Posted by Unknown

Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020

NGỌC TÂN
Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt vào ngày 15-8-2013 bằng Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL.
Theo đề án, đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”.
Vì thế du lịch biển phải có được ít nhất 6 điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực là Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà; Lăng Cô - Cảnh Dương, Hội An - Cù lao Chàm; Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né và Phú Quốc; hình thành và bước đầu đi vào khai thác một số cảng du lịch: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc.
Bảy định hướng phát triển chủ yếu đặt trọng tâm vào, là: thị trường du lịch biển; sản phẩm du lịch biển; xúc tiến quảng bá du lịch biển; phát triển nguồn nhân lực du lịch biển; tổ chức lãnh thổ du lịch; đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Năm giải pháp chủ yếu và khung “Kế hoạch hành động về phát triển du lịch biển đến năm 2020” bao gồm: Chương trình nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển; Chương trình điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển; Chương trình đầu tư có hệ thống và có trọng điểm hạ tầng du lịch biển; Chương trình xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù; Chương trình xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển; Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho du lịch biển; Chương trình hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển; Dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển; Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020; Dự án phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Dự án lồng ghép kế hoạch ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển du lịch biển đến năm 2020.
     Đề án cũng xác định, cần ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển hướng đến thị trường khách quốc tế thuộc các thị trường gần và thị trường có khả năng chi trả cao như: ASEAN; Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Úc; New Zealand; châu Âu (Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga)…; và đối với thị trường khách nội địa thì tập trung chủ yếu vào Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn ven biển. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch biển đặc thù như: Ở khu vực ven biển phía Bắc, chú trọng vào du lịch tham quan kết hợp với du lịch sinh thái; Đối với khu vực biển Bắc Trung bộ là du lịch di sản kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển; Khu ven biển Nam Trung bộ là du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển kết hợp du lịch tham quan cảnh quan vùng vịnh; Khu vực ven biển Nam bộ là du lịch sinh thái - tham quan cảnh quan sông nước kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển. Bên cạnh đó cũng cần phát triển các sản phẩm du lịch liên kết theo vùng, miền và theo loại hình du lịch.
    Đề án cũng nêu rõ, để phát huy tối đa tiềm năng du lịch biển Việt Nam thì cần có những cơ chế, chính sách thuận lợi, khuyến khích đầu tư cho du lịch cũng như nâng cao được năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương ven biển đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch biển thành động lực của ngành kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương ven biển tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo thống nhất trong khai thác, bảo tồn các giá trị của biển; Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển du lịch bền vững đứng từ góc độ bảo vệ tài nguyên, môi trường. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives