Truyện ngắn  

Posted by Unknown

Màn đêm khát sáng
                                                             
                                                             LƯU VĂN NHÂN
Trời nhá nhem, bóng tối loang dần, trùm xuống cái cồn nhỏ hẹp dài chơi vơi giữa dòng sông Hậu. Ngọn gió lướt trên mặt nước vun vút rồi bất ngờ chồm lên những tàu lá rách toát của hàng chuối già, phát ra tiếng kêu tành tạch. Ba cái bóng đen hình con người lặng lẽ men theo lối cỏ mòn, băng qua chiếc cầu gỗ đã gãy mất đôi ba nhịp, xuống bến sông nơi có chiếc ghe chèo dập dềnh theo con sóng.
Mặt sông đầy sóng cuộn nhưng vẫn lấp loáng chút ánh sáng ít ỏi phía bên kia sông rọi qua làm lộ hình dáng ba mẹ con đang loay hoay trên bến nước. Người mẹ xắn quần tới gối lội xuống mé nước kéo chiếc ghe lại gần bờ rồi bế đứa con gái chừng năm tuổi đặt cẩn thận giữa lòng ghe. Trong khi đó, thằng con lớn chừng mười ba tuổi mở dây neo và cố kéo chặt mũi ghe vô sát bờ. Khi nó phóng người lên ghe thì nghe má nó quát:
“Mày leo xuống! Đi lên nhà học bài ngay!”.
“Cho anh Hai đi với mẹ”. Đứa em út năn nỉ.
Thằng anh nhìn mẹ vài giây rồi tiu nghỉu nhảy xuống làm chiếc ghe chao mạnh, mũi ghe quay bật ra hướng giữa sông, tiện thể má nó bắt đầu khua mái chèo. Nó nhìn theo chiếc ghe xuôi về bên kia sông, nơi ngập tràn ánh sáng.
Đã hơn một tháng nay, từ khi mẹ nó không cho nó đi bán vé số nữa, đêm nào nó cũng ra mé sông nhìn qua thành phố Long Xuyên cho đỡ nhớ. Nó thích ánh đèn đêm lung linh sắc màu của phố thị. Một phần vì cái xóm nơi nó lớn lên xưa nay không có điện. Cồn Phó Ba này trước giờ vẫn vậy, từ đây nhìn qua bên kia sông chỉ non vài trăm mét mà như tách biệt hai thế giới. Bên kia điện sáng choang, còn bên này điện là cái gì đó xa vời lắm…
Từ khi nó mới mấy tháng tuổi, má nó đêm nào cũng bế nó lang thang dưới những ánh đèn đường của thành phố Long Xuyên đông đúc bán vé số. Chị nhận ra rằng, đa phần người ta mua vé số là vì lòng thương hại, nên ban ngày chị giao nó cho má chồng để qua Mỹ Hòa Hưng làm mướn, tối đến bế nó theo như một công cụ. Những vầng sáng đủ màu ấy gieo vào mắt nó hết đêm này qua đêm khác, dõi theo những bước chân lẫm đẫm của nó theo má qua từng con đường góc phố Long Xuyên lúc nào cũng sáng đèn. Đối với nó, những ánh đèn đêm mới đẹp làm sao.
Rồi khi nó vào lớp một, ngoài giờ học, với xấp vé số trên tay, nó có thể tự do đi đến những nơi nó thích của thành phố Long Xuyên. Mặc dù theo má nó, ban ngày thì nên bán ở phà Ô Môi, ban đêm thì ở bờ hồ Nguyễn Du. Đó là hai điểm bán vé số được nhất của dân cồn Phó Ba. Còn với nó, nơi nó hay đến mỗi đêm là cầu Hoàng Diệu. Đứng trên thành cầu nhìn những ánh đèn đủ màu hắt xuống con kênh dài theo bờ kè là thú vui hàng đêm của nó. Một trong những hồi ức đẹp của nó là hình ảnh hàng nghìn ánh đèn nhiều màu sắc vỡ vụn trên mặt sông trong cơn mưa đêm mùa hạ. Có lẽ vì sau đêm dầm mưa đó, nó bị cảm nặng, phải nằm liệt giường vài ngày nên nó cứ nhớ mãi.
     Nơi bước chân nó đi qua mỗi đêm, nó ngắm rất kỹ những ngọn đèn. Nó biết cái đèn nào hôm nay không sáng, bảng hiệu nào mới được dựng lên. Long Xuyên đẹp vì có quá nhiều đèn. Long Xuyên đẹp vì quá thừa ánh sáng. Còn cái xóm của nó, như bốc hơi, như biến mất giữa dòng sông khi đêm xuống. Ban đêm, người ta đứng bên Long Xuyên nhìn ngang qua dòng sông Hậu, sẽ thấy bờ Mỹ Hòa Hưng, bờ Chợ Mới lung linh ánh đèn. Người ta như quên rằng chính giữa hai bờ thành phố Long Xuyên hoa lệ và Mỹ Hòa Hưng quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn còn tồn tại một nơi gọi là cồn Phó Ba với hơn hai ngàn người dân sống trong cảnh tối tăm khi đêm xuống. Người Long Xuyên mắc thật nhiều bóng đèn trên từng con đường, trên từng hàng cây chủ yếu để cho đẹp. Còn người Phó Ba, họ cần điện chỉ để thắp sáng, cần đèn để nhìn rõ mặt nhau Họ cần điện để con cái học hành. Họ cần điện để xem tivi. Họ cần điện để sản xuất….
Bên kia sông, má nó đứng khuất trong một góc tối, dõi theo bước chân chập chững của đứa con gái năm tuổi đang níu kéo những thực khách trong quán mực nướng cạnh bờ hồ Nguyễn Du:
“Chú ơi chú! Mua dùm cháu vé số. Má cháu bệnh. Nhà cháu nghèo lắm chú ơi! Mua dùm đi chú…!”.
     Gặp ai em nó cũng nằn nì lặp đi lặp lại câu thuộc lòng mà má nó tập cho hằng ngày. Nhiều người khó chịu, họ đuổi em nó bằng những câu dọa nạt cục cằn. Có người đa nghi, họ dáo dác nhìn ra ngoài đường như muốn tìm kẻ nào xúi con bé đến làm phiền cuộc vui của họ. Cũng có người tốt bụng cho nó vài miếng ăn thừa. Một số người thì mua giúp nó vì tội nghiệp hay vì muốn đuổi nó đi cho nhanh.
     Một chiêu khác của má nó là bảo em nó đến mời những đôi trai gái đang tình tứ ở những băng ghế đá tối tối rải rác trong công viên. Họ rất sợ phiền nên mua cho nó đi phức. Vả lại, những cô gái mới lớn hay mủi lòng còn cậu trai thì luôn tìm cơ hội để ga lăng. Cho nên, nếu may mắn một đêm má nó có thể bán cả trăm vé. Mỗi vé thầu số trả hoa hồng là một ngàn đồng. Vậy bình quân mỗi đêm má nó cũng kiếm được cả trăm ngàn.
     Nó bực dọc lần trong bóng tối, trở lên cái nhà lạnh lẽo chỉ còn mỗi bà ngoại nó với ngọn đèn dầu leo lét. Bà nó có thói quen hễ sụp tối là vô mùng nằm cho tới sáng. Bà hơn bảy mươi rồi nên mỗi đêm bà chỉ ngủ hai ba tiếng là cùng. Thời gian còn lại, bà nằm nghe tiếng xạc xào của gió rồi buồn tủi cho số phận của đứa con gái độc nhất của mình. Chồng bà mất sớm chỉ để lại cho bà một đứa con gái. Ngặt nỗi con gái bà xấu quá nên hơn ba mươi mà chẳng có anh nào để ý. Thời may có anh chàng tứ cố vô thân quê ở tận Cà Mau lưu lạc tới đây rồi ở rể nhà bà. Thằng rể bà cũng chăm làm lắm. Nhưng ngặt nỗi hắn mê xem bóng đá quá. Cứ thứ bảy, chủ nhật là hắn đi qua Long Xuyên chơi sáng đêm. Hắn hay chê nhà bà là cái xứ gì mà đến giờ này vẫn chưa có điện. Rồi một ngày, hắn không nói một lời nào mà đi biệt, bỏ lại đứa con gái út mới vài tháng tuổi. Hai mẹ con bà đành ngậm ngùi trách ông điện lực sao không kéo điện về nhà bà, chỉ cách con sông rộng có hai ba trăm mét chứ bao xa?
     Nó hì hục xách chiếc bình ắc-quy ra sân rồi vô nhà mò mẫm tìm một đoạn dây đèn chớp cũ mà nó lượm được hồi Tết từ một quán nước sang trọng bên Long Xuyên. Má nó sắm cho nó bộ bình ắc-quy với bóng đèn củ cải để ban đêm nó học bài. Cả tháng nay mỗi đêm bị bỏ ở nhà, đêm nào nó cũng lôi ra, gắn điện vào mà ngắm những bóng đèn nhiều màu nhảy múa. Do không có điện, nên từ lâu nó có thói quen học bài, làm bài tập ban ngày, không như những đứa trẻ bên Long Xuyên, mới lớp một, lớp hai đã học thêm túi bụi. Đêm đến, nó qua Long Xuyên bán vé số. Đây là thói quen, là công việc mà nó đã làm mười mấy năm qua, từ hồi mấy tháng tuổi. Vậy mà giờ đây, đêm nào má nó cũng không cho nó qua Long Xuyên. Nó nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao má nó như thế. Sao má không để nó đi bán để kiếm thêm tiền? Nó lớn rồi, nó có thể tự kiếm tiền được. Nó có thể tự lấy vé từ thầu số và đi bán kiếm tiền mà không cần má. Nhưng làm cách nào để qua bên kia sông?
    Má nó vẫn cứ buộc nó ở nhà. Mỗi đêm nó nhìn qua Long Xuyên một cách thèm thuồng và chỉ biết chơi với sợi dây đèn chớp vô vị. Cho đến một ngày, trời oi bức, gió gào rú kéo mây mưa. Má nó sốt nằm liệt giường. Chị nhìn cọc vé số mới lãnh mà lòng nặng trĩu. Sắp phải đóng học phí học kỳ hai cho nó, mặc dù được miễn giảm một nửa nhưng con số vẫn không nhỏ đối với chị. Nếu tối nay chị không đi bán thì dù ngày mai chị có khỏe lại đi bán cả ngày cũng không bán hết.
     “Má à! Má nằm nghỉ ở nhà, để con đi bán”. Nó lăm lăm mắt nhìn cọc vé số trên bàn.
    “Từ nay về sau, con không được đi bán vé số nữa, lo học hành đi, không lẽ suốt đời đi bán vé số?”. Má nó trả lời trong hơi thở khó nhọc. Bình thường thì chị đã mắng nó té tát.
“Con học bài ban ngày rồi, buổi tối ở đây không có đèn không có điện, chán muốn chết!”. “Mày cũng suy nghĩ giống thằng cha của mày. Vậy mày cũng đi theo thằng cha của mày đi!”.
Đợi có thế, nó chộp cọc vé số chạy vụt ra khỏi nhà, chạy xuống bến sông. Nó cởi vội dây neo, phóng lên chụp lấy cây dầm. Nó chưa biết chèo ghe. Trước giờ má nó chèo, nó ngồi ngoài trước mũi ghe bơi phụ má. Nó cố bơi trong dòng nước chảy xiết, trong từng cơn gió giật. Bất ngờ, một cơn gió hất văng nó ra khỏi ghe. Nó ngoi lên nhìn thấy bóng chiếc ghe đang trôi vùn vụt ngày càng xa nó. Nó cố bơi theo. Nó bơi trong sự hoàng loạn tột cùng, rồi nhận ra rằng chính nó cũng đang trôi, đang vẫy vùng với dòng nước. Nó căng mắt tìm bờ chỉ thấy lấp lóa ở phía xa những ánh đèn đêm quen thuộc. Nó nhìn hướng ngược lại, nơi nó nghĩ là bờ cồn Phó Ba nhà nó, chỉ thấy đặc quánh một màu đen thăm thẳm. Dường như đuối sức, nó lật ngửa mình, mặc cho dòng nước cuốn trôi.             
Bây giờ, cái cảm giác sợ hãi mới bắt đầu đến với trí óc của nó. Mấy ngày nay má nó bệnh, nó đã trông đợi má nó cho nó đi bán trở lại. Nhưng má vẫn kiên quyết. Nó biết má nó cũng khổ tâm. Theo lời ngoại nó kể, sở dĩ má nó không cho nó đi bán nữa là vì má nó đã chứng kiến cảnh nó bị bạn học cùng trường trêu chọc, gọi con chị là thằng bán vé số. Thêm nữa, má nó cũng biết chuyện bạn Linh bị gia đình cấm chơi với nó vì nó là thằng bán vé số. Má nó chỉ muốn nó học thật giỏi để sau này có tương lai tốt hơn. Mấy ngày nay má nó bệnh nhưng vẫn ráng làm kiếm tiền. Chẳng lẽ nó vì những lời nói, những lời trêu chọc ấy mà để má một mình gồng gánh kiếm tiền? Nó thấy mình đã lớn, mấy năm nay cũng thành thạo việc kiếm tiền. Nó không sợ ai trêu chọc khinh khi hết. Giờ là lúc nó thể hiện cho má nó biết năng lực của nó. Nhưng nó đang chìm dần trong dòng sông Hậu tối tăm.
Bất chợt, lưng nó chạm phải một cái cọc tre. Nó mừng rỡ chụp lấy và ngoi lên nhìn tứ phía. Nó thấy bến phà Ô Môi thật gần. Nó thấy một chuyến phà qua cách nó khoảng hơn năm mươi mét. Nó thét gào kêu cứu nhưng chiếc phà vẫn lạnh lùng trôi xa. Sau mấy lần như vậy, nó bỏ cuộc thôi không kêu cứu nữa. Nó lại hy vọng vào những chiếc ghe đi qua lại có thể nhìn thấy nó. Tuy nhiên trong màn đêm đen kịt như vầy, với ánh đèn yếu ớt và tiếng máy chạy ồn như thế thì ai nghe, ai thấy nó đang mắc kẹt giữa dòng sông. Những nguồn sáng như quá xa vời với nó. Hy vọng cứ xuất hiện rồi trôi tuột trong gào thét của nó và nỗi tuyệt vọng lớn dần như màn đêm dày đặc phủ xuống nơi này bấy lâu nay…
     Nhưng từ một nơi nó không hy vọng, từ một nơi luôn chìm trong bóng tối, từ một nơi nó sinh ra và lớn lên, một nơi không điện xuất hiện một ánh đèn nhấp nhô tiến về phía nó...

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives