Những con nu phò vua  

Posted by Unknown

Truyện ngắn
KIM BẰNG
(Hội Văn học - nghệ thuật Bình Thuận) 

Bạn đã thấy con nu và ăn thịt nó chưa? Nếu chưa xin mời bạn cùng tôi thưởng thức…
Nu đầu to tai nhỏ, mỏ cụt răng quẩu, da dày lưng cong, dài độ hai gang. Chân thấp, lông như lông chuột nhưng cứng mà thưa, tròn núc. Hay ở hang, dưới lùm bụi tre gần sông suối và sống theo bầy đàn. Món ăn khoái khẩu của nu là rễ tre, đầu măng già hoặc mía. Còn món ăn khoái khẩu của người với thịt nu là xào lăn, tiết canh hay luộc chấm mắm tôm.
Muốn ăn đơn giản bạn hãy luộc, lấy tiết bằm ít thịt nu làm tiết canh. Cũng đậu phộng, rau thơm và dầm mắm ớt. Thịt nu luộc chấm mắm tôm thì ngon tuyệt. Riêng tôi thích món xào lăn hơn. Chỉ cần ướp vài phút với sả ớt tỏi đường nhưng phải ướp muối mới ngon, vì ướp nước mắm thịt bị chua. Thịt nu vốn đã ngon nên với món xào lăn, da giòn như da heo rừng càng thêm hấp dẫn.
Nhưng thật kỳlạ, mỗi lần có dịp gặp nhau vào quán, bạn kêu món nu xào lăn, tôi chỉ cầm đũa cho có lệ. Chiều bạn, tôi miễn cưỡng gắp lên rồi để xuống… Tâm tưởng cứ mơ hồ nhớ về chuyện kể của ông tôi…
Một ngày đầu thu, trước khi kinh thành Huế thất thủ một năm, Nam triều báo cho lãnh sự Pháp biết vua Kiến Phúc bị bạo bệnh đã băng hà. Đây là mưu kế của Nguyễn Văn Tường nhằm không thừa nhận Hiệp ước Harmand và Patenôtre. Thừa nhận hiệp ước là bán đứng nước Nam cho nước Pháp, giao nước Nam cho người Pháp định đoạt, sẽ đắc tội với non sông. Nguyễn Văn Tường hoãn binh, tìm mọi cách chần chừ do dự. Tòa lãnh sự Pháp ngày càng áp lực buộc phải nhanh chóng thi hành hiệp ước. Người có trách nhiệm thừa nhận và thi hành hiệp ước là vua Kiến Phúc. Nếu vua Kiến Phúc chết thì hiệp ước sẽ không còn hiệu lực. Vậy là Nguyễn Văn Tường bày mưu giết vua Kiến Phúc để vô hiệu hóa hai hiệp ước nhu nhục của triều đình.
Đầu tháng 8-1884, Nam triều - thực chất quyền bính nằm trong tay Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết - lập Ưng Lịch lấy hiệu Hàm Nghi lên ngôi vua nhưng không tham vấn ý kiến lãnh sự Pháp nên Rheinart không công nhận tân hoàng đế. Rheinart báo cáo về mẫu quốc đề nghị cứng rắn với nước Nam bằng một chính sách quyết liệt hơn, thậm chí có thể dùng vũ lực để thôn tính vương quyền.
Đúng một năm sau, ngày 5-7-1885, quân của De Courcy tấn công kinh thành Huế. Kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy trốn nhằm tạo ngọncờ mưu dựng lại cơ đồ. Trong đoàn hộ giá hơn năm trăm quân mã theo vua Hàm Nghi có Từ Dụ Thái hậu; Phạm Thận Duật - Thượng thư Bộ Hộ, đại thần Cơ mật viện; Chánh Mông, Ưng Quyền là anh ruột và em ruột của vua Hàm Nghi. Vậy mà Nguyễn Văn Tường đành bỏ vua, chiêu hồi Đại Pháp, quy hàng mong vinh thân nhung gấm. Thế mới biết những kẻ cơ hội khi đương quyền tại chức thì trù hại đồng liêu, ức hiếp đồng bào, nhưng khi đất nước lâm nguy thì cũng sẵn sàng phản bội sơn hà xã tắc, liếm gót ngoại bang.
Trên đường bôn tẩu ra Tân Sở - Quảng Trị phải băng rừng lội suối, đường sá hiểm trở lại bị quân Pháp truy đuổi ráo riết, đoàn tùy tùng thất cơ lỡ vận của vua Hàm Nghi gian nan khôn xiết, thiếu thốn cơ khổ trăm bề. Quân sĩ hao mòn, một số triều thần bị trối nước bệnh chết dọc đường. Đại thần Cơ mật viện, Thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật cũng bị quân của De Courcy bắt giải về kinh.
Từ Dụ Thái hậu lúc nào cũng u buồn, muốn về lại kinh thành, có chết cũng chết gần tiên đế. Tôn Thất Thuyết đồng ý cho Từ Dụ, hai huynh đệ của vua Hàm Nghi, những vương công, gái hầu và những người già yếu được trở về Huế. Tôn Thất Thiệp con trai Tôn Thất Thuyết thì thề sống chết một lòng tòng phụ phò vua.
Buổi chia tay thật cảm động. Vua Hàm Nghi mắt đẫm lệ, quỳlạy Từ Dụ Thái hậu ba lạy nghẹn ngào. Trong thâm tâm nhà vua biết rằng cuộc chia tay này là vĩnh biệt. Người đi kẻ ở bịn rịn chẳng muốn rời. Người về bái lạy nhà vua. Người ở lại tiếp tục cuộc hành trình vạn lý. Ai nấy nước mắt lưng tròng. Một người bạo liệt như Tôn Thất Thuyết, chỉ biết làm cho người khác rơi lệ một cách thản nhiên, vậy mà lần này cũng sụt sùi trong nước mắt…
Mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng gắt xuống đoàn ngựa người xe võng. Mạnh ai đi đường nấy. Đoàn hộ giá vua Hàm Nghi thẳng tiến về phương Bắc.
Sau rèm song mã, vua Hàm Nghi ngồi tư lự bên cha con Tôn Thất Thuyết. Đường sá gập ghềnh, lònvua cũng bồn chồn khôn tả. Cuộc binh đao này đâu phải tại vua, đâu can hệ gì đến vua mà bắt vua phải chạy trốn? Chưa đầy một năm, vương triều phải chứng kiến bao cảnh đầu rơi máu chảy, tang thương lệ đổ muôn vàn. Ba vua bị giết: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. Niên hiệu Hàm Nghi giờ hữu danh hư vị. Bốn tháng mà ba lần thay vua thì ngôi vương quyền có nghĩa lý gì? Rồi sẽ đến lượt ai nếu Tôn Thất Thuyết còn tiếm quyền ở triều đình?
Bỗng người xà ích ghì cương. Chiếc xe song mã khựng lại. Hai con tuấn mã chồm lên hí vang trời. Vua Hàm Nghi giật mình, hỏi dồn:
“Việc chi rứa? Việc chi rứa hè?!”.
“Tâu bệ hạ, đã đến bờ Thạch Hãn, nước sông lớn không quá giang được mô!”, Tôn Thất Thuyết vén rèm, khải tấu.
“Răng lại rứa hỉ?”, nhà vua hỏi.
“Chắc mưa to ở thượng nguồn, nước đục ngầu toàn bọt bèo và củi mục trôi về”, Tôn Thất Thuyết trả lời.
“Thượng nguồn mưa to răng ở đây khô rang rứa hè?”.
“Chuyện thường mà bệ hạ. Bệ hạ không thấy trên thì công hầu khanh tướng giàu sang, tiền xài như nước đổ, còn dưới thì dân đen nghèo khổ, đồng cháy túi khô đó răng?”.
“Dân vi quý răng gọi chuyện thường? Bất công rứa răng thuận ý trời?”.
“Việc đó bệ hạ hỏi tiên đế, tôi làm răng biết được?!”, Tôn Thất Thuyết bực mình đáp.
Vua Hàm Nghi im lặng nhìn dòng Thạch Hãn đục ngầu nước lũ. Một ông vua mới 15 tuổi, tuy không được nuôi dạy trong cung nhưng cũng có học sách thánh hiền. Kiên Thái Vương mất sớm, Ưng Lịch sống với mẹ ở ngoại thành, cũng đã nghe mẹ kể nhiều về vị đại thần khéttiếng nóng tính này. Vua Hàm Nghi biết thân phận cá chậu chim lồng của mình, chỉ là chiêu bài của Tôn Thất Thuyết nhằm thu phục nhân tâm, chiêu mộ nghĩa binh dựng cờ Cần Vương chống Pháp. Nghĩ đến cái chết oan nghiệt của vua anh Kiến Phúc, vua Hàm Nghi ngập ngừng:
“Thôi, ta nghỉ lại đây, ông Thuyết hỉ?”.
“Bệ hạ hãy bình thân. Thần đã cắt đặt binh lính đâu vào đấy cả rồi”, Tôn Thất Thuyết dịu giọng. Ông biết lời nói vừa rồi là không phải với vua, dù vị vua ấy nhỏ hơn ông 31 tuổi. Đang cơn nguy biến, việc quân rối bời mà nhà vua cứ hỏi những chuyện đâu đâu!
Vua Hàm Nghi bị bọn phản bội ập đến vây bắt, đem nộp cho Pháp để lĩnh thưởng,
lúc đó Vua Hàm Nghi mới 17 tuổi. - Ảnh trên Internet
Mặt trời như đổ lửa. Nắng như thiêu như đốt. Mặt đất như cái chảo rang người. Cây cối không làm dịu cái gió Lào khô khốc, ngang bướng thổi tung cân đai áo mão của đoàn hộ giá. Gió ran rát. Gió phần phật. Người ngựa há hốc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Vua Hàm Nghi hỏi:
“Còn nước không ông Thuyết? Tôi khát quá!”.
“Bệ hạ ráng chút nữa. Thần đã cho người đi tìm nước”.
“Thôi, lấy nước sông đánh phèn cũng được!”, vua Hàm Nghi giục.
“Quan hộ giá không đem theo phèn, thưa bệ hạ!”.
“Lấy long bào lọc nước uống, có chi mô?”.
“Không được, ai làm rứa? Nước đã bẩn thì mười long bào lọc cũng không sạch!”, Tôn Thất Thuyết bóng gió, ngoảnh mặt đi không thèm hầu chuyện nhà vua nữa.
Nghe cha xẵng giọng, Tôn Thất Thiệp kề tai vua Hàm Nghi thì thầm rồi cả hai rời xa giá đi về phía bờ sông. Cùng trang lứa, đồng cảnh ngộ nên Thiệp cũng dễ gần gũi và cảm thông với nhà vua.
Khi vua vừa tới mép sông thì một chuyện lạ lùng không thể ngờ được. Từ phía bờ bên kia những lóng mía lau chừng gang tay, từng lóng, từng lóng nối đuôi nhau phăng phăng xuôi theo dòng nước. Mỗi lóng mía được đẩy tới bởi một lực tròn đen xám mà đầu kia dính chặt vào cặp răng quẩu của con nu. Đến trước long nhan, những lóng mía leo lên bờ, vua Hàm Nghi chưa hết ngỡ ngàng… thì bầy nu biến mất! Nhà vua dõi theo dòng nước bạc chỉ thấy những chấm tròn đen lấp lánh trôi xa…
Tôn Thất Thuyết cho rằng điềm trời đã thuận, đêm ấy ông chong đèn tới khuya soạn thảo hịch Cần Vương. Đêm ấy là đêm 12-7-1885, đúng một tuần sau khi kinh thành thất thủ. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives