“Tư cách một người cách mệnh” trong tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc dưới góc nhìn văn hóa ứng xử  

Posted by Unknown

LIÊU NGỌC ÂN
(Hội viên Hội VH-NT tỉnh An Giang)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
“Đường Cách Mệnh” - con đường hành động, nhận thức luận quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng thời kỳ “khúc quanh lịch sử” ở nước ta.
Khi ra đời đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - chính trị đều khẳng định Đường Cách Mệnh mang tầm vóc trên nhiều bình diện: tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng, lý luận - thực tiễn cách mạng...
Nhưng, con người luôn là chủ thể của văn hóa và các vấn đề chính trị - xã hội. Trong tiến trình đấu tranh cách mạng, xây dựng xã hội, con người đóng vai trò quyết định. Tác phẩm Đường Cách Mệnh, Nguyễn Ái Quốc xây dựng con người điển hình, dung tụ các tính cách văn hóa có từ trong bản sắc văn hóa dân tộc - Con người văn hóa này là nhân tố quyết định những thắng lợi lịch sử!
Nhằm làm rõ hình tượng con người đầy đủ phẩm chất làm biểu tượng cho thời kỳ xây dựng Đảng hiện nay, việc nghiên cứu người cộng sản trong tác phẩm Đường Cách Mệnh trên bình diện văn hóa là điều cần thiết.

II. “TƯ CÁCH” - MỘT YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA ĐẢNG VIÊN
1. Ứng xử với môi trường văn hóa bên trong - “Tự mình phải”
Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Nguyễn Ái Quốc đưa ra triết thuyết bao hàm nhiều phương diện, trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là đạo đức - một yếu tố quan trọng của văn hóa.
“Con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, ở phạm trù văn hóa, con người vẫn thực hiện theo trục lộ đó - tương tác giữa nhận thức và hành động tự thân, tương tác với môi trường nhỏ và môi trường lớn.
Thiên đầu Đường Cách Mệnh, Nguyễn Ái Quốc đặt người cách mạng trước tiên tương tác với tự thân, để tạo ra giá trị văn hóa cho bản thân và xã hội. Môi trường văn hóa này thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Nguyễn Ái Quốc về hệ logic vận động - từ môi trường văn hóa bên trong đến bên ngoài. Thoạt tiên, cần tương tác trong chính thể, tính cách văn hóa người cộng sản trước hết “Tự mình phải” thể hiện bằng những hành động được xem là nguồn gốc của văn hóa cách mạng: “Cần kiệm”, “Hòa mà không tư”..., “Không hiếu danh, không kiêu ngạo”... Có thể khẳng định, ở môi trường văn hóa “Tự mình phải”, tính cách văn hóa người đảng viên được Nguyễn Ái Quốc đưa ra có từ truyền thống văn hóa dân tộc và triết thuyết Đông - Tây.
Để làm được cách mạng, đảng viên phải tự mình ứng xử có văn hóa với chính bản thân mình trước. Môi trường ứng xử bên trong, đảng viên không thực hiện được điều “Tự mình phải” thì mọi hoạt động ứng xử văn hóa, hoạt động cách mạng tiếp theo sẽ bị phá vỡ. Đó là lý do vì sao Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đưa môi trường văn hóa tự thân làm bước đệm quan trọng cho người cách mạng va chạm đầu tiên trước khi thật sự tương giao với mọi cuộc vận động khác. Logic vận động tự thân - xã hội đặt trong mọi giai đoạn lịch sử đều thể hiện rõ chân lý.
Con người trước môi trường sống tự nhiên và xã hội, để tồn tại, hoặc chấp nhận thích nghi, hoặc cải tạo, biến đổi cho phù hợp. Con người chủ thể tạo ra văn hóa, vì vậy phải luôn vận động, phải tự mình biến đổi mình trước khi biến đổi tự nhiên và xã hội - Những hoạt động “làm mới” này sẽ tạo ra nội dung văn hóa. Môi trường văn hóa “Tự mình phải” người cộng sản tạo ra tính cách văn hóa (Cần kiệm...; Nói thì phải làm...; Ít lòng ham muốn về vật chất...), làm cho bộ máy của Đảng trong sạch, vững mạnh, môi trường sống “trong sạch” - xã hội văn hóa - văn minh.
Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng, vấn đề “đạo đức cách mạng” là tư tưởng chủ đạo trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. “Đạo đức cách mạng” - yếu tố quan trọng trong văn hóa ứng xử tự chủ thể và chủ thể với khách thể. Đảng viên có đạo đức - có văn hóa mới “cơ cấu lại các chuẩn mực giá trị xã hội” (1).
Trong tiểu môi trường văn hóa “Tự mình phải”, hành động cứ trải theo một tuần tự logic chặt chẽ, vượt xuyên lịch sử. Đối sánh ngày nay, khi Đảng ta đang xây dựng - chỉnh đốn Đảng, tính cách người đảng viên bách thiết phải “Cần kiệm”, “Nói thì phải làm”, “Cả quyết sửa lỗi mình”, “Vị công vong tư”, “Ít lòng ham muốn về vật chất”... Đây là hành động quan trọng, góp phần cho môi trường văn hóa lớn “cơ quan - Đảng bộ - hệ thống Đảng” trong sạch vững mạnh!
Phút giải lao của Bác Hồ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp
trong chiến dịch Biên giới (1950) - Ảnh Vũ Năng An. 
2. Văn hóa ứng xử với môi trường văn hóa bên ngoài - “Đối người phải”
“... Hồ Chí Minh là hiện thân đầy đủ các giá trị tinh thần Việt Nam truyền thống mà biểu hiện tập trung của nó là khả năng thích ứng...” (2). Có thích ứng con người mới tạo ra “... chủ nghĩa nhân văn, giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc... sự đoàn kết dân tộc...” (3). Trong môi trường văn hóa bên ngoài, đảng viên muốn đóng góp, xây dựng Đảng, tạo giá trị văn hóa gây hiệu ứng cho xã hội thì tính cách người đảng viên không thể tồn tại một “chủ nghĩa cá nhân”, không thể mang lòng ích kỷ, “kém cỏi” về đạo đức, trí tuệ, “thù vặt”... trước những tác động của công việc và những “chủ thể” đối trọng lại với mình.
“Đối người phải” không dừng lại ở phạm trù “Nhân”, “Lễ”, “Nghĩa”, “Trí”, “Tín” của Nho học. Để ứng xử có văn hóa, người đảng viên cần thể hiện “tính linh hoạt”, “tính cộng đồng” trong truyền thống “thuần văn hóa Việt”.
Không thể hiện được nguyên tắc “Đối người phải” thì trong quá trình hòa hợp với “môi trường xã hội”, việc suy thoái về đạo đức của người đảng viên là một tất yếu chủ quan không thể tránh khỏi. Trong cơ quan, tổ chức Đảng, đoàn thể... nếu tồn tại tính cá nhân, ích kỷ, thiếu sự linh hoạt, không khả năng phân tích, lý giải sự vật, hiện tượng... thì sớm hay muộn môi trường xã hội bị “rối loạn” do chủ thể tác động “đấu đá lẫn nhau” bằng nhiều hình thức. Văn hóa nói chung, tính cách văn hóa con người nói riêng nằm ở sự vận động, trong vòng xoáy vận động ấy, sự thích nghi, biến đổi là quy luật tất yếu, vì văn hóa (đạo đức cách mạng) không phải yếu tố “tĩnh” hay bẩm sinh, nó chỉ được sinh ra trong hoàn cảnh và sự vận động có ý thức của chỉnh thể.
Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, tính hiếu hòa, khoan thứ và tính linh hoạt là một trong những “tính cách” đóng vai trò chủ đạo. Ứng xử xã hội, ngoại giao, phương châm ““dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đã phản ánh chính xác cách ứng phó hết sức cơ động” (3) của đường lối cách mạng Việt Nam, người đảng viên trong mọi giai đoạn lịch sử cần học tập tính cách văn hóa này. Xuất phát từ tính cách linh hoạt - “Có lòng bày vẽ cho người”, “Trực mà không táo bạo” nên ở giai đoạn lịch sử khó khăn, cả “đêm trước đổi mới”, Đảng ta phát hiện, nhìn nhận thấu đáo những sai lầm, khuyết điểm, sớm đề ra chiến lược khắc phục và hoàn chỉnh bộ máy của Đảng. Và hiện nay, 5 nguyên tắc của người đảng viên ứng xử trong môi trường văn hóa “Đối người phải” được làm mạnh, làm rõ trên tinh thần nhận diện “cái được và mất” thông qua Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Qua Nghị quyết, từng chủ thể “phê bình”, “tự phê bình” cung cách ứng xử của mình đối với “người”, “đoàn thể”, “chỉ đạo điều hành” (bày vẽ cho mọi người); “tính cách”, “trí tuệ” (hay xem xét người) góp phần“làm trong sạch” môi trường xã hội, tổ chức Đảng...
Nội dung “Văn hóa ứng xử”, “Đối người phải” không chỉ là một phương thức chính trị được sản sinh trong hoàn cảnh cấp bách của lịch sử. Nó là “chân lý ứng xử” mang tính “nguyên tắc bất di bất dịch” của người Việt Nam có từ trong truyền thống văn hóa dân tộc được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào hệ thống tư tưởng Đường Cách Mệnh. “Thực chất của nền đạo đức truyền thống được xây dựng trong sự thông cảm và thừa nhận. Hồ Chí Minh đã đưa vào ý thức xã hội những định chuẩn đạo đức mới, đó là đạo đức trên nền tảng của cái đúng… Hồ Chí Minh nhận thức sâu rộng rằng sự tha hóa của quyền lực chính trị, sự đam mê quyền lực chính trị rất dễ đưa người cầm quyền tới lạm dụng quyền lực…” (4).
Khi viết về “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh khái quát bằng lý lẽ rất sắc sảo, bao hàm phương diện về văn hóa ứng xử giữa người đảng viên với xã hội, với tổ chức Đảng: “... lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp... Nếu rời khỏi Đảng, rời khỏi giai cấp, thì cá nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì” (5).
“Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết...” (6). Thực tiễn ngày nay, ứng xử văn hóa của người đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là một “bài học cách mạng” quan trọng thời kỳ đảng viên chịu nhiều tác động của đời sống kinh tế.
3. Văn hóa ứng xử với “nhiệm vụ cách mạng giao cho”.
Trong bài “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra triết luận về phong cách ứng xử văn hóa giữa người đảng viên với nhiệm vụ của Đảng giao: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang… Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…” (7). Có “đạo đức” - văn hóa ứng xử quyết định hệ thống trật tự xã hội, thì người cộng sản không bao giờ rũ bỏ trách nhiệm, lơ là, “ngụy biện” với công việc cách mạng, nhân dân tin giao. Lịch sử dân tộc Việt Nam được viết lên những trang vàng, bởi hôm qua, hàng triệu con người Việt Nam dù đảng viên hay không đảng viên “đạo đức cách mạng” - văn hóa ứng xử của họ luôn đặt lên hàng đầu khi nhận, thực hiện “công việc cách mạng” theo nhu cầu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của một dân tộc.
Ở môi trường ứng xử “Làm việc phải”, Nguyễn Ái Quốc không viện dẫn khối triết luận đồ sộ, 4 nguyên tắc, lại chuyển tải một nội dung mà người cộng sản muốn thành công trong nhiệm vụ, nhất quán thực hiện theo 4 nguyên tắc đó. Con người có văn hóa sẽ biết ứng xử tốt với công việc mà Đảng, xã hội đang trọng dụng, đặt trách cho mình. Văn hóa với nhiệm vụ - công việc phải xem xét thấu đáo hoàn cảnh, vội vàng quyết định sẽ dẫn đến sai lầm, nhiều hậu quả xấu xuất hiện cùng một lúc cho cả chủ thể và xã hội - tính linh hoạt của chủ thể khi đối diện với công việc.
Khi sự vật, hiện tượng từ môi trường tự nhiên và xã hội tác động, con người không thể thích ứng, muốn tồn tại bắt buộc chủ thể phải cải tạo hoàn cảnh. Vì vậy, không thể đem “tính cách nước đôi”, cầu an, nóng vội, chủ quan ra hành động, phải “Quyết đoán” “Dũng cảm” đối đầu khi xác định sự “Quyết đoán” của mình là đúng - Tính cách văn hóa “Dĩ bất biến ứng vạn biến” được Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt cuộc đời mình bắt đầu từ cuộc hành trình đi tìm con đường cứu nước!
III. KẾT LUẬN
Để tiến tới cuộc cách mạng thành công, Nguyễn Ái Quốc viện luận bài học sâu sắc về vấn đề “Đạo đức cách mạng” - Tư tưởng đạo đức đó là văn hóa ứng xử của người Việt Nam được xây dựng trên nền tảng “hình thái kinh tế nông nghiệp” - Con người trọng tình, trọng nghĩa, tính linh hoạt, tính cộng đồng, tính bao dung... trong ứng xử giữa con người với thiên nhiên, xã hội và cả trong đấu tranh chống kẻ thù. Vạch ra tuyên ngôn đạo đức - văn hóa cách mạng là quan trọng song song với việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn.
Không chỉ thể hiện ở Đường Cách Mệnh mà tồn hiện tất cả các phương diện khác của đời sống cá nhân khi tương tác với môi trường tự nhiên, xã hội và chính trị, Nguyễn Ái Quốc là điển hình chuẩn mực về đạo đức - văn hóa ứng xử cách mạng trong mọi giai đoạn lịch sử dân tộc!
Viết ở Lung Ấu, Bình Chánh
(Châu Phú, An Giang),
những ngày đầu năm 2013.
...................................................................
Chú thích và Tài liệu tham khảo:
(1), (2), (3), (4): PGS. TS Đỗ Huy - Hồ Chí Minh với các giá trị đạo đức của dân tộc, trong: Giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo đạo đức cách mạng, phong cách tư duy khoa học Hồ Chí Minh, NXB KHXH, HN, 2005, t. 289, 291.
(5), (6), (7): Đạo đức cách mạng, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12-1968, sđd, t.49, 52, 53.
- Tác phẩm Đường Cách Mệnh (bản điện tử), Tạp chí Cộng sản điện tử.
- Giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo đạo đức cách mạng, phong cách tư duy khoa học Hồ Chí Minh, NXB KHXH, HN, 2005.
- Hồ Chí Minh - Một huyền thoại kỳ vĩ, NXB Lao Động, 2008.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Hai con người làm nên huyền thoại, tập1, NXB Đồng Nai, 2011.
- Hồ Chí Minh toàn tập (xuất bản lần thứ 2), tập 2, tập 4, tập 5.
- Hồ Chí Minh với Văn hóa - Thông tin, NXB Thời Đại, HN, 2010.
- Trần Quốc Vượng (Chủ biên), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 2011.

- Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 2000. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives