Truyện ngắn  

Posted by Unknown

Sông dài cá lội...

DIỆP HỒNG PHƯƠNG

Gần bốn chục năm rồi không có tin tức Út Nhỏ! Phải nói là... “Sông dài cá lội biệt tăm” mới đúng! - Ông Tám thở dài - Tao chờ mỏi mòn, buồn muốn chết...!
Anh Hai Thà và Sáu Đắng làm như cũng buồn theo ông Tám trong cảnh đồng quê vắng vẻ. Ngoài sông nước tràn lên đám mái dầm, gió thổi tàu dừa đong đưa nắng. Rồi thì nước đứng, gió lặng lẽ bỏ đi cho nỗi buồn của ông Tám lắng lại trong cảnh chiều tà bóng xế của miền quê và của cuộc đời ông.
Ông Tám chép miệng:
- Mầy rót rượu đi Hai Thà. Lạt miệng quá...
Anh Hai Thà rót rượu lưng ly mắt trâu đặt xuống chiếu, thấy dĩa mồi “quạnh hiu” quá, anh kêu Sáu Đắng vô nhà nướng tiếp khô khoai.
Ông Tám đưa ly rượu lên miệng, chưa uống mà nói:
- Tao sáu bốn rồi Hai. Mầy tính coi. Út Nhỏ bỏ đi tính tới nay là bao nhiêu năm?
- Năm bảy sáu hả chú Tám? Để tính coi... À! Ba mươi bảy năm chớ ít gì?
- Ờ! Ba mươi bảy năm Út Nhỏ mù mịt “tăm hơi” - Ông Tám ực ly rượu, dằn nỗi buồn xuống cõi lòng.
Nhìn ra sông, ông nói - Ba mươi bảy năm tao chờ đợi, nhớ thương, buồn bực mà không dám giận, không dám trách dì Út mầy một tiếng.
Không gian như chìm lắng, chỉ còn tiếng gió lao xao nhánh chùm ruột ở sân nhà. Trong bữa nhậu chiều nay, Hai Thà là người hiểu chuyện buồn của ông Tám. Út Nhỏ, người ông Tám thương yêu, chờ đợi chính là dì Út của Hai Thà. Dì Út hồi xưa đẹp mặn mà theo cách nhà quê. Nhưng hiểu và đau vì mối tình tan nát ấy chắc chỉ có một mình ông Tám.
Vừa đâm xuồng ra sông, thấy Út Nhỏ, anh Tám mừng rơn:
- Út! Anh mới về...
Út Nhỏ sửng người, dừng tay dầm, không nói nên lời. Chiếc xuồng của Út Nhỏ trôi nhẹ vào bờ kịp lúc anh Tám đưa cây dầm chịu lại. Hai chiếc xuồng như nép vào nhau giữa con nước ròng chảy siết.
- Anh… mạnh giỏi hả? - Út Nhỏ hỏi mà đôi mắt long lanh. Cô nhìn anh Tám bằng ánh mắt mừng vui mà cũng ngại ngần.
- Cũng khỏe. Còn em? - Anh Tám hỏi nhỏ.
Út Nhỏ lặng thinh. Sự lặng thinh đó, anh Tám hiểu. Út Nhỏ có chồng chớ còn con gái đâu mà nói chuyện nầy kia. Mấy năm trong trại, anh Tám có nghĩ đến chuyện Út Nhỏ phải lấy chồng, không chờ anh được. Hôm qua về nhà, người đầu tiên anh hỏi thăm là Út Nhỏ. Đúng y như anh nghĩ. Út Nhỏ cũng là người đầu tiên làm tim anh nhói đau. Người thứ hai anh hỏi thăm là thằng Bảy Sết, bạn trong xóm cùng tuổi với anh. Bảy Sết là thằng dân vệ năm bảy lăm đặt điều tố cáo anh là “lính ác ôn” dù anh chỉ là lính binh nhì tiếp liệu ở tiểu khu. Tại vậy mà anh Tám cải tạo khá lâu đủ cho Bảy Sết có thời gian làm chồng cô Út Nhỏ!
Mấy năm trong trại, nghiền ngẫm sự đời, nhớ thương đủ thứ; anh hứa với lòng thôi quên tất cả. Về, làm lại cuộc đời với những gì có thể góp nhặt, chắp vá được, để sống bình yên.
Sau lần gặp gỡ tình cờ đó, Út Nhỏ tránh mặt anh.
- Cũng phải thôi. Người ta đã có chồng - Anh Tám thấm thía sự đời như câu hát đưa em của chị hàng xóm làm anh xót xa cho mình và cho ai kia. “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra”.
- Út Nhỏ ơi! Em là con cá nhỏ sao không đớp móng bên bờ, lại cắn lưỡi câu của thằng Bảy Sết? - Anh Tám ngồi ở bờ sông nhớ người thương mà nghĩ đến cái phần số mình sao quá hẩm hiu. Gió chướng thổi về xua đi cái lạnh cuối năm mà lòng anh sao lạnh quá?
Để làm đúng suy nghĩ của mình được sống bình yên, anh Tám nhờ người quen chuyển lời từ biệt với Út Nhỏ, rồi đi... Anh Tám đi đâu xa mà nói lời từ biệt? Anh qua Cần Thơ sống với người bà con, đạp xe lôi kiếm sống. Anh ở luôn bên đó cho đến khi nghe tin mẹ qua đời mới về. Anh về thì Út Nhỏ đi rồi! Sông dài con cá lội bơ vơ một mình!
Sau ngày chôn mẹ, anh Tám trở qua Cần Thơ đạp xe lôi, rồi xin được việc làm trong một công ty liên doanh nhờ có chữ nghĩa và biết tiếng Anh. Cuộc sống khá hơn, mua được nhà nhưng anh Tám vẫn sống một mình. Anh gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều phụ nữ nhưng so sánh thì không ai khiến trái tim anh rung động như Út Nhỏ. Ở Út Nhỏ, nét đẹp mặn mà có sức hút mãnh liệt.
Lâu lâu trở về xóm, nói chuyện nầy chuyện kia, anh Tám có ý nhóng nghe tin tức Út Nhỏ. Út Nhỏ bây giờ làm gì ở xứ lạ quê người? Và quan trọng hơn là Út Nhỏ có về không? Anh Tám có hỏi thăm người nhà Út Nhỏ, nhưng ai cũng lắc đầu với sự cảm thông.
Chừng mười năm trở lại đây , anh Tám nay là ông Tám, không về quê nữa.
- Út Nhỏ vượt biên một mình - Ông Tám trầm tư - Thằng Bảy Sết nghe nói nó đi theo con nhỏ khác?
- Dạ phải, chú Tám. Dượng Út có vợ bé lên thành phố ở luôn. Dì Út buồn chán, nên đi... - Hai Thà uống cạn ly rượu vừa lúc Sáu Đắng bưng dĩa khô cá khoai mới nướng ra. Hai Thà xé một miếng khô quẹt nước mắm me đưa cay, khen khô cá khoai xứ nầy số một.
Sáu Đắng ngồi xuống uống ly rượu của mình tự rót. Xong, nó rót rượu mời ông Tám như muốn chia sớt nỗi buồn mà nó không biết tại sao:
- Chú Tám uống đi. Có mồi tăng cường nè!
- Ờ! - Ông Tám cầm ly rượu lên xoay nhè nhẹ, nói ngập ngừng - Lẽ ra lúc dượng Út mầy bỏ rơi dì Út, tao phải có mặt để nói câu gì đó gọi là an ủi, cảm thông. Nhưng mà..., tại tao cũng có phần tự ái bỏ xứ không về, cho nên... À! Tao nghe nói Út Nhỏ sống bên Mỹ, hình như cũng... có chồng! Phải vậy hôn Hai?
- Ơ ơ ơ... phải, chú Tám - Hai Thà xé miếng khô khoai mời ông Tám - Chú uống đi. Khô còn nóng hổi...
Ông Tám uống cạn ly rượu, rượu vô tới đâu nghe ấm tới đó. Nghe là nghe được dòng chảy của rượu, mà cũng nghe được tình cảm của mình đối với người xưa hình như vẫn còn ấm lắm. Rượu nồng, tình nồng làm trái tim ông tuy đã mệt mỏi nhưng chưa thể gọi là thiếu đi sức sống.
Ông cười nhẹ, câu nói có phần rời rạc:
- Tao với dì Út mầy... thiệt tình là không có... duyên nợ! Tao hiểu... lẽ đời... vậy á. Đúng hôn... Hai Thà? - Dạ phải. Dì Út qua Mỹ rồi có chồng khác. Nhưng mà...
Câu nói bỏ lửng của Hai Thà làm ông Tám chột dạ. Có chuyện gì hệ trọng sau hai chữ “nhưng mà” của thằng Hai. Ông hỏi:
- Nhưng mà sao, Hai Thà?
Hai Thà muốn né giải thích câu nói lỡ lời của mình nên cầm chai rượu gần cạn đứng lên:
- Uống nửa lít nữa nghen chú Tám?
Ông Tám gật đầu:
- Mầy cứ chiết đầy chai. Uống bi nhiêu thì uống.
Lúc Hai Thà vô nhà chiết rượu, ông Tám hỏi Sáu Đắng:
- Dì Út tụi bây bộ có chuyện gì bên Mỹ hả?
Sáu Đắng lắc đầu nói:
- Có chuyện gì đâu, chú Tám.
Ông Tám nhìn vào mắt Sáu Đắng:
- Mấy năm nay có tin gì của dì Út mầy không? Nói thiệt tao nghe coi Sáu.
Sáu Đắng tránh tia nhìn của ông Tám, day nhìn ra bờ sông, ấm ớ:
- Chuyện bên Mỹ... con hỏng có... biết mà...!
Hai Thà xách chai rượu sủi bọt ra cười:
- Rượu còn nhóc. Uống tới mai chưa hết.
Tiệc nhậu nhỏ ba người tiếp tục nhưng chậm hơn trước. Chậm không phải vì ba người thấm rượu mà do ông Tám cầm ly lên lại đặt xuống, nói khá lâu mới uống. Hai Thà uống nhiều, chỉ nói vài câu gọi là góp chuyện nhưng tránh né chuyện dì Út Nhỏ.
Sáu Đắng biết gì mà nói, nó chỉ thương ông Tám vò vỏ một mình lúc tóc đã bạc gần hết mái đầu.
- Câu nói đầy đủ là “Sông dài cá lội... biệt tăm. Phải duyên... chồng vợ ngàn năm... vẫn chờ” - Ông Tám cầm ly rượu lên - Tao chờ dì Út mầy mới... mấy chục năm. Có nghĩa lý gì đâu... hả, Hai Thà?
- Dà! Chú Tám uống đi. Tới phiên thằng Sáu...
- Ờ, tao quên.
Ông Tám uống xong đưa ly cho Sáu Đắng.
Tiệc rượu chậm dần rồi tan.
Chiều tắt nắng.
Sáu Đắng bơi xuồng đưa ông Tám qua sông về mái nhà xưa của ông, nay vợ chồng con trai bà Tư ở. Hai Thà kêu vợ dọn dẹp mâm nhậu rồi bước ra bờ sông dòm qua. Bên kia sông, ông Tám bước lên bờ, bóng ông khuất sau tàu dừa nước.
Hai Thà nói một mình:
- Tội nghiệp chú Tám ở vậy chờ tin dì Út! Chớ nếu biết dì Út chết rồi, chắc chú cũng không sống nổi.

Cái Mơn, tháng 7-2013 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives