KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23-9-1945 - 23-9-2013)  

Posted by Unknown

Hào khí Nam bộ “Mùa thu rồi ngày hăm ba...”
THIÊN LÝ
(Hội Văn học - nghệ thuật An Giang)

Cuộc chiến đấu trên đường phố Sài Gòn
ngày Nam bộ kháng chiến vô cùng ác liệt.
Đã 68 năm nước Việt Nam ra đời (2-9-1945 - 2-9-2013), và 68 năm ngọn lửa “Nam bộ kháng chiến” bùng lên (23-9-1945 - 23-9-2013), đến nay, nước Việt Nam hát biết bao bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhưng mỗi lần Mùa thu rồi ngày hăm ba lại đến, lời bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn bỗng vọng lên trong lòng bằng một khí thế hào hùng như thuở nào. Trong từng cung bậc cảm xúc “Mùa thu rồi ngày hăm ba. Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô. Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền… Thề quyết giết quân gian tham. Ta xông pha lên đường cứu nước. Ta đem thân ta đền ơn trước…” cứ lặp đi lặp lại cùng tiếng đàn thúc giục bước chân, hòa vào ngọn lửa hào khí Nam bộ thành đồng. Bài hát ấy không chỉ là thước phim tái hiện lịch sử của dân tộc, mà còn là một bản hùng ca khởi nguồn khí thế đấu tranh của quân dân Nam bộ trong những ngày đầu bước chân vào 9 năm kháng chiến chống Pháp của nước Việt Nam non trẻ.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì đất nước cũng đang đối diện trước cảnh “bốn bề giặc vây”, tình hình “ngàn cân treo sợi tóc” ấy nếu Đảng không có sách lược đúng đắn cho cả hiện tại và tương lai thì chính quyền non trẻ vừa mới tạo lập được sớm hay muộn sẽ bị các nước “đồng minh” bao vây tiêu diệt. Đưa ra được sách lược lèo lái con thuyền cách mạng giữa muôn trùng sóng vỗ cập bến đã chứng tỏ được trí tuệ, bản lĩnh của cách mạng Việt Nam và Hồ Chủ tịch.
Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến
Cùng với cả nước, ở Nam bộ, trung tâm là Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, sau làn sóng Cách mạng tháng Tám (diễn ra từ ngày 17 đến 24-8) và Quốc khánh 2-9, tình hình chiến sự, chính trị - xã hội diễn biến phức tạp. Ngày 6-9-1945, phái bộ Anh trên danh nghĩa đồng minh giải giáp quân Nhật đã có mặt ở Sài Gòn, theo gót “đồng minh” Anh, Pháp cũng kéo vào chiếm đóng một số nơi trong thành phố, chúng bắt tay nhau triệt hạ chính quyền cách mạng bằng mọi cách. Chúng hô hào về sự cần thiết phải có mặt đội quân “đồng minh” vì lực lượng cách mạng không đủ sức giữ vững an ninh trật tự ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định trước sức mạnh của tàn quân Nhật. Để tiếp tay cho Pháp“hợp thức hóa” lực lượng chiếm đóng tại chỗ, phái bộ Anh thả hơn 1.400 lính Pháp bị Nhật bắt trước đó, rồi trang bị vũ khí, quân trang Anh cho số lính này, hàng ngàn tên lính Pháp “đội lốt” quân Anh này là mối nguy hại lớn cho chúng ta, bởi chúng đứng chân đã lâu trên đất Sài Gòn, thông thuộc đường sá, dễ dàng tấn công quân cách mạng. Chúng ngang nhiên đi trên đường phố Sài Gòn cướp bóc, đánh đập người dân, nhằm gây hấn tạo ra xung đột, hòng lấy cớ mở rộng đánh chiếm làm chủ Sài Gòn.
Để có trụ sở hành chính và thành lập bộ máy chỉ huy tác chiến “hợp pháp”, ngày 13-9-1945, tướng Gracey, chỉ huy quân đội Anh - Ấn yêu cầu Nhật giao Dinh Toàn quyền lại cho Pháp. Gracey lại yêu cầu Lâm ủy Nam bộ phải giải tán dân quân, và Thanh niên Tiền phong, giao nộp vũ khí và cấm biểu tình; ngoài ra, chúng còn tổ chức ám sát những người lãnh đạo cách mạng chủ chốt của ta ở Sài Gòn, làm“tan rã” bộ máy lãnh đạo. Trước tình hình rối ren ở Nam bộ, Trung ương cử đoàn cán bộ vào Nam hỗ trợ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu làm toàn quyền, theo dõi tình hình địch và giải quyết vấn đề Nam bộ nên “đánh” hay “hòa hoãn” với Pháp.
Tối ngày 22 rạng ngày 23-9-1945, ngọn lửa Nam bộ kháng chiến bùng lên, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm nhiều nơi trong Sài Gòn, quân dân Sài Gòn đánh trả quyết liệt, kềm chân địch, bảo vệ các trụ sở hành chính của ta, vây hãm địch trong nội thành...
Bằng tầm vông, gậy gộc các cụ già cũng đứng lên kháng chiến
Trước hành động gây hấn của Pháp, sáng ngày 23-9-1945, tại nhà số 629, đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) ta tổ chức một cuộc họp liên tịch khẩn cấp gồm 8 người dự, trong đó đại diện của Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Nam bộ. Hội nghị thống nhất thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và bầu đồng chí Trần Văn Giàu (Sáu Giàu) làm Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Đồng chí Hoàng Quốc Việt vào đến Sài Gòn ngày 27-8 cũng tham gia cuộc họp quan trọng này. Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trần Văn Giàu phân tích và báo cáo tình hình chiến sự giữa ta và Pháp ở Nam bộ: “Quân Pháp với sự giúp đỡ của Anh đã đánh chiếm trung tâm Sài Gòn, như trụ sở Ủy ban, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc… Anh em các nơi đang chờ lịnh, đêm nay chúng ta sẽ quyết định vấn đề sống còn của đất nước. Pháp đã nổ súng xâm lăng nước ta một lần nữa. Tôi yêu cầu hội nghị quyết định kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi kháng chiến do tôi soạn để anh em chỉnh lý, bổ sung. Tôi cũng đề nghị Xứ ủy và Ủy ban dời về một nơi an toàn như Tân An. Còn cơ quan chỉ huy tác chiến thì dời ngay xuống Chợ Đệm, bên dưới cầu Bình Điền…”. Nhận định tình hình “thù trong giặc ngoài” của cả nước nói chung và Nam bộ nói riêng, các đại biểu còn đang cân nhắc thì đồng chí Hoàng Quốc Việt đưa ra ý kiến: “Không được ra lịnh kháng chiến...! Không được nóng vội, chờ chỉ thị của Trung ương Đảng…”. Tổng bộ Việt Minh nhận định tiếp: “Chúng ta mới cướp chính quyền, tổ chức còn bề bộn, lực lượng còn ít ỏi, thế bị cô lập, ta nên hòa hoãn, thương lượng, không nên đối đầu bằng súng đạn. Nếu nay ta kêu gọi kháng chiến, máu đổ thêm nhiều, càng khó thương lượng…”. Nhận định này phù hợp với tình hình ngoài Bắc lúc bấy giờ mà Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đang đối sách giải quyết khó khăn, từng bước loại thải những kẻ thù đang đối lập, trong đó có quân Tưởng và các đảng phái khác.
Song tình hình chiến trận trên các miền có sự khác biệt lớn, ở Sài Gòn, từ ngày tuyên bố nước Việt Nam ra đời, bộ máy chính quyền cách mạng chưa xác lập ổn định, quân Pháp theo sau lưng Anh trở lại xâm lược quá sớm, Pháp cố tình gây hấn để tiến chiếm trọn Sài Gòn và toàn Nam bộ làm bàn đạp đánh ra miền Bắc, hoặc Pháp xây dựng hoàn chỉnh bộ máy cai trị thì càng làm cho ta đứng vào thế bị động. Các đại biểu chọn phương pháp đấu tranh khác không phải đối đầu bằng súng đạn, nhưng Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu ra lời cương quyết: “Địch đánh ta, ta đánh lại. Tất nhiên là vậy, ta không đánh lại thì địch được nước đánh tới, ta càng mất đất mất dân. Nhất là mất uy tín trong dân, ta không ra lịnh đánh thì dân cũng đánh. Như vậy là đánh thiếu tổ chức, đánh thiếu chỉ huy. Dân đánh mà ta không chịu đánh thì ta làm sao lãnh đạo dân được nữa? Ta đánh, diệt được nhiều địch, gây nhiều tổn thất thì địch mới chịu thương thuyết đàng hoàng…Tướng ở biên cương như tướng nội địa và ở kinh thành đều phải tuân theo lịnh vua, nguyên tắc là như vậy, song tướng ở biên cương có khi không chờ lịnh vua… Trong trường hợp nếu chờ lịnh vua thì địch lấy mất biên cương, tràn vào nội địa, cướp của bắt người… Tướng biên cương phải tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình sao cho có lợi nhất…”. Đánh hay chờ Chỉ thị Trung ương? Cãi nhau từ 6 giờ đến 7 giờ, Trần Văn Giàu cuối cùng đi đến quyết định: Đánh! Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu trình bày Lời kêu gọi trong Hội nghị để các đại biểu góp ý, thống nhất thông qua. Sau đó Sáu Giàu giao bản thảo Lời kêu gọi cho Huỳnh Văn Tiểng đem đi in ra ngay để vào sáng sớm phát rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Kháng chiến bùng nổ, quân dân Sài Gòn bằng vũ khí giáo mác, gậy gộc đánh chặn bước tiến của địch, nay ủng hội Lời kêu gọi kháng chiến của Bí thư Xứ ủy - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trần Văn Giàu, nhân dân khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhất tề đứng lên đánh Pháp, một góc trời chìm trong biển lửa. Cơ quan chỉ huy kháng chiến dời về Chợ Đệm, các mặt trận đều dũng cảm giữ từng tấc đất, từng dãy phố. Nhiều chướng ngại vật được dựng lên trên từng con phố để cản bước tiến của địch đánh chiếm ra các vùng ngoại ô thành phố. Dù tổ chức Thanh niên Tiền phong bị giải tán từ trước đó nhưng anh em thanh niên đều tự nguyện tham gia chiến đấu trong hàng ngũ du kích; người dân nam, nữ ở mọi lứa tuổi đồng loạt tập hợp dưới ngọn cờ kháng chiến, và bằng vũ khí thô sơ gươm giáo, gậy gộc, tầm vông… họ xông lên chiến đấu anh dũng, người này ngã xuống người khác tiến tới trước họng súng của địch. Hàng trăm xí nghiệp, công sở, dụng cụ sinh hoạt, đèn điện, thực phẩm… đều bị quân dân phá vỡ không cho rơi vào tay giặc; thành lập 2 công binh xưởng bên ngoài thành phố để sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu. Ta thực hiện lối đánh du kích tiêu hao sinh lực địch, cô lập chúng nhiều ngày liền trong thành phố không điện, không nước, không thực phẩm, vũ khí… Ở mặt trận nào Sáu Giàu cũng có mặt để chỉ huy, đốc thúc tinh thần quân dân. Chiến đấu nhiều ngày liền ta gây cho địch thiệt hại nặng nề, chúng bị khựng lại co rúm trong thành phố. Đặc biệt, chiều ngày 10-10, trong một đợt phản công địch, quân ta từ Xóm Chiếu tràn qua Sài Gòn đánh sập bót cảnh sát quận Nhì của địch trên đường Boresse (nay là đường Yersin); tối đến, cánh quân phía Bắc của ta tràn qua cầu Bông, cầu Kiệu tấn công vùng Tân Định, Đa Kao... Tại cầu Bình Lợi có đội quân Nam tiến của đồng chí Nam Long tới trấn giữ bờ Bắc, không cho quân Pháp đánh nống ra. Phía mặt trận Hóc Môn, quân ta chiến đấu với khí thế hừng hực, tiêu diệt nhiều nhóm quân địch, gây cho chúng hoang mang. Với lối đánh tập kích tiêu hao, cô lập địch của ta, địch phải tìm cách hoãn binh, nhờ phái bộ Anh điều đình với Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.
Ngày 24-9, Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước ủng hộ người và của cho cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào quân dân Nam bộ. Ngày 26-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta; và đánh điện tán thành những chủ trương của Bí thư Trần Văn Giàu trong cuộc họp ở đường Cây Mai nhưng gì lý do nào đó, bức điện không đến được tay Trần Văn Giàu. Đáp lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên miền Bắc, miền Trung, cùng nhiều tướng lĩnh quân sự tài ba như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn... lên đường vào Nam cùng nhân dân Nam bộ kháng chiến.
Để chuẩn bị kế hoạch lâu dài cho 9 năm kháng Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung, ở Nam bộ nói riêng, ngày 15-10-1945, Xứ ủy Nam bộ cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho mở cuộc hội nghị mở rộng tại xã Mỹ Phong, huyện Chợ Gạo (nay thuộc thành phố Mỹ Tho). Tham dự cuộc họp có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Thị Thập, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm...Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng lãnh đạo, củng cố, đoàn kết trong lực lượng cách mạng ở Nam bộ, phân tích rõ âm mưu của thực dân Pháp, và đề ra các chủ trương:
Về tổ chức: Kiện toàn các tổ chức Đảng, chính quyền và quần chúng. Tăng cường cán bộ đảng viên vào bộ máy chính quyền các cấp. Tiến hành tăng cường củng cố các cấp ủy để lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Về nhiệm vụ củng cố chính quyền và chuẩn bị kháng chiến, Hội nghị đi đến quyết định: Thành lập Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam bộ; Vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến; Trước mắt phải bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài; Các cơ quan và lực lượng vũ trang chủ động rút ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch. Cô lập địch trong các thị trấn, thị xã; Đưa cán bộ xuống xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang tập trung; Vận động nhân dân tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn, thực hiện “vườn không nhà trống”; Bằng mọi cách (...) ngăn chặn bước tiến của địch; Xây dựng căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Lập các binh công xưởng ở căn cứ; Bao vây kinh tế địch. Trấn áp bọn phản cách mạng, bọn tay sai thực dân Pháp; Kiên quyết đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.
Trung đội học sinh Hà Nội trong đoàn quân
Nam tiến ngày Nam bộ kháng chiến
Ngọn lửa kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ cháy bùng, với kế hoạch kháng chiến trường kỳ mà Xứ ủy Nam bộ vạch ra, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương và Hồ Chủ tịch, tinh thần Nam bộ kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn bắt đầu lan ra toàn Nam bộ, từ khắp các tỉnh, lực lượng kháng chiến được hình thành, từ ngày “đi trước” ấy, trong bưng điền Đồng Tháp Mười, quân dân Nam bộ đã làm nên nhiều trận thắng vang dội. Chín năm ấy, bản hùng ca “Nam bộ kháng chiến” luôn được cất lên bằng giọng đồng ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Nam bộ thành đồng…
_________________
Tài liệu tham khảo:
- Nguyên Hùng, Ung Văn Khiêm - Anh Ba nội vụ, NXB Công an nhân dân, 2005 (Hồi 47, Hồi 48, Hồi 49).
- Lịch sử Đng btnh Tin Giang (sơ thảo), tập 1 (1927-1954), 1985.
- Bản tốc kýcủa Trần Hữu Phước, Trần Văn Giàu không phi làngưi buông giáo, nguồn:
http://honvietquochoc.com.vn
- T.S Vũ Ngọc Am, Phát huy truyn thng Ngày “Nam bkháng chiến”, nguồn:
www.cpv.org.vn

- Nhiều tác giả, Lịch sử Tây Nam bộkháng chiến, tập 1 (1945-1954), NXB CTQG, 2008.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives