VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT NƯỚC NGOÀI  

Posted by Unknown

NHÂN KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY SINH CỦA NHÀ THƠ RASUL GAMZATOV (1953 - 2013)
Hiện tượng Gamzatov
LÊ SƠN

Nhà thơ RASUL GAMZATOV
Vào một ngày đầu năm 1973, khi được tin cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cuộc chiến tranh tàn bạo nhất và lâu dài nhất trong thế kỷ XX đã chấm dứt, từ nước Cộng hòa tự trị Dagestan tận vùng Trung Á xa xôi, nhà thơ Rasul Gamzatov đã vui mừng lên tiếng: “Tôi muốn ôm hôn từng người Việt Nam một. Đó là những con người kỳ diệu. Họ không chỉ tiến hành cuộc chiến tranh vì xứ sở, vì tự do của mình, mà họ còn bảo vệ lẽ phải và vẻ đẹp của hành tinh này, bảo vệ cả làng xóm của tôi và ngôi nhà của tôi nữa”. Năm ấy ông tròn 50 tuổi.
Hơn 20 năm sau, trong một cuộc gặp gỡ thân mật với đoàn nhà văn Việt Nam tại Moskva vào năm 1994, Rasul lại nói: “Không ở đâu có sự kết hợp tuyệt vời giữa lòng dũng cảm và sự dịu dàng như ở Việt Nam. Nếu như có một hiến pháp thế giới thì dòng đầu tiên phải kể đến tấm gương anh dũng Việt Nam”. Lúc này ông đã 71 tuổi.
Xin đừng nghĩ rằng đây là những lời nói xã giao để làm vui lòng bè bạn. Không, đây chính là những lời chân tình, nhất quán, thốt ra từ đáy lòng của một người dân miền núi vốn không quen với sự thớ lợ, giả dối. Tình cảm sâu nặng của Rasul Gamzatov đối với nhân dân bắt nguồn từ tinh thần quốc tế cao đẹp vốn thường xuyên được nuôi dưỡng trong tâm hồn ông cùng với lòng yêu nước nồng cháy và lòng yêu quê hương da diết. Điều này thể hiện rõ nét trong nhiều tập thơ nổi tiếng của ông suốt trong hơn nửa thế kỷ như Tình yêu cháy bỏng và căm thù thiêu đốt (1943), Mảnh đất của tôi (1948), Những vì sao trên cao (1962), Tổ quốc của người sơn cước (1980)... và đặc biệt trong tập văn xuôi trữ tình Dagestan của tôi (1967-1971).
Nói đặc biệt là bởi vì sau gần 40 tập thơ, trong đó có những tập từng được tặng giải thưởng Quốc gia và giải thưởng Lenin, nhà thơ lần đầu tiên viết văn xuôi và chính tác phẩm văn xuôi đầu tay này được Gamzatov chọn làm “cuốn sách chính” của đời mình, như ông tự gọi như vậy.
Mới liếc qua đầu đề những chương sách, người ta dễ tưởng Dagestan của tôi là một cuốn sách viết về kinh nghiệm sáng tác, về quá trình hình thành một tác phẩm nghệ thuật, về sự lý giải những khái niệm văn học quen thuộc như hình thức, nội dung, ngôn ngữ, đề tài, thể loại, bút pháp, cốt truyện, tài năng...
Nhưng càng đi sâu vào tác phẩm ta càng khám phá ra những điều bất ngờ thú vị, càng thêm hiểu sâu hơn con người của nhà thơ trên nhiều mặt, càng thấm thía ý nghĩa những từ tổ quốc, đất nước, quê hương, xứ sở mà tác giả đã dùng để bày tỏ tình cảm của mình với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Gamzatov đã tìm ra được những phương tiện độc đáo để thực hiện ý đồ sáng tạo của mình. Dưới hình thức một câu chuyện tâm đắc về văn chương chữ nghĩa, Gamzatov đã chân thành nói lên những băn khoăn, những suy nghĩ nung nấu của mình về những vấn đề rất quan trọng của cuộc sống và có ý nghĩa thời đại như: lòng yêu tổ quốc và tinh thần quốc tế vô sản, truyền thống dân tộc và tính hiện đại, sự thật và lòng dũng cảm... Song bao trùm lên hết thảy là vấn đề tinh thần trách nhiệm của con người nói chung và của nhà văn nói riêng đối với toàn thế giới: “Tôi là một nhà thơ Avar (*). Nhưng tự đáy lòng mình tôi cảm thấy trách nhiệm người công dân không phải chỉ đối với miền Avarstan, không phải chỉ đối với đất nước Liên Xô bao la mà còn với cả hành tinh này, thế kỷ XX này. Không thể sống khác”.
Tinh thần trách nhiệm đó còn thể hiện rõ trong thái độ vô cùng thận trọng của nhà văn dưới ngòi bút của mình, trước mỗi lời nói, mỗi hành động của mình: “Nhà văn cần phải trở thành chủ nhân chân chính những lời nói của mình, những lời thề và những lời rủa của mình. Trước cùng một sự việc, anh ta không thể thề hai lần”.
Cũng như bất cứ người nào có nhân cách và có lòng tự trọng, Gamzatov là kẻ thù không đội trời chung của thói đạo đức giả và sự dối trá. Nếu trước đây, V. Ovechkin, người khai phá con đường mới trong việc miêu tả nông thôn Xô Viết hiện đại, đã từng phẫn nộ thốt lên: “Điều kinh khủng nhất ở một con người là tính thò lò hai mặt. Kể từ cái ngày anh ta phải kìm hãm trong lòng một ý nghĩ để rồi nói ra một điều ngược lại, thì từ ngày ấy sự tha hóa của con người đó bắt đầu”, thì Gamzatov trong Dagestan của tôi cũng không thể im hơi lặng tiếng trước hiện tượng ghê tởm đó: “Trên đời này không có gì kinh khủng hơn sự dối trá. Cần phải dũng cảm nhiều hơn để không từ bỏ lời nói thật. Nếu anh từ bỏ nó, anh sẽ cảm thấy không phải là sự nặng nề mà là nỗi đau khủng khiếp nhất, nỗi dằn vặt của lương tâm”.
Sự dối trá còn là bạn đồng hành của sự hèn nhát mà nhà thơ cũng không thể dung tha.
Trong Dagestan của tôi, ta đọc thấy những dòng chữ chắc nịch như được khắc vào vách đá:
“Điều gì ghê tởm nhất, kỳ cục nhất trên đời này?
- Một người đàn ông run lên vì sợ
- Còn điều gì ghê tởm hơn, kỳ cục hơn thế không?
- Một người đàn ông run lên vì sợ”
Rồi bằng một nét phác họa sống động, Gamzatov vẽ lên một tư thế rất đẹp: “Người đàn ông chỉ có thể quỳ trong hai trường hợp: để uống nước nguồn và để hái hoa”.
Và phải chăng khi ông nói “Lưỡi gươm đã viết nên lịch sử của Dagestan và chỉ thế kỷ XX mới trao cho Dagestan thêm ngòi bút” thì chính ở đây, truyền thống anh hùng bất khuất của nhân dân ta đã bắt gặp dòng đồng điệu trong tư chất của người dân Dagestan quả cảm, cần cù và mến khách mà trong nhiều thế kỷ đã liên tiếp đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi.
Có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đó mà ở Gamzatov ta thấy có lòng tự hào và thái độ trân trọng đặc biệt đối với quá khứ oanh liệt, đối với những phong tục tập quán cổ truyền lành mạnh của các dân tộc vùng cao, đối với những gì đã kết lại thành nền tảng vững chắc của một quốc gia. Mượn lời của một nhà thơ lão thành, Gamzatov đã nhắc nhở các thế hệ: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Cũng vì vậy mà mọi thói lai căng kệch cỡm, mọi lối học đòi, bắt chước những cái xa lạ đối với tập tục, nếp sống giản dị của dân tộc đều bị Gamzatov chế giễu và phê phán không khoan nhượng. Qua Câu chuyện về lãnh chúa giàu có, về con trai của ông ta và về món khincan làm bằng khấu đuôi cừu trộn tỏi, Gamzatov đã rút ra kết luận: “Khi văn học không còn được nuôi dưỡng bằng những gì cha ông để lại mà chuyển sang xơi những thứ cao lương mỹ vị đem từ nước ngoài đến, khi văn học trút bỏ những phong tục tập quán, ngôn ngữ và tính cách dân tộc của mình, khi văn học thay lòng đổi dạ đối với dân tộc mình thì nó sẽ trở nên ốm o quặt quẹo, chết dần chết mòn mà không một thứ thuốc nào có thể cứu chữa được”.
Nhưng có điều đáng chú ý là Gamzatov không bao giờ sa vào chủ nghĩa biệt lập dân tộc. Với ông, cái riêng và cái chung, cái đặc thù và cái phổ biến, tính dân tộc và tính quốc tế đã kết thành một chính thể biện chứng. Tư tưởng đó đã được thể hiện rõ nét trong ý đồ xây dựng tác phẩm mà nhà thơ gọi một cách hình tượng là “ngôi nhà cuốn sách của tôi”:
“Ngôi nhà đó cần phải được xây theo kiểu truyền thống của dân tộc Avar. Nhưng đồng thời nó phải mang dáng dấp hiện đại. Ngôi nhà phải được xây sao cho gia đình người chủ cảm thấy thích thú ở, đồng thời sao cho khách đến cũng hài lòng. Ngôi nhà phải được xây sao cho em nhỏ tìm thấy hạnh phúc ở đó, tuổi trẻ tìm thấy tình yêu và người già tìm thấy sự yên tĩnh”. Muốn xây được “ngôi nhà” đáp ứng đầy đủ những yêu cầu như vậy thì chỉ riêng sự cần cù lao động chưa đủ, mà còn cần đến trí tuệ và tài năng. Chúng ta đã từng nghe các nhà hiền triết, các bậc danh nhân nói về tài năng. Song Gamzatov có cách nói riêng của mình: cách nói vừa thấm đượm chất thơ lại vừa pha lẫn vẻ hài hước mang đậm mầu sắc dân tộc:
“Tài năng khi trú vào một người thì không hề hỏi xem người đó có thuộc quốc gia lớn không, có thuộc một dân tộc đông người không. Sự xuất hiện của tài năng bao giờ cũng ít ỏi, bất ngờ và vì thế mà đáng ngạc nhiên như ánh chớp, như cầu vồng trên bầu trời, như cơn mưa giữa sa mạc nóng bỏng đã khát cạn, khánh kiệt, không còn sức chờ mưa được nữa”.
Hoặc:
“Không một ai, dù là chủ tịch Hội Nhà văn, dù là bí thư Đảng ủy hay người đứng đầu Chính phủ chăng nữa cũng không thể phân phát tài năng như người ta xẻo thịt cừu khi mọi người đã ngồi quây quần quanh bàn trước tảng thịt cừu luộc đang bốc khói nghi ngút”.
Nhân đây cũng cần phải nói thêm rằng một sự cách tân lớn lao, đồng thời cũng là một đóng góp nổi trội của các nền văn học dân tộc Xô Viết trước đây vào sự phát triển văn xuôi hiện đại là ở chỗ nhiều nhà văn dân tộc như Aitmatov, Kurilov, Gamzatov, Rytkheu... đã biết vận dụng một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn những truyền thống văn học dân gian phong phú của dân tộc mình vào việc khai thác những đề tài hiện đại và lý giải những vấn đề triết lý, đạo đức và xã hội.
Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ một khối lượng lớn những truyền thuyết, ngụ ngôn, cách ngôn, tục ngữ, giai thoại... lại được huy động rầm rộ và được điều khiển dưới ngòi bút tài tình của nhà nghệ sĩ để trình bày, diễn giải và minh họa cho những quan điểm, những suy nghĩ của tác giả như trong cuốn Dagestan của tôi của Gamzatov. Thơ và văn xuôi ở đây đã quyện lấy nhau, bổ sung cho nhau trong một cơ cấu hài hòa: thơ đã chắp cánh cho văn xuôi bay bổng, còn văn xuôi đã tạo cơ sở hiện thực, chắc chắn cho thơ: “Thơ là phi trên mình ngựa, văn xuôi là cuốc bộ. Cuốc bộ có khi lại đi xa hơn. Tuy đi ngựa thì đến đích nhanh hơn. Tùy lúc mà tôi sẽ ngồi trên yên hay xuống ngựa. Chỗ nào có thể kể được tôi sẽ kể, chỗ nào không kể được tôi sẽ hát. Trong tôi có cả sự sôi nổi của tuổi trẻ và sự chín chắn của tuổi già. Hãy để cho tuổi trẻ cất lời ca và tuổi già chín chắn chậm rãi nói bằng văn xuôi”.
Ở đây sự xáo trộn các thể loại, các thời gian lịch sử đã tạo cho tác phẩm này một vẻ độc đáo, huyền ảo và hấp dẫn lạ thường. Đọc Dagestan của tôi, nhà văn Aitmatov, tác giả Con tàu trắng, Zhamilja, đã thốt lên: “Sáng tác của Gamzatov không hề giống một cái gì mà tôi đã từng đọc. Đứng về mặt thể loại thì trong văn học thế giới không có một tác phẩm nào tương tự như nó cả...”.
Vào những năm cuối đời, Gamzatov có nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết kéo theo những hậu quả vô cùng trầm trọng, sự ra đi của người bạn đời thân yêu Patrimat, tình trạng lộn xộn và bần cùng hóa của quê hương đã khiến ông nhanh chóng suy sụp về tinh thần và thể lực. Nhà thơ tâm sự: “Tôi xin thú thực là tôi không rõ hiện nay Dagestan là của ai. Dagestan đang bị thả nổi. Và bây giờ tôi không thể nói Dagestan của tôi nữa rồi”.
Trước hiện tình của Tổ quốc, với nghĩa vụ của một công dân yêu nước, một nhà văn chiến sĩ, Gamzatov không thể im hơi lặng tiếng và đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng:
“Chúng ta không được lẩn tránh sự thật. Nhiều tai họa của chúng ta bắt nguồn từ chỗ chúng ta định lừa dối mình và những người khác. Cho đến nay có rất nhiều thói khoe khoang, khoác lác, những sự đánh giá được đưa ra cho các hiện tượng và con người thường được tôn cao lên và giả dối. Những tên đạo tặc, những kẻ cẩu thả và háo danh đã thâm nhập vào cuộc sống và văn hóa của chúng ta”.
Ông không thể không đau lòng khi thấy “Hiện nay dường như không có bất cứ một sự kiểm duyệt nào, không có bất kỳ một khuôn mẫu nào về hệ tư tưởng, vì thế mà không xuất hiện một kiệt tác văn học nào, tại sao không có một cuốn tiểu thuyết, một bài thơ, một ca khúc nào trở thành một sự kiện trên quy mô cả nước? Thậm chí người ta cũng phải lấy lại quốc ca cũ và mời chính tác giả trước đây viết lại phần lời, bởi lẽ trong mười năm qua không ai có thể sáng tạo được một cái gì xứng đáng cả”.
Gamzatov không ngần ngại gọi thập kỷ vừa qua là “thập kỷ đình đốn”. Và theo ông, quãng thời gian này không thể gọi là thời đại. “Mười năm gần đây ở ta không có văn học, không có đất nước, những ai đã viết đều gác bút, còn những tên tuổi mới thì chưa xuất hiện. Thời gian mang nội dung có thể được gọi là thời đại, nhưng chính thời gian đó lại không có”.
“Trước đây mọi người sẵn sàng chịu đói, sẵn sàng làm việc miệt mài vì một cái gì đó tốt đẹp. Mặc dù nhiều hy vọng của họ không đáp ứng, còn ở thời buổi ngày nay thậm chí niềm hy vọng của con người cũng bị tước mất”.
Và tâm trạng đau buồn đó đã thấm vào sáng tác của ông: “Trong thơ tôi hiện nay có nỗi đau của thời đại và nỗi đau riêng tư. Vâng, tôi mất đi các bạn bè, đồng thời bây giờ là thời buổi vô cùng khó khăn. Những sự kiện và những biến động trong thời gian gần đây đang thiêu trụi thơ tôi. Có thể chúng sẽ hủy diệt nó”.
Trong bài Những vần thơ mới, ta thấy toát lên nỗi ngậm ngùi của nhà thơ:
Tôi sợ gặp những ngưi bn cũ
Dùbao năm tôi vẫn nhớ hoài
Tôi không rõ ai là ngưi có lỗi
Tôi y ư hay thi buổi ngày nay?
Khiến tôi đng chôn chân cnh cổng
Cánh cửa thân quen mà không dám đy vào
Sao mọi thứ trưc dễ dàng đến thế
Mà bây giờ tht ái ngi xiết bao!
Sao không hỏi mà dám vào tự tin
Giữa ban ngày ban mặt đàng hoàng
Liu vợ con có nhn ra mình không nh
Hay mình như kẻ xa lạ tt ngang
Trưc đây bn bè nhiu vô k
Còn bây gi, trong cơn hon nn, chẳng ai mời
Và tự tôi cũng không tìm bè bn
Cầu thang cũng cao vút ngút ngàn
Tôi không thể chy lên được nữa
Tim ngui ri như đng lửa chỉ còn than.
Mặc cho gió từ đâu thổi ti
Những cành khô vẫn gõ cửa sổ hoài:
Ánh sáng mun màng đã tt trên ô cửa sổ
Và trong lòng ánh sáng cũng tàn
Và ngay tôi cũng không còn trên cõi dương gian.
Ngày 3 tháng 11 năm 2003, trái tim chứa đầy yêu thương nhưng rớm máu của Nhà thơ nhân dân, Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa Rasul Gamzatov đã ngừng đập. Đã ngừng đập sau lễ mừng thọ 80 tuổi của ông đúng 2 tháng 5 ngày.
TT Putin tại lễ khánh thành tượng đài Gamzatov tại Mátxcơva - Ảnh RIA Novosti

Vào dịp sinh nhật đó (ngày 8 tháng 9) đích thân Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã tận tay trao tặng ông tấm huân chương cao quí nhất của nước Nga, huân chương Thánh Andrei Pervozvanưi, tại dinh Tổng thống trong thành phố nghỉ mát nổi tiếng Sochi trên bờ biển Đen.
Đánh giá công lao của nhà thơ lão thành Nga, Tổng thống V.Putin nói:
“Không thể hình dung được đời sống thơ ca, đời sống xã hội và đời sống văn học Nga nhiều thập kỷ nếu thiếu vắng tên tuổi của Rasul Gamzatov. Ông là nhà thơ kỳ tài và độc đáo, là con người có tâm hồn lớn lao và hào phóng, thuộc vào hàng những nhà hoạt động văn hóa kiệt xuất của nước nhà”.
Cũng nhân dịp này, Nhà nước Cộng hòa Dagestan công bố năm 2003 là “Năm Rasul Gamzatov”. Nhà xuất bản Nhà văn Xô Viết cũng vừa cho ra mắt bạn đọc Bộ Tổng tập Thơ Rasul Gamzatov gồm 8 tập. Một thành phố của nước Nga, một đường phố chính ở trung tâm thủ đô Makhaskala của Dagestan được đề nghị mang tên Gamzatov. Tên nhà thơ cũng được dự kiến đặt cho một con tầu lớn trên biển Caxpiên thường lui tới các hải cảng của biển Bantích, biển Đen và biển Địa Trung hải. Nhưng Rasul Gamzatov là một thi nhân mang tầm cỡ quốc tế, một sứ giả của hòa bình, các tác phẩm của ông đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, nên ý nguyện của ai đó muốn đặt tên ông cho một tinh cầu, thiết nghĩ cũng không phải là chuyện viển vông.
Có điều, đối với tất cả những phần thưởng sáng giá ấy, Gamzatov, sinh thời, chỉ mỉm cười khiêm tốn:
Hỡi Dagestan, tt cnhững gì mà thiên hban tặng con
Con xin chia xẻ nim vinh dđó
với Người
Những huân chương và huy chương ca con
Con sẽ đính lên
những đnh núi ca Ngưi
Đó cũng chính là nhân cách Gamzatov, một hiện tượng đặc sắc của nền văn hóa Nga vĩ đại.
..................................................................................
(*) Avar : Dân tộc đông người nhất trong số 30 dân tộc và các nhóm dân tộc của Cộng hòa tự trị Dagestan.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives