Chợt nhớ bài  

Posted by Unknown

"Con cá, chột nưa"
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(Trường THPT Chuyên NT Minh Khai, Sóc Trăng)

Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, trên miền Bắc XHCN, nhiều lứa học trò như chúng tôi được học bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu.
Bài thơ là một “vở kịch” khá gay cấn về câu chuyện tuyệt thực đấu tranh trong lao tù thực dân Pháp. Đã gần một tuần, chỉ có nước lã cầm hơi nhưng ai nấy đều giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng (Năm sáu ngày mệt xỉu/ Thuốc làm khuây mấy điếu/ Vài ba hớp nước trong/ Suy nghĩ chuyện bao đồng/ Vẫn không ngoài chuyện đói). Cái bụng đói cồn cào không cách nào “giấu được” tưởng chừng gục ngã trước mọi cám dỗ của đời thường: cai ngục vẫn dọn cơm bình thường, để ngay gần cửa và hướng trước gió để mùi cơm, mùi cá lan tỏa khắp dãy phòng giam (Đầu sàn canh bốc khói/ Chén cá nức mùi thơm/ Lên họa với mùi cơm/ Sao mà như cám dỗ!).
Cái đói làm cho giấc ngủ không yên và “cái bụng” luôn tìm mọi lý do nhằm che giấu cái xấu của mình (Muốn ngủ mà không ngủ/ Cái bụng cứ nằn nì/ Ăn đi thôi, ăn đi/ Chết làm chi cho khổ?). Người chiến sĩ vẫn kiên cường (Im đi cái giọng mày/ Tao thà cam chịu chết!). “Cái bụng” tiếp tục tấn công nhằm hạ gục đối thủ (Đời mới hai mươi xuân/ Chết làm chi cho khổ!). Và trơ tráo thay, hắn bày mưu mẹo cho người chiến sĩ cách mạng “cách ăn, cách súc miệng” nhằm xóa mất dấu vết “ăn vụng” (Ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa/ Có ai biết, ai ngờ/ Thế vẫn tròn danh dự/ Không can chi mà sợ/ Có hôi miệng hôi mồm/ Còn sẵn nước khi hôm/ Uống vô là sạch hết!).
Đến lúc này thì người chiến sĩ cách mạng có vẻ xiêu lòng (Lần này tôi thú thiệt/ Lời hắn cũng hay hay/ Lý sự cũng đủ đầy/ Nghe ra chừng phải quá/ Ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa/ Có ai biết ai ngờ/ Thế vẫn tròn danh dự!).
Nhưng ý chí, nghị lực của con người từng trải qua luyện rèn, qua thử thách, gian khổ đã chiến thắng “con người cá nhân” trong bản thân mình! Danh dự con người, danh dự một tập thể, một tổ chức mà mình được sống trong đó - không thể nào mua bán, mặc cả được! (Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt, con ngươi/ Đến cạn máu, tàn hơi/ không xa rời kỷ luật!).
Danh dự cá nhân trong tập thể là danh dự của chung, của mọi người. Mỗi người trong tổ chức ấy, tập thể ấy biết bảo vệ danh dự của mình cũng là bảo vệ danh dự tập thể! “Danh dự của riêng thân/Là của chung đồng chí!”.

Bài học ngày xưa ấy còn mang tính thời sự nóng hổi hôm nay! 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives