Những đứa con thời @  

Posted by Unknown

VŨ ĐỨC VINH
(205/17 đường số 8, P.11, Q. Gò Vấp, TP.HCM)
Bố chỉ thèm tiếng gõ cửa - đó là tiếng lòng của người bố nói với con. Nó cũng là khoảng cách và lối sống giữa con cái hiện nay với bố mẹ già.

DỊCH VỤ TỪ A ĐẾN Z
Bà Hậu nghe tin vợ chồng đứa con gái mua được căn nhà ở mới, từ miệt vườn Long An vội lên thăm mừng con. Vừa xuống bến xe Đồng Nai, bà rất vui vì thấy đứa con gái ra đón mẹ, nhưng khi thấy bà xách theo cặp gà, nó đã nói:
- Mẹ lên thăm con được rồi, còn mang gà làm gì nữa.
Nghe con nói, bà cũng mát lòng vì nghĩ con thương mình đi xa lại xách đồ vất vả.
Căn nhà hai vợ chồng nó ở trong một con hẻm rộng sát bên đường nhựa lớn. Mới dẫn mẹ vào nhà, con gái đã nói mẹ đưa hai con gà cho nó. Bà Hậu chưa hiểu sao, nó đã chở hai con gà đi mất dạng. Bà nghĩ chắc nó sợ gà “ị” dơ nhà nên mang gởi nhờ nơi khác. Vì đi xa lại mỏi mệt, bà ngồi nghỉ ở phòng ngoài chờ con về.
Một lát sau, con gái về xách theo một đôi gà đã làm sạch sẽ bọc trong bịch ny lông. Buổi tối, trong bữa cơm, nhìn hai vợ chồng nó chuyện trò vui vẻ, bà cũng thấy vui lây. Bà hỏi con gái về hai con gà. Con gái cười và nói với mẹ:
- Mẹ ơi, ở thành phố đâu như ở dưới quê. Có mọi dịch vụ mẹ ạ. Có đủ từ A đến Z. Con mướn người ta làm sạch sẽ chỉ việc trả tiền rồi xách gà về thôi.
Nghe con nói vậy, bà thầm nghĩ bây giờ con cái sống cái gì cũng dựa vào đồng tiền. Hở một chút là thuê mướn. Đôi gà ấy, bà chỉ làm một loáng là xong. Không biết, lúc không làm ra tiền thì lấy gì mà sống. Bà tính khuyên bảo con, nhưng thấy chàng rể có vẻ đồng tình với vợ nên bà lại thôi.
Hôm sau, một mình bà ở nhà, vừa trông nhà vừa lo nấu cơm cho hai đứa buổi trưa về ăn. Bà mừng lắm. Được chăm lo cơm nước cho hai con cũng đỡ phần nào lại giúp bọn nó có thời gian nghỉ trưa. Bà sắp sẵn đồ nấu, rồi mới ngồi mở ti-vi ra xem. Bà định bụng xem phim chừng hơn 10 giờ vào bếp nấu cơm là kịp cho hai đứa về ăn. Ngồi xem phim được một lúc lâu, bà giật mình sợ lố giờ nấu ăn. Khốn nỗi, tìm mãi không thấy cái đồng hồ để xem giờ. Bà tính qua nhà bên để hỏi giờ, nhưng cửa nhà đã khóa trái. Ngó ra đường, bà thấy từng tốp học sinh đã tan trường, ríu rít ra về. Bà nháo nhào vào bếp nấu ăn. Đun nồi nước chưa kịp reo, thì hai đứa đã đi làm về. Bà luýnh quýnh rồi trách hai con:
- Nhà không có cái đồng hồ nào để biết giờ nấu cơm.
Hai đứa con nhìn nhau rồi nhìn mẹ. Thì ra, chúng nó xem giờ qua điện thoại nên đâu có cần cái đồng hồ. Bà Hậu đang lúng túng chưa biết tính sao có cơm cho con ăn. Bà thấy con gái gọi điện thoại. Một lúc sau đã có người mang ba hộp cơm và đồ ăn đến gọi cửa. Bà chợt hiểu ở thành phố cần gì cũng có. Bỗng dưng bà thấy buồn lòng vì không giúp gì được con.
Đã vậy, có tối thấy hai đứa ngồi bên nhau. Chúng nói với nhau về tiền bạc mà toàn chai lọ, nghe lùng bùng cả lỗ tai. Bà chẳng hiểu sao cả. Tự dưng, bà thấy mình như người lạ trong căn nhà của hai con. Bà ở với chúng được ít hôm, rồi nói đại là ở quê có việc gấp. Bà về.

THÈM TIẾNG GỌI CỬA
Ông Sang đã nghỉ hưu, có dịp lên ở chơi với vợ chồng thằng con trai. Từ ngày có ông đến, con trai mời bạn bè đến thường xuyên. Chẳng hiểu nó mừng bố đến chơi hay mượn dịp bày đặt ăn uống với bạn bè. Ông định bụng khuyên bảo con. Nhưng thấy vợ nó cũng vui vẻ nên ông lại thôi. Sợ nói ra vợ chồng nó sinh bất hòa. Khổ nỗi, mỗi lần ăn uống, ông cũng phải ngồi ăn cho con vui lòng. Chúng nó ăn nhậu thấy sảng khoái, nói chuyện rôm rả. Còn ông, thì chỉ thấy mệt vì nặng bụng. Có bữa mệt mỏi, ông phải cáo lui vào phòng nằm nghỉ.
Có hôm ăn uống xong, cả bọn lại mở máy hát karaoke. Hát thì toàn giọng bia rượu nghe thật chói tai. Nhất là màn hát đồng ca của bọn trẻ, không hiểu chúng hát hay la hét nữa. Ông phải vào buồng riêng khép chặt cửa phòng. Thấy ông khó chịu, đứa con dâu đã rỉ tai nói với ông: “Bố ơi! Bố con mình chịu nghe hát tra tấn, còn hơn họ không hát ở nhà mà rủ nhau đi hát “bằng tay, bằng chân” còn khổ hơn bố ạ!”. Ông cũng gật gù đồng ý với con dâu.
Thực lòng, ông lên thăm con, thấy hai vợ chồng nó yêu thương nhau, kinh tế đầy đủ. Ông rất vui mừng. Nhưng khi hai đứa đi làm. Ông ở nhà một mình thấy vắng vẻ, buồn buồn. Mỗi khi đi làm, con ông đều cẩn thận dặn bố: “Bố ở nhà không mở cửa cho ai vào bố ạ”. Nó sợ kẻ gian lừa gạt ông. Nghe lời con, ông khóa kín cửa rồi ngồi xem ti-vi một mình.
Sống với con được ít ngày, ông nói muốn về dưới nhà mình. Con trai tưởng bố phật lòng. Nó mua cho ông nhiều loại thuốc bổ quý hiếm. Nhưng ông vẫn muốn về. Thấy vậy con trai gặng hỏi bố: “Bố thèm ăn uống gì con mua cho”. Ông cười hiền hậu với con và nói:
- Bố thèm tiếng gõ cửa. Tiếng người gọi bố.

Vợ chồng đứa con trai đã hiểu ý bố. Tuổi già cần sự giao cảm với mọi người để vơi đi nỗi cô đơn. Bố cần một không gian yên tĩnh để thanh thản cõi lòng. Đó cũng là khoảng cách của lớp trẻ và tuổi già thời nay.  

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives