GÓC NHỎ SÀI GÒN  

Posted by Unknown

Có một Địa đạo Phú Thọ Hòa ở Tân Phú

NHÂM HỮU CHÍ

  Tôi chuyển về sống ở phường 18, quận Tân Bình năm 1992. Lúc đó, Tân Bình chưa tách quận và không đông dân như bây giờ, nhất là ở phường 18 hãy còn nhiều đất trống. Phường 18, Tân Bình có nhiều con đường mang tên những con số và tôi ở đường số 25. Ngày ngày đi làm tôi đều đi ngang con đường mang tên Địa Đạo. Trên con đường ấy có một khu đất trống, nghe nói trước kia là Địa đạo Phú Thọ Hòa(*). Năm 2003, khi Tân Bình tách quận, đường Địa Đạo đổi tên thành đường Phú Thọ Hòa và phường 18 đổi thành phường Phú Thọ Hòa thuộc quận Tân Phú cho đến hôm nay.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhắc đến địa đạo, nhiều người đều nghĩ đến địa đạo Củ Chi nổi tiếng, nhưng địa đạo Phú Thọ Hòa ở quận Tân Phú hầu như ít ai quan tâm, mặc dù nơi này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia” từ năm 1996. Hè vừa qua, tôi đã có dịp đến thăm và nghe cán bộ trông coi khu di tích kể lại quá trình hình thành cũng như lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa…
Ngược dòng lịch sử một chút, sau Cách mạng tháng 8-1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét vùng cơ sở Cách mạng với chủ trương tiêu diệt hết lực lượng Cách mạng ở vành đai Sài Gòn. Các Đảng bộ địa phương đã chỉ đạo phát triển các hầm bí mật, đào công sự chữ L. Nhưng về sau, loại hầm chữ L này mất tác dụng vì chứa được ít người, trong lúc nhu cầu của Cách mạng cần phải có vị trí để ém quân, để cán bộ và các lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, nắm vững địa bàn hoạt động, làm bàn đạp tiến công vào nội thành.
    Năm 1947, Bí thư Chi bộ xã Phú Thọ Hòa Nguyễn Văn Tiểng và các đồng chí Lê Thanh, Lâm Quốc Đăng đã bàn tính và chọn thôn Lộc Hòa để đào địa đạo, vì tại đây có những ưu điểm như: mô đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình địa chất phức tạp, nhân dân có truyền thống Cách mạng vững chắc.
    Địa đạo được xây dựng theo kiểu hầm xe lửa: từ hai điểm ở đầu, hai tổ đào thẳng về điểm trung tâm. Mỗi tổ 2 người, cứ thế thay nhau đào từ 20 giờ đến 3 giờ sáng. Cách đào địa đạo cũng khá công phu: đào một hố sâu, rồi ngồi xuống dùng cuốc cán cụt khoét sâu vào lòng đất 3-4m, đồng thời nối hầm này qua hầm kia bằng con đường hầm, cụ thể đào sâu xuống lòng đất ở đáy hầm bên này, rồi đào ngang sang, khi thấy hầm bên kia, thì trở lại mở một miệng hầm ở đây. Khoảng cách giữa hai hầm dài chừng 2m, người đào phải di chuyển trong đó với tư thế lom khom, không đứng thẳng được. Cả hai miệng hầm dưới đáy đều có nắp đậy và cứ thế đào chạy theo địa hình địa vật (bên dưới các lũy tre, mồ mả).
    Nắp miệng hầm được đóng bằng gỗ theo hình thang, có kích thước: rộng 0,4m và 0,2m; cao 0,1m. Nắp hầm có đáy để đổ đất, trồng cây lên đó ngụy trang. Mỗi đoạn hầm có 3-4 lỗ thông hơi, tùy theo địa hình là lũy tre hay mồ mả mà đặt lỗ thông hơi ở đó. Kích thước địa đạo: rộng 0,8m, cao 0,8m, dài gần 700m. Về sau, các anh huy động nhân dân đào thêm những hầm chữ L và giao thông hào công khai trên mặt đất để đổ lẫn đất nọ vào đất kia, tránh sự chú ý của địch. Trong hệ thống địa đạo, có 3 hầm đào rộng ra, để có thể ngồi họp 4-5 người hoặc chứa lương thực, vũ khí…
    Ngày nay, địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú đã trở thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Ban quản lý cũng đã tận dụng đất trống tổ chức sân bóng đá, bóng chuyền nhằm thu hút nhiều người đến với khu di tích, đặc biệt là giới trẻ. Nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng để thanh thiếu niên các nơi và trong quận thường xuyên đến sinh hoạt đoàn thể, cắm trại… Hy vọng rồi đây ngày càng có thêm nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm địa đạo Phú Thọ Hòa, để biết thêm một địa đạo giữa lòng thành phố và hiểu thêm về công lao của các chiến sĩ Cách mạng trong quá trình bảo vệ Tổ quốc Việt Nam những năm 1947-1975. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives