ĐIỆN ẢNH - Hãy chấp nhận “Lửa Phật” là sản phẩm “made in Vietnam”  

Posted by Unknown

SONG NGỌC

ĐÃ CÓ TRÊN DƯỚI 20 BÀI VIẾT CỦA GIỚI TRUYỀN THÔNG VỀ BỘ PHIM “LỬA PHẬT”, NGOÀI ĐÁNH GIÁ CỦA ĐẠO DIỄN NGUYỄN QUANG DŨNG CHO RẰNG BỘ PHIM “LỬA PHẬT CÓ VÕ THUẬT VÀ HÀNH ĐỘNG TỐT NHẤT VIỆT NAM” VÀ BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ QUỲNH ANH TRÊN THẾ GIỚI VĂN HÓA KÊU GỌI KHÁN GIẢ “BỎ QUA ĐỊNH KIẾN, HÃY ĐI XEM LỬA PHẬT” THÌ HẦU HẾT CÁC BÀI VIẾT KHÁC ĐỀU KHÔNG ĐÁNH GIÁ CAO “LỬA PHẬT” HOẶC CHỈ QUAN TÂM ĐẾN NGHI ÁN “QUẢNG CÁO RƯỢU” TRONG PHIM.
BÀI VIẾT NÀY VỚI HI VỌNG MONG MUỐN KHÁN GIẢ VIỆT NAM CÓ CÁI NHÌN RỘNG LƯỢNG HƠN ĐỐI VỚI PHIM VIỆT, HOẶC ÍT RA HÃY CHẤP NHẬN PHIM VIỆT LÀ MỘT SẢN PHẨM “MADE IN VIETNAM” TRƯỚC KHI MANG NÓ RA ĐÁNH GIÁ VÀ SO SÁNH VỚI CÁC PHIM NƯỚC NGOÀI.

Poster phim Lửa Phật
PHIM GIẢ TƯỞNG KHÔNG ĐẬM CHẤT GIẢ TƯỞNG
Thứ nhất, “Lửa Phật” là thể loại phim giả tưởng như nhà sản xuất đã tuyên bố. Thể loại này không mới đối với nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, loại phim giả tưởng như “Lửa Phật” được coi là một thể nghiệm mới trong điện ảnh.
Và có lẽ chính vì mới, vì là thể nghiệm nên đôi khi nó còn gượng gạo và khập khiễng. Sự gượng gạo tập trung ở những sản phẩm “có thể quảng cáo” trong phim, đó là rượu mạnh và xe mô tô. Chính những sản phẩm thật của cuộc sống đã làm giảm yếu tố giả tưởng trong phim và không làm khán giả nhập tâm được vào thế giới ảo của phim.
Thiết nghĩ, nếu chiếc xe mô tô được cách điệu trở thành chiếc xe “quái” dị hơn và chai rượu Johnnie Walker được ngụy trang khéo léo hơn để không phải vướng vào nghi án “quảng cáo rượu” thì có thể đã thuyết phục được khán giả về thế giới ảo và chất giả tưởng của phim.
Suy cho cùng, nếu người làm phim Việt Nam quen thuộc hơn với thể loại phim giả tưởng thì có thể họ sẽ không để những sản phẩm thật hay những chi tiết thật của cuộc sống làm giảm chất giả tưởng của phim.
Yếu tố thứ hai làm giảm chất giả tưởng là do trong phim “Lửa Phật” chưa có sự kết nối giữa không gian trong thế giới ảo.
Thế giới từng có nhiều phim giả tưởng nổi tiếng như VanHelsing, Avatar,… nhưng không gian ảo trong các phim đó được khái quát cao để nhân vật được sống cụ thể trong không gian đã được khái quát đó.
“Lửa Phật” không khái quát cho khán giả không gian cụ thể. Không gian giả tưởng của phim “Lửa Phật” không có sự kết nối xuyên suốt toàn phim mà chỉ là những mảng lắp ghép đơn lẻ của nhiều góc không gian nhỏ từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, thể hiện qua hành động, phục trang của nhân vật, bối cảnh và đạo cụ của phim. Khán giả nhận ra căn phòng nhà sư ngồi gảy đàn trong phân đoạn mở đầu phim là kiểu Nhật, chiếc xe công nông đầu ngang của Việt Nam, chiếc xe mô tô và sinh hoạt trong quán bar mang phong cách Viễn Tây, những chiêu thức tung chưởng hay vận nội công thì giống trong truyện Kim Dung của Trung Quốc, tiệm bánh và phục trang của nhân vật rất Tây… Tất cả là một sự pha trộn giữa Á - Âu và hoàn toàn không có sự đồng bộ.
Giả tưởng không có nghĩa là vô lý. Điều quan trọng nhất là làm sao để khán giả có thể tin và chấp nhận thế giới giả tưởng được thể hiện trong phim.
SỰ CHẮP VÁCA NHỮNG HÌNH TƯỢNG TRONG CÁC PHIM KINH ĐIỂN
Xem xong “Lửa Phật”, cảm xúc ban đầu của tôi là cảm thấy tiếc. Giá mà câu chuyện phim chỉ tập trung xoay quanh câu chuyện cá nhân giữa Đạo - Long - Ánh - Hiền, đừng cố phủ lên thời lượng 120 phút phim những vấn đề quá lớn lao như: chiến binh chiến đấu vì đất nước, những triết lý của Phật pháp về “đạo” và “đời”, giác ngộ và trần tục,… thì có thể phim sẽ đi vào khai thác chiều sâu của nhân vật nhiều hơn, câu chuyện phim đỡ rối hơn,… và dễ được khán giả chấp nhận hơn.
Có lẽ vì ôm trong mình quá nhiều vấn đề mà “Lửa Phật” thể hiện sự chắp vá một cách không khéo léo của các hình tượng trong các bộ phim kinh điển. Khán giả dễ dàng nhận thấy ở nhân vật Đạo (Dustin Nguyễn) phảng phất hình ảnh quen thuộc của người chiến binh Yang (trong phim Con đường chiến binh - The Warrior’s Way (2010) của đạo diễn Sngmoo Lee). Sự lặp lại của hình tượng LaraCroft trong loạt phim Tomb Raider qua nhân vật Ánh (Ngô Thanh Vân). Hay cảnh nhân vật Đạo nằm trôi lơ lửng trên chiếc bè trôi trên sông với phía trên một bầu trời đầy sao - vốn dĩ đã trở thành một cảnh “thương hiệu” của bộ phim The Life of Pi của đạo diễn Lý An. Hoặc những hình ảnh về chiếc mô tô cổ quái được mô phỏng ý tưởng từ những bộ phim giả tưởng như: Final Fantasy VII: Advent Children (2005) hay Ghost Rider Spirit of Vengeance (2011) của Nicolas Cage,…
KHÁN GIẢ CẦN LÀMỘT CÂU CHUYỆN LOGIC, DÙ ĐÓLÀTRONG THẾGIỚI ẢO HAY TRONG ĐỜI THỰC
Bắt đầu từ việc xác định thể loại phim, “Lửa Phật” là phim hành động giả tưởng, không phải phim tâm lý xã hội, cũng không phải phim lịch sử. Vì là phim hành động giả tưởng nên đôi khi câu chuyện phim bị tiết chế để tập trung cho phần hành động và hiệu ứng thị giác. Ta có thể bắt gặp rất nhiều phim hành động “bom tấn” của Hollywood không mạnh về kịch bản như loạt phim Terminator chỉ với một cốt chuyện đơn giản lặp đi lặp lại về một cuộc chiến giữa con người và máy móc, hay loạt phim Transformer nói về sự xâm lược của đám xe cộ ngoài hành tinh. Tuy nhiên, những hiệu quả thị giác của phim đem lại vẫn khiến khán giả chấp nhận và xem nó mặc dù thậm chí còn biết trước nội dung phim sẽ diễn tiến thế nào.
Tôi không phủ nhận nội dung phim “Lửa Phật” còn rời rạc và có phần lộn xộn như đánh giá của giới truyền thông. Nhưng tôi cũng hiểu, khán giả Việt Nam từ trước giờ vẫn quen với thói quen xem câu chuyện trong phim (nội dung) chứ không phải xem cách một câu chuyện được kể như thế nào trong phim (hình thức). Khán giả Việt Nam vẫn có thói quen đánh giá một bộ phim Việt bằng nội dung mà bỏ quên đi các yếu tố khác. Khi lấy câu chuyện phim (kịch bản) làm yếu tố trọng tâm, thì có lẽ thể loại phim tâm lý, tình cảm, xã hội sẽ kể câu chuyện tốt hơn thể loại phim hành động giả tưởng.
Mỗi loại phim có những đặc trưng riêng của nó. Phim tâm lý, xã hội tập trung vào câu chuyện với những mối quan hệ phức tạp. Phim hành động sẽ tập trung cho phần hành động, mà đôi khi câu chuyện chỉ là một cái cớ để phô diễn hành động. Cho nên, khi chọn xem “Lửa Phật”, khán giả phải hiểu rằng mình đang chọn xem một phim hành động giả tưởng, để không quá đòi hỏi vào nội dung của câu chuyện trong phim.
HÃY CHP NHẬN “LỬA PHẬT” LÀMỘT SẢN PHẨM CA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM
Mang tính chất thể nghiệm trong nền điện ảnh Việt Nam, chắc chắn “Lửa Phật” sẽ không tránh khỏi những “hạt sạn”. Có thể “Lửa Phật” không phải là bộ phim hoàn hảo như những bộ phim hành động giả tưởng nước ngoài, nhưng nếu đặt trong bối cảnh của nền điện ảnh Việt Nam thì đây là một bộ phim có nhiều cái để xem: nhiều chi tiết trong phim tạo cảm xúc (tình cảm của vợ chồng giữa Hiền và Ánh (Thái Hòa và Ngô Thanh Vân đóng), hành động của bé Hùng (con trai của Ánh),… Hành động, chỉ đạo võ thuật, diễn xuất của diễn viên, dựng phim và âm thanh trong phim khá tốt, đạo cụ và phục trang được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng,…
Tác phẩm điện ảnh không phải là sản phẩm đơn lẻ, nó là sản phẩm của tập thể với nhiều khâu, nhiều thành phần đồng sáng tác. Trong điều kiện của nền điện ảnh Việt Nam chưa có sự phát triển đồng bộ, một số thành phần trong êkíp đoàn làm phim được nhà sản xuất mời từ nước ngoài. Khi xem phim “Lửa Phật”, tôi rất mừng vì ở ending phim còn xuất hiện tên các thành phần làm phim là người Việt Nam, chứ không phải tất cả là người nước ngoài. Giả sử, nếu nhà sản xuất có đủ chi phí để mời toàn bộ các thành phần làm phim là người nước ngoài thì lúc đó, dù có sản xuất tại Việt Nam hay nhân vật trong phim nói tiếng Việt đi chăng nữa thì đó cũng không phải là một bộ phim Việt mà là một sản phẩm của nước ngoài. Do đó, nếu coi bộ phim “Lửa Phật” là một sản phẩm của điện ảnh Việt Nam và đặt nó trong bối cảnh chung của điện ảnh nước nhà thì có lẽ khán giả sẽ dễ chấp nhận nó hơn.
Là một người trẻ, tôi trân trọng sự thể nghiệm và dám làm của những người làm phim “Lửa Phật”. Và cũng chính vì sự thể nghiệm ấy, hi vọng mong khán giả đừng quá khắt khe với “Lửa Phật”, bỏ qua những vụng về nhỏ nhặt và mở lòng ra để chấp nhận nó, để những người làm phim có thêm điều kiện để rút kinh nghiệm về những thể nghiệm của mình. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives