TẢN VĂN  

Posted by Unknown

Lòng tong ăn bọt nước
TỪ KẾ TƯỜNG
Trong các loài cá dù sống ở nước mặn hay nước ngọt, lòng tong không có thứ hạng nào cả hay nói cách khác lòng tong là loài cá mạt hạng. Ngày xưa ở quê tôi không ai ăn cá lòng tong nên loài cá này không thấy bán ở chợ, tất nhiên chúng cũng không phải đối tượng đánh bắt của dân chài lưới trên sông và nhớ lúc tôi còn nhỏ trong những lần đi bắt hôi đập, tháo đìa… cá lòng tong nổi lền khi nước cạn nhưng chủ đập, chủ đìa và “con hôi” cũng không ai rớ tới, người ta chỉ lo bắt loài cá lớn hơn, có giá trị kinh tế để bán hay có giá trị thực phẩm để ăn trong bữa cơm gia đình. Nói tóm lại, cá lòng tong do “tạo hóa” sinh ra, thuộc một chủng loại thừa, không có giá trị khả dụng trong đời sống xã hội lẫn đời sống con người. Và quả thật, dân gian vô cùng chính xác khi gọi tên chúng là… cá lòng tong, bởi khi nghe cái tên đã biết nó không có giá trị gì.
Cá lòng tong lớn hơn cá cơm, thân hình thuôn, dẹp, dài cỡ 4 lóng tay, có vảy mỏng màu ánh bạc, đuôi chẻ như mái dầm màu ửng đỏ, có loại phớt vàng, hay đen. Đặc tính của cá lòng tong sống theo bầy đàn, ăn nổi trên mặt nước, xuất hiện nhiều nhất lúc thủy triều lên, chúng theo nước từ cửa sông vào rạch, bơi đuổi theo những cái bọt nước nhuộm vàng màu phù sa để ăn phiêu sinh vật bám trong bọt nước và người ta gọi cá lòng tong “ăn bọt nước”. Bắt cá lòng tong lúc này rất dễ bằng một loại chài tay nhỏ, người quăng chài tạo thành một vòng tròn đẹp mắt, chụp xuống mặt nước, úp gọn bầy lòng tong mê mồi vào lưới chài rồi từ từ kéo lên. Nhưng người ta bắt cá lòng tong như vậy là để mang về cho vịt ăn hoặc để phơi khô làm phân bón dưa, bầu, bí. Tôi chưa thấy ai “câu” cá lòng tong vì hơi sức đâu mà ngồi câu bắt từng con theo kiểu “nhặt hoa rơi” và tốn công, phí sức, mất thời gian vì câu cá lòng tong để làm gì và làm thế nào để “câu” cá lòng tong? Trong ký ức thời tuổi nhỏ của tôi cá lòng tong trên sông rạch, trong mương vườn nhiều vô kể. Và ngày đó, mỗi khi nghỉ hè về quê tôi thường đợi con nước buổi xế chiều vừa chớm vào mí rạch là xuống xóm Rẫy rủ cô bạn học thời tiểu học… tắm rạch. Trong khi chờ nước lớn đầy, tôi và cô bé ấy ngồi trên cây cầu dừa bắc qua rạch nối hai xóm Rẫy - xóm Vườn thi nhau dùng đất ném bầy cá lòng tong đuổi theo “ăn bọt nước” dưới chân cầu. Một lần cô bạn nhỏ ấy ngước đôi mắt to, có đuôi dài, đen nhánh hỏi tôi lên Sài Gòn có ăn món “cá lòng tong kho tép mỡ” chưa. Tất nhiên là chưa. Vì người thành phố mấy ai biết có một loài cá mang tên “lòng tong” trên cõi đời này. Cô bạn nhỏ đung đưa hai bàn chân trên mặt nước buông một câu “ngon nhất trần đời” rồi bảo tôi nếu muốn ăn món này thì ráng ném cho trúng bầy lòng tong, bắt được nhiều cá lên cô bé sẽ kho cá lòng tong với tép mỡ đãi “người thành phố”. Gì chứ tài bắn “cu li”, ném chim, ném cá, hồi nhỏ ở quê tôi thuộc vào loại “thần xạ”.
Đổi lại lời hứa này tôi vừa tập cho cô bạn nhỏ lội bằng bập dừa nước với mấy động tác căn bản trước khi bỏ bập dừa bơi thật sự mà không bị chìm. Đồng thời trổ tài “thần xạ” ném cá lòng tong để chút nữa cô bạn nhỏ mời tôi về nhà Rẫy đãi tôi bữa cơm chiều với món cá lòng tong kho tép mỡ như đã hứa. Quả nhiên, bữa cơm “ngon nhất trần đời” với món cá lòng tong kho tép mỡ mà lần đầu tiên tôi mới được thưởng thức bằng tài nấu nướng của một cô bé 11 tuổi còn học lớp nhất trường làng (lớp 5 bây giờ) và năm ấy tôi cũng chỉ mới 12, học lớp đệ thất trường Nguyễn Văn Khuê, Sài Gòn (lớp 6) bây giờ. Bữa có độc nhất món cá lòng tong kho tép mỡ mà kho “quéo” rắc tiêu thật cay, chan “canh” nước dừa xiêm, vừa ăn vừa hít hà khiến tôi nhớ tới bây giờ, hơn nửa đời người giờ về lại quê vẫn còn nhớ.
Thế là tôi chặt một cây trúc dài vừa tầm tay, đốt lửa, uốn cây trúc thành cây cần câu. Dây câu là sợi nhợ gân, lưỡi câu là đoạn kẹp giấy mài nhọn đầu, dũa ngạnh, làm móc để cột vào dây câu. Mồi câu cá lòng tong rất đơn giản: những hột cơm nguội. Tôi canh con nước lớn buổi xế chiều vừa chảy vào con rạch ngăn hai xóm Vườn - xóm Rẫy là xách cần, lon “mồi”, cái thùng nhựa nhỏ lần theo bờ vườn xuống con rạch Xẻo Bần câu cá lòng tong với ý định tìm lại một kỷ niệm xưa thời tuổi nhỏ. Khu vườn dừa bạt ngàn của xóm Vườn giờ đã thay đổi quá nhiều khiến chân đi của tôi lúng túng. Nhiều chủ vườn đã phá những bờ dừa liền nhau để làm ao nuôi tôm công nghiệp, do nhà nhà đua nhau nuôi tôm công nghiệp tự phát, chẳng ai quản lý môi trường nước thải nên nguồn nước bây giờ ô nhiễm nghiêm trọng, tôm nuôi ba vụ chết hai, một vụ huề vốn nên coi như thua lỗ, ao tôm bỏ trống.
Cây cầu dừa bắc qua con rạch Xẻo Bần giáp ranh hai xóm Vườn - xóm Rẫy giờ thay bằng cây cầu đúc nhỏ, xe đạp, xe máy có thể chạy qua được. Giao thông liên xóm bây giờ thật tiện lợi, “điện khí hóa” tới nhà cô bạn nhỏ của tôi ngày xưa thuộc diện “vùng sâu, vùng xa”. Thay vì ngày xưa đêm đến chỉ có đèn dầu leo lét, muốn qua xóm Rẫy phải qua cầu dừa trơn trợt, ai có xe đạp thì vác vai, lần bước để qua, còn xe máy thì bó tay. Tôi ngồi dưới chân cầu đúc phía bên này xóm Vườn câu cá lòng tong, nước rạch dâng cao dần, nhưng những bầy cá lòng tong mê mồi đuổi theo những cái bọt nước nhuộm vàng màu phù sa ngày trước có thể quăng một mẻ chài bắt được cả rổ giờ rất hiếm hoi. Tôi ngồi đợi từng bầy cá lòng tong như ngồi đợi tin xuân, đợi từng cánh én, thỉnh thoảng mới có một vài con cá lòng tong… đi lạc bỏ rơi cái bọt nước lờ đờ dưới chân cầu để cắn hột cơm tôi buông câu. Tôi gỡ cá và thả chúng trở lại trong cảm giác ngậm ngùi. Những bầy cá lòng tong đông đảo ngày xưa tung tăng trên mặt nước giờ cũng đi đâu mất.
Cũng đã bao nhiêu năm rồi không nhớ, vì thời gian quá dài không tính được bằng năm tháng mà phải tính bằng khoảng cách của không gian, thời gian. Cô bạn nhỏ ngày xưa của tôi thời tiểu học đã không còn ở xóm Rẫy nữa, nghe mẹ tôi nói cô ấy đã theo chồng về tận Cà Mau trong thời chiến tranh, từ đó đến sau năm 1975 và tới tận bây giờ vẫn không thấy trở về. Ngôi nhà nhỏ hồi tôi được cô bạn dẫn qua cầu dừa về sâu trong xóm Rẫy để ăn bữa cơm giữa chiều với món cá lòng tong kho tép mỡ chan canh nước dừa xiêm giờ đã có người khác ở.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives