VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT NƯỚC NGOÀI  

Posted by Unknown

Từ đỉnh cao chói lọi
ALEKSANDR ZINOVIEV(*)
LÊ SƠN (dịch theo Literaturnaja Gazeta)
Với tư cách là nhà xã hội học chuyên nghiệp, lẽ cố nhiên tôi quan tâm đến văn học như một hiện tượng xã hội: văn học đóng một vai trò như thế nào trong xã hội, nó tác động như thế nào đến mọi người. Trong văn học, tôi nghiên cứu cái mà tôi gọi là “phương diện tinh thần của đời sống xã hội”.
Trong xã hội Xô viết trước đây, văn học đóng vai trò công cụ tư tưởng. Theo quan điểm này, tôi đánh giá
cao nền văn học Xô viết. Văn học Nga cổ điển vĩ đại cũng đóng vai trò tư tưởng trong những năm trước cách mạng, nhưng trong khuôn khổ không phải hệ tư tưởng nhà nước (hệ tư tưởng nhà nước là đạo chính thống) mà là hệ tư tưởng thế tục phi chính thống.
Trước khi viết văn, tôi là một độc giả tích cực. Nước Nga nói chung là xứ sở của những độc giả. Những độc giả như ở ta, trên thế giới không đâu có. Ở Nga hiện nay những độc giả này đã biến mất. Với tư cách là độc giả, tôi đã hình thành vào những năm 30, đó là những năm văn học phát triển rầm rộ - cả về phương diện giới sáng tác lẫn độc giả.
Văn học Nga nằm trong văn cảnh của lịch sử thế giới. Văn học đóng một vai trò đặc biệt trong xã hội nào không có các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay - không có điện ảnh, vô tuyến, số lượng sách xuất bản không lớn và số độc giả cũng không nhiều. Mặc dầu những tác phẩm văn học xuất sắc thậm chí với số lượng bản in hạn chế có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với xã hội.
Văn học Nga trước cách mạng thực hiện những chức năng tâm lý học, xã hội học, sư phạm và giải trí, tất cả những chức năng này có thể cùng hiện diện trong một tác phẩm. Và nó ở thế chống đối lại hệ thống xã hội đang tồn tại và hệ tư tưởng thống trị. Văn học Nga là một trong những công cụ phá hủy hệ thống xã hội trước cách mạng. Không phải ngẫu nhiên sau này người ta dùng văn học để trang bị cho hệ tư tưởng Xô viết.
Tôi đánh giá rất cao nền văn học Xô viết. Tất nhiên cũng có vô khối những tác phẩm nhảm nhí. Song trình độ chung của văn học với tư cách là một hiện tượng văn hóa, rất cao. Thậm chí trong sáng tác của các nhà văn cỡ trung bình. Giờ đây tôi hài lòng đọc lại những tác phẩm mà các nhà nghiên cứu văn học Xô viết không xếp vào loại những cuốn sách hay nhất. Chẳng hạn Chapaev của Furmanov, Thép đã tôi thế đấy của Ostrovski là những cuốn sách tuyệt vời. Tôi cũng đọc những cuốn sách này với tư cách là nhà xã hội học.
Con gái tôi từng lớn lên và ăn học ở Cộng hòa Liên bang Đức, đã đọc đến mười lần cuốn Thép đã tôi thế đấy mặc dầu chả ai bắt nó phải đọc và không hề có áp lực tư tưởng nào. Tôi cũng khuyên nó đọc cả Ximăng của Gladkov cũng như Sông Đông êm đềm của Sholokhov, Chiến bại của Fadeev.
Tôi đã học trong nhà trường vào những năm 30.
Tôi đã viết về thời kỳ đó, tôi cho rằng tôi đã gặp may: tôi đã học trong một trường tuyệt vời, những trường như vậy hồi đó có khá nhiều. Nhà trường Xô viết trong những biểu hiện tốt nhất của nó đã bao hàm tất cả những gì là ưu tú được tạo ra trong ngành giáo dục học của nước Nga trước cách mạng. Niềm say mê chủ yếu của chúng tôi là toán học và văn học. Việc giảng dạy văn học rất được đề cao. Trong thời kỳ Xô viết, văn học Nga cổ điển đã được cứu vớt. Thái độ đối với văn học hết sức thiêng liêng.
    Toàn bộ thời kỳ Xô viết chưa được nghiên cứu một cách thực sự khách quan. Người ta đã viết nhiều điều giả trá về thời kỳ ấy.
    Tuổi trẻ thời đó, thông qua việc học văn học, được giáo dục về mặt tư tưởng đúng như là tuổi trẻ Xô viết. Và điều đó đã đóng một vai trò rất lớn. Chính nhờ điều đó đã được đào tạo nên một thế hệ từng cứu vãn đất nước trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nói chung, tôi cho rằng thế hệ học sinh lớp 10 Xô viết đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh này! Và có công đầu trong việc bồi dưỡng lứa học sinh lớp 10 phải kể đến văn học.
    Chúng tôi đã học các tác phẩm của văn học Nga cổ điển như những hiện tượng tư tưởng (hiện nay người ta có thái độ nhạo báng điều đó) và như những hiện tượng giáo dục. Và quả thật có nhiều tư liệu giúp cho sự hình thành thế giới quan và cho việc giáo dục đạo đức. Về phương diện này, văn học Nga là hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới.
    Ở phương Tây không có kiểu nhà trường như ở Liên Xô. Ở đó người ta không giảng dạy văn học như ở ta. Không đâu lại có thái độ ứng xử đối với văn học như ở ta. Một hiện tượng hiếm thấy!
    Đối với thế hệ tiền chiến và đối với đa số dân chúng, văn học đã trở thành một nhân tố của văn hóa và của hệ tư tưởng. Thật sai lầm mà nghĩ rằng dường như người ta đã nhồi nhét hệ tư tưởng vào đầu óc chúng tôi. Cái đó không thể nhồi nhét được vì càng nhồi nhét bao nhiêu thì thiên hạ càng dửng dưng bấy nhiêu. Hệ tư tưởng văn hóa, sự giáo dục thâm nhập vào chúng tôi chính là thông qua văn học.
    Chúng tôi cũng học cả văn học phương Tây nữa. Các thầy giáo dạy văn đã kê cho chúng tôi một danh mục tác phẩm rất dài để đọc trong dịp nghỉ hè - Dante, Rabelais, Swiff, Balzac... Chúng tôi đã đọc các tác giả nước ngoài không ít hơn các tác giả Nga. Các thầy là những người rất nhiệt tâm, những nhà sư phạm như thế sau chiến tranh chỉ còn lại rất ít, mặc dầu trình độ giảng dạy vẫn rất cao.
Tôi chưa bao giờ là một người mác-xít nhưng tôi coi mình là một sản phẩm của hệ thống Xô viết. Tôi là một người Xô viết. Chí ít là bởi vì tôi đã sống trong môi trường tinh thần đó. Văn học là một thành tố chủ yếu của đời sống tinh thần thời bấy giờ.
    Thái độ của học sinh đối với văn học đã trở nên xấu đi ngay từ cuối thời kỳ Xô viết. Trình độ giảng dạy cũng sút kém hẳn. Sau đó là bước ngoặt mang tính chất bài Xô viết và chống cộng sản đã để lại dấu ấn sâu đậm mà hậu quả nặng nề là tình trạng suy thoái toàn diện của nước ta. Cả trong lãnh vực văn hóa, giáo dục. Ở thời kỳ Xô viết, cho dù hệ tư tưởng của chúng ta có thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn ở trên đỉnh cao của sự tiến bộ thế giới. Về mọi mặt. Có sự khủng hoảng, nhưng nó có thể được khắc phục. Cần phải bảo vệ tất cả những cái có giá trị còn lại trong văn hóa Nga. Mà những cái đó vẫn còn khá nhiều.
    Nhiều yếu tố phụ thuộc vào các thầy giáo. Nhưng ai sẽ là thầy giáo? Nếu như trong nhà trường, thầy giáo được trả lương ngang với giáo sư đại học như các giáo viên trung học trước cách mạng thì sẽ có nhiều người thông minh, có năng khiếu đi làm thầy giáo. Thậm chí các nhà văn có thể giảng dạy văn học trong nhà trường. Nếu như người ta mời tôi với tư cách là nhà văn dạy một chương trình văn học trong nhà trường, tôi xin vui lòng nhận ngay.
    Hiện nay ở ta có một cấu trúc xã hội hoàn toàn mới mẻ. Nó chưa được nghiên cứu kỹ và chưa được miêu tả đầy đủ. Cấu trúc này sẽ đẻ ra (và đang đẻ ra) một kiểu nhà trường có tính chất phân hóa. Đó là một thực tế mà chúng ta phải lưu ý tới.
    Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết đã được chuẩn bị từ lâu, trước Gorbachev và Elsin. Cuộc khủng hoảng trong lãnh vực tinh thần của xã hội Xô viết được bắt đầu ở thời kỳ hậu Stalin. Chính cuộc khủng hoảng đó đã trở thành cơ sở của những cuộc khủng hoảng trong các lãnh vực khác. Khởi điểm của cuộc khủng hoảng được dấy lên bởi việc phi Stalin hóa. Người ta đã tiến hành công việc này khiến nó làm dịu đi sự căng thẳng về mặt tư tưởng ở trong nước. Người ta có thể đấu tranh chống lại sự sa sút đó, nhưng không thể làm nó dừng lại được.
    Cũng cần phải lưu ý tới một điều là “cuộc chiến tranh lạnh” đã diễn ra gần nửa thế kỷ, vũ khí chủ yếu trong cuộc chiến tranh này là vũ khí tư tưởng vốn có tác động mạnh mẽ đến lãnh vực tinh thần của Liên Xô. Ở đây phương Tây đã hành động một cách rất có hiệu quả.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives