Con rắn nước cụt đuôi  

Posted by Unknown

Con rắn nước cụt đuôi
Truyện ngắn
THÀNH NAM
(132/1, Trần Hưng Đạo,Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ)

Tôi chạy đến chìa bàn tay trái cho má lúc chưa định thần, bà hốt hoảng kêu lên:
- Cái gì làm máu ra dữ vậy?
Tôi trả lời hụt hơi:
- Rắn cắn!
Nhìn mặt tôi xanh như tàu lá, má ôm tôi vào lòng kêu ngất lên: “Con ơi!”. Rồi má bứt vội một cọng dây chuối khô cột chặt phần trên vết cắn tay tôi để chặn bớt nọc độc về tim.
Má hỏi lớn dồn dập:
- Còn cái đuôi con rắn trên tay phải là sao?
- Con nắm đuôi nó đứt một khúc bỏ lại!
Má muốn té xỉu nhưng cố gượng:
- Trời ơi! Rắn gì, sao con gan dữ vậy?
- Rắn nước.
Má mừng. Lấy cái đuôi rắn từ tay tôi, má nhìn kỹ rồi nói:
- Ừ!... Đuôi nầy là rắn nước,… không độc… Gặp rắn hổ chết mẹ rồi con!
Má tôi đã từng “sống chung với rắn” từ thời thiếu nữ đang xuân như “sống chung với lũ”, cho tới ngày ưng ba tôi cũng “về đồng ăn cua”. Do đó mọi hiện tượng ở thôn quê như chuyện con chồn đèn mắc bẫy, con chuột cống đào hang, con vạc kêu sương, con rắn cắn con nhái… má rành hơn sáu câu vọng cổ, thành thạo hơn tiếng “ầu ơ ví dầu…”, má biết con nào độc con nào hiền trong thế giới loài rắn quanh quẩn dưới chân mình bên cuộc đời hiu hắt nắng sớm mưa chiều.
Má kéo tôi vào trong lấy xà phòng rửa máu, nặn chanh vào vết thương. Má nói rỉ rả vào tai tôi: “Sợ nhiễm trùng và phong đòn gánh thôi chớ rắn nước cắn không sao…”. Tôi cũng hiểu như điều má dạy vì lúc lên sáu, lên bảy lội đồng bắt ốc, hái rau, nhổ bông súng, móc củ co… bị rắn cắn như cơm bữa, thường tình như chuyện trai gái yêu nhau lúc cắt lúa trải mạ! Rắn nước, rắn ri voi, rắn voi cá, rắn bông súng cắn tôi chai cả mắt cá bàn chân chẳng hề hà gì! Nhiều lần tôi nắm đuôi rắn nước đập cho chết mỗi khi phát hiện nó “tòm tèm” với con ếch, con nhái khiến “kẻ bị hại” kêu gào ao áo trong bụi đế, bụi sậy làm tim tôi lay động!
Nhưng trường hợp bị con rắn nước cắn năm đó là dấu ấn lớn nhất giữa tôi với loài động vật hoang dã nầy và để lại một kỷ niệm sâu sắc cho tôi với hơi thở đồng bằng nên còn sống là còn nhớ. Ởđó đầy ắp mọi hình ảnh về mây khói thiên thu, về nắng gió dãi dầu, về gian truân lận đận, vui buồn chung chia…
Nhớ chiều hôm rằm tháng chạp âm lịch năm Ất Tỵ 1965, gió chướng thổi về lành lạnh, tinh thần ai cũng phấn chấn, tôi tiếp má xay bằng tay một nồi bột gạo bốn chục lít chuẩn bị khuya chở đi tráng bánh ăn Tết. Xay bột xong, má sai tôi ôm gốc điên điển khô chất xuống xuồng mang theo để người ta đun sôi cái nồi nước bốc nhiệt làm chín bột. Bởi theo lệ ngày xưa, vùng tôi Tết cúng ông bà phải có bánh phồng bánh tráng đi kèm. Bánh tráng cũng phải đủ hai loại: bánh tráng trắng và bánh tráng ngọt, loại không đường, loại có. Và theo qui ước bất thành văn: người nào mang bột đi mướn lò tráng bánh, phải tự mang theo củi đốt. Người ta thường sử dụng gốc cây điên điển trồng vào mùa nước nổi, phơi khô vì đất ruộng ngày đó mỗi năm chỉ làm một vụ lúa mùa, thời gian còn lại xen canh cây điên điển làm củi, một loại chất đốt cháy nhanh, cho nhiệt độ cao mà dồi dào.
Tôi lấy gần hết đống củi thì phát hiện có con rắn nước vàng khè, thân tròn bằng nửa bắp tay người lớn đang ngoạm đầu con cóc tía. Cuống họng con rắn phình to, nó mê mồi đến độ không còn sợ nguy hiểm trước tôi. Con cóc chỉ còn chìa hai chân sau chòi chọt như ra tín hiệu cầu cứu một phép mầu nào đó giúp nó “nước chót”, tôi xuất hiện như một “thần linh” can thiệp cho con cóc đang cơn tuyệt vọng không còn chút mảy may. Tôi lấy khúc tre khều cho con rắn nhả con cóc ra rồi chạy đi chớ không có ý định bắt con rắn. Con rắn vẫn “đam mê” con cóc như mối tình đầu gái trai mộng mị, tôi “hứng chí anh hùng” nói “mầy ngoan cố hả?”. Nắm đuôi con rắn quay vòng lên không rồi đập mạnh thân nó xuống đất, con cóc văng ra cái đầu dẹp lép máu mủ quyện vào nhau thành lớp dịch trắng đỏ nhầy nhụa, con cóc trườn lê lết bằng bản năng chui vào gốc cây. Con rắn trống miệng xoay lại quặp vào tay tôi, đau quá tôi giận nắm chặt hai tay đập nó vào gốc xoài đứt một khúc đuôi, nó chạy sổng xuống mương lặn mất…
Năm sau cũng vào những ngày tháng chạp âm lịch, để triệt hạ máy bay Mỹ bớt bắn phá xóm làng, đội quân Giải phóng đặt súng cối sau vườn nhà tôi “pháo kích” xuống phi trường Trà Nóc… Sáng ra tôi gom vỏ đạn cất giấu sợ “lính quốc gia” vô gặp bắt nhận đầu cả nhà xuống mương, tình cờ tôi phát hiện con rắn nước cụt đuôi năm trước, giờ nó to mập tròn hơn nằm trong đám cỏ gần đống vỏ đạn. Tôi tỏ ra thân thiện với nó, thể hiện sự hối tiếc về vụ xảy ra không đẹp giữa tôi khiến nó tàn tật. Nhưng có lẽ do tính “nghi ngờ” con rắn chạy phăng vào ruộng lúa đang mùa trổ hạt đòng đòng…
Vài năm sau nữa ra thăm vườn, tôi gặp nhiều chiếc da rắn lột đủ màu đủ loại bỏ lại vắt vẻo bên bờ, trên cành cây… có một chiếc mất đuôi, tôi cảm giác con rắn nước cụt đuôi đã “cải lão hoàn đồng”.
Những năm sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chiến sự ở miền Nam nổ ra lớn hơn, quê tôi đắm chìm trong lửa máu, máy bay Mỹ ngày càng bắn phá ác liệt kể cả những ngày Tết dân tộc đến gần, đa phần cây cối quanh vườn không bị miểng đạn thì miểng bom, cả vật dụng xài trong gia đình cũng thương tích, cánh đồng thưa thớt lúa mùa một vụ đêm đêm hứng chịu ánh sáng hỏa châu soi rọi, lúa cũng không ngủ được bình yên để phát triển thời “con gái làm đòng”. Mỗi trái hỏa châu kèm chiếc dù bọc bằng vải nylon mỏng rất chắc và ống vỏ nhôm tròn trắng rớt rụng theo. Bọn trẻ chúng tôi canh chừng khi máy bay mất hút, bò ra lượm các “vật phẩm chiến tranh” về chế thành đồ gia dụng. Vải dù thì may mùng tránh muỗi, nó dầy kín hơi nhưng rất mát và muỗi nhỏ kiểu nào cũng không chui lọt vào được. Tôi đã ngủ vùi trong chiếc mùng dù đau thương ấy suốt cả thời trẻ dại và hoa niên tang tóc nhất đời mình. Cạnh làng tôi bên kia cầu Giáo Dẫn có một chiếc phản lực Mỹ bị du kích bắn rớt ngoài ruộng, phi công chết, chiếc máy bay bị vùi sâu trong lòng đất, sau ngày Giải phóng bà con xúm nhau bới lên được một chiếc dù rộng, làm phương tiện che nắng che mưa đủ chứa hằng trăm người cho làng xóm những ngày tiệc tùng cưới hỏi, tạm đối phó vào thời kỳđất nước còn bao cấp khó khăn, nó vừa là biểu tượng thắng lợi của cuộc cách mạng nhân dân, vật chứng thiết yếu giúp xóm làng tôi có niềm vui để ngồi chung chia sẻ, ôn chuyện, kể lể về cái thời mất mát nhiều người thân.
Năm còn chiến tranh ba tôi lấy vỏ trái sáng hàn thành một cái thùng to dùng nấu bánh tét vào những ngày giỗ, Tết. Nhiều hộ khác dùng ống trái sáng thay cho bộ cột nhà làm bằng cây tạp bị mối mọt ăn. Tôi lí lắc hay nhảy vào chiếc nồi nhôm khi ba không nấu bánh. Sau nầy trưởng thành có lúc do hoàn cảnh đơn chiếc, tôi lại dùng chiếc nồi ấy “nhốt” thằng con trai vừa biết bò trườn mỗi khi bận công việc không người trông coi! Chiếc nồi ấy đến giờ vẫn là kỷ vật in đậm hình hài nhiều thế hệ cha con ông cháu chúng tôi khi nó bập bùng bên bếp lửa hay nằm im vào một góc khuất kỷ niệm…
Lần đó vào mùa lũ các gò đất quanh vườn bị nước nhận chìm, rắn rết trôi nổi lêu bêu leo lên các ngọn cây, vào nhà ẩn trốn. Một con rắn hổ đất bằng cán mác vót tre chui vào chiếc nồi nấu bánh trú thân, tôi phát hiện, nó thấy động nhảy xuống giường cất cao đầu phùng mang, cổ lép xẹp như miếng mo cau dựng thẳng, le lưỡi kêu “khù khù” hù dọa. Tôi đập cho một cây tầm vông, rắn chết tại chỗ đem làm thịt nấu cháo đậu ăn. Nhìn con rắn hổ tôi mơn man nhớ con rắn nước cụt đuôi tương đối hiền từ không dữ tợn như “tên” nầy cắn vô là trào đờm chở đi tìm thầy thuốc không kịp.
Trong sâu thẳm, tôi và con rắn nước cụt đuôi “có mối quen biết” do điều kiện cuộc sống. Không là kẻ thù, chỉ bốc đồng tính khí và muốn cứu “cậu ông trời” mà tôi làm nó mất đuôi. Sau nầy rắn trở thành ác mộng với tôi suốt quãng đời còn lại khi tuổi cao càng chồng chất: trong những giấc chiêm bao nhọc nhằn do gân cốt teo yếu máu me lưu dẫn mất bình thường tôi hay gặp rắn cắn, tỉnh dậy hôm sau là bệnh đi “nhà thương”!
Giờ gần nửa thế kỷ trôi nhanh, con rắn nước cụt đuôi của tôi có còn không? Tôi không bao giờ nhìn thấy bóng dáng nó nữa từ năm nó khuất dạng vào cánh đồng đã in đầy dấu chân tôi thời thơ dại. Đã hằng bốn chu kỳnăm Tỵ, không hiểu sao tôi cứ nhớ hình ảnh con rắn nước cụt đuôi, nó có trường sinh bất tử hay cũng theo qui luật đời người?
Ngày xưa quê tôi bạt ngàn rắn. Rắn nhiều gấp nhiều lần dân số địa phương, đầu đường cuối ngõ bước ra là gặp rắn, nó quấn trên ngọn cây, trầm mình dưới mương, ẩn trong bụi cỏ, băng qua sông khi có tiếng xuồng ai bơi lũm bũm, chạy ngang mặt khi nghe tiếng chân người lịch bịch, bò vô mùng ngủ chung với tôi, lội lang thang vào mùa nước nổi như diễu hành mừng lũ! Tôi ăn rắn riết ngán nên không mặn mà với thịt chúng. Những năm gần đây thành phố tôi có nhiều quán “lẩu rắn” mọc ra thu hút khách đến với đô thị đồng bằng, có lẽ tôi cũng đến đó ăn thử một lần cho có “phong trào” bè bạn.
Có lần bỗng dưng cổ họng tôi nghẹn lại, mắt hoe mờ, lòng muốn khóc, nghe nằng nặng một nỗi niềm khi nhìn cô gái nhỏ mang con rắn dài lòng thòng ra chọc huyết cho vào ly rượu đãi khách sang giàu. Chúng là con vật cũng có tên tuổi với mùa xuân, tiếp với muôn loài giữ quân bình môi trường sinh thái được bình yên, tránh tận thế, sao ta nỡ lòng nào?
Về lại khu vườn xưa biến dạng theo thời gian dâu bể, ba má tôi không còn nữa vì thiếu khả năng “lột vỏ trường sinh”. Vào năm rắn, đứng cái nơi chiến tranh đi qua và ngày đó có nhiều rắn, tôi ngậm ngùi vuốt mái tóc già nua, mái tóc mà ngày còn xanh má tôi hôn lên chùng chụt lúc tôi bị con rắn nước cụt đuôi cắn.
Tôi kêu lên:
- Ba má ơi!… Rắn nước cụt đuôi ơi! 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives