Truyện ngắn của MẠC CAN  

Posted by Unknown

Nghề khóc
Nhà văn Mạc Can
Trong số những người bạn thân nhất của tôi, có một người sống bằng cái nghề ít ai làm được. Nghề... khóc mướn. Trước kia anh từng là kép chánh của đoàn hát tuồng Hồ Quảng. Tôi rất thích coi anh đóng vai... Điêu Thuyền, với trang phục và hóa trang mặt hoa da phấn lộng lẫy (biệt tài của anh khóc lúc nào cũng được, làm cho vai Điêu Thuyền do anh đóng hay hơn người khác). Nhưng sau đó đoàn hát nầy… không hát nữa, mà anh cũng quá tuổi để tham gia vào một đoàn khác. Nói tóm lại là anh thất nghiệp. Anh có một con rối que, ban đêm đem con rối đi hát trong các tiệm mì vịt tiềm, người ta thấy anh rơm rớm nước mắt, khi anh dạo quanh các bàn, hát và bán cà na, đậu phộng muối. Khán giả biết anh, mà cũng còn thích giọng nữ sang sảng, và cái tài khóc của anh, có khi khách trả lại mấy trái cà na cho anh, đặt lên tay anh chút tiền lẻ, cho nên dù ăn cháo mà anh vẫn sống tàm tạm qua ngày.
Đã nhiều năm không gặp, một hôm tình cờ tôi thấy anh đang ngồi khóc mùi mẫn trong Tang Nghi Quán, tức là nhà tang lễ dành cho người… hết thở (rạp hát Hào Huê, Tang Nghi Quán, và tiệm mì vịt tiềm Hải Ký ở loanh quanh ngã tư La Kai rất gần nhau). Anh vừa khóc vừa nhìn tôi như muốn nói gì đó mà nghẹn lời. Chuyện nầy với tôi cũng có một ý nghĩa thâm trầm. Rạp hát vui vẻ khi người ta còn sống. Tiệm ăn khoái khẩu để chờ chết. Và nơi tang chế cũng không xa cho lắm. Chỉ vài bước là có đủ.
Bỗng nhiên tôi tức cười. Vì đã quen với tài khóc của anh. Sau đó tôi tự trách mình và thông cảm hoàn cảnh của bạn. Bạn mình gặp lúc tang gia bối rối. Nhưng không phải vậy, anh lau nước mắt, rồi ngoắc tôi tới một cái bàn trà, với nhiều người khách nhìn thấy ngồ ngộ, lúc nầy anh mới nói:
- Nghỉ giải lao một chút.
Tôi nhìn đồng hồ tay. Bây giờ là buổi sáng, mới có 8 giờ mấy phút. Không phải giờ nghỉ hành chánh cho công việc gì. Anh chàng cựu nghệ sĩ Hồ Quảng cười tươi:
- Đám nầy mình đóng vai cậu của thằng nhỏ “ngỏm củ tỏi” có cái hình kia kìa. Xin lỗi nha bạn, mình khóc hơi lâu một chút.
- Sao?
- Người ta mướn mình khóc.
- Đúng nghề!
- Khóc thôi, khỏi hát.
Tôi chưa hiểu, và chợt hiểu khi thấy mọi người tới ngồi chung nơi bàn trà. Mọi người như đi làm hãng. Ăn cơm trong các gà-mên xách theo, có mấy bà và các cô lúc nãy đi vòng vòng chiếc quan tài với ông thầy tụng. Thì ra cứ tụng khoảng mười phút thì “nghỉ giải lao” khoảng 5 phút, rồi tụng lại. Riêng anh bạn tôi thì… khóc tiếp.
- Khóc vậy có buồn không, buồn có hại cho sức khỏe lắm.
- Không có sao, mình làm nghề khóc mướn. Ai mướn mình khóc thì mình khóc. Đâu có buồn, làm nghề khóc mà. Có mấy bạn đồng nghiệp của tôi cũng vậy.
Theo hướng ngón tay của anh chỉ, tôi thấy một người đàn ông bặm trợn, đang khóc nức nở, bên cạnh vài người khác cũng khóc, mà khóc ít hơn. Tôi đoán chừng cái ông khóc dữ nhất là do người ta mướn, bởi vì phải khóc cho xứng đáng đồng tiền bát gạo.
À thì ra là vậy!
Cũng lạ. Rồi mọi người trong nhóm trở lại… làm việc. Ông thầy tụng hát bài gì nghe đều đều, cả nhóm đi vòng vòng hát theo, anh bạn thì khóc rú lên. Thỉnh thoảng nhìn lại tôi, tỏ ý tôi chờ một chút. Tôi nhìn quanh. Một lúc sau mới quen mắt, tiếng khóc cũng nhiều. Có lẽ nói một cách khác hơn thì nơi nầy là dịch vụ… vui vẻ. Tiếng trống, tiếng kéo đờn, tiếng thanh la não bạt, tiếng thầy tụng vang lên… nhộn nhịp. Còn anh bạn thì chạy… show khóc. Gặp tôi lúc “giải lao” lần hai, anh tới ngồi bên bàn trà, anh háo hức kể chuyện mình:
- May quá Can ơi, mình già rồi, hát gì nổi. Có người giới thiệu vô đây ngồi khóc một ngày hai ba “sô” cũng có cơm.
Anh bạn tướng tá dịu nhỉu, nói tiếp về cái nghề mới của mình một cách hân hoan:
- Nghệ sĩ thì có lúc tàn, nói thiệt với bạn ngay lúc còn trẻ, hưng thời mình đã lo xa. Nếu như tới tuổi già, không tiền không bạc, không người thân, là treo niêu chết đói. Bây giờ thì an cư lạc nghiệp. Cái “phòng trà ca nhạc” Tang Nghi Quán nầy có ngày nào nghỉ... khóc đâu. Đại nhạc hội bên kia kìa. Hát thì có khi ế, bán vé không được, còn khóc thì tha hồ. Chú Can coi kìa đông nghẹt người là người. Không lo gì hết, chỉ khóc thôi.
Tôi ngẫm nghĩ rồi lại thấy ngược đời. Tôi nói vì không cầm được ý nghĩ đó:
- Tôi lo cho anh.
Bạn tôi ngạc nhiên:
- Lo gì?
- Lo là tới ngày nào anh khóc hết nước mắt thì anh đói.
Quả thật là nhiều lần tôi đi ngang qua đây, sáng khuya gì chỗ này cũng tấp nập, nhộn nhịp như ngày hội. Còn chéo góc bên kia đường, như đã nói là cái rạp hát cũ xì, lạnh tanh chẳng còn thấy hát xướng gì. Nếu không cợt nhã thì Tang Nghi Quán nầy dù cho ngày thường cũng không khác ngày hội, người ra kẻ vô không ngớt, thậm chí còn nhiều chuyện để nghe và nhiều điều khác để trông thấy là lạ, kể ra chưa chắc ai tin.
Một ngôi nhà lớn rộng rãi, rất ít cột kèo, trên bức tường dài, hoành phi màn trướng phủ đầy, kim sa kim tuyến lộng lẫy, các bức tranh mô tả 12 cửa ngục, sự tích Mục Liên Thanh Đề có chú thích chữ xem ra cũng hấp dẫn. Nhiều căn phòng nhỏ, mỗi ngày nếu đắt hàng thì không gian nào trống các chiếc “sơ mi gỗ” còn thầy tụng thì thay phiên nhau tụng suốt từ sáng tới khuya.
Vàng mã, nhang đèn tha hồ đốt, người mua kẻ bán các vật dụng linh tinh kiểu nầy cũng khá khủm. Vợ của bạn tôi có cửa hàng bán nhang và đèn sáp ngay trong Tang Nghi Quán. Trước đây chị còm cõi ốm nhách, mặt mày xanh tái buồn hiu, nay mập tròn phương phi coi trẻ ra. Chị nói với tôi với vẻ mặt vui vẻ hơn lúc theo anh chồng kép hát, bán quạt giấy và đậu phộng muối trong rạp Hào Huê:
- Lúc nầy làm ăn được lắm chú Can. Ảnh thì có chuyện khóc hoài, không sợ thất nghiệp. Còn tui thì bán nhang với đèn cầy, giấy tiền vàng bạc cũng dư sống. Còn nếu như ngày nào đông đám, tui cũng chạy vô khóc phụ với ảnh vài sô.
- Khóc phụ?
- Anh nầy làm bộ hoài. Tức là ngày nào có nhiều người đi “bán muối”, thì ông bầu mướn thêm người khóc!
- Có ông bầu nữa sao?
- Sao không, ông bầu kìa.
Nói tới đây thì có một người đàn ông, đội cái nón len đan, mặc áo dài màu lam đi tới. Chính là người lúc nãy ngồi chung bàn trà. Người nầy vừa là thầy tụng kiêm ông bầu thuê người khóc mướn cho các đám tang. Ông ta nói:
- Gần Tết trời lạnh, coi bộ đắt sô, mấy ông già chịu đời không thấu. Cái đám mới khiêng vô cần thêm người khóc. Chị rảnh không, chạy tới khóc dùm một đám nha?
Vợ của anh bạn quay qua nhìn tôi:
- Ờ để tui nhờ người coi hàng dùm. Hay là anh Can coi dùm, bán dùm, mỗi món có ghi giá tiền trong cuốn sổ nầy. Anh coi hàng, tui đi khóc kiếm thêm chút cháo, rồi trở lại nói chuyện chơi.
Tôi trở thành người bán nhang. Tôi cũng bán được không khó lắm, vừa bán tôi vừa ngẫm nghĩ tức cười. Ai mà không quen với sinh hoạt trong Tang Nghi Quán nầy chắc cũng phải phát “khùng” vì cách nói chuyện kiểu trong nghề của người ở đây. “Khóc dùm một đám” hay là “Chạy đi khóc kiếm chút cháo”, nghe lạ tai hơn là các sinh hoạt bình thường.
Ngày hôm sau và hôm sau nữa, tôi trở lại Tang Nghi Quán để cho biết tận tường các sinh hoạt, vừa là bi kịch của đời người mãn hạn, mà cũng là một hài kịch của những người kiếm sống nơi nầy. Khá nhiều chuyện làm, một dây chuyền khép kín. Nào là cho thuê xe tang, tài xế lái xe, cò hòm trong các bệnh viện. Dàn nhạc Tây kèn trống, dàn nhạc ta thanh la kìm cò. Dịch vụ cho… thuê vòng hoa cườm. Nếu như ghi hết cả vào sổ tay thì e rằng còn nhiều. Trong đó có nghề khóc mướn.
Trong căn phòng hết sức rộng nầy, có một nơi người ta ngăn ra nhiều ô. Vì là các ngăn gần nhau một vách, cho nên tôi nhìn thấy vài hoạt cảnh rất lạ. Vai chính là anh chàng cựu nghệ sĩ hát Hồ Quảng, chồng của chị bán nhang. Lúc nầy anh ta không khóc, mà làm thầy tụng, với cái mõ kêu lốc cốc, chiếc áo dài màu lam, chiếc nón len đan. Anh đi sau cùng trong một nhóm khoảng năm, sáu người đàn bà vừa đi vòng vòng chiếc quan tài, vừa hát. Rất bất ngờ khi tôi thấy “ông thầy tụng” bạn tôi “quẹo” qua ngăn bên vừa đi vừa tụng, sau một nhóm khác. Sau vài vòng bên nầy anh chàng lại “quẹo” qua bên cũ và vẫn “tụng” đều nhịp.
Lúc “nghỉ giải lao” ngồi bên bàn trà anh chàng tiếu ngạo nầy nói:
- Thầy tụng bữa nay trúng gió lạnh cẳng, không tới. Mình thế vai ổng cũng xong. Có điều như bạn thấy, có một mình mà nhiều đám, cho nên mình… chạy hai sô, cũng gần, chạy qua chạy lại “tụng” vậy không có ai phàn nàn. Làm vậy có hai đầu tiền.
Lại còn một chuyện nhưng không phải diễn ra hôm nay, mà mấy ngày sau. Tôi thấy anh bạn ngồi khóc đỏ mắt trước một đám tang sát bức tường kia, dưới các bức tranh Mục Liên Thanh Đề. Một lúc sau anh ta chạy qua khóc một đám tang khác gần nơi chị vợ bán nhang. Tuy tôi chịu khó vô Tang Nghi Quán nầy gần một tuần, tôi vẫn chưa quen với công việc ở đây cho lắm. Nó có cái gì “kỳ cục”, không nghiêm trang. Tôi hỏi:
- Tụng thì đi vòng vòng hai… sô. Như vậy thôi thì cũng được đi. Còn khóc hai đám một lúc sao thấy ngộ quá.
Anh bạn nói rõ:
- Bởi vì hai đám ma khác nhau. Một là người qua đời còn trẻ. Tôi được mướn đóng vai cậu. Còn đám kia người qua đời quá già thì tôi là cháu của ổng. Mỗi vai khóc khác nhau mới được.

Có điều khó hiểu. Không biết xuất xứ của chuyện khóc mướn nầy có từ lúc nào, và để làm gì. Có lẽ là nhiều lúc tang quyến ít người quá, đám ma mà không có người khóc thì cũng… buồn. Cho nên mướn thêm người khóc cho… xôm tụ chăng? Chuyện nầy ít ai biết, và nó vẫn diễn ra hàng ngày mới là ngộ. Hiểu như vậy cho khỏi nhức đầu. Khỏi nhức đầu, song nghĩ như vậy thì… tức bụng vì không thể ngăn được mình cười thật lớn. Mặc dù là đang đứng giữa đường.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives