Posted by Unknown



Quê ngoại
         

                                    P.N.THƯỜNG ĐOAN

Nhà văn Kim Quyên (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cùng lúc phát hành hai tác phẩm: Quê ngoại (Truyện ký) và Món ngon miền Tây (Tạp văn) trong tháng 9-2013.
Sinh ra và lớn lên ở Cái Bè, Tiền Giang, nhà văn Kim Quyên mang đậm bản sắc thiên nhiên đồng bằng Nam bộ. Tính đến năm 2013, nếu kể luôn hai tác phẩm vừa phát hành, chị đã có 8 đầu sách, gồm nhiều thể loại: Tiểu thuyết (Nụ hôn đắng), Truyện ngắn (Nước rút, Người dưng khác xứ), Tạp văn (Món ăn khoái khẩu Nam bộ), Tản văn (Sài Gòn hào hoa), Thơ (Ngã ba sông).
     “Quê ngoại” của Kim Quyên gồm 10 truyện đầy ắp những hồi ức cũ, nơi có những cánh đồng, những vườn cây trái bên dòng sông hiền hòa, nơi chị đã sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm vui buồn cùng bao nỗi thăng trầm của quê hương đất nước.
     Chị nói: - Trong cuốn sách này, tôi chỉ kể một số chuyện nhỏ của bản thân và gia đình, về những nhọc nhằn gian khổ mà mọi người đã trải qua trong cuộc chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước để luôn nhớ về nơi ấy và cũng là nén nhang để tưởng nhớ những người thân yêu đã về nơi cõi vĩnh hằng.

    Với lối viết bình dị, thong thả, chân tình, những chuyện trong tác phẩm “Quê ngoại” của Kim Quyên đi vào lòng người nhẹ nhàng như những ngọn gió quê ngọt ngào thổi từ sông vào những rặng bần chua, như giọng nói của ngoại chậm rãi từ tốn kể về một tuồng hát bội trong một buổi chiều rất ít nắng. Và câu chuyện “Nuôi dê” của chị khởi nghiệp từ thằng học trò tên Giỏi, nhưng dở Văn nhất lớp, được chị nhận chỉ dạy thêm ở nhà (gọi là học phụ đạo). Con dê cái 8 tháng tuổi, tên Mướp, sắp động đực, được thằng Giỏi mang tặng chị, thức ăn hảo nhất của nó là so đũa, nhưng tới thời kỳ “đòi yêu”, so đũa chất đống trước mặt nó cũng không thèm dòm ngó…
     Câu chuyện thứ hai của Kim Quyên có tên “Hương khóm”, nói về khóm của nông trường Tân Lập nổi tiếng vị ngọt đậm đà, nơi này khoảng ba năm nay chị không về tất cả đã đổi mới. “Giữa rún Đồng Tháp Mười sình lầy bỗng nổi lên những con đường thẳng tắp, đỏ hồng như những mạch máu, hai bên đường viền hai hàng bạch đàn xanh um, tàng lá xum xuê. Bước lên những con đường hồng tươi đó, lòng người bỗng thấy hứng khởi, vững vàng niềm tin yêu vào con người, vào tiềm năng thiên nhiên mà thung lũng Tháp Mười hào phóng ban tặng. Đất ở đây nuôi khóm sai trái, nuôi bạch đàn sừng sững vươn tới trời cao, nuôi cây tràm hương mập mạp, trổ bông trắng xóa dọc theo các con kinh, tỏa mùi hương ngan ngát, mùi hương của đất Tháp Mười…”.
    Đọc tới câu chuyện thứ ba có tên “Quê ngoại”, thấy tác giả chú thích: “Đây là truyện ký đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh), tôi hình dung được cảnh sông nước, mây buổi chiều và những loạt đạn không có mắt”. Tác giả kể lại chuyện cùng bà ngoại đi thăm ông ngoại (ông được giao trách nhiệm điều hành cơ quan Dân y tỉnh, “Đó là bữa cơm chiều 30 Tết năm 71, bữa cơm đoàn tụ gia đình bên bờ vàm Xẻo Muồng, trong đám lau sậy hoang vu…” và những diễn biến sau đó đưa đẩy tác giả trở thành cô giáo “dạy chữ cho lũ trẻ con quá tuổi mù chữ và dạy bổ túc cho người lớn và chúng dạy lại tôi chuyện đồng áng, gặt lúa, câu cá, bắt chuột, soi ếch…”. Rồi chiến tranh cướp đi người cậu thân yêu của chị “cậu là Chính trị viên Đại đội kiêm thêm chức Trưởng ban Văn nghệ. Tiếng cười hồn nhiên của cậu tôi vang trên dòng sông, lan tỏa trong buổi sớm mai còn tĩnh lặng, yên bình…” đã không còn nữa. Sự tàn khốc của chiến tranh không chừa một ai. “Xác cậu tôi được đặt tại lớp học. Gương mặt cậu vẹn nguyên như đang ngủ. Trên ngực áo loang lổ vết máu bởi viên đạn của thằng Mỹ trên trực thăng bắn xuống khi cậu băng ngang vườn chuối, chỉ huy mũi xung kích đánh bộ binh”.
     Bảy truyện còn lại, nhà văn Kim Quyên nói về bà Nội, bà Ngoại, má Bảy, cậu Năm với một giọng văn tả thực trìu mến và đầy thương yêu. “Giống như những bà già nông dân Nam bộ khác, bà ngoại tôi đầu bới tóc, hay trùm chiếc khăn rằn hoặc đội nón mỗi khi rời khỏi nhà, quanh năm mặc áo bà ba hoặc áo cánh màu sẩm tối, quần vải đen, miệng nhai trầu bỏm bẻm, tính tình hiền lành, chân chất. Nhưng bà ngoại tôi hơi khác mấy bà nông dân vì bà là người có chút học thức (trình độ Sơ học), nói được võ vẽ tiếng Pháp và thoát ly theo cách mạng”.
     Còn truyện “Bà nội”, chị tả “Bà nội tôi là phụ nữ nông dân chính gốc. Bà sinh ra và lớn lên trên những cánh đồng lúa bạt ngàn của Đồng Tháp Mười. Một đời gắn bó với cây lúa nên tính tình bà chân chất thật thà, hiền lành như củ khoai, cây lúa…; bà tôi rất thích nghe đọc truyện, thích xem hát bội, cải lương. Bà thuộc tuồng tích làu làu như người biết chữ…”.
     Hai truyện “Hoa Tháp Mười”, “Quê lúa”, nhà văn Kim Quyên dẫn người đọc trở lại thời chiến tranh ác liệt, trở lại với bà con bám đất nuôi giấu cán bộ cộng sản, trở lại với những bi thương mà bom đạn gây ra…
     Truyện cuối cùng có tên “Dời nhà”, là một cuộc “ly hương” có sự đồng ý của người trong cuộc, đêm đêm, giữa đèn hoa phố hội, chị nhớ về vùng quê sông nước với mảnh trăng liềm chỏng trên trời đêm mùng 6, nhớ con chó nhỏ đã bỏ lại nhờ người ta nuôi dùm và tiếng người hàng xóm cứ văng vẳng đến đau lòng “Chị ơi! Tội nghiệp con Mina lắm, hễ nó thấy ai chạy chiếc cub 84 màu xanh giống xe chị là nó chạy theo mút mùa, thấy tội quá chị ơi...”. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives