Truyện ngắn  

Posted by Unknown

Hoa của đất
                                 
                                         HỒ VIỆT KHUÊ
                                                               (Phan Thiết, Bình Thuận)

Giữa lòng thành phố, bên bờ biển xanh rì rào tiếng dương liễu hòa âm cùng tiếng sóng dịu êm ngày biển lặng, sân gôn xanh mởn màu cỏ non tơ óng ánh dưới ánh nắng ban mai vừa hửng lên. Người đàn ông lơ đãng để điếu thuốc trên tay lụi dần, mặc ly cà phê nguội, đăm chiêu nhìn qua bức tường thấp lố nhố mấy người nước ngoài đang chơi gôn thỉnh thoảng vung gậy làm đàn cò đang cắm chân trong các ao nước chao cánh bay về phía biển.


     Cả tuần nay, mỗi sáng, người đàn ông đều đến uống cà phê thật sớm ở ki-ốt bên tường rào sân gôn. Ông ngồi cả buổi sáng, một mình, đốt thuốc lá và phóng sâu tầm mắt vào sân gôn, cho đến khi bóng nắng vượt qua hàng cây keo đổ lên người mới quay về khách sạn. Ông đi xa đã hơn hai mươi năm, không ai biết một tin tức nào về ông cho đến ngày ông đột ngột trở về quê nhà.
     Ngày xưa, căn nhà nhỏ của cha mẹ ông, nơi ông và các em lớn lên thuộc một làng trồng hoa ở ngay rìa thành phố. Nhiều buổi sáng nhìn ngắm, ông vẫn không hình dung được căn nhà nhỏ đó ở nơi nào trong cái sân gôn rộng lớn kia, dù nơi đó từng có một cây bàng cổ thụ hàng trăm tuổi. Tuổi thơ của nhiều thế hệ làng hoa, của ông đã trôi êm đềm dưới bóng râm mát của những chiếc lá bàng to bằng hai bàn tay người lớn, của những cái nhân bàng nho nhỏ beo béo, của những viên bi lóng lánh màu sắc lăn lóc dưới gốc bàng trong những buổi trưa mùa hè hây hây gió nồm nam. Những tuổi thơ ngày ấy đã tan tác, chia lìa từ sau buổi họp phổ biến việc lấy đất làng hoa làm sân gôn, xây khách sạn. Và ông cũng bỏ đi từ ngày cánh tay sắt của cái máy đào đất thọc sâu vào luống hoa bầm máu, từ ngày những chiếc bánh xích chà nát vĩnh viễn một làng nghề truyền thống.
     Ngày trở về, ông không một lần đến với biển. Làng hoa của ông xưa còn có tên làng Đầm, vì giữa làng có một đầm nước ngọt, lạ là đầm nước ngọt chỉ cách biển một dãy động cát trắng phau. Ông không đến với biển vì bãi biển ngày thơ ấu của ông và đám bạn vui đùa, khi sân gôn và khách sạn sang trọng mọc lên, người ta đã biến thành bãi tắm của khách du lịch nghỉ ở khách sạn. Bãi biển quê nhà không còn là của ông, của những người dân cư ngụ lâu năm mà là của những người chỉ tạt ngang vài ngày rồi đi nhưng họ có tiền.
      Trong đầu ông còn văng vẳng giọng nói hằn học của một cán bộ địa phương trước đám dân không chịu giao đất cho chủ đầu tư sân gôn. Đơn giản chỉ vì họ lo sợ không còn đất canh tác, mà họ thì không có một nghề nghiệp nào khác ngoài nghề gánh nước tưới hoa nhưng những chủ đầu tư thì không nghĩ thế, họ tưởng tượng có kẻ thù nào đó xúi giục mọi người phản đối chủ trương kêu gọi đầu tư của chính quyền địa phương. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu mảnh đất không chỉ là tài sản duy nhất của người nông dân, mà đó còn là di sản quý báu của nhiều thế hệ dày công vun đắp, bảo vệ.
Một người trong số họ gườm gườm nhìn đám nông dân, gằn giọng:
- Bà con muốn ăn thịt bò hay ăn rau muống? Muốn ăn thịt bò thì nhận tiền đền bù, giao đất cho chủ đầu tư làm sân gôn, tạo tiền đề cho nền kinh tế của địa phương phát triển, thu hút khách nước ngoài, thu ngoại tệ, tạo việc làm cho chính bà con. Còn cứ trồng hoa như từ xưa đến giờ thì chỉ có ăn rau muống thôi!
Đám đông im phăng phắc, dễ chừng nghe được cả tiếng sóng vỗ bờ ngoài xa dội vào những lồng ngực đau quặn thắt. Mãi lâu mới có tiếng nói rụt rè của một người cao tuổi:
- Chúng tôi không dám chống lệnh trên nhưng tiền đền bù thấp quá, không đổi được đất canh tác nơi khác, rồi thất nghiệp...
Ngày đó ông đang học năm cuối bậc trung học, buổi họp nhằm ngày nghỉ nên tò mò theo mẹ đến tham dự. Mãi đến tận bây giờ, khắc sâu trong ký ức ông hình ảnh một lão nông câm lặng nhìn xa xăm, từ hai hốc mắt mờ đục, khô cạn ứa hai giọt nước đùng đục.
Trong bữa cơm trưa ảm đạm của một nhà có tang, ông nói với cha:
- Ông Tám cách mạng cũng khóc nữa, ba à!
Cha ông đã trừng mắt nhìn ông. Ông không hiểu ý nghĩa cái trừng mắt của cha. Ông Tám cách mạng là người đào hầm nuôi giấu đặc công, từ căn hầm của ông Tám trong làng hoa, đặc công nhiều lần trà trộn vào thị xã đặt chất nổ các quán bar có nhiều sĩ quan Mỹ vui chơi.
Cuối cùng, cả làng đành nhận một số tiền đền bù và giao đất cho nhà đầu tư. Ông Tám cách mạng và vài người khác chỉ nhận tiền đền bù vào buổi sáng hàng trăm người mặc sắc phục và xe pháo dàn hàng ngang lăm le thực hiện lệnh cưỡng chế, còn cha ông và một số người khác biết thân phận mình nên đã ký tên nhận tiền đền bù từ đợt một, nhưng gia đình ông không cùng đi với người làng đến nơi ở mới được qui hoạch tái định cư mà cha ông đưa cả nhà lên Tây Nguyên mua đất lập vườn. Riêng ông, ông bỏ nhà đi lang thang, làm nhiều nghề kiếm sống rồi trôi dạt sang nước láng giềng lập nghiệp.
     Sau một tuần dò hỏi, ông biết một số người làng hoa vẫn còn sinh sống ở phía bắc thành phố, nơi họ tái định cư gần hai mươi năm về trước. Ông gọi một người chạy xe ôm, mua ít bánh kẹo và một bó hoa cúc để đi thăm họ. Bánh kẹo sẽ tặng người già và trẻ nhỏ, ông chưa biết tặng cụ thể ai nhưng nơi nào mà chẳng có người già và trẻ nhỏ, còn bó hoa cúc ông mua vì yêu thích cái màu vàng tươi thắm rạng ngời ánh nắng ban mai của những ngày quê cũ chứ chẳng biết để làm gì hay tặng ai. Ông đã bị chặt đứt hẳn cội rễ từ ngày cái khách sạn đồ sộ nuốt chửng làng hoa, với những đồi, ao tạo hình cho đường bay của quả banh gôn. Bó hoa cúc nặng trĩu khi ông biết nó được trồng ở Đà Lạt và vượt cả trăm cây số mới đến tay ông. Ngày xưa, loài hoa dễ tính này vàng hực cả làng ông không chỉ mỗi độ thu về.
     Ông không mấy khó khăn khi tìm nhà một người bạn thân của cha ông, dù đến nơi ông mới biết người này đã mất vài năm trước. Cuối cùng ông cũng tìm được một người để tặng những đóa hoa cúc vàng mà ông từng yêu thích. Người con gái của bạn cha ông, học sau ông mấy lớp ở bậc trung học thường được ông chở bằng xe đạp đến trường, mừng rỡ đưa ông đi thăm vài người già của làng hoa sống như người thừa thãi trong không gian hẹp của các căn nhà hộp. Tuổi già của họ đã bị đối xử thật tàn nhẫn, không như lớp cha mẹ họ, dù già cả vẫn được lao động cùng con cháu, vẫn giúp con cháu làm những việc nhẹ nhàng như chăm sóc bụi hoa, nhổ bỏ ngọn cỏ dại hay phơi phóng hạt hoa giống và treo trên giàn bếp đợi mùa sau. Tuổi già làng hoa thế hệ trước được hưởng chung nỗi vui thu hoạch mùa màng cùng con cháu, buồn cùng con cháu sau trận mưa rào làm dập nát vạt hoa vừa hé nụ, chứ không ngồi bó gối nhìn ánh nắng chiều hiu hắt liếm dần từng bậc cấp. Còn những đứa trẻ, ngoài giờ học, chúng giúp cha mẹ tưới hoa, thổi nồi cơm, rót bát nước, thỉnh thoảng theo mẹ mang hoa ra chợ bán, được mẹ thưởng công một cây cà rem đậu xanh nước cốt dừa béo ngậy. Bây giờ, những đứa trẻ cúm chân trong căn nhà hẹp, hít thở không khí tù đọng và không còn một cây bàng cổ thụ nào cho chúng chạy nhảy dưới bóng râm.
     Ông hỏi thăm vài người quen cũ, chỉ nhận được cái lắc đầu của người em gái năm xưa. Sau khi đến nơi ở mới, vì không có đất canh tác, vì không kịp tìm một nghề mới, những đồng tiền đền bù ít ỏi vơi cạn dần nên có một số người đã bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai, người về miệt quê, người bám thành phố làm đủ thứ nghề. Cũng như ông, họ bị bắt buộc chia lìa nơi chốn thân thuộc với những mối quan hệ tình cảm thân thiết để lao vào cuộc mưu sinh khác, không còn dịp quay lại chốn cũ, có chăng chỉ là cái chép miệng tiếc nuối mỗi khi ai đó khơi gợi, hay khi đẩy chiếc xe bán dạo giữa trưa nắng chói chang đi ven tường rào sân gôn, nhìn vào thảm cỏ xanh ẩm ướt, mơ thấy căn nhà cũ và thèm ngả mình trên bộ ván dưới gốc me đón cơn gió thổi mát từng chân tóc.
     Ông ăn cơm trưa với người em gái, chồng cô đi làm phu hồ đến tối mới về nhà. Cô mở hàng tạp hóa tại nhà, tạm đủ nuôi hai con ăn học. Đó là một gia đình may mắn hơn rất nhiều gia đình khác ở làng hoa năm xưa. Bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp những hình bóng cũ làm ông ngon miệng. Ông chợt hỏi bâng quơ:
     - Em muốn ăn thịt bò hay ăn rau muống?
     Cô nhìn ông ngạc nhiên, ngắc ngứ hồi lâu mới trả lời:
     - Thịt bò thì năm khi mười họa thôi, chứ rau muống thì hàng ngày. Thịt bò mắc lắm!
     Cái khách sạn và sân gôn kia đã làm giàu cho nhiều người chủ, chủ mới nhất là một Việt kiều Mỹ đã mua lại giá hàng triệu đô la, vì hiếm có sân gôn nào ở ngay thành phố - cái thị xã ngày xưa đã trở thành thành phố - và ở bên biển. Bữa cơm của nhiều người dân làng hoa phiêu dạt của ông vẫn nhiều rau muống chứ chưa có thịt bò như người ta vẽ ra lúc bấy giờ, mà để trả giá như thế thì sự mất mát di sản của ông bà, sự tổn thương tinh thần của những thế hệ cùng gánh nước tưới hoa từ một cái đầm khi xóa bỏ một làng quê, là vô cùng đắt.
     Trong khi chờ xe trở về, ông thấy trước hiên nhà người em gái có một đám hoa cúc được trồng trong cái thùng sắt gỉ mà khi mới đến ông không để ý. Tuy không sang trọng bằng bó hoa cúc ông tặng mà người em gái cắm trong chiếc bình thủy tinh đặt trên bàn giữa nhà, với những cánh hoa to hơn, sắc vàng rực rỡ hơn nhưng ông nghe từ những cánh hoa vàng thắm nhỏ nhắn lung linh trong cái thùng sắt kia phảng phất một mùi hương dịu nhẹ êm đềm, mùi hương chỉ hoa cúc trồng ở làng Đầm mới có.
     Trên đường về, ông cứ tự hỏi tại sao năm xưa người ta không giao vùng đất thưa dân, cằn cỗi xa thành phố cho nhà đầu tư xây dựng sân gôn, mà cứ phải xóa sổ làng Đầm tồn tại mấy trăm năm của ông, làm tan nát tinh thần của những thế hệ gắn bó máu thịt với sắc màu rực rỡ của các loài hoa? Tại sao người ta cứ phải ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư bằng mọi giá mà không cân nhắc đến những hệ lụy của nó?
     Về đến khách sạn, ông ngạc nhiên khi thấy con ông đã thu xếp hành lý.
      - Sớm mai con sẽ đi chuyến xe sớm rời nơi này.
     Thái độ của người thanh niên trạc tuổi ông ngày bắt buộc bỏ làng quá lạnh lùng làm ông sững sờ. Đây là quê nhà của cha mẹ ông, của vợ chồng ông chứ không hề của nó, của các con ông. Nó sinh ra và lớn lên ở một nơi hoàn toàn xa lạ, cách quê nhà trong tâm tưởng ông cả ngàn cây số đường chim bay. Nó không có chút dây mơ rễ má gì với nơi chốn gắn bó, máu thịt của vợ chồng ông, của ông bà nó. Nó không biết hạt cát ở đây thấm nước như thế nào. Nó không hề biết nước trong đầm giữa làng ngọt và trong như thế nào vì được chắt lọc bởi tầng tầng cát trắng. Nó không được ăn những bữa cơm chiều trên manh chiếu trải bên vạt hoa đang khẽ khàng khép cánh khi vệt nắng cuối ngày từ từ lịm dần bên kia động cát trắng phau.     
      Nó thật sự xa lạ với những gì thân thương, quý trọng nhất mà ông đau đáu vọng tưởng trong bao đêm dài mất ngủ.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives