ĐỌC SÁCH  

Posted by Unknown

Nhịp thời gian

(Nhịp thời gian - tập Thơ - văn chọn lọc của tác giả Lương Sơn - NXB Hội Nhà văn)
PHẠM TRẦN
Nếu có ai đó nói rằng, thơ là những cảm xúc được dồn nén, được chưng cất và là sự trải nghiệm cùng những vui buồn của đời, là những rung động đến độ tự ngôn từ cất thành lời, đó chính là trường hợp của Lương Sơn. Với tám phần của thơ mà Lương Sơn sắp xếp theo “hành trình đời người” từ “Thời cầm súng”, “Khoảng trời chim én”, “Khúc dân ca”, “Gương mặt cuộc đời”, “Nhịp thời gian”, “Tình sông hồn biển”, “Tình yêu” và cuối cùng là “Vầng trăng cuối”, ta sẽ gặp một Lương Sơn đau đáu một nỗi niềm “con người”: những trăn trở, chia sẻ, gạn đục khơi trong, sống trên đời chỉ lấy lòng nhân nghĩa, những dằn vặt, những khát khao chỉ với một từ: Người. Vốn trưởng thành từ một vùng quê nghèo, với những ngày cái đói đến run người Lương Sơn đã trải. Nhưng cũng chính từ vùng quê đó từng giọt ca dao, từng lời ru của mẹ đã ngấm vào người cùng với dòng sữa của mẹ mà anh lớn lên. Rồi từ vệt mồ hôi đẫm trên lưng áo cha, từ chiếc nón mê không đủ che nắng khỏi kiếp người của mẹ, từ đôi mắt trông chờ những người lính phương xa nơi chiến trường của bao người thiếu phụ, từ tiếng ve kêu vườn nhà, tiếng tre đưa trưa hè cánh võng... tất cả những “giai điệu cuộc đời” đã trở thành hành trang cùng Lương Sơn ra trận. Rồi lại từ những tiếng sóng vỗ mạn tàu, cánh hải âu chấp chới trên biển sóng, một không gian rộng bám theo dải đất hình chữ S lại nâng cánh cùng Lương Sơn trên mỗi chuyến ra khơi. Cứ giữ nguyên những cảm xúc ăm ắp ấy, Lương Sơn đã trải qua cuộc đời binh nghiệp. Rồi về lại đời thường, Lương Sơn trăn trở với những giá trị con người trước những đổi thay của cuộc sống, trách nhiệm của người lính, người “công dân” lại mang đến Lương Sơn những trở trăn và suy nghĩ. Có lẽ vì thế, suốt cả tám phần thơ của mình, bạn đọc sẽ thấy một Lương Sơn đau đáu nỗi niềm thơ nhân ái, từ trái tim yêu thương đến tận cùng với đời, với người. Ở thể loại tùy bút, ta lại gặp một Lương Sơn quặn thắt những nghĩ suy. Chỉ với bảy bài: “Tiếng quê hương”, Ấn tượng sâu sắc... Kỷ niệm thiêng liêng”, Đêm - Nghe đọc truyện trên đài - Nhớ về một thế hệ nhà văn”, “Đón Bác lên thăm đảo”, “Đệ nhất kỳ quan”, “Biển trời Tổ quốc”, “Buổi sớm trong rừng ven biển”, bạn đọc sẽ cảm nhận một trái tim yêu thương, một trái tim chan chứa tình người, một tấm lòng đau đáu với quê hương, với đất nước, với bạn bè, đồng đội. Những tùy bút ấy sẽ giúp người đọc tiếp cận những hình ảnh chân thực trong cuộc sống qua giọng văn ẩn chứa biết bao cảm xúc rưng rưng về một miền ký ức cuộc đời mà Lương Sơn đã trải với bao khuôn mặt bạn bè hiện lên, những giai điệu cuộc sống hiện lên cùng những dấu ấn là điểm nhấn của người cầm bút.
Cuối cùng, trong Nhịp thời gian của Lương Sơn là thể loại truyện ngắn.

Ở truyện ngắn, một lối kể chuyện chậm, giọng văn truyền thống, cổ điển, Lương Sơn đã dẫn dụ người viết đi suốt hành trình phận người qua mỗi câu chuyện của mình. Từ “Đêm hải cảng” hay “Tấm lưới làng Vân”, trong “Mai” hay “Gặp gỡ ở sân ga”, cũng như “Nơi xa nhà máy” hay “Cuộc sống không yên ả”, “Đứa con” hay “Người chị”, “Một đời người” hay “Sắc biển” “Hạnh phúc cuối đời”, Lương Sơn đã đưa người đọc đến những miền quê, những vùng đất với thân phận của cuộc sống, của tình yêu, của hạnh phúc. Với những nhân vật Thuận, Phương, Hoàng, Lê Vân (trong truyện Đêm hải cảng), Già Muôn, mẹ Lý, Trí, Vực, Duyên, Kiên (trong truyện Tấm lưới làng Vân); Mai, Thế, Ngàn (trong truyện Mai); Hạnh, Vinh, Kha (trong truyện Gặp gỡ ở sân ga); Hoàn, mẹ Tảo, Cẩn (trong truyện Nơi xa nhà máy); Hoàn, Thuận, Bình, Vịnh (trong truyện Cuộc sống không yên ả); Khương, Ninh, Đạt, Hiền, Vân (trong truyện Đứa con); Thu, nhân vật tôi (trong truyện Người chị); Ông Chu, Thùy Dung (trong truyện Một đời người); Nhân, Trọng (trong truyện Sắc biển); Chi, Hường, Thiệp (trong truyện Hạnh phúc cuộc đời) là mỗi thân phận, mỗi cuộc đời muốn lên tiếng, muốn chia sẻ và muốn “kể” cho mọi người nghe về câu chuyện của riêng mình. Trong các truyện của Lương Sơn, một không gian rộng, trong khoảng thời gian có rất nhiều “âm thanh” thời chiến tranh, một khoảng ký ức mà có lẽ Lương Sơn đã đi qua, trải qua và đẫm mình trong đó. Những chi tiết của Lương Sơn đời bao nhiêu, lối kể của Lương Sơn gần gũi bao nhiêu thì những chi tiết trong truyện ngắn của Lương Sơn càng gần với bạn đọc bấy nhiêu. Trong các truyện của mình, dường như Lương Sơn không có ý đi vào những chi tiết “khác”, “lạ” mà vẫn khắc họa được nét tiêu biểu, đặc trưng, điển hình mà người đọc luôn có cảm giác khuôn mặt ấy, con người ấy ta đã gặp đâu đây trong cuộc sống, trên hành trình con đường cuộc sống đã đi, đã qua. Đó cũng là điểm nổi bật, cái tài của người cầm bút. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives