CHUYỆN VUI LÀNG VĂN NGHỆ  

Posted by Unknown

LÊ HỒNG BẢO UYÊN (sưu tầm)

KHÔNG VIẾT THÌ TRẢ LẠI TIỀN
Năm 1978, Hội Văn nghệ Hà Nội tạm ứng một số tiền cho các nhà thơ viết về đề tài Hà Nội. Nhà thơ Quang Dũng được 200 đồng.
Đến hẹn, cán bộ Hội đến thăm nhà Quang Dũng và nếu có bản thảo thì nhận luôn. Nhà thơ nói: “Mình bận nên chưa viết được”. Sau đó, ông đến cơ quan Hội và hoàn lại số tiền ấy. Ông bảo: “Sáng tác vất vả lắm, cảm xúc chưa chín thì không viết được. Nếu có bài in, mình nhận nhuận bút sau vậy”. Với ông, viết một bài văn hay thơ cỡ trung bình đâu có khó. Nhưng tính Quang Dũng vốn rất mực yêu thương vợ con, tín nghĩa với bạn bè và sòng phẳng về tiền nong.
Năm 1978, 200 đồng không phải là nhỏ, vì mua được hơn một chỉ vàng.

VIỆC GÌ MÀ PHẢI TẬP
Vào năm 1942-1943, thầy giáo kiêm nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy lớp nhì trường Tiểu học Giuyn-lơ Pi-kê ở thị xã Thái Bình. Hiệu trưởng là đốc Quýnh nổi tiếng hách dịch với cấp dưới và xu nịnh cấp trên. Các giáo viên đều kiềng hắn, trừ thầy Hoan.
Năm ấy, đốc Quýnh ra lệnh cho các lớp phải nghỉ học cuối buổi chiều để đi tập đều bước, chuẩn bị đón chào tên trung tá Đuy-cơ-rao phụ trách phong trào thể dục thể thao toàn Đông Dương sẽ về thị sát Thái Bình. Các lớp đều nghiêm chỉnh thực hiện, riêng lớp thầy Hoan thì chơi thả cửa, chẳng tập tành gì. Thấy vậy, đốc Quýnh hỏi: - Sao ông không cho học trò tập đi?
Thầy Hoan điềm tĩnh đáp: - Chúng biết từ năm lên 1 rồi, việc gì phải tập?

ÔNG HAI-XÍCH XIN-BA-LỐP
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là người hay lo xa. Thời chống Mỹ cứu nước, ông công tác ở Nhà xuất bản Phổ Thông. Nghĩ rằng kháng chiến còn kéo dài và còn nhiều khó khăn thiếu thốn mọi bề, cho nên hễ gặp ai trong cơ quan thay thế phụ tùng xe đạp là ông lại xin các phụ tùng cũ để dự phòng cho con ngựa sắt còm cõi của mình.
Sau một thời gian tích cóp, nhà thơ đã xin được hai cái xích và ba cái lốp cũ. Vì thế, ông Trần Cẩn đã gọi đùa ông là ông “Hai-xích Xin-ba-lốp”, một cái tên nghe như nửa Đức nửa Nga vậy.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives