THẦY THUỐC VĂN NGHỆ  

Posted by Unknown

Con mắt lười biếng
Bác sĩ ĐÀO TY TÁCH


Con mắt lười biếng là tình trạng giảm thị lực một bên do sự phát triển bất thường ở mắt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Con mắt lười biếng thường phát triển khi các đường dẫn truyền thần kinh giữa não bộ và mắt bị trục trặc mà hậu quả là não nghe theo con mắt mạnh, trong khi con mắt yếu hơn có xu hướng đi lang thang, lé vào trong hay lé ra ngoài. Thông thường, thày thuốc có thể sửa con mắt lười biếng bằng các miếng che mắt, dùng thuốc nhỏ mắt, đeo kính điều chỉnh hay kính áp tròng, hiếm khi cần đến phương pháp phẫu thuật.
Các dấu hiệu của con mắt lười biếng bao gồm một mắt đi lang thang, lé vào trong hay lé ra ngoài, hai mắt không hợp tác làm việc với nhau. Muốn chẩn đoán, thày thuốc thường kiểm tra thị lực khi khám sức khỏe trẻ em - đặc biệt là nếu trong gia đình trẻ có người bị mắt lác, đục thủy tinh thể hay bệnh về mắt khác. Tùy trường hợp, thày thuốc có thể giới thiệu đến một chuyên gia như bác sĩ nhãn khoa hay kỹ thuật viên khúc xạ mắt. Nên cho tất cả trẻ em được khám mắt ở độ tuổi từ ba đến năm tuổi.
Nguyên nhân phổ biến nhất là tật lác mắt do mất kiểm soát các cơ vận nhãn khiến đôi mắt có thể lé vào trong hoặc lé ra ngoài. Con mắt lười biếng cũng xảy ra nếu có bệnh lý một bên mắt chẳng hạn như một khu vực mờ mịt trong ống kính ( đục thủy tinh thể) khiến con mắt không thể nhìn rõ ràng. Nguyên nhân thứ ba gây ra chứng con mắt lười biếng là tật khúc xạ, hậu quả suy giảm tầm nhìn trong mỗi mắt do tật cận thị, viễn thị hay loạn thị và thường được điều chỉnh bằng kính đeo hay kính áp tròng.
Con mắt lười biếng có xu hướng xảy ra ở trẻ em sinh non, nhẹ cân hoặc trong nhà có người bị đục thủy tinh thể hay bệnh mắt nghiêm trọng. Nếu không điều trị, con mắt lười biếng có thể gây mất thị lực vĩnh viễn, là nguyên nhân phổ biến nhất đưa đến suy giảm thị lực ở người trẻ tuổi và trung niên. Thày thuốc thường chẩn đoán con mắt lười biếng qua kiểm tra mắt toàn diện nhằm tìm kiếm con mắt lang thang, sự khác biệt trong tầm nhìn giữa hai mắt hay thị lực kém ở cả hai mắt.
Đối với trẻ sơ sinh, thày thuốc kiểm tra phản xạ đỏ tìm dấu hiệu đục thủy tinh thể qua kính soi đáy mắt. Đối với trẻ nhỏ, thày thuốc đo khả năng tập trung và dõi theo một vật đang di chuyển, tìm tật mắt lác. Đối với trẻ mẫu giáo và trẻ lớn, thày thuốc kiểm tra bằng hình ảnh hay chữ cái, lần lượt che mỗi bên để kiểm tra từng mắt.
Nếu như cận thị, viễn thị hay loạn thị là nguyên nhân gây ra con mắt lười biếng, thày thuốc kê toa kính điều chỉnh hay kính áp tròng. Để tập dợt cho con mắt lười biếng, thày thuốc cho trẻ đeo một miếng che mắt trên con mắt khỏe mạnh cho trẻ em trên bốn tuổi. Nhờ đeo miếng che mắt từ ba đến sáu giờ một ngày mà con mắt lười biếng mạnh lên.

Thày thuốc cũng nhỏ mắt hàng ngày chất atropin để làm mờ tầm nhìn trong con mắt khỏe mạnh giúp trẻ quen sử dụng con mắt yếu hơn, tuy nhiên không có hiệu quả nếu con mắt kia cũng bị cận thị. Khi đôi mắt của trẻ em bị lé trong hay lé ngoài, thày thuốc có thể đề nghị phẫu thuật các cơ vận nhãn, đặc biệt nếu trẻ em có mi mắt rũ xuống hay đục thủy tinh thể. Đối với một số trẻ em, kính đeo hay kính áp tròng cũng cải thiện con mắt lười biếng. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives