Ảnh hưởng của mặt trăng với trái đất  

Posted by Unknown


QUANG LONG (Theo Discover)

HÀNG NGÀN NĂM TRỞ LẠI ĐÂY NGƯỜI TA ĐÃ VIẾT NHIỀU VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA MẶT TRĂNG VỚI TRÁI ĐẤT, CŨNG NHƯ VỚI CÁC SINH VẬT SỐNG TRÊN ĐÓ. NHỮNG HUYỀN HOẶC VỀ MẶT TRĂNG ĐÃ ĐƯỢC LƯU TRUYỀN CHO TỚI KHI CÓ CÁC KHÁM PHÁ XÁC ĐÁNG CỦA KHOA HỌC.

Cha ông chúng ta đâu có ngờ rằng một ngày nào đó con người sẽ hiểu được những mối liên hệ thực tiễn giữa trái đất và mặt trăng. Ngoài hiện tượng thủy triều cố hữu, khoa học còn phát hiện những mối “phụ thuộc - tương hỗ” giữa chị Hằng Nga với hành tinh xanh của chúng ta nữa.
Tháng 8-1935, tờ Sundy of New York bắt đầu khởi đăng loạt bài nói về mặt trăng. Nhờ đó chỉ sau một thời gian ngắn trở thành tờ báo gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trên thế giới. Nhà báo Mỹ trẻ tuổi Richard Olten Lok viết thiên phóng sự về chiếc kính viễn vọng “thần kỳ” của nhà thiên văn học John Hersel, đặt ở mũi Hảo Vọng cực nam Phi châu nhằm quan sát các vì sao trong vũ trụ. Những độc giả ngây thơ được biết rằng, trên mặt trăng cây cối rất rậm rạp cùng thế giới động vật phong phú. O.Lok kể về những bầy chim tinh nhanh và những người sống trong lều đang nhóm lửa; những người khác thì “có cánh” và một ngôi giáo đường lớn xa xa… Sau đó viễn vọng kính hỏng vì “gặp tai nạn”. Câu chuyện trên báo của phóng viên Lok phải ngừng lại. Còn nhà thiên văn học thực sự ngồi sau viễn vọng kính của mình ở phương nam xa xôi thì không biết gì hết về câu chuyện trên báo, để tự biện bạch và phản bác những điều bịa đặt của Lok - một trong những “đỉnh điểm của các khái niệm về mặt trăng” của người đương thời.
Mặt trăng - “người bạn đồng hành của trái đất” - luôn là đề tài trong các chuyện truyền khẩu dân gian, truyền thuyết hoặc huyền thoại. Có người nể phục coi mặt trăng là “chủ nhân của vương quốc những người chết”, hay tôn thờ mặt trăng như nữ thần… Mọi người đều cho rằng mặt trăng có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cơ thể con người, kể cả những bộ phận riêng rẽ nhất. Trong một ngôi đền cổ Ai Cập có những hàng chữ tượng hình ghi: “Dưới ánh trăng rằm phụ nữ dễ bị mê muội”; còn trên một cái bình cổ Hy Lạp có từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên mô tả nhiều đồ vật “ngả theo ánh trăng”... Trong nhiều ấn phẩm cổ đều thấy ghi “Mặt trăng tác động ảnh hưởng tới thể chất và tâm hồn con người, như dịch bệnh là do nữ thần mặt trăng Selena trừng phạt những kẻ có tội”. Trong tiếng Anh ngày nay có những từ như “Lunacy” (thằng điên), hay “Moonstruck” (đồ khùng)… là bằng chứng về ảnh hưởng của mặt trăng tới tâm lý con người.
Dĩ nhiên, những “tác động” như vậy được khoa học lưu tâm. Người ta đã tiến hành nghiên cứu theo diện rộng: từ khí hậu trái đất cho tới “nhịp điệu sinh học” của con người, cũng như động - thực vật dưới sự tác động của mặt trăng. Như hiện tượng thủy triều là một ví dụ. Khoa học mới phát hiện ra hiện tượng thủy triều lên không những chỉ có ở phần bán cầu bị “che khuất”, mà còn cả ở bán cầu kia nữa - tuy phần này hơi khó hiểu đối với các độc giả thông thường - bất chấp lực hút của mặt trăng tại đấy có kém hơn: vì khoảng cách quá xa nên ở đó sinh ra lực hướng tâm - đồng thời cùng với tâm trái đất cũng như tâm mặt trăng, tạo ra hiện tượng thủy triều lên lần thứ hai. Mỗi lần thủy triều lên, bề mặt biển khơi cao lên hơn 70cm, nhưng tính chung cho cả bề mặt đại dương bán cầu; chỉ có vùng ven bờ đôi khi thủy triều lên cao tới 15m - một độ cao đạt được khi cả trái đất, mặt trăng và mặt trời cùng hướng theo một trục: mặt trăng và mặt trời cùng “hút” nước biển về một hướng. Chu kỳ này lặp lại mỗi khoảng 18,6 năm. Ngay cả các đại lục cũng không được chị Hằng “để yên”: hai lần trong một ngày mặt trăng “nâng” chúng cao thêm… 26cm. Bởi nhấc trọn cả một châu lục mênh mông lên một lúc, nên hiện tượng này con ngưới ít cảm nhận thấy. Nhưng chính các tia laser đặt trên các vệ tinh chuyên dụng đặc biệt đã đo được sự “nhấc lên - hạ xuống” của các lục địa dưới ảnh hưởng của mặt trăng.
Hiển nhiên mặt trăng cũng đóng vai trò nào đó với động đất và hạn hán. Giới khoa học Mỹ đã nghiên cứu các trận động đất lớn suốt bảy thập niên qua ở vùng nam California (từ năm 1934-2004), kết quả là chúng thường “trùng” với các kỳ trăng rằm hoặc trăng non, nhất là khi mặt trăng hoạt động mạnh nhất - đỉnh điểm của chu kỳ 18,6 năm nói trên. Thời kỳ hạn hán của các khu vực miền Trung Tây Hoa Kỳ trong khoảng từ năm 1600-2000 cũng vậy: sự khô hạn rơi đúng với chu kỳ trên.Hiện tượng thủy triều - đặc trưng của mối họa “biển lấn”, khiến đại dương “bào mòn” đất liền liên tục - là nguyên nhân cho sự quay ngày một chậm lại của quả đất, cũng như kéo dài thời gian ban ngày thêm 16 giây đồng hồ - cứ mỗi một triệu năm qua đi. Nghĩa là cách đây 225 triệu năm (với giới địa chất học thì đây là một khoảng thời gian ngắn) một ngày đêm chỉ có 23 giờ, còn 5 tỉ năm sau sẽ kéo dài tới… 48 giờ.
Một khi nước và không khí bị ảnh hưởng từ lực hấp dẫn với mặt trăng, đương nhiên là bầu khí tượng trên hành tinh xanh của chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Theo giáo sư Horst Dronie, nhà khí tượng học nổi tiếng người Đức, thì “tác động này không đáng kể”. Còn con người có tới hơn 60% lượng nước trong cơ thể, phải chăng không chịu ảnh hưởng của hiện tượng thủy triều? Tỷ lệ sinh sản của nhân loại cũng tăng lên vào lúc trăng non hoặc rằm. Quan hệ luyến ái cũng có tác động của mặt trăng, người ta thường thích “về đêm” hơn. Chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ cũng trùng đúng với tháng âm (28 ngày). Chu kỳ thay đổi thân nhiệt của một người cũng tương ứng đúng với một ngày âm - 24,8 tiếng đồng hồ. Hai bác sĩ Gutman và Osvald ở bệnh viện thuộc trường Đại học Y khoa Frankfurt (Đức), trong thời gian từ năm 1999-2012 đã phân tích vòng kinh của 10.339 phụ nữ - những người hoàn toàn khỏe mạnh, cho thấy tuyệt đại đa số có chu kỳ kinh nguyệt tương ứng với chu kỳ tháng trăng. Ngoài ra người ta còn cho rằng: trong những kỳ có trăng non hoặc rằm thì nạn tội phạm, sự tự tử và tệ bạo hành có tỉ lệ phần trăm cao hơn (!). Có thể do sự trùng lặp ngẫu nhiên, chứ không có luận cứ khoa học rõ ràng.
Các nhà khoa học cũng thấy rõ ảnh hưởng của mặt trăng đối với động vật. Ví dụ điển hình nhất là loài muỗi có tên khoa học Clunioninae, nhỏ cỡ 2mm. Cuộc đời của chúng kéo dài có 60 phút - từ khi sinh tới lúc chết; nên chúng phát triển rất nhanh: từ con cung quăng trong nước, đến khi cất cánh tìm bạn tình để duy trì nòi giống - cái giai đoạn ngắn ngủi này chúng luôn hướng về ánh trăng. Giáo sư Ditric Noiman ở trường Đại học Tổng hợp Frankfurt đã sử dụng loài muỗi này trong phòng thí nghiệm của ông, dùng ánh sáng nhân tạo thay đổi chu kỳ ngày và đêm. Khi ánh “trăng rằm” nhân tạo tỏa sáng: đa số các con cung quăng “bật dậy” tìm bạn tình. Đó là bằng chứng cụ thể về “nhịp điệu sinh học” của chúng do mặt trăng chỉ đạo. Một sinh vật biển khác cũng vậy, có tên khoa học là Eunica Viridis - một loài cá loăng quăng thường thấy trong các vùng biển nhiệt đới, cũng bị mặt trăng tác động giống như loài muỗi trên. Còn loại cá Atherina Hepsetus từng khiến các nhà sinh vật học sửng sốt, bởi là giống cá duy nhất trên địa cầu đẻ trứng của chúng trên cạn - trong những đêm trăng non hoặc rằm. Rõ ràng là chúng ảnh hưởng trực tiếp từ mặt trăng qua nước thủy triều lên - xuống. Loài cá kiểng Poecilia Reticulata được giáo sư Hans-Iurgen Lang kỳ cựu của trường Đại học Gotingen (Thụy Điển) nuôi trong ánh sáng nhân tạo - qua nhiều thế hệ, và chúng chưa bao giờ được thấy ánh trăng thực thụ. Tuy vậy các tham số nghiên cứu cho thấy chu kỳ sinh học về thị giác của chúng trùng với tuần trăng: trong những ngày rằm chúng phân biệt rõ màu vàng hơn; còn những hôm trăng mới - màu trắng. Một điều kỳ lạ nữa, là việc nghiên cứu ảnh hưởng của chị Hằng lên các màu sắc đã được đề cập tới cách đây hơn nửa thế kỷ, bởi nhà vật lý học lỗi lạc W.Jehrezle. Ông từng viết: “Sự tiếp nhận màu sắc cũng như thị lực phân biệt độ sáng tối của mắt phụ thuộc vào chu kỳ của mặt trăng. Một màu trắng, trong những ngày trăng mới “ngả xanh” nhiều hơn, còn những ngày rằm - “ngả vàng” nhiều hơn!”. Tại sao vậy? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Còn W.Jehrezle đúc kết: “Tôi ghi lại những hiện tượng này để các nhà tâm lý học đời sau lưu tâm giải thích”.

Mặt trăng ảnh hưởng tới trái đất rất nhiều, đôi khi bí hiểm nữa là đằng khác… Từ thời xa lắc xa lơ, thủy triều lên - xuống đã tạo ra môi trường sống cho những dạng sinh vật đơn giản đầu tiên trên hành tinh. Cũng chính nhờ thủy triều mà các sinh vật biển cổ đại tiến lên cạn - “bước nhảy vọt” quan trọng trong sự tiến hóa của động vật, dọn đường cho sự xuất hiện của con người trên hành tinh này. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives