GÓC NHỎ SÀI GÒN  

Posted by Unknown

Vu Lan ở Sài Gòn
VIÊN CHÍ THÀNH

Bây giờ là mùa mưa. Sài Gòn hầu như ngày nào trời cũng mưa, không mưa chiều cũng mưa đêm, thậm chí có những sáng mới mở mắt đã không thấy mặt trời và mưa cứ thản nhiên… rơi! Những cơn mưa tháng bảy gợi cho tôi nhớ tháng bảy cũng là dịp để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau đêm mùng 7-7 Âm lịch. Đây chỉ là chuyện cổ tích dân gian do ông bà xưa kể cho con cháu nghe và đã lưu truyền qua bao thế hệ. Tháng bảy cũng là mùa Vu Lan, là mùa báo hiếu, là dịp để các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành nuôi dưỡng của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việt Nam là nước châu Á, phần lớn chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông nên Vu Lan là một trong những ngày lễ tạo dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn người Việt, nhất là với những ai theo đạo Phật.
Từ mùng 10-7 Âm lịch, hầu như các địa phương trong cả nước, ở đâu có chùa chiền là ở đó có không khí chuẩn bị mừng lễ Vu Lan. Sài Gòn cũng vậy. Trước ngày lễ, các chùa đã cho treo nhiều dây cờ Phật giáo từ đầu phố cho đến cổng chính. Trong chùa cũng đã được trụ trì cho chỉnh trang lại để đón khách. Rằm tháng 7 ÂL mới là lễ chính của mùa Vu Lan. Từ sáng sớm đã thấy người ta bày bán hoa hồng trên nhiều con phố. Còn ở chợ, các mặt hàng hoa tươi, trái cây, nhang, đèn được bày nhiều và bán rất chạy. Gần như hôm ấy gia đình nào cũng mua hoa hoặc trái cây, nhang, đèn về cúng Phật. Trong ngày này, các chùa, các thiền viện đều mở rộng cửa đón tiếp Phật tử và khách thập phương đến viếng. Rằm tháng 7 cũng là thời điểm kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ của các Tăng, Ni.
Trong lễ Vu Lan thường nhắc nhiều về hình ảnh người mẹ, bởi tình thương của mẹ “bao la như biển Thái Bình”. Không có tình nào đậm đà, thiêng liêng như tình mẹ thương con. Vu Lan báo hiếu là sự nhắc nhở những ai còn cha mẹ trên đời hãy biết giữ gìn, trân trọng niềm hạnh phúc ấy.
Vào dịp lễ Vu Lan, đến viếng các chùa, chúng ta sẽ được cài lên ngực áo một bông hồng. Bông hồng trắng dành cho người đã mất đi đấng sinh thành. Bông hồng đỏ thắm dành cho những ai đang còn đủ cha mẹ. Nhưng còn cha mẹ đó, còn được mang bông hồng đỏ thì chúng ta sẽ làm gì cho cha mẹ vui, để khi cha mẹ qua đời, bản thân không có điều gì phải hối hận. Hay mới ở chùa đọc nghìn câu kinh trở về nhà, thấy mẹ vụng về ra mở cửa, nói những lời không vừa ý, chúng ta đã có điều phật ý, chau mày!
Tôi nhớ cách đây vài năm, tại một tiệm cơm chay gần nhà, tôi thường gặp một cô gái thường đưa mẹ đến đây dùng bữa. Tôi đã nhìn thấy cảnh cô mở cửa xe, dìu mẹ đi từng bước chậm chạp, đỡ cánh cửa cho mẹ, kéo ghế ngồi cho mẹ. Nhìn cách cô chăm sóc bà cụ một cách chu đáo trong lúc ăn, tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi đã qua đời, và tôi ước ao phải chi tôi cũng còn mẹ.
Tôi biết bà mẹ già kia hẳn rất vui khi được con gái đưa đi ra ngoài, nhìn cảnh phố xá và sinh hoạt như một người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Tôi chưa gặp lần nào cô gái ấy đi với bạn trai hay bạn gái đến tiệm ăn này, mà lúc nào cũng gặp cô đi với mẹ. Trong thế giới xô bồ hiện nay, có mấy ai đã làm được điều đó!
Mùa Vu Lan về, người Sài Gòn trang trọng đón lễ. Trong ngày này, rủ nhau viếng chùa thắp hương khấn Phật, cùng nghĩ về đạo hạnh làm người, để hiểu hơn về trách nhiệm làm con và biết làm tròn chữ hiếu. Điều ấy chẳng phải là một nét văn hóa truyền thống rất tốt đẹp đó sao?

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives