PHIẾM ĐÀM: Xin đừng khuất tất!  

Posted by Unknown

Mới đây đi dự một hội nghị sơ kết chuyên ngành cấp tỉnh, tình cờ gặp lại anh bạn thân ngày xưa. Tranh thủ giờ khai mạc chưa diễn ra, tôi và anh tay bắt mặt mừng, ngồi chưa ấm chỗ bạn tôi đã bộc lộ thắc mắc : “Sao lại úp úp mở mở thế không biết?”. Chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào, thì bạn tôi liền móc cái phong bì bồi dưỡng cho đại biểu dự hội nghị, rồi bộc bạch luôn: “Thì đây, rõ ràng là tôi được nhận 100.000 đồng, nhưng sao phải bắt tôi ký vào danh sách nhận tiền mà cột ghi số tiền nhận lại không ghi là bao nhiêu, như vậy có phải là úp úp mở mở không?”. Biết anh bạn vốn trực tính, nên tôi chỉ biết giải thích theo kiểu “hạ độ nóng” rằng: “Chuyện này đâu phải mới mẻ gì, và cũng chẳng phải chỉ ở hội nghị này mới có việc như thế đâu bạn ơi, thôi thì cứ coi như là “chuyện thường ngày ở huyện” cho nó nhẹ người?”. Nghe vậy, bạn tôi nhảy dựng lên : “À ra thế, vậy gần đây báo chí cũng đã bắt đầu phản ánh đến chuyện tham nhũng vặt là đây chứ gì?”.
Tôi đành ậm ừ cho qua chuyện. Thực ra, cái khoản ký khống nhận tiền bồi dưỡng ở các hội nghị, hội thảo… thì hầu hết ai đã từng dự nhiều hội nghị dù ở cấp địa phương hay cấp Bộ, ngành Trung ương đều thường xuyên gặp chuyện được xem là khuất tất này, thậm chí không chỉ ký tên vào một bản danh sách khống để nhận tiền, mà có khi phải ký đến cả hai, ba danh sách nhận tiền. Nếu ai đó thắc mắc, thì được bộ phận cấp tiền của Ban tổ chức hội nghị giải thích ngắn gọn là để hợp lý hóa khi thanh quyết toán kinh phí (?!). Cách giải thích như vậy làm cho những người nhận phong bì bồi dưỡng suy đoán rằng, cơ quan chủ trì hội nghị sẽ “biến hóa” danh sách nhận tiền theo mục đích của họ, để rồi tạo ra một khoản kinh phí lớn hơn (tất nhiên cũng của ngân sách nhà nước) và sẽ trở thành “quỹ đen” cho cơ quan họ, thậm chí vào thẳng túi riêng của một số người nào đó.
Thử làm phép tính ở cấp tỉnh : Mỗi ngày ở cấp tỉnh tổ chức 10 hội nghị; trong tuần có 5 ngày làm việc hành chính; mỗi năm có 52 tuần; mỗi hội nghị có 100 đại biểu; bồi dưỡng mỗi đại biểu 100.000 đồng, thì ta có con số như sau: 10x5x52x100x100.000 đồng = 26.000.000.000 đồng (hai mươi sáu tỷ đồng) nhân với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vị chi là 1.638.000.000.000 đồng (một ngàn sáu trăm ba mươi tám tỷ đồng). Chỉ mới tính sơ với những con số khiêm tốn, cũng đã cho chúng ta thấy một khoản tiền khổng lồ, và nếu “biến hóa” thành vài ba danh sách nhận tiền ảo nữa, thì số tiền rút ruột từ ngân sách Nhà nước quả là cực lớn, vậy chuyện này xét về tổng thể của đất nước thì không còn là chuyện nhỏ, không phải là tham nhũng vặt nữa!
Để góp phần minh bạch trong chi tiêu tài chính, chống thất thoát ngân sách Nhà nước và trực tiếp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thiết nghĩ không nên để tồn tại tình trạng khuất tất như vậy.
MAI MỘNG TƯỞNG

16 Mai Hắc Đế - Quận Sơn Trà - TP Đà Nẵng 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives