Lủng màng nhĩ  

Posted by Unknown

Bác sĩ ĐÀO TY TÁCH

 Nhiều ông bà thấy giới trẻ ngày nay mở nhạc ầm ầm muốn điếc tai, thường la các cháu rằng coi chừng lủng màng nhĩ nhưng thực ra màng nhĩ cũng không dễ lủng đâu!
Màng nhĩ là một miếng da mỏng giống như mặt trống ngăn giữa tai trong và tai ngoài. Khi ta nghe nhạc, sóng âm thanh dội vào ống tai ngoài đến màng nhĩ và làm cho nó rung lên. Tai trong sẽ chuyển đổi những rung động này đến não và phân tích thành các tín hiệu âm thanh. Nếu màng nhĩ bị lủng sẽ không rung động làm cho thính giác trở nên tồi tệ gây ra chứng nghễnh ngãng hay điếc. Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến gây lủng màng nhĩ là chứng viêm tai giữa mủ, hậu quả sau khi mắc bệnh cảm cúm hay viêm mũi họng làm tắc nghẽn vòi tai, tức vòi Eustach. Vòi tai là hai ống nhỏ chạy từ tai giữa đến phía sau mũi có vai trò điều chỉnh áp suất không khí trong tai giữa và bài tiết ráy tai. Viêm mũi họng có thể lây lan lên tai giữa thông qua vòi tai. Ở trẻ em, vòi tai thường hẹp và nằm ngang nên càng khó thoát dịch và dễ bị tắc hơn.
Viêm tai giữa mủ nếu không điều trị sẽ thành mãn tính và đưa đến rách hay lủng màng nhĩ, đồng thời hay biến chứng nguy hiểm như viêm tai - xương chũm, viêm não - màng não gây tử vong hoặc nếu còn sống sót thì cũng thành người tàn phế suốt đời.
Trẻ bệnh thấy đau buốt, chất mủ hôi chảy ra ngoài ống tai và mất thính giác một bên tạm thời. Nhưng nếu điều trị sớm, vết lủng có thể tự lành và nghe bình thường trong một vài tuần. Trong một số trường hợp, thầy thuốc có thể cần phải vá hay làm thủ thuật sửa chữa vết lủng vì màng nhĩ lủng cho phép vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa dễ dàng hơn và dẫn đến nhiễm trùng hay biến chứng não - màng não nhanh hơn.
Nguyên nhân gây lủng màng nhĩ ngoài các bệnh lý ở tai, còn có thể do trẻ chơi nghịch dùng vật sắc nhọn chọc vào màng nhĩ, thậm chí dùng một que tăm bông cũng đủ gây lủng. Khi không khí thay đổi áp suất đột ngột, màng nhĩ rung động liên tục cũng khiến đôi tai trẻ nghe nổ lộp bộp. Điều này thường xảy ra khi trẻ ngồi trên máy bay hay trên xe leo lên vùng đồi núi cao. Nhưng nếu áp suất không khí thay đổi quá mạnh có thể gây ra lủng màng nhĩ như sau một vụ nổ lớn, sau khi trẻ bị chấn thương vùng đầu cổ gây nứt hộp sọ hay bị cú đấm trực tiếp vào tai.
Để chẩn đoán, thầy thuốc thường khám ống tai trong của trẻ bằng dụng cụ có đèn sáng gọi là kiêng soi tai. Đôi khi màng nhĩ bị bít do chất máu mủ đọng lại khiến thầy thuốc không thấy được, cần dùng máy hút và kết hợp lấy chất mủ ra để làm một số xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời thầy thuốc cũng cho trẻ chụp X-quang vùng đầu cổ hay chụp cắt lớp điện toán để xem xét những tổn thương bên trong sọ não. Màng nhĩ lủng thường tự lành trong vòng một vài tuần không cần điều trị. Để ngăn ngừa hay điều trị nhiễm trùng, thầy thuốc kê toa có chất kháng sinh và thuốc giảm đau nếu tai trẻ bị sưng đau.

Để giúp màng nhĩ mau lành, thầy thuốc cũng khuyên không nên cho trẻ đi bơi một thời gian hoặc sử dụng nút tai khi bơi. Để bảo vệ màng nhĩ cho trẻ, nên cho trẻ khám bệnh tai mũi họng định kỳ, không nên tự ý lấy ráy tai hay dị vật trong tai trẻ mà nên đem đến thầy thuốc chuyên khoa. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives