GÓC NHỎ SÀI GÒN  

Posted by Unknown

Một góc phố đêm
THỦY LÊ
Qua giới thiệu của một người bạn, tôi được gặp ông chủ lò bánh chưng bánh giò. Tôi được ông ưu tiên cho bán không hết còn thì trả lại. Mua 10 cái được ông chủ tặng thêm 2 cái. Nhờ có ông bạn nói vào nên chủ lò còn cho mượn chiếc xe đạp “chuyên dùng” có gắn cái máy rao hàng cho đỡ mỏi miệng.
Hôm tôi xuất hành là đêm trời sáng trăng. Nhận nút công tắc cho máy phát thanh ra rả: “Bánh giò bánh chưng bánh gai. Bánh gai bánh chưng bánh giò. Gai chưng gi... ò... ò.... ò!”. Xem đồng hồ thấy chỉ đúng 9 giờ đêm. Giỏ bánh phần sau xe khá nặng. Từ nhà chủ lò tôi đạp xe lộc xộc vô mấy con đường hẻm xóm dân lao động. Tiếng máy cứ tự động rao hàng còn tôi cứ thanh thản đạp xe. “Giò!”. Có một tiếng kêu, tôi thắng xe lùi lại trước một cô gái: “Nhiêu cái vậy chú?”. Tôi giở tấm đậy, hơi nóng bốc lên nghi ngút: “Bánh ngon lắm. 5 ngàn cái thôi”. Có lẽ nhờ cái mùi bánh hấp dẫn hay sao mà cô bé mua luôn ba cái.
Hớn hở nhét 15 ngàn vào túi tôi lại leo lên con ngựa sắt gò lưng đạp tới, còn cái máy cứ rao hàng.
Đêm Sài Gòn lạ lắm. Có những con đường, con hẻm ban ngày tôi hằng đi qua quen thuộc, nhưng vào đêm tự nhiên nó bỗng thay hình đổi dạng đến lạ lẫm, lắm lúc làm tôi mất phương hướng chẳng còn biết mình đang ở đâu.
Có lẽ nếu như mình chẳng bao giờ rời tổ ấm để hóa thân sống vào giữa những đêm lạnh mù sương như vầy thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được cuộc sống của một Sài Gòn về đêm. Tôi đạp xe một mình hiu quạnh trong bóng tối. Bỗng dưng mà trước mắt tôi lại hiện ra một cây cầu bắc qua một con kênh lấp lánh ánh đèn. Đã quá khuya mà ở đây vẫn còn hàng chục quán cà phê, quán bia ồn ã hoạt động. Tôi xuống xe dắt bộ để cho cái máy nó tự động rao hàng. Đến quán thứ ba thì một anh bảo vệ ra chận đầu xe chỉ vào cái máy: “Khuya rồi sao để cái thằng này la um sùm vậy cha già?”. Tôi rối rít xin lỗi rồi tắt cái máy.
Hình như thấy lời nói của mình có hiệu lực tức thì nên anh ta dịu giọng: “Bánh giò bao nhiêu cái vậy chú?”. Tôi nói năm ngàn một cái, anh chàng cười cầu tài: “Chú ơi, cháu đói bụng quá, cháu chỉ còn chín ngàn, ăn một cái thì không đủ mà mua hai cái thì thiếu, kẹt quá! Thôi chú bán hai cái chín ngàn nhe!”. Tôi thấy điệu bộ của anh chàng bảo vệ cũng đáng thương nên đồng ý.
Thấy tôi áo sống phong phanh giữa đêm lạnh anh chàng bảo vệ bảo tôi vào ngồi nơi cây dù ởchỗ bãi giữ xe: “Chú ngồi nghỉ chân chút đi, cháu đi kiếm cho ly trà nóng. Đêm lạnh quá!”.
Có lẽ đây là đêm đầu tiên của đời tôi được một nửa khuya ngồi bên dạ cầu mà uống tách trà “nhất dạ đế vương”. Anh bảo vệ ngồi thụp xuống nhai ngấu nghiến cái bánh giò. Tôi cũng tự lấy cho mình một cái để lót lòng. Hai đứa chúng tôi mỗi đứa vẫn thì thụp ăn mà chẳng ai nói với ai câu nào.
Ăn xong cái bánh uống tách trà nóng tôi cảm thấy người nóng ấm sau những giờ đạp xe đi trong sương lạnh. Anh bảo vệ xin tôi điếu thuốc, rồi rít khói bay mù đặc vào đêm. Lát sau anh ta nói: “Chú biết không, nghe cái tên bảo vệ và ăn bận đồng phục coi oai vậy chứ cháu chỉ ngồi coi xe cho thực khách thôi. Chủ quán không cho lấy tiền xe nhưng có người cũng cho cháu năm ba ngàn”.
Vào khoảng 2 giờ khuya có một xe bò viên chiên, bắp chiên đến. Thấy tôi và chú bảo vệ quán ngồi đó, anh chàng bán cá viên chiên tấp xe vào. Giữa khuya nhưng tôi vẫn thấy trên mặt anh ta lấm tấm mồ hôi, nét mệt mỏi hiện ra rất rõ. Có mấy khách nhậu còn khề khà trong đêm gọi “Cá chiên!” - “Dạ, dạ có ngay”. Anh chàng đứng bật dậy bật cái bếp gas mini xào xào xốc xốc chiên vàng một đĩa cá viên, nét mặt sáng lên chút dưới ánh lửa gas xanh mét.
Nước dưới dạ cầu đang lớn dần xóa bớt mùi hôi. Mặt nước lấp loáng ánh sao. Bên kia bờ kênh những căn phố hình kỷ hà yên ổn ngủ trong đêm.
Bất ngờ xa xa có tiếng nổ của pô xe máy hú như tiếng tru của một bầy chó sói chạy vút trong đêm. Anh bạn bán cá viên chiên thở dài: “Lại đám đua xe rồi. Năm trước cháu suýt chết vì đám này. Đang đẩy cái xe thì từ đâu chúng xuất hiện, luýnh quýnh cứng giò chạy không nổi rồi chúng ào ào lạng lách lướt qua cười hô hố”. Tôi uể oải lên xe đạp đi và bật nút công tắc để cái máy rao to lên: “Bánh giò bánh chưng bánh gai... Bánh gai bánh chưng bánh gi... ò... ò.”

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives