Hoạt động đào tạo - sáng tác của thầy và trò  

Posted by Unknown

 Khoa Điêu khắc 
Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM

NGƯT.PGS.TS.NĐK NGUYỄN XUÂN TIÊN
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM
Đầu thế kỷ XX do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã lần lượt mở các trường mỹ thuật - mỹ nghệ tại Việt Nam: Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một (1901), Biên Hòa - Đồng Nai (1903), Trường Vẽ Gia Định (1913) sau nâng cấp lên thành Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định (1917) và Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định năm 1940. Năm 1954, Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được thành lập bên cạnh Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (sau đổi thành Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định năm 1970). Ngành Điêu khắc bắt đầu được tuyển sinh và đào tạo từ khóa I niên học 1954 - 1955 tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn [3].
Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hai trường nói trên được nhập làm một. Ngày 12-11-1976, Bộ Văn hóa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định đổi tên trường (gồm hai trường) thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29-9-1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định đổi tên trường thành Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Khoa Điêu khắc được thành lập cùng với các khoa Hội họa, Đồ họa, Lý luận mỹ thuật theo Quyết định số 707 B/VH/QĐ, ngày 12-11-1976 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong những ngày đầu khi đất nước mới thống nhất (30-4-1975), lực lượng điêu khắc TP. Hồ Chí Minh không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay. Các nhà điêu khắc Sài Gòn cũ còn tham gia hoạt động sáng tác và giảng dạy có nhà điêu khắc Lê Văn Mậu, Trương Đình Quế, Lê Văn Anh Tuấn. Các nhà điêu khắc từ chiến khu ra và tập kết từ miền Bắc vào có nhà điêu khắc Trần Văn Lắm, Diệp Minh Châu, Nguyễn Phước Sanh, Lê Thược, Lương Thanh Tòng, Nguyễn Hải, Phạm Mười, Mai Thơ, Lâm Hồng Khánh, Nguyễn Thái Bình, Đinh Rú... Hầu hết họ tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), một số ít tham gia công tác tại Hội Mỹ thuật và làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố. Nhưng tính đến nay, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo ra trường 170 nhà điêu khắc. Hiện nay TP. Hồ Chí Minh có khoảng trên 90 nhà điêu khắc là hội viên của Hội Mỹ thuật Thành phố trong đó có 37 nhà điêu khắc là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, và còn khoảng 50 nhà điêu khắc đang hoạt động trong các doanh nghiệp, tự do chưa phải là hội viên.
Sau 37 năm kể từ khi Khoa Điêu khắc được thành lập, lực lượng điêu khắc TP. Hồ Chí Minh đã lớn mạnh nhiều về số lượng cũng như chất lượng, có nhiều đóng góp tích cực về mặt đào tạo nguồn nhân lực, sáng tạo nghệ thuật trong tiến trình phát triển nền điêu khắc hiện đại Việt Nam, cho hoạt động nghệ thuật thành phố nói riêng và phục vụ xã hội nói chung.
VỀ LĨNH VỰC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC VÀ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH
Các nhà điêu khắc thế hệ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) khi tập kết ở miền Bắc đều được đào tạo có bài bản từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam hay học tập từ các viện hàn lâm, trường mỹ thuật ở các nước XHCN; là những người có tài năng, nhiệt huyết nên đều được giữ lại làm công tác giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam.
Các thầy đã có công đào tạo nhiều thế hệ nhà điêu khắc trong cả nước và cũng sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, đáp ứng những nhu cầu thực tế của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành điêu khắc Việt Nam. Tiêu biểu là tượng “Cây phảng Nam bộ” (1965), “Bác Hồ ở chiến dịch Biên giới” (1967) của NĐK Nguyễn Phước Sanh; tượng chân dung “Nguyễn Văn Trỗi” (1965) của NĐK Võ Văn Tấn; tượng “Hũ gạo kháng chiến” (1970) của NĐK Đinh Rú… Với tác phẩm “Vót chông” (1969) của NĐK Phạm Mười khi xuất hiện đã khẳng định một đóng góp có dấu ấn quan trọng cho nền điêu khắc nước nhà và “chỗ đứng ở vị trí cao cho tác giả” [1, tr.10]. Tác phẩm này đã trở thành một thông điệp của tác giả tới người trong giới, công chúng về vấn đề cách tân ngôn ngữ trong tạo hình điêu khắc, và tạo được ấn tượng, một bước ngoặt mới cho sự phát triển điêu khắc hiện đại Việt Nam.
Khi nước nhà thống nhất, các thầy đã từ giã Thủ đô để trở về miền Nam gây dựng khoa Điêu khắc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) và đào tạo nên những thế hệ điêu khắc mới, tiếp bước các thế hệ đi trước trên con đường sáng tạo nghệ thuật, phục vụ cuộc sống. Từ ngôi trường này đã cung cấp cho xã hội hàng loạt các nhà điêu khắc hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, sáng tạo nghệ thuật hay công tác quản lý mỹ thuật ở các địa phương. Trong đó, nhiều nhà điêu khắc đã thành danh và có nhiều tác phẩm tốt đóng góp cho xã hội.
Với chức năng đào tạo cử nhân mỹ thuật điêu khắc, có khả năng sáng tác, thể hiện tác phẩm từ chân dung, tượng trang trí công viên đến những công trình lớn như tượng đài, phù điêu hoành tráng phục vụ xã hội... Trong nhiều năm qua, khoa Điêu khắc đã thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy và đưa thêm vào chương trình đào tạo những môn học cần thiết nhằm đáp ứng được nhu cầu của người học và tạo vốn kiến thức đầy đủ để học viên sau khi tốt nghiệp có thể học tiếp ở bậc học cao hơn. Đặc biệt khoa đã tăng cường công tác giảng dạy các chất liệu như gốm, gỗ, đồng, đá, gò kim loại... và duy trì công tác triển lãm thường niên của sinh viên trong khoa từ năm 2000 đến nay đã tạo cho chất lượng đào tạo của khoa ngày một nâng cao, đồng thời có nhiều tác phẩm tốt của sinh viên phục vụ xã hội. Nhiều tác phẩm là những bài học, bài tốt nghiệp đã được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật và đạt giải thưởng cao trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam thường niên... Tiêu biểu như: “Tiếng khèn Chăm” của Nguyễn Hoàng Ánh (Huy chương vàng Triển lãm MTTQ 1990); “Nỗi đau” của Nguyễn Quốc Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM); “Cô mẫu giáo” của Bùi Thị Tuyết Mai (Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM); “Lão du kích” của Nguyễn Xuân Tiên (Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM); “Rửa mặt” của Nguyễn Sỹ Bình (Giải ba - Triển lãm ĐKTQ 1993); “Hội đâm trâu” của Nguyễn Hồng Dương (Giải nhất - Triển lãm ĐKTQ 2003); “Chiều về” của Trần Quang Vinh (Huy chương bạc - Triển lãm MTTQ 2005)... Và rất nhiều các bài học, bài thực tế chất liệu, bài tốt nghiệp của sinh viên khoa Điêu khắc được giải thưởng Khu vực Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải đầu tư sáng tác của Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh...
NĐK NGUYỄN XUÂN TIÊN
NHỮNG TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC NGOÀI TRỜI PHỤC VỤ XÃ HỘI
Vào những năm 1964-1965, do nhu cầu của việc giáo dục truyền thống cách mạng cần ghi lại những chiến công, sự kiện anh hùng, vấn đề xây dựng tượng đài được đặt ra. Lĩnh vực điêu khắc hoành tráng ngoài trời, là một thể loại nghệ thuật mới đối với ngành Điêu khắc Việt Nam. Xây dựng một công trình tượng đài lớn tốn kém về mặt kinh phí, và thực hiện dưới làn bom đạn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ thật là vấn đề nan giải. Nhưng với lòng quyết tâm, nhiệt huyết nghề nghiệp và muốn đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước trong thời kỳ ác liệt máu lửa của chiến tranh, tập thể sinh viên điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng thành công một số công trình điêu khắc hoành tráng ngoài trời, mang nội dung truyền thống cách mạng Việt Nam đầu tiên [2]. Các tác giả của những công trình tượng đài đầu tiên đó lại chính là những nhà điêu khắc, người thầy xuất thân từ Nam bộ và sau này sinh sống và làm việc tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Khởi đầu là công trình Tượng đài Nam Ngạn - Hàm Rồng Chiến thắng, xây dựng năm 1966- 1967 tại Nam Ngạn - Hàm Rồng - Thanh Hóa, chất liệu bê tông cốt thép, cao 2,5 mét. Do tập thể sinh viên khoa Điêu khắc Trường Mỹ thuật Việt Nam dưới sự hướng dẫn của NĐK Nguyễn Phước Sanh, đã thực hiện sáng tác phác thảo và thi công ngay trong khu vực diễn ra các đợt oanh tạc dữ dội nhất của không quân Mỹ. Tiếp đến là một loạt các công trình tượng đài được nghiên cứu, xây dựng như: tượng đài “Chiến thắng Kép” ở Bắc Giang của NĐK Nguyễn Hải (1968), “Du kích làng Nguyễn” ở Thái Bình của NĐK Võ Văn Tấn (1968), “Hiệp Hòa khởi nghĩa 6-45” ở Bắc Giang của NĐK Nguyễn Phước Sanh (1969), “Ba thế mạnh Công - Nông - Ngư nghiệp” ở Hải Phòng của NĐK Lê Thược (1973)...
Sau ngày đất nước thống nhất và đặc biệt khi Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập, đổi mới và phát triển. Kinh tế đất nước ngày một tăng trưởng, hành lang pháp lý về thực hiện các công trình “Tượng đài, tranh hoành tráng” đã được Vụ Mỹ thuật Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành, tương đối có bài bản và được thực thi. Vì thế, các công trình điêu khắc hoành tráng Việt Nam ngày càng đa dạng với nhiều đề tài, chất liệu, kích thước lớn và chất lượng nghệ thuật cũng ngày càng được nâng cao. Ở lĩnh vực nghệ thuật này, các thầy trong khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều công trình điêu khắc hoành tráng tạo thành những công viên văn hóa, lịch sử đẹp, có giá trị nghệ thuật được xây dựng ở khắp các địa phương trong cả nước và được giới chuyên môn, dư luận xã hội đánh giá cao…
TÓM LẠI
Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tuy số lượng giảng viên và sinh viên ít so với các khoa khác trong nhà trường, nhưng năng lực làm việc rất bền bỉ, kiên trì. Trong thời gian qua thầy và trò của khoa đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, sáng tạo nghệ thuật chung của chuyên ngành trong tiến trình phát triển nền điêu khắc hiện đại Việt Nam, cũng như có những tác phẩm điêu khắc tốt phục vụ các nhu cầu của xã hội trong cả nước, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. Với phương châm “Nhà trường gắn liền với xã hội; Nghệ thuật gắn liền với cuộc sống; Học đi đôi với hành”, khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh luôn phấn đấu nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập nhằm đáp ứng được nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng của xã hội góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ và phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII của Đảng đã đề ra.
TP.HCM, 5-10-2013
______________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hội Mỹ thuật Việt Nam (1997), Điêu khắc hiện đại Việt Nam, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
2. Nguyễn Xuân Tiên (2009), Điêu khắc hoành tráng Việt Nam thế kỷ XX (Thành tựu và vấn đề), NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (2008), Kỷ yếu Trường Vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Xuất bản tại Xưởng in Trung tâm Mỹ thuật ứng dụng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives