VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
Posted by Unknown
Truyện ngắn
Bên trên dòng sôngTASHI DAWA (Tibet)
VÕ HOÀNG MINH
(dịch từ Over the River)
TASHI DAWA SINH Ở QUẬN BATAN, TỈNH SICHUA, TIBET (TÂY TẠNG) NĂM 1959. NĂM 1972, ÔNG LÀ NHÀ THIẾT KẾ SÂN KHẤU CỦA ĐOÀN KỊCH TIBETAN PLAY, RỒI SAU TRỞ THÀNH KỊCH TÁC GIA CŨNG Ở ĐOÀN KỊCH NÀY. NĂM 1985, ÔNG THAM GIA HỘI NHÀ VĂN TÂY TẠNG. HIỆN ÔNG LÀ THÀNH VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN TRUNG QUỐC ĐỒNG THỜI LÀ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN TÂY TẠNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HÓA TÂY TẠNG. ÔNG ĐÃ CÓ NHIỀU GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG VÀ SÁNG TÁC CỦA ÔNG ĐƯỢC DỊCH SANG NHIỀU THỨ TIẾNG.
TRUYỆN NGẮN DƯỚI ĐÂY ĐƯỢC LI GUOQUING CHUYỂN NGỮ TỪ TIẾNG TRUNG QUỐC SANG TIẾNG ANH. BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT THEO LI GUOQUING.
Dòng sông như dải gấm thêu êm đềm chảy về nơi nào đó tận chân trời.
Ngôi làng nghèo bên bờ này của dòng sông có trên bảy mươi hộ, những ngôi nhà đá nghèo nàn của họ rải rác theo triền sông. Những bánh phân bò dùng làm chất đốt phơi khô trên các bức tường, lũ gà trống đậu trên các nóc nhà đang gáy. Một dòng suối từ khe núi gần đó len lỏi chảy qua làng. Ở đầu làng là một cây đa lớn, có lẽ được trồng từ hồi người dân đầu tiên đến định cư ở đây. Dân làng thỉnh thoảng vượt sông sang cửa hàng hợp tác xã để mua ít hàng hóa thường nhật: đường, trà, vải trắng, kim và chỉ.
Trên bờ sông, buổi sáng. Một thanh niên và một cô gái nhỏ đang đẩy chiếc bè làm bằng da bò Yak xuống sông. Chàng trai lớn hơn cô gái trên mười tuổi.
“Anh cho em đi theo chớ, anh Dangzeng?”, cô gái hỏi theo thói quen như nhiều lần trước đây.
“Em quá trẻ”, chàng đáp lại cũng theo cách như vậy. Hơn nữa, cô gái còn phải chăn bầy dê.
“Làng bên kia sông ra sao? Có lớn không?”.
“Có”.
“Họ có bán khăn quàng ở cửa hàng hợp tác xã không?”.
“Có”.
“Anh Danzeng nè!”.
“Gì?”.
“Anh mua về cho em một cái màu xanh lá cây nha?”.
“Ờ”.
“Đừng quên đấy”.
Vào lúc đó dân làng đã tụ tập trên bờ sông, chờ vượt sông để đi thăm bà con hoặc là mua sắm.
Chiếc bè đang trôi đi.
Cô gái nhỏ vẫn đứng nói vói theo, chân còn trong nước.
Danzeng cười, lồng ngực và đôi tay săn chắc của anh đang đẩy mạnh hai mái chèo - đó là hình ảnh đích thực của một người lái bè gan dạ.
Vung vẩy một nhánh cây, cô gái chầm chậm đưa đàn dê lên ngọn đồi cằn cỗi, nhìn từ chỗ đó chiếc bè không lớn hơn một con bọ hung. Cô gái vẫy tay về phía chiếc bè, rồi ngồi xuống một tảng đá mơ mộng về chiếc khăn quàng màu xanh lá cây - nó sẽ bắt mắt lắm ở những nơi buồn tẻ như ở đây.
Cô gái là một người chăn gia súc lặng lẽ, đơn độc, mồ côi từ khi còn rất nhỏ và được người chủ quán già chột mắt nuôi dưỡng. Cũng như những cô gái khác trong làng, cô đã trải qua mười sáu năm sống giữa bầy gia súc.
Danzeng cũng là một kẻ mồ côi, và có thể vì vậy mà anh đã đối xử với cô như một người anh lớn. Cô thường tì cằm mình trên đầu gối của anh vào buổi chiều tối trong túp lều thấp và tiều tụy của anh bên dòng sông, và nghe câu chuyện cũ xì đơn điệu của anh bên ngọn đèn dầu hải ly mập mờ.
“… Tiên Lamu cứ đợi ở trong rừng, cho đến một hôm trời nắng ông mặc áo đỏ đến trên con ngựa bạch…”.
Cô gái sẽ ngủ trong chốc lát. Lúc nửa đêm anh sẽ nhẹ nhàng bế cô về quán.
Trong những ngày đó dân làng phải ăn tối vội vã, vì khi có tiếng cồng triệu tập, họ sẽ tập trung trong gian phòng lớn, đầy khói để nghe ông Bí thư nói chuyện chính trị cho tới tận khuya, lưng và chân họ nhức mỏi sau một ngày lao động.
Cô gái nhỏ bé sẽ gối đầu trên vai anh ngủ, và khi dân làng giải tán, anh sẽ đưa cô về quán.
Đời sống trong làng đơn điệu như câu chuyện kể của Danzeng và buồn tẻ như những cuộc họp, chỉ chấm phá đôi nét bởi tình yêu và tuổi trẻ. Thỉnh thoảng thanh niên trốn trong những đống cỏ khô hay ngoài ruộng để đùa giỡn, hay tán tỉnh nhau trong ánh nắng…
Họ nắm cánh tay chàng lái bè trẻ, hỏi:
“Chừng nào anh mới có một cô gái dịu dàng dọn cho anh trà bơ trong túp lều thấp của anh?”.
“Cô gái của tôi quá trẻ, còn như một con chim non”, chàng sẽ trả lời như vậy.
Nhưng cô ấy là ai? Và khi nào cô gái yêu thương của anh mới đủ lông đủ cánh?
Trước khi chàng lái bè kịp nhận ra, đôi mắt người yêu dấu của chàng bắt đầu sáng lên, ngực nàng vun lên và làn da của nàng trở nên tươi khỏe. Một hôm người chủ quán từ bên kia sông về nhà trên chiếc bè của anh. Ông hào hứng, túi áo len lông bò của ông phồng lên và mắt ông thì long lanh vì rượu.
“Ngon lành! Mọi thứ sẽ tiến hành”. Ông già cười chân thành.
“Con chưa hề thấy chú vui như thế nhiều năm rồi, chú”.
“Đó là một gia đình tốt. Tất cả đều khỏe mạnh và tráng kiện. Họ muốn cưới Dolma. Thậm chí chú có thể dọn qua ở với họ. Chú còn muốn ai nữa chứ?”.
“Dolma sẽ lấy chồng sao?”.
“Phải, dĩ nhiên… Sao cái bè này quay quanh vậy?”.
Nàng khóc không nguyên cớ vào ngày nàng lấy chồng, đúng như những gì các cô gái được yêu cầu làm vào dịp như thế. Nhưng, khi nàng khóc xong, mặt nàng lộ vẻ hào hứng, vì bên kia sông là vùng đất thánh của nàng. Nàng đã sống mười bảy năm, đủ lâu rồi, trong cái làng nghèo khổ này, và hơn hết, là ông già một mắt đã tìm được cho nàng một gia đình giàu có. Chàng lái bè nghĩ, lẽ ra trước đây anh nên đưa nàng vượt sông để nhìn thấy phía bờ kia, còn bây giờ thì nàng sắp ra đi mãi mãi.
Nàng không phải là cô gái duy nhất dùng chiếc bè của chàng để đi lấy chồng bên kia sông. Năm đó có nhiều lần như vậy. Mỗi lần một cô gái lấy chồng bên kia sông, nhiều trai làng sẽ đứng dưới gốc cây đa từng hai hoặc ba người tuyệt vọng nhìn theo chiếc bè khởi hành, mắt họ tối đi với vẻ buồn.
Họ làm việc chăm chỉ, nhưng gái làng vẫn lấy chồng bên kia sông. Tại sao chứ?
Dù nàng sắp lấy chồng, mọi thứ nơi nàng đều đơn giản, ngoại trừ bộ đồ mới. Nàng và ông già chột mắt là những hành khách duy nhất, với vài món đồ đem theo.
Cái khăn quàng màu xanh lá cây chàng đã mua cho nàng cách đây một năm vẫn quàng trên đầu nàng, và vẫn tươi màu.
Nàng ngân nga khi nàng vọc nước. Nàng vẫn còn rất ngây thơ.
“Anh Danzeng nè”, nàng nói, “những cái sáng lên vào ban đêm bên kia sông là gì? Chúng là đèn điện hả?”.
“Ờ”.
“Chúng được mắc trong phòng phải không?”.
“Ờ”.
“Có đúng là người ta có thể thấy một cây kim trên đất nhờ chúng không?”.
“May miệng em lại đi”, chàng lái bè nạt, mặt chàng nhăn nhó, hàm răng nghiến lại.
Ông già chột mắt ném cho chàng một cái nhìn thông cảm.
Nàng sợ. Nàng không hiểu được sao chàng lại cư xử như thế. Nàng rất ngây thơ.
Khi họ cặp gần bờ, nhiều người lạ đang chờ trên cầu tàu vắng vẻ ở bờ kia để đón cô gái và ông già lên xe ngựa. Họ phải đi nhiều dặm đường, đến một làng trên một triền đồi. Với một làn roi quất, xe ngựa khởi hành, bánh xe kẽo kịt trên cát, và giờ thì nàng khóc, lần này là khóc thật. Nàng gỡ chiếc khăn xanh trên đầu xuống và thổn thức nói: “Đến thăm em khi nào có thể nha anh Danzeng, đến nha anh”.
Chàng lái bè trẻ vẫn đứng bên hàng liễu, chống mái chèo. Chàng lắc đầu mắt nheo nheo đau khổ.
“Đừng quên đấy”. Giọng nàng yếu như một làn gió nhẹ.
Sau lần đó chàng tránh ngôi làng. Bất kỳ khi nào chàng qua bên kia sông chàng đều hướng mắt về triền núi xa, chàng cõng đồ đạc lên lưng, bước lên bờ. Chàng để lại những dấu chân trên cát, bước sâu, bước nông, nhưng rồi chàng quay lại chèo về.
Nhiều tháng sau đó có một lần chàng thấy nàng đợi chàng trên cầu tàu.
“Anh đáng ghét lắm”, nàng trách. “Anh không hề đến thăm em”. Mái tóc nàng rối, quần áo nàng lôi thôi, cái khăn quàng xanh không còn.
“Em là của người ta đến từng sợi tóc. Anh không thể đến”.
“Nhưng anh ấy là người hay say rượu, ảnh đánh em dữ dằn”.
“Đồ khốn!”, chàng chửi.
“Sao anh không cưới em?”, nàng thì thầm.
“Anh có gia súc và có tiền đâu? Dưới bộ đồ sờn cũ này chỉ có làn da của anh”. Môi chàng ngậm chặt khi chàng thấy hành khách lên bè.
Nàng rút từ trong ngực áo nàng ra một miếng bơ vàng mềm gói trong lá rau diếp đưa cho chàng. “Ở bên đó anh không còn nhiều thứ này nữa, và anh đang ốm đó”.
“Đừng đến đây nữa, Dolma”.
“Ước gì em có thể trở về”, nàng thở dài.
Nàng không bao giờ trở lại bờ sông nữa.
Hai năm sau dân làng không còn phải làm lụng trên những triền núi cằn cỗi, họ phục hồi nghề làm đồ gốm tinh xảo cổ truyền và hái nấm, dược thảo. Cùng với sự bừng lên của nghề thủ công và những sản phẩm phụ là sự nhộn nhịp rộn ràng của ngôi làng.
Những đôi bạn tình trẻ tụ tập dưới gốc đa vào ban đêm và bên đống lửa bập bùng họ nhảy điệu duixie lâu đời, mà từ lâu đã chìm trong lãng quên.
Làng không còn là một nơi nghèo nữa.
Chàng lái bè chở những sản phẩm địa phương vượt sông mỗi ngày và chở về những hàng hóa gia dụng hấp dẫn hơn. Chàng thường ngồi trên bờ sông suy nghĩ, mắt chàng nhìn về những ngọn đèn nhấp nhá bên kia sông. Chúng là dấu hiệu duy nhất của đời sống và sự vận động. Chàng ngồi đó trong ánh trăng nhạt, cùng với bóng của chàng.
Có ai đang kể chuyện cho nàng nghe? Bây giờ nàng ở đâu?
Có người ở bên kia sông về nói rằng nàng đã về thị trấn của huyện theo học một lớp huấn luyện, và trước khi đi nàng đã ngồi khoanh tay ôm gối một mình bên hàng liễu suốt đêm. Chỉ có chàng lái bè trẻ là biết lý do.
Hai năm nữa trôi qua. Đời sống đã tốt đẹp hơn và chiếc bè của chàng trai đã được thay bằng một chiếc thuyền máy. Một ngày mùa đông chàng đang chở đồ gốm gói trong rơm, nấm và dược thảo đựng trong các bao. Băng ở mũi thuyền vỡ thành nhiều mảnh dạt ra hai bên mạn thuyền rồi tung tóe bởi sóng khuấy lên ở đuôi thuyền.
Dolma điềm tĩnh đợi trong chiếc máy kéo của nàng, mắt nàng nhìn về chiếc thuyền đang lại gần.
Chỉ có hai người họ trên cầu tàu. Họ nhìn nhau như những người lạ.
“Em lái được máy kéo. Sao tóc em rối thế?”, chàng hỏi.
“Anh thì có thuyền máy”, nàng đáp. “Sao râu anh dài thế?”.
Hơi thở của họ lạnh nơi miệng họ. Cả hai cùng cười nụ cười khô khan, cay đắng.
“Mình làm việc thôi”, nàng hối, đưa tay lên miệng hơ cho ấm. Không ai trong họ nói gì khi làm việc. Họ cảm thấy họ có khá nhiều điều để nói và đã nói rồi.
Từ đó trở đi họ thường gặp nhau theo cách như vậy.
Khi trời ấm hơn, hàng cây liễu ra nụ non và lá mới. Một sáng sớm mùa hè chàng trai không thấy chiếc máy kéo đậu nơi cầu tàu. Chàng hoang mang nhìn quanh, chẳng thấy gì ngoại trừ hàng cây lá phất phơ trong gió.
Chàng dỡ hàng xuống chất gọn gàng trên đất, rồi ngồi xuống và nguệch ngoạc trên đất bằng một nhánh cây. Dolma, Dolma, Dolma - không có gì trên mặt cát vàng ngoài tên của nàng.
Nàng xuất hiện giống như một người say rượu, mặt lấm cát và áo rách ở vai.
“Máy kéo bị lật”. Nàng dừng lại để thở một lát, rồi sau đó đi ra bờ sông rửa mặt.
Chàng bật dậy vội vã theo nàng tới chỗ xảy ra tai nạn, bộ đồ nghề sửa chữa trong tay.
Xa xa bầy dê đang đi trên triền núi. Tiếng be he của chúng có thể nghe thấy. Người chăn dê ở đâu?
Khi chàng tới triền dốc chàng thấy chiếc máy kéo nằm lật ngang trên cát như một con bò bị thương, các bao tải văng tung các nơi. Chàng tháo đầu kéo rời khỏi toa kéo rồi cùng nàng đỡ đầu máy lật dậy. Dolma cho máy nổ. Không có gì trở ngại, ngoại trừ bình nước của xe trống rỗng. Trong khi cô gái ra bờ sông lấy nước, Danzeng chất lại các thứ lên xe kéo.
Cả hai mệt lử khi công việc xong xuôi hai giờ sau. Chàng nằm lơ mơ trên bãi. Một mùi hương thầm chợt dâng lên. Cô gái quỳ bên cạnh chàng và lau mồ hôi cho chàng bằng chiếc khăn xanh của nàng. Chàng nhìn chiếc khăn dù đã phai màu và đã được mạng lại nhưng vẫn còn nổi bật trên nền cát.
“Lẽ ra em nên mua một cái mới lâu rồi chứ”, chàng nói và nhìn đi nơi khác.
“Anh ấy cho em một cái mới, nhưng em làm mất”.
“Em nói láo”.
“Không, anh đâu biết gì về chuyện đó”.
Ngực chàng phập phồng thở. Chàng vịn vai Dolma, bắt nàng quay lại và đam mê nói: “Nghe nè, em đã làm hỏng đời anh”.
“Không. Đừng như thế này. Không chỉ có chúng ta ở đây”.
Nàng đứng dậy, vuốt tóc và nói: “Mình đi thôi. Mình trễ mất rồi”.
Chàng ngồi bên nàng trong khi nàng khéo léo điều khiển chiếc xe trên con đường gồ ghề, vai của họ chạm nhau.
“Làm sao mà em làm lật xe?”, chàng hỏi.
“Một con bồ câu đậu giữa đường. Em không muốn bị trễ. Không, em không giải thích được”. Nỗi lo của nàng chợt dâng lên. “Em có thể làm gì? Em không đáng trách. Anh lo cho em, vậy sao anh không nói anh muốn lấy em? Em thì ngây thơ, em chỉ muốn đi xem cửa hàng hợp tác xã, xe đầu kéo và đèn điện. Em đi vì mọi cô gái khác lấy chồng bên kia sông. Anh ác lắm! Ác lắm! Ác lắm!”.
Nàng xoay người đấm vào ngực anh.
“Coi chừng!”, chàng kêu lên. Chiếc máy kéo lại suýt bị lật.
Sau đó là im lặng, và chàng tự hỏi: “Mình có đáng trách không?”.
Nàng liếc nhìn chàng, rồi đưa chàng cái khăn đang vắt qua cổ nàng. “Lau mồ hôi đi”.
Chàng cầm lấy khăn. Khăn có mùi cỏ, mùi xăng dầu và hơi ấm của nàng.
Đã tới lúc đi, nhưng không ai trong họ muốn là người đầu tiên nổ máy.
Chàng hối nàng: “Em đi trước đi”.
“Không, anh đi trước”.
“Không, em”, chàng cãi lại. “Gia đình em sẽ lo đấy”.
Nàng mở miệng nhưng không nói ra lời. Khi chiếc xe kéo của nàng rung lên nàng quay lại và mơ màng nói trong khi mắt nhìn xuống: “Ảnh chết vì rượu cách đây ba năm rồi”.
Chiếc máy kéo lắc lư như một người say.
Chàng muốn kêu lên nhưng bị nghẹn lời. Chàng muốn khóc nhưng nước mắt không chảy. Tất cả những gì chàng làm được là vẫy tay rưng rưng.
Đó là một buổi sáng trời đẹp. Không có gió trên sông. Khi thuyền chàng trôi đi với chàng đứng ở tay lái, mắt chàng căng nhìn bờ bên kia, và chàng thì thầm: “Anh đến vì em, để lấy em”.
Chiếc máy kéo đã đợi bên cầu tàu từ lâu. Chàng nôn nóng nhảy xuống thuyền trước khi nó được neo chặt, chỉ để được đón chào bởi một người lạ, một cô gái đẹp có khuôn mặt ngây thơ, cô gái liếc nhìn đồng hồ tay và nói: “Chị ấy đi rồi. Em làm thay và em đã đợi anh hai giờ rồi”.
Chàng đứng đó bàng hoàng.
“Anh bị gì vậy? Anh có sao không? Chị ấy được đưa đi Lhasa bằng ô tô”.
“Em nói dối”. Anh không thể tin nàng lại như vậy.
“Em thề có mẹ em đấy. Dolma là một công nhân lái máy kéo điển hình. Bộ anh chưa bao giờ đi đâu bằng ô tô sao?”.
“Không”. Chàng lắc đầu.
“Em cũng vậy. Có vẻ như anh yêu chị ấy. Cũng có người đang yêu em”.
“Chị ấy có nói gì trước khi đi không?”.
“Không. ồ có. Chị ấy nói chỉ muốn trở về làng cũ”.
Làng cũ của nàng. Anh nheo mắt nhìn lại. Làng của anh tựa vào núi bên kia sông chỉ là một đốm trắng như nhảy nhót trong cái nóng, như trong một truyện cổ tích. Nó cũng là làng cũ của nàng. “Sông mới rộng làm sao!”, cô gái kêu lên, mắt cô nhìn theo anh.
Dòng sông xưa vẫn chảy dưới ánh nắng gay gắt.