Ai đã thiêu rụi thành quả Cách mạng tháng Mười ở Liên Xô?  

Posted by Unknown

NGUYỄN VĂN TOÀN
(287 Chi Lăng, P. Phú Hiệp, TP. Huế)
Rõ ràng và hiển nhiên, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô - “một thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX”, như lời Tổng thống Nga V.Putin đã nhận định, không thể trong một thời gian ngắn mà lý giải hết được các góc cạnh và chiều sâu của nó.

Một người lính bật khóc trên chiếc xe tăng vì cuộc đảo chính thất bại.
Phe “dân chủ” của Yeltsin đã chiếm được quyền lực thực tế.
Ðây là nỗ lực cuối cùng cứu Liên Xô nhung bất thành. 
NHỮNG ĐIỀU “BÍ ẨN” CỦA GORBACHEV
Cách đây hơn 22 năm, trong buổi tối ngày 25-12-1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 đã sụp đổ sau 74 năm tồn tại của nó. Vậy tại sao chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô lại sụp đổ một cách nhanh chóng vào năm 1991 khi trước đó nó đã vượt qua biết bao thử thách hiểm nghèo? Nhiều học giả đã đưa ra một cách giải thích khác về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô qua việc nêu trách nhiệm của Tổng Bí thư Gorbachev. Bởi theo họ, Gorbachev có quá nhiều bí ẩn liên quan đến những biến cố ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu cũng như đối với cách mạng thế giới.
Về cuộc cải tổ của Liên Xô, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã thắc mắc: “Người ta tuyên bố rằng, cần phải hoàn thiện được chủ nghĩa xã hội. Nhưng phải chăng có thể hoàn thiện được chủ nghĩa xã hội bằng cách từ bỏ những nguyên tắc sơ đẳng nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại sao cái gọi là những cuộc cải cách lại tiến hành theo hướng tư bản chủ nghĩa? Nếu những tư tưởng ấy mang tính cách mạng như người nào đó vẫn khẳng định, thì tại sao nó lại nhận được sự ủng hộ nhất loạt và mừng rỡ của các nhân vật lãnh đạo của chủ nghĩa tư bản”. Bên cạnh đó, trong cơn nguy kịch của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, chính sách “không can thiệp” của Gorbachev cầm đầu đã tạo điều kiện thuận lợi
Từ phải sang: Gorbachev,
Tổng thống Mỹ Reagan và Bush (cha).
thêm để các thế lực phản cách mạng phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn, Gorbachev đã nói với Helmut Kohl (Thủ tướng CHLB Đức) rằng: “Từ nay Chính phủ và quân đội Liên Xô sẽ không can thiệp vào tình hình nội bộ của Đông Đức và Đông Âu nữa”. Câu nói đó khiến Thủ tướng Tây Đức vô
cùng kinh ngạc và đã yêu cầu người phiên dịch của mình hỏi lại Gorbachev một lần nữa. Riêng về Cuba, trước khi bùng nổ chính biến tháng Tám năm 1991 ở Liên Xô, theo lời mời của Đảng Cộng sản Liên Xô, một phái đoàn của Đảng Cộng sản Cuba đã tới Moscow. Theo chứng nhận của ông Vitali Makarov (từng là cựu Đại sứ Nga tại Cuba), Gorbachev sau khi không thuyết phục được các Ủy viên Bộ Chính trị về việc rút quân đội Liên Xô ra khỏi Cuba đã tới gặp riêng các vị khách Cuba vào buổi tối và bất ngờ tuyên bố: “Các đồng chí hãy về nói với Fidel rằng, Cuba không cần đi theo con đường của chúng tôi!”. Còn các nước mới theo con đường xã hội chủ nghĩa như Nicaragua, Afghanistan... thì Gorbachev bỏ mặc. Bằng chứng là sự rút lui vội vã của quân đội Liên Xô mà không đưa ra được một giải pháp nào có lợi cho cách mạng Afghanistan nên chính quyền cách mạng Nabullah bị tắm máu bởi bọn phản cách mạng và các thế lực đế quốc.
Những diễn tiến này cũng khiến phương Tây hết sức khó hiểu. Chẳng hạn, cuối năm 1991, Henry Kissingger, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhân chuyến công cán đến Nga, đã nói với V.Putin, lúc đó là trợ lý đối ngoại về vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Annatoly Sobtchak - Chủ tịch Xô Viết thành phố Saint Petersburg: “Ông biết không bấy giờ người ta đang phê phán tôi về quan hệ của tôi đối với Liên bang Xô Viết. Tôi cho rằng, Liên Xô không nên rút khỏi Đông Âu một cách vội vã như thế. Chúng ta đã làm các lực lượng trên thế giới này thay đổi quá nhanh và điều này có thể dẫn đến những hậu quả không đáng mong đợi. Giờ thì người ta cho rằng tôi đã dự đoán sai lầm. Người ta bảo, đấy, Liên Xô đã đi rồi, mọi chuyện vẫn bình thường cả chứ, vậy mà ông bảo không thể nào làm được. Tôi quả thực đã cho là không thể làm được như thế”. Suy nghĩ một lát, Kissingger nói tiếp: “Thú thực là, tới bây giờ tôi vẫn không hiểu, vì sao Gorbachev lại làm như vậy”.
Những hành động kỳ quặc như vậy của Gorbachev khiến những quan chức cao cấp của Liên Xô cũng
MIKHAIL SERGEYEVICH GORBACHEV
không đoán định được. Như Valentine Sergeyevich Pavlov, vị thủ tướng cuối cùng của Liên Xô đã chua xót nói rằng: “Ở đây không cần đặt ngài Tổng Bí thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô buổi tối còn tuyên bố trước toàn thế giới về sự trung thành của mình với những lý tưởng xã hội chủ nghĩa và đổi mới Đảng, ngày hôm sau, với chức Tổng thống hợp pháp của đất nước đã đồng ý vô điều kiện việc cấm Đảng Cộng sản này hoạt động và không chỉ tuyên bố sự từ bỏ trách nhiệm Tổng Bí thư mà còn kêu gọi Ban chấp hành Trung ương tự giải tán”.
SỰ PHƠI BÀY BẢN CHẤT CỦA GORBACHEV
Trong năm 1991, Gorbachev đã hứa rằng: “Sau năm năm nữa tôi sẽ kể cho mọi người những nguyên nhân đích thực của những điều tôi đã làm”. Vậy Gorbachev đã kể cho mọi người những nguyên nhân đích thực nào? Trong Hồi ký của mình (xuất bản năm 1995), Gorbachev đã thừa nhận mục đích cải tổ về kinh tế của mình nhằm phục vụ cho sự phục hồi chủ nghĩa tư bản. Ông ta đã viết rằng: “Những con người của cơ chế cũ đang ngáng đường công cuộc cải cách kinh tế. Chúng ta phải quét sạch chúng đi để giành đủ quyền tự do cho các chủ xí nghiệp”. Rõ ràng Gorbachev rất mong muốn cải hướng thành công về kinh tế, biến Liên Xô thành một nước Mỹ “song sinh”.
Tiếp đó, vào năm 1999, tại Hội thảo của các trường Đại học Mỹ tổ chức tại Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ), Gorbachev đã diễn thuyết và tự thú nhận “Mục đích của cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản” gây chấn động dư luận: “Mục đích của đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản... Về mặt này, vợ tôi đã kiên định được lòng tin của tôi, bà ấy có quan điểm này sớm hơn tôi. Chỉ có khi giữ chức vụ cao cấp nhất, tôi mới có thể có khả năng lớn nhất để thực hiện mục đích đó. Vì vậy, vợ tôi muốn tôi cố gắng leo lên không mệt mỏi, khi chính bản thân tôi đã nhận thức được phương Tây thì quyết định của tôi trở thành điều không thể thay đổi. Tôi cần phải quét sạch toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và của Liên Xô, tôi cần phải quét sạch sự lãnh đạo của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng của tôi là con đường của đảng dân chủ xã hội, kinh tế kế hoạch kìm hãm năng lực của con người, chỉ có thị trường mới dẫn tới phát triển. Tôi đã tìm được bạn của mình để thực hiện mục tiêu giống nhau, trước hết là Yakovlev và Shevarnadze, họ đã lập công to lớn trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản. Tôi muốn giữ Liên Xô trong đường biên giới như thế, nhưng là một quốc gia dân chủ với tên gọi khác. Tôi đã không thành công… Khi Yeltsin làm tan rã Liên Xô, tôi rời điện Kremli, hàng trăm nhà báo tưởng rằng tôi sẽ khóc. Tôi không khóc, bởi vì mục đích chủ yếu của tôi đã đạt được: tôi đã tiêu diệt được chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô và của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa”.
Gorbachev là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng ông lại là một kẻ phản bội Đảng. V.I.Boldin, trợ lý trong hơn 10 năm (1980 - 1991) và sau này là chuyên gia nghiên cứu về con người của Gorbachev đã chua xót nói rằng: “Trong lịch sử chưa có trường hợp người đứng đầu Đảng phản bội lại các lý tưởng của Đảng, chà đạp các quan hệ đồng chí. Trong lịch sử cũng chưa có trường hợp người đứng đầu nhà nước một quốc gia - cường quốc vĩ đại có hành động xấu xa quay lưng lại đối với đất nước của chính mình, đã đánh lừa và bỏ mặc số phận hàng triệu người...” 
NHỮNG NGUYÊN NHÂN SÂU XA
V.I.Boldin nhận định rằng: “Có lẽ các nhà lịch sử còn phải tìm hiểu khi nào, tại sao quan điểm của Gorbachev lại thay đổi đột ngột... Làm sao Tổng Bí thư lại có thể biến từ người bảo vệ chủ nghĩa xã hội, viễn cảnh chủ nghĩa cộng sản thành người kính nể các khái niệm con đường phát triển chủ nghĩa tư bản. Tôi cho rằng thời gian sẽ buộc M.S.Gorbachev phải giải thích cho thế giới rõ về sự thay đổi quan điểm, các nguyên tắc đột ngột đến như vậy”. Còn N.C.Baibakov, Chủ tịch Hội dồng Kinh tế Nhà nước Liên Xô trước đây cũng đã nói rằng: “Ở đây có nguyên nhân sâu xa hơn: ông ta biết những gì đã làm để tạo ra cảnh hỗn loạn. Có lẽ có những lực lượng nào đó đứng sau lưng ông ta thực hiện chiến công của Hêrôxtơrát chăng? Tại sao ông ta trở thành con tin của họ? Dĩ nhiên, điều đó sẽ được tòa án lịch sử làm rõ, và tôi nghĩ tòa án lịch sử ấy không còn xa lắm đâu”. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của sự thay đổi này?
Mikhail Sergeyevich Gorbachev sinh vào ngày 2-3-1931 trong một gia đình nông dân tại làng Privolnoye, tỉnh Stavropol. Là con trai của một công nhân cơ khí nông nghiệp Nga Alexi Gorbachev và bà Maria Pantelyeva. Vào thời điểm 3 tuổi (1934) và 5 tuổi (1938), Gorbachev đã phải sống trong hoàn cảnh gia đình bị hàng xóm xa lánh do ông nội và ông ngoại có dính dáng đến vấn đề chống đối chế độ. 7 tuổi, Gorbachev đã chứng kiến những bất hạnh mà ông ngoại phải chịu đựng trong tù cũng như cái chết của ông ngoại mình ngay sau được trả tự do. V.I.Boldin đã viết về ảnh hưởng này đối với Gorbachev như sau: “Mọi người đều biết các đời ông, bà ông đã sống khó khăn, nhiều lúc trở nên bi kịch, đã trải qua thời kỳ bắt đầu phong trào nông trang và đã tranh chấp với chính quyền Xô Viết. Tất cả những điều đó rõ ràng đã nói lên tính cách của Mikhail”.
Trong Hồi ký của mình, Gorbachev cũng đã nói tới chuyện quân chiếm đóng Phát xít ở trong nhà mình, bắt mọi người nấu ăn cho chúng và ông ta phải vặt lông vịt, gà, ngỗng nhiều giờ, dọn bàn ăn cho bọn Hitler. Gorbachev không nói tới sự dã man của bọn Hitler, còn về chuyện một người Calmức, đã hợp tác với quân Đức đánh ông bằng roi da thì hằn sâu trong tâm trí ông, và ông luôn nhớ đến hành vi không hữu nghị này, cả đến khi trở thành Tổng thống Liên Xô. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Gorbachev khi đó được 14 tuổi. Sau này trong Hồi ký của mình, Gorbachev viết: “Chiến tranh đã đốt cháy chúng tôi, để lại dấu ấn trong tính cách và trong thế giới quan của chúng tôi”.
Năm 1952, Gorbachev được xét kết nạp Đảng. Liền sau đó, Gorbachev được đơn vị cử đi học Luật tại Đại học Lomonosov Moscow. Về mối quan hệ bạn bè thời Đại học, Gorbachev chơi rất thân với Zdenek Mlynar - đảng viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc có tư tưởng cấp tiến và sau này có âm mưu lật đổ chế độ (sự kiện Mùa xuân Praha năm 1968). Hai người đã thường xuyên gặp gỡ nhau để nói chuyện về các lĩnh vực chính trị và pháp luật. V.I.Boldin đã nhận xét rằng: “Ngày nay, khó có thể nói được sự ảnh hưởng như thế nào của con người này đối với Gorbachev trong suốt những năm họ quen biết nhau. Nhưng có ảnh hưởng là vấn đề không phải nghi ngờ”.
Tháng 6-1955, Gorbachev tốt nghiệp với tấm bằng Đại học xuất sắc và Gorbachev tin chắc mình sẽ được vào Viện Kiểm sát Liên bang. Nhưng một điều ông ngỡ ngàng là cơ quan này cự tuyệt nhận ông vào làm việc. Viện Kiểm sát cho rằng ông không thích hợp với các công việc giám sát các tổ chức an ninh của Nhà nước và phục hồi công bằng xã hội, các lĩnh vực nhạy cảm vì “chưa đủ trình độ”. Gorbachev lâm vào trạng thái tuyệt vọng. Việc Gorbachev không được nhận vào Viện Kiểm sát Liên bang đã làm cho Gorbachev phải nếm trải nhiều nỗi đắng cay. Raisa, vợ Gorbachev lúc này đang học tiến sĩ triết học và bà đang khao khát được định cư tại Moscow để thoát khỏi cuộc sống tại vùng Siberia gian khổ. Nếu Gorbachev được nhận vào làm việc tại Viện Kiểm sát Liên bang thì họ sẽ được Nhà nước cấp căn hộ theo tiêu chuẩn cán bộ và được hưởng các ưu đãi của trí thức thủ đô. Ngược lại với tương lai tốt đẹp đó, Raisa phải bỏ lỡ việc học tiến sĩ để cùng chồng về sinh sống tại Starovpol.

NIKITA KRUSHCHEV
Việc Nikita Sergreevich Khrushchev đả kích Stalin về tội “lạm dụng quyền hành, sùng bái cá nhân và thiếu tôn trọng ý kiến của Đảng” tại phiên họp kín (ngày 25-2-1956) của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô làm cho Gorbachev thực sự bị “sốc”. Ông ta bắt đầu nhận ra rằng việc mình không được nhận vào làm việc ở Viện Kiểm sát Liên bang là do lý do khác. Khi Khrushchev lên làm Tổng Bí thư vào ngày 7-9-1953 thì toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật thời Stalin - Beria bị sụp đổ hoàn toàn. Beria, Bộ trưởng Bộ Dân ủy Nội vụ khi đó đã có mưu đồ lên nắm quyền lực tối cao. Nhưng Khrushchev đã tập hợp lực lượng để vây bắt Beria vào ngày 26-6-1953. Do đó chính quyền Khrushchev đòi hỏi phải có lực lượng mới trong Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát. Do vậy, những người học luật ra trường vào thời điểm đó có khả năng nhận vào làm việc một cách dễ dàng. Nhưng do việc Gorbachev xuất thân từ vùng bị quân Đức chiếm đóng, có người trong gia đình bị đi đày nên hồ sơ xin việc của ông đã bị gạt bỏ. Tuy nhiên, Gorbachev cho rằng vì bản thân là “đồng hương” với Stalin - Beria và là “tín đồ” của chủ nghĩa Stalin nên mới bị loại bỏ khỏi công tác tại Viện Kiểm sát Liên bang. V.I.Boldin đã nhận xét về ảnh hưởng của sự kiện này đối với Gorbachev như sau: “Không tìm được cho mình một chỗ ở Viện Kiểm sát tối cao, sự thất bại đó đã để lại vết xây xát đáng kể trong lòng Gorbachev, do vậy ông ta thường xuyên nhớ lại điều đó, thậm chí khi đã trở thành Tổng Bí thư. Theo quan điểm của tôi, đó là thời gian ít có ý nghĩa đối với ông ta. Có lần ông nói rằng, khoảng giữa những năm 70 người ta bổ nhiệm ông làm Viện trưởng Viện Công tố Liên Xô, nhưng dường như ông đã từ chối”.
Sau 16 năm phấn đấu khó nhọc từ công tác Đoàn thanh niên và Đảng ủy khu vực, vào tháng 4-1971, sau khi Khrushchev bị hạ bệ, Gorbachev đã được giới thiệu với Bộ Chính trị và được làm Bí thư thứ nhất khu ủy Đảng lãnh thổ Stavropol. Một năm sau, Gorbachev được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 11-1978, Gorbachev được điều đến Moscow làm Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng phụ trách nông nghiệp. Sau đó, Gorbachev được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị vào năm 1979 và tháng 11-1980, trở thành Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Như chúng ta thấy, những nỗi oan uổng của Gorbachev trong thời kỳ Khrushchev hầu như đã được bù đắp và theo logic thì hiển nhiên ông ta sẽ không còn bất mãn với chế độ nữa. Song trong thời điểm đó đã có những kẻ phản bội nguy hiểm xuất hiện. Đó là Alexandre Nikolaevich Yakovlev và sau đó là Eduard Shevarnadze. Yakovlev là Đại sứ Liên Xô tại Canada trong thập niên 70 và là kẻ bị V.Cruisốp (Chủ tịch KGB) vạch mặt là người của CIA. Còn Shevarnadze “mai danh ẩn tích” trong chính giới thì dưới thời Gorbachev lại là Thị trưởng Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô và được đánh giá là có người “tư duy mới” trong đối ngoại. Bị những con người đó bao quanh, sự biến chất của Gorbachev đã trở nên sâu sắc và không thể đảo ngược trở lại được nữa. Tuy nhiên cũng có một nguyên nhân nữa. Điều này phải xét ở bản chất xã hội của Gorbachev. Một học giả Nga, M.Rudinski đã nhận xét rất đúng rằng: “Bản chất xã hội của cá nhân Gorbachev? Ông ta chưa bao giờ lao động trong một tập thể công nhân, trong một xí nghiệp công nghiệp hay trong giới trí thức thành phố. Ông là đại diện điển hình cho một nhóm xã hội mới, các quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta đã dẫn đến các thay đổi lớn trong cơ cấu xã hội... Nguồn gốc xã hội của các hiện tượng như Gorbachev, Yakovlev là ở sự xuất hiện các tầng lớp tụt hậu khá đông trong xã hội. Đó là những người đã rời nông thôn nhưng không hòa hợp được với nền văn hóa thành thị hoặc chỉ cảm thụ được các yếu tố bề ngoài của nó. Trong đó có nhiều người đã được giáo dục theo tinh thần tư hữu, ích kỷ cá nhân và háo danh, những người đó đã dễ dàng nhảy vào giới lãnh đạo đảng mang tính tư sản của Liên Xô”.
Việc Gorbachev tiếp xúc với phương Tây cũng tác động rất lớn đối với thế giới quan của Gorbachev. Tháng 12-1984, Gorbachev dẫn đầu đoàn đại biểu tới Anh và ngay lập tức được Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thừa nhận ông là một người Nga có phong cách mới và tuyên bố: “Chúng ta có thể hợp tác với nhau”. Gorbachev cũng là vị Tổng Bí thư Liên Xô đi ra nước ngoài nhiều nhất. Theo ghi chép của V.Medvedev, cận vệ của Gorbachev, trong vòng sáu năm (1985 - 1991), Gorbachev đã thực hiện 40 chuyến đi đến 26 nước. Trong đó, số chuyến đi sang các nước phương Tây là chiếm một nửa (21 chuyến đi): Pháp (4 lần), Mỹ (3 lần), Phần Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Italia, Anh (2 lần), Thuỵ Sỹ, Aixơlen, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Na Uy (1 lần). Những chuyến đi này khiến cho nhận thức về các giá trị phương Tây của Gorbachev dần trở nên dữ dội. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã viết trong Hồi ký của mình: “Từ tám tháng trước ngày Gorbachev nhậm chức, tôi và ông ta đã bí mật trao đổi tài liệu, qua đó tôi nhận thấy rằng ông ta không giống như một số vị lãnh đạo Liên Xô trước đây mà tôi từng đã biết. Ông ta là một người Nga rất khác thường... Lúc tôi bắt tay ông Gorbachev và quan sát kỹ nụ cười của ông ấy, từ trong lòng tôi đã nhận thấy rằng, nhận xét của mình là đúng. Cảm giác vui sướng tràn ngập khắp người tôi. Dự định của tôi có thể sẽ thành công”. Mặt khác, thông qua các cuộc Hội thảo quốc tế về giải trừ quân bị và chống chiến tranh hạt nhân do phương Tây tổ chức từ năm 1985 đến 1987 mà Gorbachev luôn được mời tham gia, phương Tây đã tạo cho Gorbachev những tâm lý khiếp sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đặc biệt, khi sự kiện bi thảm xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl chỉ một năm sau khi lên cầm quyền đã khiến cho Gorbachev cảm thấy toàn thể nhân loại đang thực sự bị các vũ khí hạt nhân đe dọa từng giây từng phút. Có lẽ nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai vẫn ngự trị trong ông, khi ông đang ở tuổi thiếu niên, độ tuổi định hình về mặt tâm lý và thế giới quan của cá nhân mỗi con người.
Chính vì có những tố chất đặc thù nên Gorbachev mới dễ dàng phản bội lại Đảng và Nhà nước Xô Viết, những cơ cấu đưa ông ta đến đỉnh cao quyền lực. Gorbachev từ sự tác động của vợ, rồi Yakovlev, Shevarnadze và sau đó là Reagan... trên một thế giới quan dao động và các nỗi ám ảnh của quá khứ đã dần dần biến chuyển từ một công dân Xô Viết thời đại Stalin sang một kẻ đội lốt cộng sản để thực hiện các mục đích háo danh. Gorbachev là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô nhưng ông lại là một kẻ phản bội Đảng. Từ phản bội Đảng, Gorbachev đã làm cho Liên Xô tan rã. Đây là trách nhiệm lớn nhất Gorbachev phải chịu đối với lịch sử.
KẾ HOẠCH PHÁ HOẠI THÀNH HIỆN THỰC
Brezhnev mất vào năm 1982, Andropov lên thay và sau đó là Chernenko. Sau khi Chernenko mất, Gorbachev nhanh chóng giành được sự ủng hộ của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 3-1985. Sau khi nắm quyền, mượn cớ chống tham nhũng và tình trạng thiếu năng lực trong tổ chức Đảng, Gorbachev nhanh chóng đưa các phe cánh của mình vào các vị trí chủ chốt. Gorbachev cũng tiến hành như vậy, nhưng mạnh mẽ hơn ở cấp địa phương. Từ tháng Giêng năm 1987, Gorbachev bắt đầu tập trung vào việc “dân chủ hóa chế độ Xô Viết”. Quá trình này đã gây ra sự xáo trộn lớn trong xã hội Liên Xô. Vào năm 1988, Gorbachev tăng thêm cố gắng của mình, đưa ra những chỉ trích về thời đại Stalin. Dưới sự chỉ đạo của Gorbachev, Hiến pháp Liên Xô đã được sửa đổi nhằm mở đường cho việc bầu ra 2.250 đại biểu nhân dân nhằm thay thế Xô Viết tối cao. Năm 1990, các cuộc bầu cử được tổ chức trên 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Các cuộc bầu cử này đã làm giảm mạnh quyền lực của hệ thống Đảng Cộng sản, Đảng đã mất dần quyền lãnh đạo đối với các cơ quan Nhà nước. Cùng lúc này, Gorbachev cho tiến hành hàng loạt cải cách về chính trị bao gồm bãi bỏ sự kiểm duyệt báo chí, bãi bỏ việc cấm các tổ chức và nghiệp đoàn độc lập và bãi bỏ những hạn chế trong việc đi ra nước ngoài và nhập cư. Đặc biệt, tháng 3-1990, Gorbachev đòi Xô Viết tối cao sửa đổi Hiến pháp để cho các đảng không cộng sản đăng ký hoạt động.
Gorbachev cho rằng, sự cải cách bên trong có thể sẽ không tiến triển nếu như thiếu một bước chuyển lớn trong chính sách đối ngoại. Vào năm 1985, Gorbachev bổ nhiệm người “có đầu óc cải tổ” là Shevardnadze làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1987, Gorbachev đưa ra “tư duy mới” trong chính sách đối ngoại của Liên Xô. Nhìn chung, trong thời gian cầm quyền, Gorbachev đã có những thỏa hiệp, nhượng bộ không có lợi cho cách mạng thế giới. Hay có thể coi đó là sự đầu hàng, phản bội lại phong trào cộng sản. Sang các năm 1989-1991, một loạt các biến động chính trị đã diễn ra ở Đông Âu. Đỉnh cao là việc chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Đức cùng với việc dỡ bỏ bức tường Berlin. Tháng 10-1990, Gorbachev nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình cho việc góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Nhưng thực chất việc Liên Xô không can thiệp trước việc “sụp đổ” các nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu mới là điều kiện để Gorbachev có thể nhận giải thưởng này.
BORIS YELTSIN
Các cải cách kinh tế của Gorbachev diễn ra chậm hơn rất nhiều so với những cải cách chính trị. Dưới các chính sách khó hiểu của Gorbachev, Liên Xô dần xa rời những nguyên tắc kinh tế - xã hội chủ nghĩa. Trong nhiệm vụ của “Chiến lược tăng tốc”, Gorbachev nói chỉ cần tăng 4% thu nhập quốc dân giai đoạn 1986-1987 thì sẽ hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ XII (1986 - 1990) thì đến năm 1989, tổng sản phẩm quốc dân giảm 4-5%, năng suất lao động xã hội giảm 2,5%, thâm hụt mậu dịch lên tới 5 tỉ USD và nợ nước ngoài 58 tỷ USD. Tình trạng khan hiếm các loại thực phẩm đã ở mức nghiêm trọng. Năm 1989, sản lượng lương thực của Liên Xô chỉ đạt 190 triệu tấn (trong kế hoạch phải đạt 220 triệu tấn) và phải nhập 45 triệu tấn lương thực. Hàng tiêu dùng trong nước cũng khan hiếm nghiêm trọng, trong 1.200 loại hàng chủ yếu trên thị trường chỉ có 200 loại có thể bảo đảm cung ứng. Số tiền tồn đọng trong nhân dân tới 200 tỷ rúp nhưng không mua được hàng. Do đó, Liên Xô phải tái lập hệ thống phân phối thời chiến tranh sử dụng tem phiếu hạn chế mỗi người dân chỉ được tiêu thụ sản phẩm ở một mức nào đó mỗi tháng. Đến đầu năm 1990, sự giảm sút thu nhập quốc dân đã lên tới 10%. Tổng thu nhập của Liên Xô là 1.500 tỷ USD, đã bị Nhật Bản vượt qua và thua kém rất xa so với tổng thu nhập của Mỹ (4.500 tỷ USD). V.Boldin đã viết rằng: “Đến tận năm 1988 mới là năm làm tôi sáng mắt ra. Tôi bất ngờ phát hiện ra rằng, số phận của quốc gia, việc tăng cường sự hùng mạnh của nó đều không phải là mục đích của Gorbachev. Trong làn sóng của tính tự mãn ngự trị, khi đó trong tác phong của ông ta đã bắt đầu thấy những khuynh hướng độc tài, ích kỷ, mưu lợi cá nhân, chủ nghĩa dân túy, các việc làm ngày càng thiên về ý đồ thứ hai này”.
Sau các cuộc bầu cử năm 1990, các nhà nước cộng hòa thay nhau tuyên bố về chủ quyền của mình. Đầu tiên là ba nước cộng hòa vùng Baltic và ngay cả nước Nga, là nước cộng hòa chiếm hơn nửa dân số của Liên Xô cũng tuyên bố độc lập sau khi Yeltsin trở thành Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga (tháng 6-1991). Ngày 19-8-1991, một cuộc đảo chính đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của những người cánh tả Liên Xô. Song cuộc đảo chính này nhanh chóng bị thất bại. Sau khi trở lại nắm quyền vào ngày 21-8, Gorbachev liền “yêu cầu” giải tán Ủy ban Trung ương Đảng và cũng tự mình trút bỏ chức danh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô để rồi sau đó lộ nguyên hình là kẻ phản bội giai cấp. Sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động vào ngày 29-8 đã minh chứng cho điều đó.
Ngày 21-12-1991, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, 11 nước cộng hòa ký kết hiệp định về giải tán Liên bang Xô Viết và chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Trong buổi tối giá lạnh 25-12-1991, sau khi tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô của Gorbachev, lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tròn điện Kremli hạ xuống kéo theo đó là sự tan rã của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết.
__________
Tham khảo từ:
l Martin McCauley (2009), Gorbachev, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.
l V.A.Criuchơcốp (1999), Hồ sơ cá nhân: Thế kỷ XX trước con mắt của những nhân chứng KGB Liên Xô, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
l V.I.Boldin (1996), Sự sụp đổ của một thần tượng: Những nét chấm phá chân dung M.X.Goocbachốp, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
l Tiêu Phong (2004), Hai chủ nghĩa một trăm năm, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
l M.X.Goócbachốp (1988), Cải tổ và tư duy mới đối với nước ta và thế giới, NXB Sự Thật - Hà Nội phối hợp NXB. ANP - Mátxcơva.
l V.Páplốp, A.Lukianốp, V.Criuscốp (1994), Goócbachốp - bạo loạn: sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
l Hoàng Thu Hương, Nguyễn Anh Tuấn, NXB Lao Động, Hà Nội.
l N.C.Baibacốp (2001), Từ Xtalin đến Enxin, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
l Ronan Rigân (2003), Hồi ký Ronan Rigân, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
l Ph.M.Ruđinxki (2001), Vụ án Đảng Cộng sản Liên Xô tại tòa án Hiến pháp: ghi chép của tham gia phiên tòa, Viện Thông tin Khoa học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
l Vlađimia Métvêđép (2002), Người đứng sau lưng, NXB Lao Động, Hà Nội.
l A.I.Vlasov (2003), Bí mật của một đế chế sụp đổ, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives