GÓC NHỎ SÀI GÒN  

Posted by Unknown

Hành trình yêu… Sài Gòn
LÊ THỊ THỊNH
Ai đó đã nói với tôi, nếu nước Mỹ là nơi mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực, thì tại Việt Nam thành phố Sài Gòn cũng vậy. Sài Gòn tráng lệ, có những tòa nhà cao chọc trời, là nơi có nền kinh tế phát triển nhất nước, nơi rất nhiều anh tài hội tụ về. Nơi mà nếu cố gắng hết sức tôi có thể đạt được điều tôi muốn. Không phân vân nhiều, ngay sau khi tốt nghiệp lớp 12, một mình tôi - một cô gái miền quê Bắc Trung bộ, mười tám tuổi vác ba lô lên tàu vào Sài Gòn. Dù tôi biết có thể ở nơi phồn hoa đó, tôi có thể cô độc, vì những người tôi yêu thương đều ở ngoài quê cả. Bước xuống tàu, bị choáng ngợp trước cái gọi là thành phố phồn hoa nhất nước. Ban đêm mà cũng không khác ban ngày là mấy; đèn điện rực rỡ khắp nơi, đường phố đông đúc người qua lại còn hơn ngày lễ ở quê tôi nữa, những tòa nhà cao chọc trời mà phải ngước thật cao mới thấy được hết, cả thành phố rộn ràng đủ thứ âm thanh không ngớt...
Trong khi chờ kết quả thi đại học, tôi ở tạm nhà trọ của chị họ xa. Những ngày rảnh rỗi ngắn ngủi này, với tấm bản đồ mới mua, tôi lại xách xe đạp đi lòng vòng qua mấy con phố Sài Gòn. Tôi bỗng giật mình phát hiện ra còn có một Sài Gòn khác nữa đằng sau Sài Gòn phồn hoa, tráng lệ mà tôi đang thấy. Ở đâu đó trong những con hẻm nhỏ cách xa trục đường lớn, những ngôi nhà ổ chuột, hay những ngôi nhà chỉ vài mét vuông nhưng là nơi sinh hoạt của một gia đình nhiều thế hệ. Trông khuôn mặt họ đăm chiêu, đôi lúc mệt mỏi. Tôi mong mãi một nụ cười giòn tan như cái xóm nhỏ ở quê nghèo của tôi, nhưng chờ mãi không thấy, tôi lại đi tiếp. Mang theo dòng suy nghĩ về những khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy. Tôi chợt suy nghĩ, phải chăng khi ở quê nghèo họ vui vẻ, nhưng khi vào đây họ lại trở nên mệt mỏi như vậy, thành phố này đã làm gì họ? Rồi tôi có trở nên như vậy không?
Tôi bắt đầu làm quen và trải nghiệm với các khái niệm tắc đường, ô nhiễm không khí, sông hồ, tiếng ồn, rác thải. Có hôm phải chờ hơn nửa giờ mới thoát khỏi cảnh tắc đường, trời thì nắng, mồ hôi ra nhễ nhại ướt cả người, đường sá chật ních. Ai cũng cố gắng chen lên từng tí một, vẻ vội vã nhưng bất lực vì xe cộ chật cứng, một vài người lộ rõ vẻ bực bội khó chịu trên khuôn mặt. Họ không quan tâm những người xung quanh, ai biết người đó. Tiếng xe nổ máy ồn ào nhức cả tai, khói bụi và hơi người đến khó thở. Đứng trước rừng người như thế, có lúc tôi sợ hãi. Chỉ là đi lại, tôi không ngờ lại khó khăn đến thế. Đi qua mấy con kênh, nước sông đen kịt, bốc mùi khó chịu, rác thải nổi lềnh bềnh.
Tối đó tôi về trễ, chị họ tôi vẻ lo lắng và ngồi nói một hơi dài không ngớt. Nào là Sài Gòn này nhiều vấn nạn lắm, nào là trộm cướp, mại dâm, buôn người, nghiện hút... Tôi nghe khẽ rùng mình và chỉ biết ngồi im lặng. Vài ngày ra ngoài đường phố, thêm những lời chị tôi nói, rốt cuộc rồi tôi cũng tin Sài Gòn là như thế. Tôi có chút thất vọng, hụt hẫng, thoáng hối hận. Tôi nhớ cái không khí trong lành, sự tĩnh lặng ở quê tôi. Nhớ cái mùi sương sớm mùa đông, nhớ cái mùi mưa rào mùa hạ, mùi thơm của cánh đồng mùa gặt và nhớ con đường làng tuy hẹp nhưng vẫn thênh thang... nhớ canh cua đồng nấu mồng tơi của mẹ.
Cuối cùng tôi cũng đậu đại học và ở ký túc xá của trường bên quận 5. Nhưng lúc này tôi vẫn thấy Sài Gòn rất xa lạ, thấy mình vô cùng nhỏ bé và cô độc. Sài Gòn vẫn cứ cái nhịp sống ồn ào, hối hả như không bao giờ nghỉ.
Cuộc sống một mình lo toàn bộ tiền ăn học do hoàn cảnh gia đình, khó khăn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi phải làm thêm rất nhiều, rất nhiều công việc để kiếm tiền trang trải việc học, như phục vụ quán ăn, bán hàng, phát tờ rơi, tiệm photo, dạy kèm... tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Chính điều đó giúp tôi gần với Sài Gòn nhiều hơn, hiểu con người nơi đây hơn và đang có cái nhìn khác đi về Sài Gòn.
Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi nhận ra Sài Gòn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa. Người ta đến đủ từ các miền Bắc - Trung - Nam, còn có cả người Hoa hay người Pháp. Họ đến Sài Gòn, mang theo cả văn hóa của vùng miền, đất nước họ. Tạo nên một Sài Gòn đa màu sắc và thú vị. Bạn có thể ăn phở Hà Nội của miền Bắc, bún bò Huế, mì Quảng của miền Trung hay canh chua, lẩu mắm của miền Nam... Một điều không thể thiếu làm nên nét đặc trưng của Sài Gòn đó là những gánh hàng rong, chiếc xe đẩy với bánh tráng trộn, đá me, chè, cháo lòng... Ở đây có thể người ta không thích ăn trong những quán sang trọng, mà lại thích ngồi vỉa hè ăn hàng rong... điều đó cũng phần nào nói lên cái tính xuề xòa, không quan trọng hình thức, không câu nệ của người Sài Gòn.
Nhiều đêm nhớ nhà, tôi lại ra ban công ngắm nhìn thành phố về đêm. Phải tầm một, hai giờ đêm Sài Gòn mới bắt đầu im lặng, nếu nhìn sơ qua thì có lẽ ta lầm tưởng Sài Gòn đang ngủ say sưa rồi. Nhưng chú ý chút thôi, bạn sẽ nghe tiếng quét rác của những người lao công, những cô gái bán hoa vẫn lặng lẽ mưu sinh trong nỗi xót xa khi mọi người đang ngủ say, những người vô gia cư vẫn đang cố tìm kiếm một nơi dừng chân trên các vỉa hè... tôi có gì đó xót lòng, thông cảm và đồng điệu. Tự nhiên tôi không thấy mình lạc lõng giữa cái thành phố này như trước nữa.

Không có quá nhiều lý do, hay cũng có thể là do sống ở đây đã 4 năm, đã quen với thời tiết, con người, cách sống nơi đây, mà khi đi xa hay về quê tôi đều rất nhớ Sài Gòn. Bây giờ nếu có ai đó hỏi tôi định về quê làm hay ở Sài Gòn, tôi có thể trả lời rằng tôi sẽ ở lại Sài Gòn làm việc. Ngoài việc Sài Gòn có nhiều cơ hội làm việc hơn, thì một mối tình mới chớm nở giữa tôi và Sài Gòn là một lý do quan trọng khiến tôi quyết định ở lại. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives