Nét đẹp truyền thống trong đào tạo  

Posted by Unknown

Từ Trường Vẽ Gia Định đến Đại học Mỹ thuật 

TP. Hồ Chí Minh

“Ở Việt Nam, vào những năm đầu thế kỷ XX, từ trước khi các Trường Mỹ thuật ra đời, hầu như chưa nhìn thấy được nghệ thuật bản xứ ở Nam kỳ (ngoại trừ một vài sản phẩm mỹ nghệ truyền thống về vảy, đồi mồi ở Hà Tiên và nghề kim hoàn, thợ bạc ở Sa Đéc)” - Georges Ribon đã viết trong Những trường mỹ thuật ở Nam kỳ (Les Écoles d’Art de Cochinchine) đăng trên tạp chí Indochine số tháng 9-1947, và nhận định “... Thời điểm đó ở Việt Nam đã có một bảo tàng phong phú với tất cả dáng vẻ: Những đồ trang trí cổ thô sơ; những tấm phản nặng gần một tấn, chân bằng gỗ có chạm trổ, mặt phản bằng loại gỗ sao được phủ bóng lộng lẫy; những chiếc bình cổ được thừa hưởng từ các thế hệ cha ông; những chén tách cũ từ một trăm năm; những đồ sứ gõ vào kêu thanh như một cái chuông bạc; những đồ vật bằng ngà, sừng thật đẹp và cồng kềnh như một khung cửa; những đồ đồng xưa ngả màu bởi thời gian... Đó chính là cái đẹp, là sự phong phú nhưng là cái đẹp và sự phong phú khởi nguyên ít giá trị nghệ thuật hơn là những hiện vật quý hiếm…”
(Trích và dịch từ TLTK [2] - N.V).
TS NGUYỄN VĂN MINH
TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP. HCM
Vì vậy, có thể nói sự ra đời của Trường Vẽ Gia Định (năm 1913) như một nhân duyên của sự hòa quyện hai dòng chảy dân gian và bác học. Trên nền tảng của các nghề thủ công truyền thống vốn có qua đôi tay khéo léo, cần cù của các nghệ nhân bản xứ, người Pháp đã cho mở các trường mỹ thuật ở phía Nam để khai thác tiềm năng sẵn có từ địa phương phục vụ cho nhu cầu của mẫu quốc. Tuy được thành lập sau hai trường: Mỹ nghệ đồ mộc ở Thủ Dầu Một (năm 1901), (còn gọi là Trường Bá nghệ Thủ Dầu Một) và Mỹ nghệ gốm và đúc đồng ở Biên Hòa (năm 1903), (còn gọi là Trường Mỹ thuật Biên Hòa) nhưng theo quyết định hành chính thì Trường Vẽ Gia Định tuyển sinh từ khắp các tỉnh Nam kỳ. Học sinh năm đầu học môn hội họa tổng quát; năm thứ hai, sau ba tháng đầu, có sự tuyển lựa bằng cách đánh giá về chuyên môn của các giáo sư để xác định học sinh nào vào học các Trường Mỹ thuật Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Theo đó, 1/3 học sinh giỏi về hội họa sẽ được giữ lại trường tiếp tục học các chuyên ngành như trang trí, ấn loát thạch bản và khắc đồng... Còn 2/3 được chia về hai trường ở Thủ Dầu Một và Biên Hòa tiếp tục học các năm còn lại.
Trường Vẽ Gia Định năm 1930 (TLTK 3)
Chương trình giảng dạy của Trường Vẽ Gia Định tuy còn ở trình độ sơ trung cấp nhưng chuyên về mỹ thuật thực hành cùng với các môn học hình họa, trang trí cơ bản, đạc biểu kiến trúc... Đây chính là nơi đào tạo về trang trí mỹ nghệ một cách bài bản, có hệ thống và chuẩn mực về kiến thức mỹ thuật và kỹ năng thực hành. Đầu tiên trường được gọi làTrưng Nghthut bn xGia Đnh (École d’Arts Indigènes de Gia Dinh), dạy chuyên về vẽ kỹ nghệ, trang trí, khắc đồng vàthạch bản (une école professionnelle indigène de dessin industriel et d’ornement, de gravure et de lithographie) nhưng dân gian quen gọi là Trường Vẽ Gia Định (École de dessin de Gia Dinh). Đến năm 1917, trường được mang danh hiệu là Trường Trang trí mỹ thuật Gia Định - một trường duy nhất ở Nam kỳ thời điểm ấy được xếp vào bậc trung học chuyên nghiệp đệ nhất cấp và đã được nhận làm hội viên của Hiệp hội Trung ương Trang trí mỹ thuật Paris (Membre Perpétuel de l’Union Centrale des Arts décoratifs de Paris). Năm 1940, trường đổi tên là Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (École des Arts appliqués de Gia Dinh) với ba ban chuyên môn là: Ban Hội họa mỹ thuật, chương trình được bổ sung thêm các môn học như: tranh sơn mài, tranh lụa, tranh sơn dầu... Ban Hội họa kiến trúc Ban Hội họa ấn loát.
Thầy Hiệu trưởng trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân
xuất sắc năm 2013 nhân lễ khai giảng năm học 2013-2014
Từ khi thành lập, Trường Vẽ Gia Định đã được quan tâm đặc biệt. Trước tiên, là đội ngũ giáo sư xuất sắc, có trình độ kỹ thuật điêu luyện. Với quan điểm không có nền giáo dục nghệ thuật không phương hướng, nhà trường đã không đi ngược lại những truyền thống của tổ tiên, không bắt chước phong cách thương mại phương Tây, những học sinh khi bắt đầu thật vất vả nhưng dần dần sự cố gắng và quyết tâm của thầy và trò đã được đền đáp. Kết quả có ý nghĩa nhất mà Trường Vẽ Gia Định đã đạt được đó là phương pháp đào tạo gắn với ứng dụng thực tế. Điều gì đã làm nên sự nổi bật về nghệ thuật và kỹ thuật phương Đông của ngôi trường này?
Nền tảng chính là góp phần giảng dạy nghệ thuật phục vụ cho cuộc sống, tất cả hoạt động của trường đều hướng về quan điểm này, và vì thế, nó đã thành công tốt đẹp.
Lớp học vẽ ngoài trời của
Trường Vẽ Gia Định (Ảnh TLTK 2)
Năm thứ nhất, các giảng sư phát hiện những sai lầm và tính cách của học sinh, chỉ bảo những phương thức biểu hiện cái riêng, giúp học sinh thấu hiểu trong phân tích và ý nghĩa của sự quan sát cuộc sống.
Năm thứ hai, sau ba tháng đầu, một sự tuyển lựa được tiến hành bằng cái nhìn về chuyên môn của các giáo sư để xác định học sinh nào vào học các trường Biên Hòa và Thủ Dầu Một.
Tại Trường Gia Định, lợi thế lớn nhất là giảng dạy kết hợp đồng bộ giữa vẽ hình họa theo mẫu và bố cục trang trí. Hai yếu tố này chính là nền tảng của nghề nghiệp, cũng giống như cùng lúc nghiên cứu về hình và nghiên cứu màu sắc là cái gốc cho sự sáng tạo hội họa. Giáo sư Stéphane Brecq - Giám đốc của trường từ năm 1940 đến 1944, đã cho biết “tất cả những học sinh đã tốt nghiệp đều được phân công đúng vị trí và một vài trong số họ được giữ lại học các khóa nghiên cứu thêm trong các cơ quan giáo dục công hoặc tư nhân” [2].
Lớp vẽ hình họa theo mẫu của
Trường Vẽ Gia Định (Ảnh TLTK 2)

Ông quan niệm: “Giảng dạy mỹ thuật ứng dụng là giảng dạy về sự sống của nghệ thuật trong thực tế. Điều này đã nói lên sứ mệnh đặt để cái đẹp trong mọi thứ đồ đạc để tô điểm cho cuộc sống của chúng ta. Mỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống phục vụ nhu cầu sử dụng qua sản phẩm cụ thể, nó phải thực dụng. Và, sự phục vụ này từ ý nghĩa mỹ học đến áp dụng thực tế không phải lúc nào cũng không có những xung đột, cho nên, nó đòi hỏi sự nhận thức chung về trang trí, bố cục một bức vẽ để áp dụng vào chất liệu sơn mài, bích họa hay tranh thủy hồ (một dạng của lối vẽ tempera)… không chỉ phụ thuộc vào sở thích riêng hay sự bất thường của thời trang mà còn đòi hỏi ở học sinh những phẩm chất đặc biệt, không thể bàn cãi, đó là khả năng sáng tác đồng thời thông hiểu kỹ thuật thực hành, những phẩm chất này phải được trang bị đồng bộ cho một sự ứng dụng hợp lý và thiết thực. Bởi vì, với mỹ thuật ứng dụng, ý tưởng sáng tạo sẽ luôn phụ thuộc vào những quy luật của vật chất”. Giáo sư Brecq đã nhấn mạnh những vất vả của học sinh khi thực hiện những phác thảo, những hồ sơ tác phẩm bằng ảnh một cách kỹ lưỡng, tinh xảo và đã cho biết mục đích của những bài học ấy: “Chúng tôi cố gắng tiếp tục duy trì, làm sống lại bằng việc phục hưng những truyền thống nghệ thuật địa phương. Nghiên cứu nghệ thuật vùng Viễn Đông, đặc biệt là nghệ thuật Trung Hoa - đã âm ỉ lan tỏa và song hành cùng những phương thức biểu hiện phương Tây trong nghệ thuật Việt Nam” [2].
Mong muốn hiểu biết đã kích thích những học sinh trẻ nhiệt huyết khám phá, đã làm cho Trường Vẽ Gia Định dần dần trở thành trung tâm thể nghiệm, nơi những ý tưởng, những khác biệt, những cái riêng có thể trao đổi để thống nhất bằng việc bảo tồn ưu thế của phương pháp đào tạo nhưng ngày càng được nâng cao vị trí ở sự giải thích sự thật của cuộc sống, ở cảm xúc trực tiếp, không lưỡng lự trước cuộc sống để thành ra giả dối trong nghệ thuật. Quả thực, sẽ không thể tưởng tượng được rằng, những học sinh nhìn nhận và phán xét thiên nhiên một cách tự do để chấp nhận học thuyết phi cuộc sống!

Ở đây, phải nói phương pháp đào tạo nghệ thuật của nhà trường hết sức phù hợp và linh hoạt, những từ ngữ luôn ít ý nghĩa hơn những ví dụ thực hành cụ thể và chỉ có đào tạo thì nghệ thuật mới có giá trị theo thời gian, điều này chính là công việc, là xưởng thực hành chung, là phương pháp làm việc được truyền từ thầy đến trò. 
Trong Hội chợ - Triển lãm những năm giữa thế kỷ XX tại Sài Gòn, mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng đã thu hút đông đảo nhất khách tham quan, thậm chí có người đi xem đến hai, ba lần. Trước thành công như vậy, Georges Ribon đã viết: “Do cái mới đã được hiểu và cảm nhận, vẻ đẹp không ngừng được đổi mới trong sản xuất. Nghệ thuật trang trí mang phong cách Pháp - Hoa - Việt đã ra đời và chinh phục sự chú ý của công chúng đồng thời chiếm lĩnh thị phần trên thế giới, nơi mà nó đáng được trưng bày. Đây chính là một sự trưởng thành bởi sau khi làm say mê những người hiểu biết và “khó tính” ở nước Pháp và châu Mỹ, sắp tới nó sẽ làm lại giá trị này ở Tokyo. Ở đó, như những nơi khác, sẽ không còn nghi ngờ về một thành công vang dội mang dấu ấn về ý tưởng Pháp và sức sống của những tác phẩm hoàn hảo bởi những nghệ sĩ trẻ tài năng và những người thầy của họ từ những Trường Mỹ thuật tại Nam kỳ” [2].
Tháng 12-1954, dấu mốc quan trọng trong sự phát triển sự nghiệp đào tạo mỹ thuật của nhà trường đó là chính quyền Sài Gòn cho thiết lập Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cạnh bên Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định. Từ đây, hai mảng mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình có điều kiện song hành trong không gian chung của hai trường, tác động và bổ túc cho nhau cùng phát triển mạnh mẽ, làm nên nét đặc trưng của nhà trường về sau.
Đến năm 1961, Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định đổi tên thành Trường Trung học Trang trí mỹ thuật. Mục đích của trường thời gian này là mở mang và nâng cao nền tiểu công nghệ và mỹ nghệ (gồm nghề vẽ và kiến trúc, nghề trang trí cửa, nghề vẽ quảng cáo, nghề khắc và in...) bằng cách đào tạo những nhà tiểu thủ công nghệ có khả năng và các họa viên lành nghề. Thời gian học là 4 năm: năm thứ nhất, bổ túc kiến thức phổ thông và hướng nghiệp; các năm còn lại học chuyên sâu vào một trong ba ban sau: Ban Hội họa và trang trí; Ban Hội họa và kiến trúc; Ban Thạch bản và ấn loát.
Từ năm 1971, trường có tên là Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định. Trường được đổi tên nhằm ba mục đích:
- Cải tiến và nâng cao nền tiểu công nghệ và mỹ thuật Việt Nam để đào tạo họa viên chuyên nghiệp, trang trí gia lành nghề trong lĩnh vực trang trí mỹ thuật.
- Bảo tồn và phát triển những tinh hoa của nền trang trí Đông phương và cổ truyền Việt Nam.
- Đẩy mạnh công cuộc cải tiến chương trình giáo khoa theo đà tiến triển của thế giới để phát huy một nền trang trí mỹ thuật khai phóng và tiến bộ.
Từ ngày 30-4-1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các họa sĩ thuộc Phòng Mỹ thuật giải phóng miền Nam vào tiếp quản trường và được sự chi viện lực lượng từ miền Bắc đã cùng đội ngũ tại chỗ đoàn kết cùng nhau bắt đầu chuyển cơ sở đào tạo của hai trường cũ thành một trung tâm đào tạo mỹ thuật với tên gọi mới là Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Sau 6 tháng chuẩn bị, ngày 8-11-1975 nhà trường khai giảng niên học đầu tiên đào tạo hai cấp trung học và đại học mỹ thuật.
Thời gian đầu của những ngày mới hòa bình, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa xây dựng trật tự xã hội mới. Việc củng cố, tiếp tục phát triển nhà trường hết sức khó khăn và vất vả, nhưng với tâm huyết của người nghệ sĩ và trách nhiệm của người thầy, các thế hệ thầy, trò lại phát huy truyền thống của nhà trường trong phương châm đào tạo mà cố Phó Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Phước Sanh - Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1976 đến 1991 đã khẳng định và thực hiện thành công: “Học đi đôi với hành; Lý luận gắn liền với thực tiễn; Nhà trường gắn liền với xã hội; Nghệ thuật gắn liền với cuộc sống”.
Theo đó, hàng năm nhà trường đều tổ chức thời gian từ một đến ba tháng cho tất cả sinh viên, học sinh các lớp đi thực tế cuộc sống để ghi chép ký họa về con người, cảnh vật và những sinh hoạt đời thường đặc trưng của từng vùng miền, địa phương, dân tộc... làm tài liệu phục vụ cho bài học tĩnh tại ở lớp, qua đó rèn luyện cảm xúc sáng tạo và khả năng nắm bắt, phát hiện và tái hiện sinh động những khoảnh khắc điển hình từ cuộc sống, có ý nghĩa nhân sinh cao cả cho tác phẩm sáng tác. Mặt khác, đi thực tế giúp thầy và trò ứng dụng những lý thuyết, bài học cơ bản từ trường lớp ra cuộc sống để kiểm chứng, rút kinh nghiệm cho vấn đề đào tạo vừa phù hợp thực tiễn, vừa phải mang tính định hướng thẩm mỹ cho xã hội.
Từ năm 1975 đến 1981, nhà trường đã vận dụng nhiều phương thức đào tạo, kịp thời bố trí đều khắp cán bộ mỹ thuật cho các tỉnh thành và các ngành văn hóa, kinh tế, xã hội ở phía Nam. Bấy giờ trường có các khoa: Điêu khắc, Hội họa, Đồ họa tạo hình, Lý luận - Lịch sử mỹ thuật, Xưởng chất liệu, lớp đào tạo họa sĩ thiết kế điện ảnh. Thời gian đào tạo đại học chính quy là 6 năm, tại chức 5 năm, trung cấp 5 năm và các lớp ngắn hạn theo yêu cầu của địa phương từ 6 tháng đến 3 năm cho một khóa học.
Đến năm 1981, trường được Thủ tướng Chính phủ nâng cấp đổi thành Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn từ năm 1981 đến 1987, trường chuyển hướng đào tạo đại học chính quy, tại chức là 5 năm, trung cấp là 3 năm. Từ năm 1987, nhà trường thực hiện chủ trương đổi mới quy trình đào tạo trong dạy và học: chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 học đại cương hay còn gọi là giai đoạn hoàn thành kiến thức và kỹ năng cơ bản tạo hình, lý luận cơ bản và cơ bản sáng tác; giai đoạn hai là giai đoạn học kỹ thuật chất liệu và sáng tác. Từ niên khóa 1990 - 1991, trường mở chuyên ngành hội họa hoành tráng; năm 1992 mở ngành mỹ thuật ứng dụng; năm 1993 trường được Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Giáo dục - Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cao học mỹ thuật; năm 1996, lập phòng máy vi tính thực hành, phòng triển lãm; năm 1997, thành lập Trung tâm Mỹ thuật ứng dụng (gồm xưởng in, xưởng điêu khắc, xưởng hoạt hình); năm 1998, thành lập khoa Sư phạm mỹ thuật
Hiện tại, theo quyết định số 2590/ QĐ-BVHTTDL ngày 6-6-2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trường có 6 phòng chức năng (Tổ chức - Hành chính, Đào tạo, Tài vụ, Quản trị, Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế); 9 khoa (Mỹ thuật cơ bản, Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Mỹ thuật ứng dụng, Sư phạm mỹ thuật, Tại chức và Sau Đại học) và 4 đơn vị trực thuộc (Trung tâm mỹ thuật ứng dụng, Trung tâm Tin học - Thư viện, Ban quản lý ký túc xá, Ban khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục), tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể.
Nhà trường đang triển khai tổ chức 6 chương trình giáo dục bậc đại học (hội họa, đồ họa, điêu khắc, lý luận và lịch sử mỹ thuật, thiết kế đồ họa, sư phạm mỹ thuật) với 9 chuyên ngành (sơn dầu, sơn mài, lụa, điêu khắc, đồ họa tranh in, tranh truyện, lý luận và lịch sử mỹ thuật, thiết kế đồ họa, sư phạm mỹ thuật); 2 chương trình giáo dục bậc cao đẳng (hội họa, thiết kế đồ họa) và 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (mỹ thuật tạo hình, lý luận và lịch sử mỹ thuật).
Với sứ mệnh là trung tâm đào tạo những nhà chuyên môn về mỹ thuật như: họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế, nhà sư phạm mỹ thuật, nhà lý luận và phê bình mỹ thuật có tri thức, có phẩm chất đạo đức, có khả năng sáng tác, thiết kế, nghiên cứu giảng dạy, đáp ứng mọi hoạt động mỹ thuật do xã hội yêu cầu, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh xác định quan điểm đào tạo và tầm nhìn chiến lược, đó là:
Đưa vấn đề đào tạo mỹ thuật Việt Nam sánh kịp với các trường trong khu vực, nhất là nhận thức, tư duy mới về nghệ thuật.
Thu hút được người học, đảm bảo sự phát triển của nhà trường cả về quy mô và chất lượng.
Thu hút nhiều người học đến với các ngành học truyền thống như: tranh sơn mài, tranh lụa, tranh khắc gỗ... (nhất là khối sinh viên nước ngoài trong khu vực); đưa nhà trường trở thành trung tâm đào tạo về sơn mài trong khu vực.
Mở thêm các ngành mới mà xã hội có nhu cầu cao; đưa được các loại hình nghệ thuật mới của thế giới vào môi trường đào tạo; đưa mỹ thuật Việt Nam phát triển tương đồng với các nền mỹ thuật trên thế giới.
Từ đó, nhà trường khẳng định quan điểm đào tạo bậc đại học của trường là phát triển chiều sâu nhóm ngành mỹ thuật tạo hình; phát triển chiều rộng nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng.
Trong bài phát biểu khai giảng năm học 2013-2014, Nhà giáo ưu tú - Nhà lý luận phê bình mỹ thuật - Tiến sĩ Trương Phi Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Năm học này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nhà trường. Đây là năm học mà toàn thể giảng viên, cán bộ viên chức và toàn thể sinh viên nhà trường kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường, từ Trường Vẽ Gia Định đến Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (1913 - 2013). Với ý nghĩa đó, năm học 2013 - 2014, toàn thể giảng viên cán bộ viên chức và sinh viên nhà trường quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Có kế hoạch và giải pháp cụ thể để đẩy mạnh thực hiện các đề án về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ theo đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tiếp tục duy trì phương thức đào tạo theo học phần, từng bước chuyển đổi phương thức đào tạo theo tín chỉ trong tất cả các khóa, các hệ đào tạo; mở rộng quy mô đào tạo chất lượng cao, đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Giữ vững phương châm đào tạo “Học đi đôi với hành; Nhà trường gắn liền với xã hội; nghệ thuật gắn liền với cuộc sống”.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá và đổi mới phương pháp học tập, qua đó xác định rõ nghĩa vụ và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong các hoạt động giảng dạy, phục vụ giảng dạy và quản lý nhằm giúp sinh viên có đủ điều kiện cần thiết cho môi trường học tập, rèn luyện trong học tập và tự học, tự nghiên cứu để đạt chuẩn đầu ra. 
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý giáo dục đại học theo đúng nhiệm vụ, chức năng đào tạo của nhà trường; thực hiện 3 công khai theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý trong trường; tích cực tìm các giải pháp tăng thêm nguồn thu, tiếp tục mở rộng không gian học tập và làm việc của trường, tăng cường đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” nhằm tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao đạo đức nhà giáo, góp phần giữ vững nề nếp học đường, tạo dựng môi trường văn hóa cộng đồng, văn hóa chất lượng để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế thành công hơn nữa của nhà trường; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường trong và ngoài nước.
Những nội dung phát biểu, một lần nữa, thể hiện ý chí và hành động trong việc phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, đồng thời cũng chính là chương trình hành động cụ thể hóa từ chủ trương mang tính chiến lược mà nhà trường đã đề ra...
Quá trình hình thành và tiến triển của nhà trường, từ Trường Vẽ Gia Định đến Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường một thế kỷ với biết bao thăng trầm. Trong sự nghiệp đào tạo và phát triển của mình, nhà trường luôn khẳng định vị trí, vai trò là một trung tâm đào tạo mỹ thuật đồng thời thể hiện rõ ưu thế trong đào tạo nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng song song với mỹ thuật tạo hình. Với bề dày lịch sử cùng tư duy nhạy bén, sáng tạo, nhà trường vẫn giữ được quy mô đào tạo trong cuộc cạnh tranh gay gắt trong và ngoài nước đối với việc thu hút người học. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp của trường đều tìm được việc làm phù hợp với ngành đào tạo và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Đội ngũ giảng viên các thế hệ của trường có trình độ chuyên môn khá, giỏi và có năng lực sư phạm; là những họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận phê bình có uy tín trong giới mỹ thuật Sài Gòn -TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Nhiều người có vị trí quan trọng trong các cơ quan, bộ máy nhà nước, các tổ chức mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh... Đáng trân trọng là sự đoàn kết, chung sức chung lòng của tập thể nhà trường cùng với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các cấp Lãnh đạo các Bộ ngành qua các thời kỳ... Đó chính là những nét đẹp truyền thống mà các thế hệ thầy, trò nhà trường luôn nhớ ơn, tôn vinh và tiếp bước.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 9-2013
-----------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trịnh Dũng (2001), Vai trò của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đối với phong trào mỹ thuật Việt Nam, Tham luận Hội thảo Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX.
2. Georges Ribon (1947), Les Écoles d’Art de Cochinchine, Tạp chí Indochine số tháng 9, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.

3. Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM (2008), Kỷ yếu Trường Vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TP.HCM (1913 - 2008), Thư viện ĐH Mỹ thuật TP.HCM. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives