trở thành “bánh lái” để định hướng cho gia đình.
Sự gia trưởng cần có ở một gia đình chính là sự bảo vệ chứ không phải những nguyên tắc kìm kẹp các thành viên. Ranh giới giữa gia trưởng và kiên định rất mong manh, để bảo vệ tổ ấm của mình đòi hỏi sự tế nhị và suy nghĩ thấu đáo ở người đàn ông.
Chương trình “Phẩm chất quý ông” do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp sản xuất cùng Công ty Truyền thông Chu Thị phát trên kênh THVL1 vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 22-9-2013.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives