KỶ NIỆM 100 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG VẼ GIA ĐỊNH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP.HCM (1913 - 2013)  

Posted by Unknown

Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh –

Một chặng đường phát triển

NGƯT-TS.
TRƯƠNG PHI ĐỨC
Hiệu trưởng Trường Đại học
Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
 
Năm 1913, Trường vẽ Gia Định được thành lập, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trải qua 100 năm, Trường vẽ Gia Định không ngừng phát triển và mang nhiều tên khác nhau: Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định (1917), Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh theo quyết định sáp nhập hai trường của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 1976 (Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn - thành lập năm 1954) và ngày 12-11-1981 được nâng cấp thành Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Nhìn lại suốt chặng đường 100 năm phát triển và trưởng thành, chúng ta có thể tự hào về những thành tích trong đào tạo. Nhưng giai đoạn hiện nay đang đặt ra nhiều thử thách, tập thể nhà trường càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Muốn hoàn thành nhiệm vụ đào tạo trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, nhà trường cần phải đặt ra những định hướng phát triển chuẩn mực trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt” “giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, góp phần xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 6-5-2009 đã nêu “hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường văn hóa, nghệ thuật; đào tạo văn hóa, nghệ thuật tiếp cận nhanh trình độ quốc tế mà vẫn giữ bản sắc văn hóa, nghệ thuật dân tộc; tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh, sinh viên; xây dựng chế độ chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của giảng viên, học sinh, sinh viên nghệ thuật”.
Trong những năm qua, trên cơ sở Quy chế đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã tiến hành một cách đồng bộ hoạt động đào tạo nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng hoặc có liên quan đến ngành đào tạo khá cao.
Thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nhà trường mở rộng hình thức đào tạo thuộc hệ vừa làm vừa học. Ngoài hình thức đào tạo tại trường, nhà trường còn liên kết với các địa phương đào tạo trình độ đại học. Từ năm 2011, nhà trường bắt đầu đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học hệ chính quy để tạo điều kiện cho sinh viên cao đẳng được tiếp tục học tập nâng cao trình độ.
Đổi mới phương pháp dạy - học, phương pháp đánh giá kết quả của người học theo hướng khơi gợi tính tích cực, chủ động của sinh viên đã được nhà trường vận động trong toàn bộ các hình thức đào tạo, các bậc học; vận động giảng viên tích cực sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại trong giảng dạy. Thành tích nổi bật của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là nhà trường được coi là tiên phong trong việc cải tiến và đổi mới phương pháp dạy - học các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên; tập trung cho khâu đổi mới phương pháp dạy và học.
Song song với đổi mới phương pháp dạy và học, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Do đặc trưng của nhà trường mỹ thuật nên hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ rất phong phú với các loại hình khác nhau. Nhà trường đã ban hành văn bản quy định về hoạt động khoa học - công nghệ với trọng tâm là nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, chú trọng khâu xét chọn đề tài để triển khai; tiến hành đánh giá, nghiệm thu một cách chặt chẽ, khoa học nhằm đảm bảo tính mới, tính khoa học và tính thực tiễn cho các đề tài được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Cùng với các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập, sáng tác các tác phẩm mỹ thuật là một hoạt động nhằm tạo uy tín cho người thầy, đồng thời thể hiện chất lượng của người học. Vì thế nhà trường đã tạo mọi điều kiện để giảng viên tham gia các trại sáng tác trong nước và nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế, các hoạt động của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam; tạo sân chơi khuyến khích sinh viên sáng tác triển lãm, giao lưu với các trường mỹ thuật trong và ngoài nước.
Việc biên soạn chương trình, xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong hoạt động đào tạo. Trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà trường đã triển khai công việc này theo một quy định chặt chẽ và khoa học, vừa đảm bảo sự thống nhất về mặt bằng trình độ chung của cả nước, vừa phát huy tính chủ động của trường, phù hợp với đặc thù của trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thời lượng thực hành nhiều hơn so với lĩnh vực đào tạo khác.
Đội ngũ giảng viên là lực lượng quan trọng nhất quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Xác định được điều này, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã xem việc xây dựng đội ngũ giảng viên là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng. Một mặt, nhà trường khuyến khích, yêu cầu giảng viên phải nâng cao trình độ chuyên môn. Mặt khác, nhà trường đã có chế độ thu hút những người có trình độ chuyên môn cao (thạc sĩ, tiến sĩ) ở các trường khác về công tác tại trường. Đến nay, đội ngũ giảng viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đang trong xu thế được trẻ hóa.
Với việc thành lập các tổ chức: Hội đồng tự đánh giá, Ban thư ký và các nhóm công tác chuyên trách, lập kế hoạch tự đánh giá, nhà trường đã thật sự chuyển động trong hoạt động tự đánh giá. Nhờ đó, các thông tin, minh chứng được thu thập, sàng lọc, phân tích, đánh giá một cách cụ thể, xác thực; đảm bảo tạo dựng bức tranh toàn cảnh về thực trạng chất lượng nhà trường ở thời điểm tự đánh giá. Và đây chính là cơ sở quý báu để nhà trường vững bước tiến lên, chiếm lĩnh những mục tiêu cao hơn của chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Mục tiêu đào tạo của nhà trường giai đoạn 2013 - 2020 là phát triển chiều sâu nhóm ngành Mỹ thuật tạo hình, phát triển chiều rộng nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng, tăng cường cơ sở vật chất, quy mô đào tạo cả về số lượng sinh viên và ngành học mà xã hội có nhu cầu.
100 năm qua, thầy trò Trường vẽ Gia Định trước đây, đến Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày nay luôn không ngừng phấn đấu giảng dạy, học tập và đã thừa kế, bảo tồn, phát huy tốt truyền thống nghệ thuật dân tộc cũng như tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, góp phần xây dựng 
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
100 năm - một thế kỷ hình thành và phát triển, đó là truyền thống tốt đẹp của nhà trường, việc quan trọng của thế hệ hiện tại và tương lai là phải ra sức phấn đấu để giữ vững và phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy. Đây là nhiệm vụ nặng nề và vinh quang, nhằm xây dựng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có thương hiệu, uy tín và chất lượng trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives