Posted by Unknown
Thành lập Đại học Kỷ lục Thế giới
và công bố 50 kỷ lục Việt Nam
năm 2013
HỒNG HOA
Với mục tiêu hướng đến các giá trị kỷ lục thiên về nội dung và tôn vinh các cá nhân, đơn vị hoặc các nội dung kỷ lục mang những giá trị văn hóa - lịch sử - xã hội sâu sắc, Đại học Kỷ lục Thế giới được ra đời với sự hợp tác của các tổ chức Kỷ lục trên thế giới như Tổ chức Kỷ lục châu Á, Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Tổ chức Kỷ lục Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam...
Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam cho biết:
- Kể từ tháng 5-2013, được sự cho phép của Hội đồng quản trị và Hội đồng Khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trở thành đại diện chính thức và sẽ đặc quyền tổ chức các hoạt động của Đại học Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam. Theo đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ là cơ quan duy nhất tại Việt Nam được phép thẩm định và đánh giá sơ bộ các tư liệu nội dung trước khi chính thức đề cử các Tiến sĩ danh dự và Tôn vinh giá trị nội dung Đại học Kỷ lục Thế giới cho các kỷ lục gia và đơn vị tại Việt Nam.
![]() |
Bức tượng Bác Hồ bằng than đá - Nhà điêu khắc ĐỚI NGỌC MẠNH. |
Khác với Sách Kỷ lục Guinness Thế giới, Đại học Kỷ lục Thế giới sẽ hướng đến việc xác lập các giá trị tinh thần mang tính nội dung cao nhằm quảng bá và nâng tầm các giá trị hiện hữu trong đời sống con người vốn rất đa dạng, phức tạp và biến đổi không ngừng. Vật chất thì hữu hạn nhưng giá trị bên trong sẽ luôn trường tồn mãi mãi mặc cho những đổi thay của xã hội và tác động mạnh mẽ của thời gian. Con người có thể sẽ không tìm thấy những công trình, những tác phẩm sau hàng trăm năm nữa, nhưng các giá trị nền tảng của một quốc gia, những định hướng phát triển của một dân tộc sẽ luôn được ghi nhận và được những thế hệ mai sau nhắc đến như một bài học lịch sử vô cùng quý báu. Đó có thể là những giá trị lịch sử, những khát vọng vươn lên của một dân tộc thể hiện qua những ký ức, những thăng trầm trong quá trình phát triển của một dân tộc. Đôi khi, nó lại được thể hiện qua các giá trị văn hóa - nghệ thuật - xã hội, nơi mà con người thỏa sức tìm tòi và sáng tạo những nét đặc sắc để hướng đến sự hoàn hảo về hình thức lẫn nội dung. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua những giá trị kinh tế - sáng tạo được thể hiện qua sự cường thịnh cũng như các công trình mang tính đột phá đối với sự phát triển của nhân loại. Và cuối cùng là những giá trị giáo dục - đạo đức luôn hiện diện trong truyền thống của bất kỳ dân tộc hay cộng đồng trên thế giới. Tất cả sẽ được ghi nhận, xác lập và quảng bá rộng rãi thông qua những công cụ truyền thông của Đại học Kỷ lục Thế giới cũng như của các Tổ chức Kỷ lục các quốc gia thành viên.
Nằm trong chương trình hoạt động tôn vinh và quảng bá các kỷ lục thiên về nội dung, hằng năm, Đại học Kỷ lục Thế giới sẽ tiến hành công nhận những kỷ lục gia và các đơn vị sở hữu kỷ lục trên toàn thế giới đang lưu giữ những giá trị nội dung phục vụ cho cộng đồng và xã hội để trao bằng Tiến sĩ danh dự và tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục thế giới. Đợt đầu tiên, Đại học Kỷ lục Thế giới giới thiệu 5 cá nhân được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử Tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam, gồm: Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện) - Võ sư, nhà báo Phạm Đình Phong (Công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách Lịch sử Võ học đầu tiên của Việt Nam) - Ông Hoàng Đức Thảo (Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học, công nghệ trên thế giới) - Ông Võ Văn Tường (Người chụp ảnh, viết sách và triển lãm hình ảnh chùa Việt Nam nhiều nhất) - Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Lượng (Đạo diễn có số lượng phim về đề tài Đất nước, con người miền biển đảo nhiều nhất).
50 CÁ NHÂN ĐƯỢC CÔNG NHẬN KỶ LỤC VIỆT NAM (ĐỢT 1)
Sau một thời gian nghiên cứu, thẩm định hồ sơ đăng ký xác lập kỷ lục, Hội đồng Xác lập kỷ lục - Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố xác lập 50 kỷ lục Việt Nam cho các cá nhân sở hữu. 50 kỷ lục bao gồm nhiều lĩnh vực: Điêu khắc - Hội họa, Tạo hình Mỹ thuật, Sở hữu Trí tuệ - Bản quyền - Kỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh - Nhiếp ảnh, Thơ ca - Văn học, Âm nhạc và Xuất bản...
50 cá nhân được xác lập Kỷ lục Việt Nam kể từ ngày 1-8-2013, các kỷ lục này sẽ được trao bằng Xác lập Kỷ lục vào dịp Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 26 được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21-9-2013.
Trong lĩnh vực điêu khắc có tên nhà điêu khắc Đới Ngọc Mạnh với bức tượng Bác Hồ bằng than đá. Năm 1969, nhà điêu khắc Đới Ngọc Mạnh bắt tay thực hiện tạc tượng Bác Hồ bằng chất liệu than đá vùng Quảng Ninh. Sau 45 ngày miệt mài bên khói than, bức tượng hoàn thành nặng gần 600 kg, cao 1m45 trên một khối than đá nặng trên 1 tấn. Bức tượng sau đó được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân về Quảng Ninh đón nhận và đề nghị tác giả cùng về Hà Nội để trao lại cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Người thứ hai là nhà điêu khắc Hồ Quang Sơn được công nhận kỷ lục Việt Nam là Người đúc và tặng trống đồng khắc họa hình ảnh Bác Hồ nhiều nhất. Từ năm 2009-2012, ông Hồ Quang Sơn và nhóm nghệ nhân đã đúc 12 trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trên mặt trống đồng khắc họa một số hình ảnh tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Di chúc của Người và biểu tượng dân tộc Việt Nam. Kích thước của chiếc trống đầu là 120x100cm, chiếc trống thứ hai có kích thước 100x79cm, 10 chiếc trống còn lại cao 79cm, rộng 69cm.
Trong lĩnh vực hội họa có họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu, sở hữu kỷ lục Người vẽ chân dung Bác Hồ bằng bút lửa nhiều nhất. Anh Hồ Ngọc Hiếu đã thể hiện hình tượng Hồ Chủ tịch qua các tác phẩm bút lửa. Với gam màu chủ đạo là màu tự nhiên của gỗ và màu gỗ bị đốt cháy nhưng anh đã tạo ra bộ sưu tập những tác phẩm rất ấn tượng với 17 bức chân dung Bác Hồ bằng bút lửa trên gỗ bạch tùng với kích thước 45x70 cm đến 67x88cm, được anh thực hiện trong thời gian từ 1-1-2012 – 30-8-2012.