Một góc nhìn về yếu tố bạo lực trong phim truyện  

Posted by Unknown


NGỌC MINH

BỘ PHIM ĐƯỜNG ĐUA LỬA PHẬT XUẤT HIỆN TRONG THỜI GIAN MỘT THÁNG VỪA QUA ĐỀU GÂY NHIỀU Ý KIẾN VỀ YẾU TỐ BẠO LỰC, KHEN CHÊ ĐỀU CÓ. ĐÂY LÀ MỘT VẤN ĐỀ KHÔNG MỚI NHƯNG TRỞ THÀNH CHỦ ĐỀ BÀN LUẬN NGHIÊM TÚC VÌ CHÚNG XUẤT HIỆN TRONG NHỮNG TÁC PHẨM ĐƯỢC XEM LÀ ĐẦU TƯ NGHIÊM TÚC, CÓ NGHỀ; ĐẶC BIỆT LÀ CÒN TRỞ NÊN KHÁ NHẠY CẢM KHI PHIM BỤI ĐỜI CHỢ LỚN TRƯỚC ĐÓ BỊ TUÝT CÒI VÌ CÓ NHIỀU CẢNH ĐẤM ĐÁ, MÁU ME.

Poster phim Con đường chiến binh
- The Warrior's Way
Trước nay, nói đến cảnh đánh đấm trong phim Việt hầu hết khán giả đều tỏ ra ngán ngẩm, đánh thì nhẹ hều, chưa gì đã ngã lăn quay, bay lên bay xuống giả tạo lồ lộ, vì thế khó có thể nói phim ta có bạo lực hay không. Nhưng đó là cách hiểu có phần đơn giản, bạo lực trong phim truyện không phải chỉ có cảnh đánh đấm và giữa những gì thấy được (máu me) hay những gì chưa thấy cũng không chắc đã thể hiện hết bản chất, mức độ của bạo lực.
Chúng ta đã từng có nhiều phim chiến tranh mà sau khi xem xong, ta cảm thấy tiếc nuối, phải chi cảnh bỏ bom đó ác liệt hơn nữa, tang thương hơn nữa, người chết với những vết thương đáng sợ hơn nữa thì hiệu ứng thị giác sẽ cao hơn, tính tố cáo chiến tranh và tội ác xâm lược sẽ cao hơn. Dĩ nhiên, không phải khán giả thèm khát xem cảnh chết chóc nhưng do đặc trưng thể loại, do quy định về đề tài, và nhất là do thực tế chiến tranh nên đó là một đòi hỏi chính đáng. Trong trường hợp này, chắc chắn phải xếp phim chiến tranh kiểu đó vào dạng bạo lực, có khuyến cáo về độ tuổi xem phim; nhưng đây là điều cần thiết - thậm chí đúng đắn, nên làm - đối với cả nhà làm phim và đơn vị kiểm duyệt, vì nó thể hiện được sự tôn trọng lịch sử và tôn trọng khán giả. Chính vì phim chiến tranh ta làm chưa tới nên những Mùi cỏ cháy, Những lá thư từ Sơn Mỹ, Đừng đốt, Chiếc chìa khóa vàng... chưa tạo được hiệu ứng phản chiến như các phim Chào Việt Nam, Trung đội, Tận thế ngay tức thì, Người săn nai... cùng đề tài của điện ảnh Mỹ.
Trong số đó, hiếm hoi có một số phim của Việt Nam sử dụng yếu tố bạo lực mà tác giả bài viết cho là thành công, đó là phim Mẹ vắng nhà của Nguyễn Khánh Dư, trong phim có cảnh cô con gái lớn của chị Út Tịch đang ước mơ chạy trên đường làng đến trường thì một tiếng bom nổ xé tai vang lên, sau đó, một con bò chạy vụt qua với nửa thân mình chìm trong lửa, tiếng kêu thảm thiết của nó vang vọng khắp cánh đồng, cô bé mở to mắt, sợ hãi nhìn con bò rừng rực lửa chạy cuồng trong cơn hoảng loạn.
Đây là một cảnh bạo lực điển hình, cho thấy thực tế những cuộc đi càn của Mỹ ở nông thôn miền Nam trong thời chiến. Chỉ là một cảnh chiếu chậm và tiếng con bò thảm thiết được khuếch đại, tất cả diễn ra trong đôi mắt sợ hãi của cô bé nhưng cùng lúc nó thể hiện được tất cả: sự tan vỡ của ước mơ cô bé, sự xuất hiện của bom đạn, sự tàn phá của chiến tranh. Phim Việt còn có những yếu tố bạo lực rùng mình khác, như chi tiết cô con dâu của Tướng Thuấn đem nhau thai về nuôi chó béc-giê trong Tướng về hưu, hay chi tiết đem người yêu đi đánh cược trong phim Canh bạc cũng vậy, hầu như chỉ là hành vi bình thường nhưng có sức phản ánh cao sự tha hóa của nhân tính.
Những ví dụ trên cho thấy, không cứ gì một cảnh tràn đầy hành động chém giết thì mới coi là bạo lực, mà trong đó những gì gợi lên được bản chất của bạo lực còn đáng giá hơn là sự diễn tả trực tiếp. Phim truyện là một thể loại điện ảnh hư cấu nên việc gia giảm yếu tố bạo lực, tính bạo lực thế nào đòi hỏi một sự hiểu biết nhất định về tính chủ đề và hiệu ứng thị giác đối với nhà làm phim.
Trở lại với phim Đường đua, câu chuyện bắt đầu khi Lộc (Phạm Anh Khoa) cướp tiệm vàng để trả nợ thì bị Lâm (Quý Bình) bắt làm con tin, dẫn đến vụ bắn chết hai cảnh sát sau đó. Suốt thời lượng của phim là rất nhiều cái chết của giới giang hồ, của thường dân và của cả đơn vị cảnh sát can thiệp.
Đây là một phim lấy bạo lực làm cách thể hiện, với lối diễn tả trực diện cả trong các cảnh đánh đấm, cảnh đối đầu giữa người bình thường với tội phạm, giữa tội phạm với nhau, giữa tội phạm với cảnh sát, và giữa cả ba thành phần đó. Ngoài đánh đấm, phim còn có nhiều câu chửi rủa tục tằn, thô lỗ; nhân vật có số phận rõ ràng, họ phần lớn đều là dân giang hồ hay người lao động nghèo nên câu chữ không hoa mỹ. Còn lực lượng cảnh sát khi đối đáp, điều tra thể hiện được tính nghiệp vụ hẳn hoi, thẳng thắn và không khoan nhượng tội phạm. Không có gì gọi là “vừa phải” ở đây mà chính là “chính xác”, những cảnh đánh đấm máu me có đấy nhưng các tác giả không tìm cách vẽ vời thi vị làm gì.
Nhưng điều đáng nói nhất là những cảnh bạo lực đó thể hiện rõ thế giới mà các nhân vật đang đại diện cũng như những hoàn cảnh khắc nghiệt mà họ đang gặp phải. Và quan trọng hơn là bộ phim có thông điệp hẳn hoi, đó là một khi anh lao vào thế giới đen tối, anh sẽ không dễ dàng thoát khỏi nó. Còn công lý chỉ được thực thi khi có sự đổ máu và cuộc đấu tranh đó là không khoan nhượng. Nhờ có thông điệp này mà Đường đua không bị xem là trình diễn bạo lực chỉ để khoe mẽ, không lấy bạo lực để trình diễn và không bị nhấn chìm bởi bạo lực. Nói cách khác, bạo lực ở phim này là điều kiện cần và đủ để thể hiện thế giới tội ác.
Lửa Phật thì khác, so về thời gian thực hiện được công bố thì dự án Lửa Phật kéo dài hai năm nay, dài hơn Đường đua gần cả năm, nó còn được dự tính giới thiệu ở thị trường nước ngoài với tựa là Once Upon a Time in Vietnam (Có một thời ở VN), câu chuyện liên quan đến ba chàng trai cùng đem lòng yêu một cô gái, và họ phải đối đối đầu nhau để có được tình yêu của mình. Xem ra câu chuyện với phiên bản Once Upon a Time đã từng thành công ở Mỹ, Hồng Kông, Mexico có bối cảnh phi không gian, phi thời gian, nhiều tính trào phúng, ẩn dụ là một thách thức lớn với các nhà làm phim Lửa Phật. Có chút khập khiễng khi lửa Phật ở đây lại chẳng có liên kết gì với lửa tam muội của nhà Phật mà người xem dễ liên tưởng đến, đã vậy còn là chuyện tình tay bốn khó hòa nhập được với những lời khuyên răn của nhà sư.
Còn yếu tố bạo lực trong phim thì đó là sự cố ý của Dustin Nguyễn - đạo diễn kiêm biên kịch kiêm diễn viên chính của phim. Những màn đánh đấm nhau giữa các nhân vật trong Lửa Phật chủ yếu để đáp ứng hai yếu tố: hành động và kỹ xảo hình ảnh. Nói hành động là vì nhân vật này được đo ni đóng giày để Dustin Nguyễn trình diễn khả năng võ thuật của anh, nói kỹ xảo vì những cảnh đánh nhau đều ứng dụng kỹ thuật xử lý hiệu ứng hình ảnh hiện đại nên khá mãn nhãn. Tuy nhiên, do sự khập khiễng của chủ đề tư tưởng phim nên yếu tố bạo lực ở đây lại không tạo ép-phê như mong đợi. Xét cả về mức độ và tính chất, phim Lửa Phật không làm người xem sợ hãi và suy tư như Đường đua dù cả hai không thiếu cảnh chém giết.

Đây vẫn chỉ là những nhận định ban đầu về hai phim mới của VN (2013) có sử dụng yếu tố bạo lực một cách có chủ ý và đầu tư nghiêm túc; lối làm phim của Lửa Phật có thể vẫn có khả năng xuất hiện ngày càng nhiều trong các phim hành động, giải trí nhưng mong sao những Đường đua mới vẫn tiếp tục khai thác lối thể hiện sâu sắc, có nghề về yếu tố bạo lực trong phim truyện. Mong rằng, nếu các nhà làm phim có quan tâm đến yếu tố, đề tài và thể loại này, sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách làm đạt hiệu quả chính xác, để bạo lực không chỉ là một hành vi, một hành động, một hiệu ứng hình ảnh mà còn có thể đem lại những ý nghĩa phản tỉnh nhất định.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives