Thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận  

Posted by Unknown

NGỌC TÂN

Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ nổi tiếng có từ thời Lý, Trần (thế kỷ XII - XIII) thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm. Chùa này nằm ở chỗ hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn gọi là khu vực ngã ba Phượng Nhãn. Chùa nhìn ra ngã ba sông và nhìn về phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc. Phía sau chùa là thôn Đức La, xa hơn nữa là vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào vùng núi Yên Tử. Bao quanh chùa có một số núi lớn tiêu biểu là núi Cô Tiên. Ra vào chùa có thể đi theo sông Thương, sông Lục Nam và con đường quốc lộ 31 đi Trí Yên (Yên Dũng). Năm 2012, bộ mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 5 chương trình ký thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Thái Lan. Bộ mộc bản này gồm 3.050 đơn vị ván khắc, trong đó có 2 bộ kinh Phật và luật sa di giới, luận bàn, giải thích về kinh Phật và trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng thiền phái Trúc Lâm.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa Vĩnh Nghiêm.
Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch nhằm nhớ ơn bà Chúa Liễu Hạnh (tức Phạm Tiên Nga, còn có các tên khác: Bà Chúa Liễu, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu). Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ Mẫu Liễu rất tôn nghiêm. Cùng thời điểm tổ chức lễ hội Phủ Dầy, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được cúng bái tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng. Thành ngữ dân gian một số nơi ở miền Bắc có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” ám chỉ Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt, gần quốc lộ 10 từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình (tỉnh lộ 56). Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà Chúa Liễu Hạnh (phủ chính), ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà Chúa Liễu Hạnh.
Lễ hội Nghinh Ông, huyện Cần Giờ (TP.HCM) phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân huyện Cần Giờ, được tổ chức vào dịp rằm Trung thu, trong 3 ngày từ 15 đến 17-8 âm lịch; trong đó có hai phần chính Lễ và Hội, phần trọng tâm của lễ hội là nghi lễ Nghinh Ông trên biển được diễn ra vào ngày 16-8 âm lịch. Các nghi thức cúng lễ thường được tổ chức tại Lăng Ông Thủy Tướng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, nhằm tạ ơn Thần Nam Hải (cá Voi) và Thần biển đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất. Lễ hội cũng là lễ cầu mong sự bình an khi ra biển, cầu mong một mùa bội thu, đây còn là dịp để các ngư dân tạ ơn những người đã chế tạo ra phương tiện và ngư cụ sản xuất. Theo những bậc cao niên Cần Giờ, miếu thờ lăng Ông Thủy tướng Cần Giờ đã có từ khi chúa Nguyễn vào Nam. Các đời chúa từ thế kỷ XVII-XIX đều có sắc phong và chỉ dụ các quan sở tại chu toàn việc hương khói. Hiện nay, miếu đang lưu giữ một bộ cốt cá ông gặp nạn và trôi dạt vào bờ từ năm 1971, dài 12m.
Hát bả trạo còn gọi là Chèo bả trạo, Hò đưa linh, Hò hầu linh, là một loại dân ca nghi lễ của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên đặc biệt là từ Quảng Nam - Đà Nẵng cho tới Bình Thuận. Hát bả trạo có nghĩa là hát có kèm theo động tác múa (bả = nắm chắc, trạo = mái chèo). Đây là một loại múa hát dân gian được tổ chức theo tục lệ hàng năm hoặc hai ba năm một lần nhân dịp lễ tế cá ông (hoặc lễ Nghinh Ông) còn được trình diễn nhân dịp đưa tang cá ông (cá voi) và trong các lễ hội cầu mùa của ngư dân. Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ. Có thể nói hát bả trạo gắn liền với nghi lễ, bởi vì khi tham gia Bả trạo tất cả mọi người, từ diễn viên đến khán giả đều cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng - từ lòng kính đối với Ông. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, vì vậy trong lễ Nghinh Ông hát bả trạo đóng một vai trò quan trọng thu hút nhiều người tham gia và là một phần của văn hóa dân gian, tuy mang tính nghi lễ nhưng vẫn cung cấp được tài liệu quý báu về phong tục, tập quán và nghệ thuật. Dần dần, loại hình này biến thành múa hát nghi lễ, áp dụng trong tang gia của các ngư dân, rồi lan ra quần chúng, gọi là hò đưa linh. Thành viên của đội Hát bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng khoảng 10 đến 16 con trạo tùy theo sự tổ chức của từng địa phương, nhưng phải luôn luôn số chẵn.
Về trang phục: Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo. Tuỳ từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các con trạo thì mặc áo trắng quần trắng (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20, sơn đen trắng. Về nhạc cụ có đàn cò, trống, kèn và sênh.
Nghề dệt chiếu, xã Định Yên, xã Định An, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) có truyền thống lâu đời hàng trăm năm qua và nổi danh nhờ nét văn hóa độc đáo qua tay nghề của những người thợ, cũng như chất lượng sản phẩm các loại chiếu truyền thống làm bằng cọng lác, cây bố vốn là những nguyên liệu tại chỗ. Nhưng độc đáo nhất vẫn là hình thức mua bán mang đậm nét đặc trưng vùng sông nước phương Nam, thương lái khắp nơi đậu ghe tấp nập ở bến sông, trước sân đình và nhóm chợ vào đêm khuya tới sáng nên dân gian và người địa phương gọi là “Chợ Ma”. Nghề này đang được người dân địa phương duy trì. Tuy việc dệt chiếu và hình thức mua bán đã có phần thay đổi so với trước đây nhưng nghề truyền thống này vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Lấp Vò nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Theo thống kê của Bộ, tính tới nay, trên địa bàn cả nước đã có tất cả 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives