TIẾN TỚI KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14-10-1930 - 14-10-2013)  

Posted by Unknown

Trở lại Phú Cần
Bút ký KHUYNH DIỆP

1.Chuyến công tác Trà Vinh cuối năm 2010 cái tên Phú Cần không có trong chương trình làm việc của tôi. Nhưng một sự tình cờ ngẫu nhiên đã đưa tôi đến với cái xã có quá nửa dân số là người dân tộc Khmer này. Số là, anh Thái Văn Thìn nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Trà Vinh trong lúc nhậu, vỗ vai tôi nói: “Ông cất công xuống đây, mọi việc tỉnh Hội sẽ lo, muốn đi đâu thì đi nhưng có một nơi ông không thể không đến là xã Phú Cần ở huyện Tiểu Cần!”. Tôi làm báo của Trung ương Hội, còn anh ở địa phương nhưng chúng tôi đã có dịp nhiều lần tiếp xúc thành ra tôi rất hiểu tính anh Thìn. Anh là người Khmer chính gốc Trà Vinh, rất thật thà trong giao tiếp. Anh nói ngắn nhưng hàm chứa thông tin quý.
- Vậy thì ngày mai anh bố trí cán bộ đi cùng tôi xuống Phú Cần, được không? - Tôi hỏi.
- Khỏe re! - Anh Thìn gật cái rụp.
Quốc lộ 54 từ thành phố TràVinh qua trung tâm xã Phú Cần chừng 20 cây số, mặt đường trải nhựa láng o nên chưa đầy bốn mươi phút xe chúng tôi đã đến nơi. Phú Cần tuy nằm sát huyện lỵ Tiểu Cần nhưng chất nông thôn và nền tảng kinh tế thuần nông vẫn chưa hề bị “thị trấn hóa”. Hôm ấy, ông Nguyễn Văn Tây – Chủ tịch Hội Nông dân Phú Cần đưa tôi ra cánh đồng kiểu mẫu của mối “liên kết bốn nhmà tỉnh Trà Vinh đã chọn Phú Cần làm mô hình điểm thực hiện. Trong cái nóng ong ong cuối năm báo hiệu một mùa khô oi nồng lại đến, chúng tôi men theo bờ kinh bê tông vắt ngang cánh đồng lúa đông - xuân sắp thu hoạch xuôi xuống trạm bơm. Nguyễn Văn Tây cúi người xuống dòng nước đục phù sa từ trạm bơm đang chảy ngược lên cánh đồng lúa ngả màu trứng cá, khum tay vộc nước, miệng cười hể hả. Tây ví von khá văn hoa y như một cậu học sinh trung học làm bài luận văn mô tả về một con sông, dòng kinh nào đó: “Con kinh này giống như động mạch chủ, tạo nên sức sống mãnh liệt cho 110 ha trong vùng Dự án liên kết”. Khi tiếp cận với trạm bơm điện, anh chủ tịch Nông hội Phú Cần còn giải thích cặn kẽ về ý nghĩa của trạm bơm và tuyến kinh bê tông ban nãy anh ví như động mạch chủ. Để mô hình “liên kết bốn nhà” trên cánh đồng có mặt bằng chênh lệch độ cao so với mặt nước sông nơi đặt trạm bơm mà trước đây nông dân Khmer ấp Cầu Tre chỉ canh tác được một vụ lúa nhờ nước trời, muốn làm vụ hai phải gò lưng bơm chuyền nước dưới sông lên. Hộ nào không có máy bơm, ruộng nằm giữa đồng coi như bó tay. Năm 2007, trước khi triển khai mô hình “liên kết bốn nhà” giúp nông dân ấp Cầu Tre sản xuất hiệu quả, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trà Vinh đột phá ngay khâu “thủy lợi hóa”, đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng trạm bơm điện đồng thời thiết kế tuyến kinh dẫn nước từ trạm bơm dài 1.600 mét . “Riêng tám kinh nhánh nội đồng, Hội Nông dân vận động hội viên Chi hội ấp Cầu Tre hiến đất và tổ chức đào đắp, nhờ đó nước bơm vào kinh bê tông lan tỏa đều khắp các chân ruộng, chấm dứt tình trạng xin bơm nhờ nước như khi chưa có hệ thống kinh tưới” - Nguyễn Văn Tây nói. Đợi Tây ngừng lời, Thạch Chanh Xô Tha - một thanh niên ấp Cầu Tre phụ trách trạm bơm - giọng vui như Tết Chol-chnăm-thmây của dân tộc mình, góp thêm: “Theo lịch thời vụ, sau khi xuống giống đồng loạt, cô bác có nhu cầu sử dụng nước là chúng em mở cầu dao điện vận hành”. Xô Tha còn tiết lộ, mỗi vụ bà con chỉ phải đóng 200.000 đồng/ha. Số tiền ấy phục vụ chi phí bảo dưỡng trạm bơm, gia cố kinh bê tông dẫn nước và chi phụ cấp quản lý trạm bơm cho Xô Tha và anh bạn Trí Cao, mỗi người chỉ nhận 950.000 đồng/tháng.
Phú Cần - Mùa thu hoạch
Luồn dưới bóng mát rặng tre gai chúng tôi tranh thủ ghé thăm gia đình Thạch Riêng, người được bà con Khmer ấp Cầu Tre tôn vinh Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện. Thạch Riêng còn được nông dân bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác số 2 của Dự án cánh đồng “liên kết bốn nhà”. Nhà Thạch Riêng có 1,5 ha trong cánh đồng “liên kết bốn nhà”, mỗi năm làm ba vụ lúa, thu gần 30 tấn thóc, trừ bảy khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận thu trên 70 triệu đồng. Từ năm 2010, Thạch Riêng chỉ làm hai vụ lúa, vụcòn lại chuyển sang trồng các loại rau màu. Xáp lại phía vợ đang bó gánh rau hẹ chuẩn bị giao cho lái, Thạch Riêng cầm bó hẹ trên tay nói ngon lành:
- Nhờ nước tưới, lại có các nhà khoa học chỉ cách bón phân, chọn giống, phun thuốc... hướng dẫn chúng tôi làm “ba giảm - ba tăng” nên làm lúa giỏi, nay phải giỏi thêm trồng màu để giàu chứ.
Đợi Thạch Riêng trả bó hẹ lại cho vợ, tôi hỏi anh về “liên kết bốn nhà”. Thạch Riêng nói vanh vách:
- Nông dân là nhà thứ một, mấy ông kỹ sư là nhà thứ hai, nhà thứ ba là ông Công ty bảo vệ thực vật An Giang, Công ty lương thực tỉnh. Ông Nhà nước thì lo làm thủy lợi, cho vay vốn mần ăn. Chỉ mong mấy ông chơi với nông dân đến cùng. Đúng hôn...!
2.Thời gian đã 900 ngày, kể từ ngày đến Phú Cần lần đầu.
Giữa năm 2013, lần thứ hai tôi trởlại thăm mô hình “liên kết bốn nhà” mà bà con Khmer ấp Cầu Tre tiên phong thực hiện. Thời gian trôi thật lẹ. Trong khoảng thời gian không dài ấy cuốn theo những đổi thay cũng thật lẹ ngay trên cánh đồng “liên kết bốn nhà”. Ông Trần Hoàng Nam, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Cần khá điển trai lại được học hành cơ bản nên khi giới thiệu tóm tắt về hiệu quả của mối “liên kết bốn nhà” ở ấp Cầu Tre chúng tôi hình dung ngay điều ông chuyển tải. Khởi nghiệp từ mối “liên kết bốn nhà” thành công, tháng 5-2011 lãnh đạo tỉnh Trà Vinh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục chọn Phú Cần làm điểm xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên ở Trà Vinh. Ông Trần Hoàng Nam khẳng định: “Cánh đồng mẫu lớn sẽ là tiền đề bền vững trên cơ sở khoa học, góp phần nâng cao mức sống nông dân. Đây chính là nhiệm vụ cốt lõi trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Cần”. Theo ông Nam, mô hình “liên kết bốn nhà” trước đây chỉ giới hạn trên diện tích 110 ha ở ấp Cầu Tre nay mở rộng nâng tầm thành “cánh đồng mẫu lớn” có thêm nông dân ấp Đại Trường tham gia, vì thế diện tích canh tác lúa cũng mở rộng lên 300 ha với 356 hộ thực hiện, trong đó gần 90,6% là bà con dân tộc Khmer của hai ấp.
Tháng sáu, dù sang mùa mưa nhưng bầu trời xứ Tiểu Cần vẫn xanh vời vợi. Nắng chói chang không thua cái nắng tôi gặp ở PhúCần hồi cuối năm 2010. Nắng đến độ anh bạn họa sĩ Phan Oánh trong đoàn văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh đi hôm ấy cũng nản lòng tấp vào bờ tre cặp “cánh đồng mẫu lớn” bắt chuyện với mấy bác nông dân Khmer. Mặc cho nắng táp vô mặt, vô tay, tôi theo kỹ sư Nam công tác tại Công ty bảo vệ thực vật An Giang đi dọc một nhánh kinh nội đồng ngắm những vạt lúa hè - thu đang thì con gái xanh non mơn mởn. Đứng bên đám ruộng cặm bảng ghi giống lúa OM 4900 của hộ Thạch Thị Tha Vi, tôi hỏi Nam:
- Nam thử cho biết công việc chính của kỹ sư bảo vệ thực vật?
- Chúng em như bác sĩ đa khoa ngành y, vừa khám bệnh vừa kê đơn khi phát hiện cây trồng có dấu hiệu nhiễm bệnh - Nam so sánh.
Nhân đấy, Nam cho biết để thực hiện “liên kết bốn nhà” trên “cánh đồng mẫu lớn” ở Phú Cần, Công ty bảo vệ thực vật An Giang không chỉ cử kỹ sư đến hướng dẫn kỹ nông dân quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn hỗ trợ bà con 40% tiền giống, phối hợp với kỹ sư khuyến nông Tiểu Cần chỉ cho họ kỹ thuật sạ hàng để giảm từ 1/3 đến non nửa lượng giống so với gieo sạ truyền thống. Sau khi thu hoạch bà con mới phải trả tiền giống cho công ty. Đợi chị Thạch Thị Tha Vi đang tìm cỏ dại trong ruộng lúa nghỉ tay, tôi và kỹ sư Nam chủ động hỏi chị chuyện làm nông và cuộc sống hiện tại. Thạch Thị Tha Vi hồn nhiên kể: “Chồng em người Kinh, chúng em mới sanh một con thôi vì chỉ có 0,3 ha đất ruộng. Nhờ ruộng “liên kết bốn nhà” trên “cánh đồng mẫu lớn” nên làm được ba vụ lúa thu gần 7 tấn thóc”. Ít ruộng làm sao xóa nổi nghèo, vợ chồng Thạch Thị Tha Vi mạnh dạn mướn thêm 1,4 ha đầu tư trồng lúa xuất khẩu. Tha Vi tính nhẩm rất nhanh bài toán cộng – trừ trên diện tích đất mướn vàcho đáp sốphần lợi nhuận  bỏ ống: “Vẫn lãi 9,6 tấn thóc, tương đương 50 triệu đồng” - Tha Vi thật thà kể. Rồi ngó kỹ sư Nam, bỏ nhỏ:
- Nhờ“liên kết bốn nhà” trong “cánh đồng mẫu lớn” đó, chú Nam!
3. Trong khi đưa chúng tôi thăm một góc “cánh đồng mẫu lớn”, ông Trần Hoàng Nam – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Cần kể nhiều câu chuyện về ý chí vươn lên thoát nghèo để làm giàu cùng tinh thần “khuyến học” của bà con dân tộc Khmer xã mình. Tỷ như nông dân Trần Hồng có tới 5,3 ha đất lúa trong vùng dự án, hàng năm lợi nhuận từ lúa thu trên 100 triệu đồng. Số tiền này ông đều gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Chuyện bà Thạch Thị Thiên nhà cuối ngọn kinh bê tông dẫn nước từ trạm bơm lên chẳng những biết kết hợp trồng lúa với chăn nuôi nên cótiền tích lũy mới xây căn nhàmấy trăm triệu đồng mà còn đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn. Giờ đây, các con của bà có đứa công tác ngành y, có đứa làm giáo viên, không thua những gia đình hiếu học người Kinh. Xong, ông bắt sang chuyện PhúCần được huyện, tỉnh chọn xây dựng “Nông thôn mới” thời kỳ2011-2015. Ông Nam nêu vài con sốminh chứng: chưa đầy hai năm chỉtính vốn xây dựng các công trình hạtầng giao thông, thủy lợi lên tới 8,9 tỷđồng, trong đónông dân góp 4,376 tỷ đồng bằng việc hiến đất, hiến tài sản, hoa màu. Trao đổi về tiến độ thực hiện gần hai mươi tiêu chí của mô hình “Nông thôn mới” do Trung ương quy định, Phó chủ tịch xã Phú Cần thông tin: “Đến giữa năm 2013, Phú Cần đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Phấn đấu năm 2015 đạt toàn bộ các mục tiêu Nông thôn mới. Ông Nam nhận xét xem ra rất có lý:
- Điểm cuối cùng chúng tôi phải đạt tới không ngoài nâng cao chất lượng cuộc sống trên nhiều phương diện cho nhân dân, đặc biệt là hơn 60% bà con dân tộc Khmer.
4.Khi qua cầu Tiểu Cần trên đường về thành phố Trà Vinh, tôi bâng khuâng ngó xuống dòng sông lúc con nước đang ròng. Cầu Tiểu Cần xây mới bằng bê tông cốt thép chịu lực đưa vào sử dụng cách nay bốn năm, thay cây cầu sắt ọp ẹp từ thời Tây để lại. Ngó cây cầu hoành tráng nối đôi bờ thị trấn đông vui, bất chợt tôi nhớ cách nay hơn hai mươi năm trong một lần cùng ông Nguyễn Thành Thơ (sau 1945 làm Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, tỉnh ủy viên Cần Thơ; trong kháng chiến chống Mỹ làm Bí thư Khu ủy Tây Nam bộ rồi Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) kểvới tôi câu chuyện bi thương của người bà con cô - cậu ruột với ông diễn ra ngay bót cầu Tiểu Cần hồi 1946. Chuyện rằng, người anh cả của ông Trịnh Văn Lâu (tức Tư Cẩn - nguyên Bíthư Tỉnh ủy Vĩnh Long) là Trịnh Văn Mưu, cán bộ Huyện ủy Cầu Kè bị Tây bắt sống trong một trận chống càn không cân sức trên cánh đồng Phú Cần. Mưu bị giặc chặt đầu ngay trên đồng. Chúng xách đầu Mưu đưa về bót cầu Tiểu Cần nạp cho tên cai đồn. “Nghe tin Mưu bị chặt đầu, đêm đó tôi mò ra cánh đồng tìm xác Mưu đưa về bên Cầu Kè cho đồng chí đồng đội lo chôn cất trong sự đau thương, uất hận” - ông Nguyễn Thành Thơ xúc động.  

Phải chăng, những hy sinh, mất mát của các bậc cha, anh trong hai cuộc kháng chiến còn là một động lực để người Tiểu Cần trong đó có Phú Cần vươn lên như hôm nay?

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives