Giã gạo 3 chày rộn rịp hò khoan  

Posted by Unknown




NGÔ PHAN LƯU
(TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)

Cách đây khoảng bảy mươi năm, vùng nông thôn tỉnh Phú Yên, ví như nhà cô gái có ngày giỗ tuần sau, ngay tuần này phải lo giã gạo. Có nhiều bạn trai trong hay ngoài xóm đêm thường đến chơi, không vì thế mà công việc ngưng trệ. Các bạn trai ấy ra tay phụ giã, thế nên cối có 2 chày, có 3 chày cùng giã. Vào những đêm trăng sáng, tiếng hò khoan cất lên trong lúc giã gạo, thắt chặt tình thân trong không khí vui nhộn, văn hóa dân gian nở hoa khoe sắc.
Hò khoan là loại dân ca phổ biến ở tỉnh Phú Yên, bây giờ đã lùi vào dĩ vãng cùng với cái chày, cái cối. Nào, chúng ta thử tìm lại xem cái không khí thuở nào đã đi vào dĩ vãng, mà một thời đã là niềm vui để vươn lên trong cuộc sống. Hò khoan có mặt khắp trong các sinh hoạt cuộc sống hằng ngày như nhổ mạ, cấy lúa, kéo vải, giã gạo… Có khi tập trung đông vui như ngày hội, có qui mô lớn như trường hò Phú Đăng vang bóng một thời.

Do nội dung câu hò mà ta có thể gọi tên chúng. Ví như trai gái muốn làm quen thì có:

1- Hò Mép (còn gọi Hò Chào). Đây này, như có một bạn trai vừa giã gạo giúp, vừa hò:
“Anh tới đây lỡ hỏi lỡ chào/ Ruột ơi bớ ruột đừng nhào mà đau/ Bức tranh treo có bốn rồng chầu/ Dưới chân bịt bạc trên đầu chuông ngân/ Rùa vàng đỗ nặng đòn cân/ Bạn chào ta một tiếng có phần rồi thôi/ Bạn chào ta, ta đây chào trả/ Em đi đàng mã ta thả chim bay/ Ơn nghĩa anh ai biểu ai bày/ Cho nên anh tới ở nơi này gặp em…”.

2- Hò Diễn. Đó là những câu hò xảy ra suốt trong khi đối đáp, diễn tả những sự việc có ý nghĩa sâu xa mang tính đạo lý làm người trong quan hệ muôn mặt. Ví như vừa giã chày xuống cối, cô gái mở lời:
“Ơn cha đất chở, nghĩa mẹ trời che/ Bạn muốn nên chồng vợ phải nghe lời này/ Chốn lều tranh đừng có phụ phàng/ Lúc chàng đau ốm, lúc nàng nghén thai/ Đầu đội lốt hươu tìm kiếm sữa nai/ Về đền ơn nhạc mẫu khi mang thai nặng nề…”.

Chàng trai 1: Giã chày, tiếp đáp:
“Cây cao lớn cả, bóng ngã tàng râm/ Anh thương em anh cũng thương thân mẹ già/ Mười phần thương mẹ ở nhà/ Mười phần thương bạn, bạn đà hay chưa/ Ơn cha là nặng nghĩa mẹ là dày/ Cù lao dưỡng dục sánh tày non xanh/ Anh nay đà mười tám tuổi xanh/ Cưu mang chín tháng mẹ sanh giờ Dần/ Dương gian lưỡng lộ cách phân/ Ở trong lục giáp Canh Tân rõ ràng/ Nhà anh gần gũi nhà nàng/ Nói cho em biết kết đàng phu thê…”.

Chàng trai 2: Giã chày, chen vào:
“Nghỉ ngơi rồi lại gây chèo/ Sắm thuyền rước khách giàu nghèo anh cũng đưa/ Thiếp với chàng không sớm thì trưa/ Sông sâu tạm chiếc đò đưa qua vời/ Anh đứng giữa trời anh hưởng lộc trời/ Giàu nghèo đưa hết không phụ người khó khăn…”.

Chàng trai 3: Giã chày, tiếp:
“Dao vàng rọc lá trầu vàng/ Mắt thiếp thiếp liếc, mắt chàng chàng rưng/ Trai Đông Ngô gặp gái Đông Xuân/ Tỷ như xe điện Tây tuần mới vô/ Hèn lâu Hán mới gặp Hồ/ Tỷ như Kim Trọng gặp cô Thuý Kiều/ Gá lời kêu bớ chị Thuý Kiều/ Có thương Kim Trọng ít nhiều hay không?”.

Cô gái lúc này cười duyên, hốt gạo trong cối ra, giọng thỏ thẻ:
“Anh là con nhà nho nhã/ Ra hô bài hát bội “nẫu” khinh/ Anh là quyền quí hiển vinh/ Người mà như vậy tình hình làm sao/ Kẻ “nẫu” thương nẫu thưởng đôi hào/ Người mà không có xu nào cũng coi/ Anh học chi cái nghệ bài chòi/ Anh đứng đây hô hát cổ lòi gân xanh/ Em thấy anh, em cũng thương tình…”.
Ý cô gái nói như thế vì các chàng trai làm bộ làm tịch quá, ăn nói lưu loát điển tích bài bản quá, điệu bộ lại giả dối, giống như anh hát bội vậy!
Các chàng trai nghĩ: Vậy ra ta là kép hát đấy. Chà, chà! Cô này ghê thật, nhưng có sao đâu. Hãy xem nè:

Chàng trai 1: Hò dõng dạc:
“Cô nàng ơi nàng nghĩ không xa/ Nghề này xấu mặt học đàng hoàng cũng nên/ Tục đời chữ phú nằm trên/ Nghề này xấu mặt ta làm nên nhiều tiền/ Thiếu chi người quyền quí huyên thuyên/ Sống mà không có đồng tiền cũng chua/ Làm nghề nông trời đoạt mất mùa/ Mua mãi thì ế, bán buôn cũng không lời/ Làm ông gì mà không có tiền chơi/ Chẳng lẽ ngồi đó nhai thời cái miệng không”.

Thế là không khí bắt đầu sôi động. Cô gái lại cười duyên liếc mắt đưa tình, cô lại cho lúa vào cối. Thế là 3 chàng trai lại giã hăng say. 

Cô gái cất tiếng hò:

“Em nói chơi, anh đáp cũng thông/ Quyền cùng đó vợ đây chồng với em”.
Cô cười duyên, hò tiếp, trong khi cả 3 chàng ngừng giã để lắng nghe.
“Ít ngày anh trầu rượu tới nhà/ Mẹ thời chịu gả, ông cha không bằng lòng”.

Chàng trai 2: Hò tiếp liền:
“Anh bày em cái trí rất lanh/ Háy con mắt nhỏ, em đi vòng cửa sau/ Ra hè núp bóng vườn cau/ Miệng đờn nho nhỏ anh trao em ân tình…”.

Tất cả đều cười rộ. Thật là táo tợn!

Chàng trai 3 dũng mãnh hò:
“Biết là cha mẹ không đành/ Đôi ta thương lỡ thì mình liệu sao/ Anh bày cái trí cao cao/ Cha mẹ không tưởng, mình cáp ào đi hoang…”.

Tất cả cười như nắc nẻ. Các chàng trai lại vung chày giã lia lịa. Không khí vui cao điểm.

Chàng trai 1 lại tiếp nối, cất giọng hò táo tợn lên đỉnh cao:
“Chúng mình đi thấu Nha Trang/ Đi bốn năm chặng chửa một mang thè lè”.

Cả 3 chàng: Hò đồng bộ:
“Kỳ này ổng hết giọng é, bả hết giọng e/ Kén lâu thành nhộng mang bụng to đi “dìa”!

Ôi, thế là hỏng bét! Giã gạo giúp cả đêm vô ích. Cô gái giận dỗi đứng phắt dậy, đấm thùm thụp vào các chàng trai. Gạo giã đã xong, tiếng cười lại vang lên. Các chàng trai không dám phủi những vết đánh vì nó êm như nhung. Cô gái phủi tay, bưng thúng gạo đã giã xong, đem vào nhà cất. Chặp sau, cô trở ra, cất giọng:

3 - Hò Dìa:
“Mặt trời lặn xuống gốc Tùng/ Chuông treo ải Bắc, trống thùng lầu Tây/ Khuya rồi còn ở chi đây/ Ở than ở thở hay sao không chịu “dìa”?

Thế là những đôi cánh ước mơ đã rớt vào cối bị giã nát bét! Các chàng trai liền cáo từ, nhưng lòng vẫn vui như hội cho dù duyên không thành.

Cô gái cười duyên, tiễn và hò: “Anh “dìa” không lấy gì đưa/ Có hai trái dừa còn ở trên cây/ Cảm ơn mấy anh giã gạo ba chày/ Nhớ ngủ lấy sức để ngày mai đi cày…”.

Cũng như tục ngữ ca dao, hò khoan là hình thức dân ca được truyền miệng, thông qua sự sửa đổi bổ sung của nhiều đời. Tính chất của hò khoan bao gồm cả tính nhân dân, tính hiện thực, tính lãng mạn, tính truyền miệng, tính khuyết danh và tính tập thể. Những qui tắc thẩm mỹ của hò khoan rất đơn sơ, trong sáng nên phù hợp với cuộc sống nông nghiệp thời đó. Giã gạo 3 chày rộn rịp hò khoan nay không còn nữa. Nó đã lùi vào dĩ vãng, nhưng vẫn sống mãi trong tâm hồn của những người hoài cổ, mang nặng bản sắc dân tộc một thời. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives