Bút ký
Posted by Unknown
Cù lao Phố cô gái đẹp ngủ trong lâu đài
HOÀNG NGỌC ĐIỆP
(Ban Quản lý Di tích - Danh thắng
TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Một trưa nắng, tôi ngồi với Nam trong quán cà phê ven sông Đồng Nai. Quán nhỏ nhưng bài trí tinh tế, rỉ rả bản hòa tấu nhạc xưa. Chúng tôi cùng hướng mắt ra sông. Sinh thời, nhà văn Hoàng Văn Bổn từng gọi dòng sông của tuổi thơ ông là “Con sông linh thiêng” bởi nó can dự vào đời sống của người dân Đồng Nai như một người bạn tri âm tri kỷ, một ân nhân. Sông Đồng Nai bồi đắp phù sa, hình thành những vựa lúa, vựa bắp và cũng chính dòng sông đã góp phần tạo nên một Cù lao Phố huyền thoại.
Lúc này, nhìn dòng sông phẳng lặng dưới ánh nắng vàng ươm mùa thu, tôi tự hỏi, không biết ba trăm năm trước, sông Đồng Nai như thế nào? Sông có lớn và đẹp như bây giờ? Phải mất mấy triệu năm để nó bồi đắp phù sa, tạo nên hòn cù lao “nằm xoãi dài giữa hai cánh tay sông” mà có người ví von rất “thiền” rằng nó có hình dáng như chiếc chuông chùa treo nghiêng? Hay là một biến động địa chất mãnh liệt nào đó đã tạo nên cái cù lao chia cắt con sông thành hai dòng chảy, để rồi cố nhà thơ Xuân Sách phải thốt lên đầy cảm xúc: “Phải giận hờn mà sông chia đôi ngả. Đi chưa xa thương nhớ đã chung dòng?”.
Một chiếc ca-nô bỗng xé nước chạy vụt qua chỗ chúng tôi. Nó lao nhanh đến nỗi tôi không kịp dùng chiếc ipad ghi lại hình ảnh của nó. Dòng sông hơi xao động rồi trở lại vẻ êm đềm, chỉ có ánh nắng lấp lóa nhảy nhót đùa giỡn cùng sóng nước. Tôi lại miên man nghĩ đến Cù lao Phố. Theo sử sách, thế kỷ XVIII, vùng đất này còn hoang vu, “dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um”. Người Việt và cộng đồng người Hoa đã đổ mồ hôi và xương máu khai phá, biến cù lao thành một thương cảng tấp nập, phồn thịnh vào bậc nhất Nam bộ. Cái tên Nông Nại Đại Phố đã nói lên tính chất phồn hoa đô hội của nó. Trong Gia Định thành thông chí, nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức đã miêu tả Cù lao Phố: “Phố xá mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng… đường phố lót đá trắng… ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những sà lan liên tiếp nhau…”.
Năm 1868, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía Nam, xây dựng bộ máy hành chính, thiết lập nề nếp, kỷcương trên Cù lao Phố. Người dân an cư lạc nghiệp, các nghề buôn bán, thủ công mỹ nghệ, cây trồng, làm gốm, làm đường, dệt chiếu… tưng bừng phát triển. Sự hưng thịnh của Cù lao Phố không chỉ vang danh trong nước mà còn vượt ra ngoài biên ải.
Nhưng báu vật Cù lao Phố như cô gái đẹp truân chuyên, luôn thế lực thù địch thi nhau giành giật, chiếm đoạt. Nạn binh đao triền miên giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh rốt cuộc đã biến thương cảng sầm uất này trở thành chiến địa hoang tàn.
Tôi nheo mắt nhìn cụm lục bình đang bình thản trôi xuôi, không sao hình dung nổi cuộc sống bên bờ sông này từng có thời kỳ vàng son, tao loạn đến vậy.
Bây giờ cù lao mang dáng vẻ nửa quê nửa phố. Những ngôi nhà kiến trúc tân kỳ đan xen những nếp nhà cũ kỹ rêu phong. Trường học, hàng quán, chợ… tất thảy đều khiêm nhường, bình dị. Có lẽ thời hưng thịnh của Cù lao Phố ghi dấu rõ nhất trong hệ thống đình chùa, đền miếu, tịnh xá… còn giữ đến ngày nay. Thật hiếm có vùng đất nào trên đất nước ta lại cómật độ di tích văn hóa dày đặc như Cù lao Phố. Trên diện tích khoảng 600 ha có tới 3 di tích lịch sử cấp quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh, 11 ngôi đình, đền còn giữ được sắc phong của nhà Nguyễn, 40 ngôi mộ hợp chất đã được điều tra, nghiên cứu. Bên cạnh đó, tín ngưỡng của người Cù lao Phố cũng khá đa dạng, phong phú: đạo Phật, đạo Nho, Cao Đài, Hòa Hảo… Chỉ riêng đạo Phật cũng đã có nhiều hệ phái, tông phái. Từ những công trình văn hóa, tín ngưỡng còn lại với thời gian này cho thấy mảnh đất cù lao ẩn chứa thật nhiều điều bí ẩn.
Nằm ngay bên bờ sông Đồng Nai là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Về mặt kiến trúc có lẽ đền không khác mấy so với những ngôi đền truyền thống ở nước ta. Trong đền có đôi liễn bằng chữ nho khắc chìm vào tường, chánh điện với nhiều cột gỗ lớn, hoành phi câu đối có hoa văn chạm khắc sơn son thếp vàng. Trước bàn thờ thần là cặp hạc và cặp rồng bằng đồng. Có lẽ chỉ có một chi tiết ở đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh không giống với những di tích khác, đó là một tủ kính nhỏ đựng áo mão, tương truyền là của Đức ông lúc sinh thời.
Qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, kiến trúc đền Nguyễn Hữu Cảnh đã “hiện đại hóa” nhưng vẫn là nơi linh thiêng, thờ phụng một danh tướng lỗi lạc của nước Việt. Ông vốn gốc gác ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, theo gia đình vào Quảng Bình, làm quan ở Huế và từ giã cõi đời trên đất Nam bộ. Trong đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh có nhiều câu đối ghi khắc tài năng và công lao của ông đối với việc hình thành dải đất phương Nam:
“Định rừng núi sông, lương dân đều được hưởng
Mở mang bờ cõi, thiên hạ thảy chung nhờ”.
Trước đây tôi hay đi dự liên hoan đờn ca tài tử ở đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Những đêm có món ăn tinh thần “ruột” của đất Nam bộ, bà con cù lao đến thật đông, ngồi tràn ra cả lối đi. Thường bao giờ cũng có những nhóm đờn ca tài tử từ mấy tỉnh, thành lân cận như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… qua giao lưu. Tiếng đờn ghi-ta phím lõm, đờn nhị réo rắt, giọng ca tài tử ngọt như đường phèn của những nghệ nhân xiêm áo rộn ràng khiến người ta nôn nao như sống lại không khí xa xưa của thời quávãng. Trong đền ánh sáng lung linh, khói hương huyền ảo, tôi kính cẩn thắp nhang cho Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh trong cảm xúc bâng khuâng khó tả. Đức ông không có tượng thờ trong đền nhưng có một bức tượng khá đẹp dựng trước cửa đền, mặt nhìn ra sông. Bức tượng không lớn nhưng dáng vẻ uy nghiêm, một tay cầm đốc kiếm, tay kia vuốt râu, trông ung dung tự tại mà vẫn toát lên nét uy lẫm của một vị tướng văn võ song toàn. Quanh năm, Đức ông được hưởng làn gió mát lành mang hương vị nồng nàn của phù sa từ sông Đồng Nai thổi vào.
Phần mộ (mộ phong) của Nguyễn Hữu Cảnh cách ngôi đền không xa. Khi tôi và Nam tỏ ý muốn viếng thăm tiền nhân, một ông lão gầy gò trong xóm vội mượn chìa khóa của ngôi nhà kế bên, mở cửa khu mộ cho chúng tôi. Ông mau mắn thắp nhang, đưa cho tôi và Nam mỗi đứa vài nén, còn mình thì lui cui nhặt lá vàng. Mộ Nguyễn Hữu Cảnh thật đơn sơ, nằm giữa vườn cây rợp mát, trong sựôm ấp trìu mến của đất đai, nắng gió Cù lao Phố. Hẳn người anh hùng cũng an lòng khi cảm nhận được tình yêu, sự thành kính sâu sắc mà hậu thế dành cho mình.
Cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh chừng vài trăm mét là chùa Ông do người Hoa xây dựng để thờ Quan Công và hệ thống phúc thần của người Hoa. Cuối thế kỷ XVIII, nhằm tránh nạn binh đao giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn, cộng đồng người Hoa trước đó cùng người Việt khai sơn phá thạch dựng nên Cù lao Phố đã di tản về Chợ Lớn hoặc xiêu tán khắp nơi. Việc người Hoa rút khỏi Cù lao Phố đã làm cho thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền trở nên tiêu điều, chấm dứt thời kỳ vàng son lừng lẫy của nó.
Chùa Ông bây giờ hiện diện ở Cù lao Phố như một vật chứng lịch sử hơn là giữ vai trò một cơ sở tín ngưỡng. Bởi lẽ số người Hoa còn lại ở Cù lao Phố không nhiều so với cộng đồng người Việt. Qua nhiều lần trùng tu, đến nay ngôi chùa có bề ngoài và nội thất khá bề thế, lộng lẫy, với lối kiến trúc đặc thù của người Hoa. Trong chùa thờ Quan Công, Thánh mẫu, Kim Hoa nương nương và nhiều vị thần khác như: Châu Xương Tướng Quân, Quán Thánh Thái tử… Bức tượng Quan Công có gương mặt sạm đen nghiêm nghị như còn vương gió bụi những cuộc chinh chiến.
Chùa Ông còn có tên gọi là Thất phủ cổ miếu, mới được nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 17-4-2010. Năm rồi, tôi đến cúng chùa vào lúc 1 giờ sáng mùng một Tết. Người đi chùa đông như trẩy hội, trong chùa nhang khói mờ mịt. Việc mỗi năm có hàng ngàn khách hành hương đến chùa Ông cúng tế vào ngày đầu năm cho thấy người Việt có tấm lòng rất cởi mở, bao dung, không phân biệt người Hoa hay người Việt, dung nạp cả văn hóa, tín ngưỡng của những vùng đất khác, thờ phụng cả thánh thần của người như thánh thần của mình. Chùa Đại Giác làmột ngôi chùa Việt, do người Việt xây dựng. Ngôi chùa không chỉ có ý nghĩa tôn giáo, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân mà bản thân nó là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, tiêu biểu cho vẻ đẹp của chùa phương Nam. Tuy nội thất và bên ngoài có nhiều hạng mục mới được trùng tu, nhưng toàn bộ ngôi chùa vẫn toát lên nét đẹp trang nhã cổ kính. Ngay lối vào chùa có cây bồ đề to lớn vững chãi có lẽ đã hàng trăm năm tuổi. Cây bồ đề tỏa bóng mát xuống pho tượng Đức Phật bằng đá cẩm thạch với nụ cười bí ẩn, dáng ngồi kiết già trầm mặc. Trước cửa chánh điện là pho tượng Phật Bà ở tư thế đứng, toàn thân toát lên vẻ tao nhã, những nếp áo mềm mại như tơ lụa buông rủ. Kiến trúc chùa Đại Giác theo kiểu chữ “Đinh” - kiểu kiến trúc khá tiêu biểu của chùa Việt. Chùa có lầu chuông, lầu trống, các mái lợp ngói vẩy cá cong vểnh lên một cách duyên dáng. Trong chùa có nhiều bức hoành phi sơn son thếp vàng, khắc chạm hoa văn tinh xảo. Chính giữa chánh điện có Phật Bà theo mô-típ Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp – Hà Bắc. Bàn thờ vong, mõ cái, bảy vị dược sư, bao lam thập bát La Hán… tất thảy các chi tiết lớn nhỏ trong chùa đều cho thấy sự cẩn thận trau chuốt của những nghệ nhân xưa. Đặc biệt, chùa Đại Giác còn giữ được những di vật mang ý nghĩa lịch sử quý giá như pho tượng Phật A Di Đà và bức hoành phi có dòng chữ“Đại Giác tự” do triều đình cúng tặng. Phía sau chùa có những tòa bảo tháp uy nghi, in bóng thời gian đi qua.
Chùa Đại Giác có vị sư trụ trì là Sư Thanh tuổi chưa tới bốn mươi. Vài lần gặp gỡ, đàm đạo chuyện đời, chuyện người, Sư để lại cho tôi thiện cảm về một bậc chân tu thời @, có phong cách trẻ trung, cởi mở đậm chất Nam bộ. Từ nhiều năm nay, Sư Thanh và chùa Đại Giác nổi tiếng với những hoạt động từ thiện không chỉ trong tỉnh mà gần như rải khắp toàn quốc. Vị thế ngôi chùa vì thế mà càng vang danh. Ngày rằm mùng một, thiện nam tín nữ khắp nơi rủ nhau nườm nượp đến chùa, tạo nên hình ảnh thật đẹp và ấn tượng. Ngoài ba di tích cấp quốc gia, Cù lao Phố còn nhiều di tích khác đậm màu huyền thoại, chứa đựng những triết lý nhân sinh như chùa Thủ Huồng, chùa Hoàng Ân, chùa Chúc Thọ…
Quê tôi và nhiều vùng quê khác có thời kỳ do một số người suy nghĩ ấu trĩ đã lãng quên chùa chiền, dẹp bỏ lễ hội, biến di tích lịch sử văn hóa thành phế tích hoặc chiếm dụng vào mục đích cá nhân. May mắn là Cù lao Phố không rơi vào thảm cảnh ấy. Nhưng sự xói mòn của thời gian và sự vô tâm của con người vẫn có thể biến những di sản văn hóa hữu thể bị phai nhòa trong không gian phố thị hiện đại. Trăn trởvì nỗi lo không của riêng ai, tôi nhiều lần trở đi trở lại Cù lao Phố. Có hôm, tôi ngồi hàng giờ ở chùa Đại Giác nói chuyện với Sư Thanh hay đến chùa Ông và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ngồi suy tư, lắng nghe tiếng nói từ nội tâm mình. Trải bao dâu bể, dấu vết thời vàng son đã phai nhòa nhưng những huyền thoại về vùng đất Phật vẫn còn lay động tâm thức bao người.
Dòng sông Đồng Nai trước mặt tôi và Nam lúc này đang bình thản trôi xuôi, thanh lọc những xô bồ bụi bặm của thành phố công nghiệp, mang lại cho Cù lao Phố vẻ yên bình, nửa phố nửa làng. Bên sông, nhiều giá trị đã mất. Nhưng những địa danh Hiệp Hòa, Nhứt Hòa, Bình Quới, bến đò Kho, rạch Lò Gốm… thì vẫn còn đó, kết tụ bề dày lịch sử và tinh túy của một vùng đất phương Nam. Những chủ nhân mới của Cù lao Phố đến từ tứ xứ, sống quần tụ, hòa quyện, làm nên sự đa sắc trong lối sống, văn hóa xứ cù lao... Ai đến đây cũng có thể nghe đờn ca tài tử, hát quan họ giao duyên, ca bài chòi trên du thuyền hay thưởng thức vị ngọt lành của trái cây trong vườn. Cù lao Phố với tầng tầng trầm tích, đời sống dung dị của người dân, mùa Vu Lan báo hiếu, lễ hội cúng đình tưng bừng hay không khí náo nức của lễ hội đua thuyền trên sông và cả những món ăn dân dã, đặc sắc… chính là vẻ đẹp hấp dẫn của vùng đất này.
Dòng sông Đồng Nai trước mặt tôi và Nam lúc này đang bình thản trôi xuôi, thanh lọc những xô bồ bụi bặm của thành phố công nghiệp, mang lại cho Cù lao Phố vẻ yên bình, nửa phố nửa làng. Bên sông, nhiều giá trị đã mất. Nhưng những địa danh Hiệp Hòa, Nhứt Hòa, Bình Quới, bến đò Kho, rạch Lò Gốm… thì vẫn còn đó, kết tụ bề dày lịch sử và tinh túy của một vùng đất phương Nam. Những chủ nhân mới của Cù lao Phố đến từ tứ xứ, sống quần tụ, hòa quyện, làm nên sự đa sắc trong lối sống, văn hóa xứ cù lao... Ai đến đây cũng có thể nghe đờn ca tài tử, hát quan họ giao duyên, ca bài chòi trên du thuyền hay thưởng thức vị ngọt lành của trái cây trong vườn. Cù lao Phố với tầng tầng trầm tích, đời sống dung dị của người dân, mùa Vu Lan báo hiếu, lễ hội cúng đình tưng bừng hay không khí náo nức của lễ hội đua thuyền trên sông và cả những món ăn dân dã, đặc sắc… chính là vẻ đẹp hấp dẫn của vùng đất này.
Nhưng làm gì để những công trình kiến trúc ghi dấu tâm huyết, tài hoa của tổ tiên còn mãi với thời gian, như thông điệp của tiền nhân gửi lại cho muôn đời con cháu, thật khó lắm thay!
Tôi lan man nghĩ đến việc phải gắn di tích lịch sử văn hóa vào đời sống xã hội của Cù lao Phố. Nghĩa là phải đánh thức hòn cù lao xinh đẹp này, để nó vươn dậy với sức mạnh của Phù Đổng, trở lại phồn thịnh như quá khứ huy hoàng thuở xa xưa…