Posted by Unknown

Bảy chú lùn     
      Bác sĩ ĐÀO TY TÁCH
Tật lùn hay còi cọc là vóc người thấp bé liên quan đến di truyền hay bệnh tật. Y học thường định nghĩa bị tật lùn khi chiều cao trưởng thành nhỏ hơn 147 cm. Các phương pháp điều trị tật lùn không giúp tăng tầm vóc nhưng làm giảm các biến chứng. Thầy thuốc đã tìm ra hơn hai trăm căn bệnh khác nhau đưa đến tật lùn nhưng nhìn chung có hai loại chính là tật lùn cân đối và tật lùn không cân đối. Trong tật lùn không cân đối, một số bộ phận trong cơ thể nhỏ bé, nhưng một số khác có kích thước trung bình hay trên mức trung bình gây rối loạn và ức chế sự phát triển xương. Trong tật lùn cân đối, tất cả các phần của cơ thể nhỏ đều nhau như một người có tầm vóc trung bình. Hầu hết những người lùn không cân đối có thân mình trung bình và chân tay rất ngắn, hoặc có thân mình rất ngắn và tứ chi ngắn hơn nhưng quá lớn, hậu quả là đầu quá lớn so với cơ thể. Những người lùn không cân đối có trí tuệ bình thường, trừ khi mắc bệnh kèm theo như não ứ nước. Nguyên nhân phổ biến nhất của tật lùn không cân đối là chứng loạn sản sụn đưa đến thân mình trung bình, tay chân ngắn, ngón tay ngắn, đầu quá khổ với trán dô và mũi tẹt, chân vòng kiềng, gù vẹo cột sống, chiều cao trưởng thành khoảng 122 cm. Nguyên nhân của tật lùn cân đối là do mắc bệnh lúc mới sinh hoặc trong thời thơ ấu làm hạn chế tăng trưởng, do đó đầu, mình và tay chân đều nhỏ nhưng tương xứng. Thiếu kích tố tăng trưởng là nguyên nhân phổ biến nhất của tật lùn cân đối và thường xảy ra khi tuyến yên không cung cấp đủ kích tố tăng trưởng cần thiết đưa đến suy dinh dưỡng độ ba và chậm phát triển sinh lý sinh dục. Các biến chứng của tật lùn không cân đối là chậm phát triển kỹ năng vận động như ngồi, bò và đi, viêm tai giữa, chân khoèo, ngưng thở khi ngủ, não ứ nước, gù vẹo cột sống và viêm khớp ở tuổi trưởng thành. Phụ nữ lùn không cân đối dễ mắc bệnh hô hấp khi mang thai nên cần mổ lấy thai vì kích thước và hình dạng của xương chậu không cho phép sinh ngả âm đạo. Ngoài xã hội, tật “lùn” thường được xem là một thuật ngữ gây xúc phạm và bị dán nhãn “đần độn”, thậm chí bị đối xử như trẻ em. Trong lịch sử, người ta thường dùng các chú lùn làm hề, làm xiếc hay đóng phim. Trẻ em còi cọc dễ bị trêu chọc và chế giễu từ các bạn cùng lớp. Để chẩn đoán tật lùn, thầy thuốc đo chiều cao, cân nặng và vòng đầu rồi vẽ lên biểu đồ nhằm xác định mức tăng trưởng. Thầy thuốc cho chụp X - quang tìm bất thường trong hộp sọ và xương, chụp cộng hưởng từ MRI phát hiện bất thường tuyến yên hay vùng dưới đồi, xét nghiệm di truyền tìm các rối loạn gen, hỏi tiền sử gia đình có người “nhỏ con”, đo kích tố tăng trưởng cần cho sự phát triển. Các phương pháp điều trị bệnh còi cọc không giúp tăng tầm vóc nhưng làm giảm biến chứng. Phẫu thuật có thể sửa chữa xương ở người lùn không cân đối như chèn kẹp kim loại vào đầu xương dài, chèn thanh kim loại điều chỉnh cột sống hay phẫu thuật kéo dài chi. Trong thủ thuật này, thầy thuốc… làm gãy một xương dài thành hai hoặc nhiều phần, lắp đinh vít điều chỉnh định kỳ cho xương dài ra. Thầy thuốc cũng tiêm kích tố tăng trưởng hàng ngày trong nhiều năm cho đến khi trẻ đạt chiều cao tối đa, tiêm estrogen cho các em gái có tuổi dậy thì và sinh dục bình thường. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives