Ký
Posted by Unknown
Khi đất đáp lời
NGUYỄN LẬP EM
![]() |
Tình quân dân - Tranh sơn dầu PHẠM VĂN TÂM |
1. Lần đầu tôi đến núi Cô Tô ở Tri Tôn (An Giang) cách đây hơn ba mươi năm, đó là vào những năm đầu 80 của thế kỷ XX. Lúc ấy, Tri Tôn vẫn còn quen một tên gọi khác: Xà Tón. Thật ra, đó là tên gọi cái chợ trung tâm ở thị trấn miền núi này: Chợ Xà Tón. Sau đó, tìm hiểu kỹ hơn, tôi được biết, ở khu vực thị trấn miền núi này có một ngôi chùa lớn của người dân tộc Khơme là chùa Xvay-ton; có lẽ, từ tên ngôi chùa này, người dân gọi tên chợ trại đi thành địa danh trên.
Núi Cô Tô còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng Sơn, là núi cao nhất nhì trong dãy Thất Sơn ở An Giang, cao hơn sáu trăm mét so với mực nước biển. Huyền thoại kể rằng: Vào thuở hồng hoang, ở núi này thường có loài phượng hoàng đến trú ngụ, theo đó mà người ta đặt thành tên núi; nhưng người ta lại vẽ nên một cảnh quan đẹp rằng: nếu đứng nhìn từ xa, Cô Tô giống như con chim phượng hoàng nằm sải cánh giữa đồng tứ giác Long Xuyên.
Chúng tôi leo đến đỉnh cao nhất của núi Cô Tô, đứng ở Vồ Lớn, nghe gió từ bốn phương vi vút thổi, cảm nhận đầy đủ độ cao của một trong những đỉnh Thất Sơn; và nhìn bao la mới thấy sự mênh mông của cánh đồng Tứ Giác trải ngút ngàn đến tận biển Tây. Theo như thông tin mà chúng tôi có được: tứ giác Long Xuyên vào thời điểm này, mức độ đất còn hoang hóa là rất lớn. Diện tích mà người nông dân vùng này có thể gieo trồng được trải ra như tấm da beo lam nham, loang lổ, lại cho sản lượng lúa không cao, thường là ở ven bờ kinh rạch và các xóm làng. Đồng sâu vẫn còn bị bỏ hoang, bởi hệ thống thủy lợi chưa đủ để tưới tiêu; đất còn bị nhiễm phèn rất nặng, không thể trồng trọt gì trên đó được. Lúc này, tổng sản lượng lúa của An Giang vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ cung cấp lương thực cho người dân trong tỉnh đủ no; An Giang còn phải nhận điều tiết của trung ương mỗi năm hằng trăm tấn gạo.
Núi Cô Tô, lúc này vừa ra khỏi bom đạn chiến tranh chưa được mười năm; rừng cây trên núi bắt đầu lên xanh tốt nhưng dấu tích của sự tàn phá do bom đạn vẫn còn đầy dẫy trên những thân cổ thụ bị phạt đứt nhánh, lìa cành và còn đó cả những vách đá núi bị đạn bom đánh bể. Người du kích địa phương đi cùng chúng tôi nhắc nhở: Chỉ nên đi theo lối mòn, đừng tràn lan vào rừng, e rằng ở trên mặt đất đá và trên tàng cây, đọt cỏ, mà đơn vị công binh của ta chưa kịp rà tìm, dọn dẹp, sẽ còn sót bom, mìn và lựu đạn… Chúng tôi nhìn từ trên độ cao xuống, về phía ngọn đồi Tức Dụp ở phía Tây chân núi Cô Tô - ngọn đồi có cái tên huyền thoại: “Ngọn đồi hai triệu đô la”! Đó là một huyền thoại bi hùng từ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân và quân An Giang trong thời kháng chiến. Vì sao quân đội Mỹ - Ngụy đã dành nhiều bom đạn đến như vậy để đánh vào Tức Dụp, là một lò ảng có chu vi chưa đến hai ki-lô-mét ấy? Vì Cô Tô và Tức Dụp là nơi, mà theo nguồn tin của phía bên kia biết được: đây là căn cứ cách mạng lớn nhất của Tỉnh ủy An Giang - nơi là đầu não của cuộc cách mạng An Giang trong kháng chiến, lại là cầu nối của Trung ương Cục miền Nam về chiến trường miền Tây Nam bộ. Có một thời, vào những năm trước 1975, Cô Tô - Tức Dụp là trọng điểm đánh phá của quân đội Mỹ - Ngụy với rất nhiều bom pháo. Tọa độ đỏ thường xuyên trên bản đồ quân sự của địch ở tỉnh Châu Đốc là Cô Tô - Tri Tôn. Máy bay của chúng đi đánh phá ở đâu, trên đường về ngang đây, cánh bay còn dư bao nhiêu bom pháo đều trút cả vào Cô Tô và Tức Dụp; và thậm chí, có những quả bom, từ nơi xuất phát còn ghi cả địa danh đem đến: FOR TO THE TRI TON; những người du kích ở vùng này đã đọc thấy chúng trên những quả bom lép còn nằm chỏng chơ ở núi Cô Tô.
Trưởng đài truyền thanh huyện Tri Tôn, lúc này, Nguyễn Huệ Hưng, bảo với chúng tôi: Dân ở các xã quanh chân núi Cô Tô như An Tức, Ô Lâm, Cô Tô… phần đông là dân tộc Khơme còn rất nghèo, ngoài trồng lúa và chăn nuôi heo, bò, gà, vịt thì không có việc làm gì khác; hồi chiến tranh, họ lại phải bỏ phum sóc, ruộng vườn mà ra đi trong các cuộc dồn dân lập ấp của giặc. Sau khi đất nước được thống nhất, hòa bình, độc lập, bà con trở về làng cũ, dựng lại nhà; cuộc sống ở phum sóc dần phục hồi; bà con lại gieo trồng và chăn nuôi gia súc nhưng đâu dễ thoát khỏi đói nghèo trong một sớm một chiều. Chúng tôi đứng ở đỉnh cao của Phụng Hoàng Sơn, nhìn bao quát: cánh đồng tứ giác Long Xuyên đầy phèn chua vẫn cứ mênh mông trải đến ngút ngàn xa và Tri Tôn ở một phía này với các xóm làng, phum sóc ở vùng núi Cô Tô, núi Cấm, núi Dài, núi Tà Bạ, núi Nam Di… Tất cả đều vừa trải qua một thời tan tác dưới bom đạn chiến tranh; ngẫm nghĩ sẽ không biết còn đến bao lâu nữa cuộc sống của người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh khổ của đói nghèo.
Chúng tôi lại theo lối mòn xuống núi, cắm cúi mà đi, chợt nhận ra những bông hoa ré đỏ rực nhú đầy mặt đất ở ven bờ rừng - đó là những bông hoa dại của núi rừng Cô Tô nằm ủ suốt mùa khô trong lòng đất, bật lên sinh sôi khi mùa mưa hằng năm vừa mới bắt đầu. Sự sống là vậy, dù chỉ là những bông hoa dại, lực sinh tồn vẫn cứ ẩn tàng trong lòng đất, chờ đợi và bật lên một sắc đỏ mạnh mẽ, nồng nàn. Tôi không nói thành lời nhưng trong tâm cảm cứ mãi niềm hy vọng ở người và đất Tri Tôn vào những mùa sau.
2. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết Ở lại đồi Tức Dụp (Hội Văn học - nghệ thuật An Giang xuất bản năm 1995), về cuộc chiến đấu bảo vệ căn cứ cách mạng trong thời kháng chiến chống Mỹ của quân dân huyện Tri Tôn và tỉnh An Giang, tôi có dịp trở lại Tri Tôn, đã thấy cuộc sống của đồng bào ở đây có nhiều khởi sắc. Núi Cô Tô vẫn mượt mà xanh. Suối Vàng đã mang lại nguồn nước cho hồ Soài So - một địa chỉ du lịch sinh thái dưới chân Phụng Hoàng Sơn; và cả cánh đồng dưới chân đồi Tức Dụp - nơi từng là bãi chiến trường với bao lớp rào gai và tất cả bom mìn, đạn, pháo… đã được tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn đầu tư xây dựng nên Khu bảo tồn di tích lịch sử và danh thắng - hằng năm đón chào hằng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thăm viếng và tận hưởng không khí trong lành của một vùng núi non xanh tươi, trù phú. Quá khứ của thời chiến tranh đã lắng xuống, trở thành bài học về sự kiên cường bất khuất bảo vệ Tổ quốc của bao lớp người yêu chuộng hòa bình trên đất nước này. Giờ đây, con đường vòng quanh chân núi Cô Tô đã được tráng nhựa, nối liền các đường ô, rộng mở, quang đãng cho đồng bào phum sóc An Tức, Ô Lâm, Cô Tô xây dựng cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc.
Lại nói về cánh đồng tứ giác Long Xuyên. Từ những năm 80, các chuyên gia khoa học nước ngoài và trong nước đã đến khảo sát vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Các nhà khoa học Việt Nam đã khẳng định: “Cây lúa sẽ sống khoẻ trên vùng đất phèn nặng này bằng kỹ thuật ém phèn và né lũ”. Cùng với chính sách di dân của các địa phương và áp dụng kỹ thuật đặc biệt cho vùng đất nhiễm phèn nặng, Chính phủ đã cho khai hoang vùng Đồng Tháp Mười thành công; tiếp đến là vùng tứ giác Long Xuyên. Cuộc vận động toàn lực với quy mô lớn của tỉnh An Giang được thực hiện từ những năm cuối 80 của thế kỷ XX, đến suốt mười năm mới hoàn thành. Đến lúc này, cánh đồng tứ giác Long Xuyên, trong tầm nhìn bao quát khi đứng trên đỉnh Cô Tô, đã trải thảm xanh - màu xanh cây lúa chứ không phải là đồng hoang, cỏ lác nữa. Ông Nguyễn Minh Nhị, lúc này là Phó chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp của An Giang, cho biết: Đến năm 1995 này, tỉnh An Giang đã cơ bản đào xong kênh cấp 2 trên cánh đồng tứ giác Long Xuyên (khu vực thuộc địa phận An Giang) và giống lúa thần nông IR 50404 đã được đưa vào trồng thay cho lúa mùa một vụ, đánh dấu một khởi đầu mới trên vùng đất phèn chua.
Sau này, trên một tờ báo, trong bài viết “Nhớ ơn ông Sáu”, tôi đọc được ý kiến của ông Nguyễn Minh Nhị có liên quan đến sự kiện lịch sử về phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, như sau: “Khai thác Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng từ những năm 1987, 1989, khi ông còn là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng Chính phủ, cả khi là cố vấn BCH Trung ương Đảng…Thực hiện những chủ trương của ông, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đưa sản lượng lúa tăng gấp đôi (đạt hai mươi triệu tấn); riêng ba tỉnh An Giang - Kiên Giang - Đồng Tháp có sản lượng bằng phân nửa sản lượng của cả ĐBSCL (mười triệu tấn); cả ĐBSCL không chỉ là vựa lúa số một của cả nước mà còn là nguồn cung cấp chủ yếu để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới….”. Tôi nhớ, vào đầu những năm 80, khi ông Sáu Dân (tức ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, sau này là Thủ tướng) - xuất bản tập sách “Kính chào thế hệ thứ tư”, lớp trẻ chúng tôi đã rùng rùng lên tiếng, lao vào cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước sau 30-4-1975, khi đất nước được thống nhất và hoàn toàn độc lập; và sau đó suốt hai mươi năm, ông đã cùng hằng trăm nghìn nông dân ĐBSCL gọi đất thức dậy - Đất đã đáp lời mọi người, dù là những cánh đồng đã hằng trăm năm chìm đắm trong phèn chua, lũ lụt và ngập mặn như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau… Người gọi - Đất đã thức dậy, mang đến lúa gạo, ấm no và hạnh phúc cho cuộc sống sung túc của cả vùng nông thôn đổi mới ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc phía Tây Nam.
3. Lần thứ hai trong năm 2012, tôi về lại Tri Tôn và đến ngắm lại dòng kênh mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bây giờ đã là mùa mưa, thời tiết đang tháng 5 nhuần. Mưa đã tầm tã trút xuống nơi này nhiều ngày qua nên cây lá ven bờ đầy vẻ xanh tươi; còn nước trong lòng kênh đục ngầu màu của phù sa. Ở phía bờ này, đầu nguồn, chỗ hợp lưu với dòng kênh Vĩnh Tế, chính quyền và nhân dân An Giang đã khánh thành một đài tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã từng đến đây, từng lội bùn đất, xem xét để quyết định cho khai mở dòng kinh này, xẻ đồng tứ giác Long Xuyên, thoát nước đến tận biển Tây. Tôi nghiệm rằng: Trong cuộc sống, có những người đã làm nên kỳ tích, ra quyết định mang tính lịch sử mà trăm nghìn năm sau vẫn còn ghi dấu, ta phải kể đến quyết định này của bác Sáu Dân; đó là dấu ấn của tầm nhìn, khái quát và tấm lòng của một con - người - lịch - sử đã vì cuộc sống của bao người mà tìm kiếm một lối thoát, một hướng phát triển, một lối đi… Sau này, có thể đời đời các thế hệ cư dân ở ĐBSCL khi ăn hột gạo, củ khoai sẽ thấy bình thường thôi, như ăn mọi hột gạo, củ khoai khác trên đời. Nhưng, nếu có khoảnh khắc nào đó họ chợt nghĩ lại, từ trong tận cùng chiều sâu lịch sử của một vùng đất, sẽ nhận ra một giá trị hết sức lớn lao mà tiền nhân đã để lại cho mình; khi ấy, người ta sẽ biết trân trọng thế nào hai tiếng tiền nhân.
