Đỉnh lũ rồi đó…  

Posted by Unknown

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG
Nhiều năm trước, lũ đầu nguồn ở những tỉnh như Đồng Tháp, An Giang phải nói là khiến người nông dân hồ hởi. Người miền Tây quen con nước, quen cái chằng chịt của kênh rạch nối liền không dứt, quen tay lưới, ghe, xuồng lênh đênh sông nước. Sao bỏ đành, sao xa nó đành... Bây giờ đỉnh lũ đã sắp cạn ngày. Có người thất thểu bóng đổ nhòe trên sông.
Năm nay, ở An Giang lượng cá linh nhiều hơn so với năm ngoái. Nhưng cá trắng như: cá chốt, cá trê, cá kết, cá mè dinh, cá cóc... thì ít.
Tôi hỏi thăm ông bạn ở Tân Châu ngày lũ, bạn tâm tình: Ngoài chợ bây giờ cá linh chỉ có 40.000đ/kg, so với đầu mùa là 150.000, đó là tại thành phố Long Xuyên, còn ở đây (Tân Châu) chỉ có 10.000đ/kg thôi, phải lên tận đầu nguồn mới hiểu, đừng nghe dư luận...
Nhưng nhiều nơi giờ chỉ còn trĩu nước lòng bẫy và thông thống gió, khoang ghe không còn cảnh chật ních cá linh; không còn cảnh phì nhiêu của phù sa lóng lại cho cuộc đời sau lũ...
Ngày càng vắng dần những tiếng hò reo mừng mùa lũ về miền Tây. Ngóng đợi dường như còn thảng thốt trong từng giấc mơ những người chân lấm tay bùn. Còn đâu nữa hình ảnh cá linh lấp lánh ánh bạc kéo nhau từng đàn, từng đàn theo con nước lũ về ăn bóng, ăn rong. Bà con mình đặt đáy, dựng đăng, giăng lưới và bao ngư cụ khác hầu mong cá nặng lưới đầy. Vì chén cơm manh áo, nhưng có lẽ trên hết là vì lòng tham, sự ích kỷ của chính mình, nên những người sống miệt sông nước mà quên yêu sông nước đó đã dùng mọi cách đánh bắt vô tội vạ. Nào là bằng điện, cào điện, bắt theo kiểu tuyệt chủng. Tức là dùng lưới dầy, kéo cá. Họ bắt ngay cả những con cá bé nhất, cá lòng ròng chẳng hạn. Từ đầu nguồn những con cá linh đã làm một cuộc vượt khỏi bàn tay tử thần, dọc đường và suốt chặng đường chúng thưa dần, cạn kiệt dần. Lại nữa, tình trạng sử dụng hóa chất thuốc trừ sâu trên đồng ruộng nhiều quá. Điều đó trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cá. Cá bây giờ cứ theo mùa nước nổi từ đầu nguồn về, còn cá tại chỗ trên đồng bây giờ rất khan hiếm.
Lũ về! Theo con nước có bao sự sống diệu kỳ! Giấc mơ ngày cũ mọc nấm.
Đó đây đã có những chiến dịch thả cá về tự nhiên, tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản như bảo vệ bữa cơm trong nhà mình hằng ngày. Mỗi năm, An Giang đều có chiến dịch thả cá về tự nhiên, cá bột, vài trăm ki-lô-gram... Vậy mà có bao nhiêu người đã hiểu và ý thức được vấn đề? Thực tế thì cá ngày càng ít, bảng giá ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là cá đồng, cá tự nhiên. Mô hình đào ao nuôi cá, cá nuôi trong hầm, ao, hồ, đặc biệt là trong bè thì nhiều lắm nhưng làm sao có thể so với cá tự nhiên, cá đồng được. Môi trường nuôi chắc rằng sẽ được chăm sóc tốt, nhưng sao bằng sự tự do tung tẩy của chúng. Chim trời cá nước có chất mặn mòi của chúng mà không có thức ăn, bàn tay chăm sóc nào bằng đâu...
Con người cần sống với thiên nhiên, hòa quyện với nhau như nước với sữa, như tứ chi trong thân thể thì mới mong có sự lành. Chính con người đã vắt cạn nguồn sống thiên nhiên và tự nhiên, thì làm sao thiên nhiên có thể dang rộng bàn tay đón con người bằng cái nhìn từ ái. Điều đó đem lại nhiều bài học đáng suy ngẫm. Hành động sao cho đàng hoàng với thiên nhiên là điều không dễ nói được đã làm được đâu, có mấy ai...
Tôi cứ nghĩ vẩn vơ, nếu một ngày mùa nước nổi mà không còn cá thì sẽ ra sao?

Mùa lũ 2013 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives