Trường Mỹ thuật Gia Định - dấu ấn trong tôi  

Posted by Unknown

Nhà giáo nhân dân, Họa sĩ
UYÊN HUY (HUỲNH VĂN MƯỜI)

Ngày 9 tháng 11 tới đây là ngày Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Từ Trường Vẽ Gia Định đến Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM (1913-2013).
Tôi là một cựu học sinh, sinh viên và giảng viên đã gắn bó với ngôi trường thân thương này từ 1964 cho đến nay.
Trong tôi còn đọng những cảm xúc về ngôi trường xưa bởi những dấu ấn lịch sử không thể nào quên của một thời đã qua. Đó là những bước ngoặt, sự kiện tuyệt vời về đào tạo, về con người của chiếc nôi mỹ thuật Nam bộ này:
Thứ nhất là sự ra đời của Trường Vẽ Gia Định làm cho phạm vi đào tạo mỹ thuật miền Nam bước sang bước ngoặt mới về nội dung, quy mô hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng. Trước 1900 thì mỹ thuật của nơi này chỉ là nghệ thuật thủ công mang bản sắc các dân tộc Phù Nam, Chămpa, Chân Lạp, Khmer, Óc Eo, Tiền Ăng Co, Ấn Độ, Trung Hoa và sau này vào thời Pháp thuộc thì ảnh hưởng mỹ thuật của Pháp…
Trước đó, hai Trường Mỹ thuật của Bình Dương (thành lập 1901) và Biên Hòa (thành lập 1903) chỉ đáp ứng nhu cầu về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực của miền Đông Nam bộ, không thể nào đáp ứng nhu cầu của người dân các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long (miền Tây Nam bộ)... Nội dung giảng dạy của cả hai trường này thiên về thủ công mỹ nghệ như: nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ, nghề điêu khắc, nghề khảm xa cừ, nghề sơn mài, nghề gốm, nghề đúc đồng... Sự ra đời của Trường Vẽ Gia Định với nội dung giảng dạy khác biệt.
Tại Trường Vẽ Gia Định bấy giờ chia thành ba ban (hay ba ngành học) như sau: Ban Trang trí, Ban Kiến trúc, Ban Ấn loát (hay Ban Đồ họa hoặc là Ban Thiết ấn) đã bổ sung cho việc giảng dạy cho hai ngôi trường có trước. Sự hiện diện của Ban Kiến trúc là nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng đô thị trên mảnh đất đã được coi là thuộc địa Pháp.
Ngoài khẳng định mục tiêu giảng dạy nghệ thuật trang trí thì điểm nổi bật nhất của nội dung giảng dạy là môn in đá (lithographie). Ngôn ngữ in loại này thuộc lãnh vực đồ họa tạo hình nói riêng hay nói chung là nghệ thuật tạo hình. Như vậy nội dung đào tạo của Trường Mỹ thuật Gia Định là về nghệ thuật trang trí đồng thời có gắn một phần với nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật kiến trúc (đã ghi rất rõ trong quyết định thành lập trường).
Chính vì tên gọi là trường trang trí cho nên Trường Mỹ thuật Gia Định có chân trong Hợp tác xã trang trí mỹ nghệ Paris.
Thông qua nội dung giảng dạy nói trên của Trường Mỹ thuật Gia Định, người dân và đời sống xã hội của đất Gia Định - Sài Gòn chính thức được tiếp cận, được đào tạo, hành nghề trong lãnh vực nghệ thuật trang trí.
Thứ hai là sự kiện họa sĩ Huỳnh Đình Tựu được Pháp bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đời thứ hai của Trường Vẽ Gia Định. Quê ông Huỳnh Đình Tựu ở Tân An, trước đó làm thư ký Tòa Bố của địa phương này.Vì thấy ông có năng khiếu mỹ thuật nên người Pháp cho sang Pháp học. Tại Pháp, ông học tại Trường Mỹ thuật Marseille. (Ông là người Việt Nam thứ hai sang Pháp học về mỹ thuật sau ông Lê Văn Miến).
Sau khi tốt nghiệp, ông trở về Việt Nam làm phụ tá cho Giám đốc đầu tiên của nhà trường là ông André Joyeux trong việc điều hành Trường Vẽ Gia Định và giữ vai trò này được hai năm, từ 1922 đến 1924.
Thứ ba, có thể nói trong thời gian này cùng với Trường Mỹ thuật Bình Dương, Biên Hòa… Trường Mỹ thuật Gia Định chính là nơi chuẩn bị những nhân tố “đầu vào” hay “tạo nguồn” đào tạo cho Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sau này.
Thứ tư, điều vô cùng đặc biệt nữa trong lịch sử đào tạo về mỹ thuật chính quy của Việt Nam là sự kiện nữ họa sĩ Lê Thị Lựu từ miền Bắc (người tốt nghiệp Thủ khoa khóa III, 1927-1932 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trước họa sĩ Lưu Đình Khải, Nguyễn Gia Trí, Đan Hoài Ngọc, Nguyễn Tường Lân một khóa) đã vào giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Gia Định từ năm 1935 đến 1937.
Đến năm 1939, bà cùng chồng là ông Ngô Thế Tân sang sống ở Pháp và qua đời tại đó năm 1988, hưởng thọ 77 tuổi.
Thứ năm, những người thầy giảng dạy mỹ thuật ở các trường phía Nam vốn xuất thân từ các Trường Bình Dương, Biên Hòa, Gia Định được ra Hà Nội học rồi trở về giảng dạy lại tại quê nhà thì từ trong bản thân họ có được nguồn lực và nhận thức đầy đủ cả hai lãnh vực về mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình. Chính các trường mỹ thuật phía Nam đã trang bị cho họ nền tảng về mỹ thuật ứng dụng trước khi học về mỹ thuật tạo hình. Điều này nhiều nơi không có được. Đây là nội lực vô cùng cần thiết của các nghệ sĩ làm công việc đào tạo.
Do đó khu vực Nam bộ, người dân luôn luôn trân trọng các lãnh vực mỹ thuật ứng dụng, không bị sự phân biệt nghệ thuật thứ yếu (mỹ thuật ứng dụng) và nghệ thuật chính yếu (mỹ thuật tạo hình) như một số nơi.
Với cái nền như vậy cùng với môi trường kinh tế tự do và tư tưởng nghệ thuật luôn luôn mở rộng cho nên tại khu vực Sài Gòn - Gia Định cùng các tỉnh Nam bộ đều có sự phát triển đồng đều về mỹ thuật ứng dụng lẫn mỹ thuật tạo hình. Chính điều này đã thực sự góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế. Điều này được chứng minh bởi sự có mặt của Trung tâm phát triển công nghiệp và Trung tâm phát triển trang trí mỹ nghệ.
Thứ sáu, sự ra đời của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được coi là bước ngoặt trong lịch sử về mỹ thuật của phía Nam. Bởi vì nội dung, phương pháp đào tạo của nó vốn được đúc kết, phối hợp từ ba trường: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trường Mỹ thuật Paris và Viện Mỹ thuật Roma (theo phát biểu khai mạc trường của cố họa sĩ Lê Văn Đệ). Chính từ phương châm đó đã thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực và nhân tài từ 1954 đến 1975.
Họa sĩ Lê Văn Đệ chính là người có công xây dựng trường này. Là một nhân tài, thủ khoa khóa I của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là người đã làm rạng danh cho người Việt Nam về mỹ thuật khi còn ở Pháp,Ý và Hy Lạp từ 1930 cho đến 1937.
Ông phụ trách trang trí cho Vatican; người Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng La Mã (Prix de Rome). Sau này, duy nhất chỉ có người thứ hai được giải thưởng này, đó là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Ngoài vai trò là đại sứ mỹ thuật của Vatican, họa sĩ Lê Văn Đệ là người Việt Nam được Bộ Pháp quốc Hải ngoại giao cho nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu các hoạt động mỹ thuật, trang trí và mỹ nghệ của toàn cõi Đông Dương.
Là người tài giỏi học Tây, nhưng ông luôn hướng về văn hóa dân tộc. Điều này được ông ghi rõ trong tôn chỉ hoạt động của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn: vừa học tập, nghiên cứu các khuynh hướng nghệ thuật châu Âu nhưng đồng thời giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Thứ bảy là, chính nhờ trung tâm đào tạo mỹ thuật như thế mà năm 1962 tại Sài Gòn đã diễn ra sự kiện mỹ thuật nổi bật trong thế kỷ XX. Đó là cuộc Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế với hơn 20 nước tham dự: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Australia, Maroc, Argentine, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisie, Việt Nam. Cuộc triển lãm này diễn ra từ ngày 26-10 đến 15-11-1962 tại viên đình Tao Đàn (nay là vườn Tao Đàn).
Cũng trong năm 1962 này, điều đặc biệt và là vinh dự lớn nữa cho Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn là lần thứ nhất miền Nam được nhận Giải thưởng Danh dự trong cuộc Triển lãm Quốc tế Sinh viên Mỹ thuật tổ chức hàng năm tại Roma (Ý). Đó là việc họa sĩ Nguyễn Văn Minh, đoạt Huy chương Bạc.
“Năm 1963, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định cũng được thưởng Huy chương Bạc do Bộ Ngoại giao Ý tặng, vì trường đã sắp hạng nhì trong 25 quốc gia có tác phẩm trưng bày tại cuộc Triển lãm Quốc tế Sinh viên mỹ thuật ở Roma. Về giải cá nhân, Việt Nam cũng được hai Huy chương Bạc tặng cho các họa sĩ Đỗ Trọng Nhơn và Lưu Tấn Phước” (trích tạp chí Thế giới Tự do).
Thứ tám, trong suốt thời gian từ 1930 cho đến 1975 thì hai ngôi trường mỹ thuật ở Gia Định: Trang trí Mỹ thuật Gia Định và Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn luôn là chiếc nôi của các nghệ sĩ mỹ thuật cách mạng. Chúng ta có thể kể tên một số trong những nghệ sĩ này như sau: Hồ Văn Lái, U Văn An, Quách Đống (Lương Đống), Hoàng Trầm, Huỳnh Phương Đông, Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Kim Đồng, Đoàn Giỏi, Trần Văn Lắm, Lê Dinh, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Sáng, Lê Điều, Võ Văn Vinh, Trần Văn Phú, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Văn Kính (Lâm Kinh), Quách Phong, Bảy Việt, Mai Thành Hưởng, Hà Văn Đức... Nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Một số nghệ sĩ âm thầm hoạt động tại đô thị: Văn Ky, Bùi Văn Kỉnh... Ngoài ra một số thầy giáo của trường hoạt động trong lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc (thành lập tại Sài Gòn năm 1966): họa sĩ Nguyễn Văn Long, họa sĩ Tú Duyên, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (theo Kỷ yếu của Ban Trí vận - Mặt trận Tổ quốc khu vực Sài Gòn - Gia Định).
Chính vì điều này cho nên ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì chính họa sĩ Cổ Tấn Long Châu và Nguyễn Văn Kính là người đầu tiên về tiếp quản nhà trường. Kế đó là nhiều nghệ sĩ gốc miền Nam tập kết ra miền Bắc trở về điều hành, phát triển nhà trường .
Qua 38 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM đã phát triển rất mạnh về quy mô, nội dung phương pháp, cơ sở vật chất, uy tín nghề nghiệp, tiếp nối truyền thống tuyệt vời của Trường Mỹ thuật Gia Định xưa.
Thành quả xây dựng và phát triển nhà trường Mỹ thuật Cách mạng có công sức của nhiều người, nhiều thế hệ thầy trò, nhiều đời Ban giám hiệu. Một trong những lãnh đạo nhà trường có công lớn chính là cố Nhà giáo nhân dân, nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh.
Những con người điển hình gây dấu ấn trong các thời kỳ hình thành và phát triển nhà trường từ xưa cho đến nay mà chúng ta không thể nào quên đó là: Huỳnh Đình Tựu, Lê Văn Đệ, Lê Thị Lựu và Nguyễn Phước Sanh. Họ là những người thầy, nghệ sĩ, nhà lãnh đạo vô cùng đáng kính.
Tóm lại, Trường Mỹ thuật Sài Gòn - TP.HCM đã trải qua 100 năm xây dựng và phát triển là một chặng đường nhiều gian nan.
Để làm được điều này ngoài công sức của con người còn là nhân tâm. Tình nghĩa sâu nặng xuyên suốt bách niên đó là sự ngời sáng của tấm lòng tôn sư trọng đạo, là tình bằng hữu, nghĩa đồng môn.
Tôi luôn luôn nhớ ơn các thầy cô giáo đã có công hướng dẫn tôi đi trên con đường nghệ thuật, những đồng nghiệp đã cùng tôi làm việc, cùng chia sẻ gian nan.
Tôi luôn tâm niệm những lời các thầy giảng dạy khi còn ở ghế nhà trường: Trung thực và tự trọng cũng là đức tính của nghệ sĩ... 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives