QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM XƯA VÀ NAY  

Posted by Unknown

Nhớ hoài ngàn kiếp không nguôi
TRỊNH PHI LONG

LỜI BAN BIÊN TẬP
SÁNG NGÀY 13-11-2013, CÁC BÁO ĐÀI TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC NHẤT LOẠT ĐƯA TIN: “VIỆT NAM TRÚNG CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ VỚI SỐ PHIẾU CAO NHẤT: 184 PHIẾU THUẬN TRÊN 192 PHIẾU BẦU, ĐỨNG ĐẦU TRÊN 14 NƯỚC THÀNH VIÊN MỚI. SỰ KIỆN NÀY KHÔNG CHỈ ĐÁNH DẤU BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG TRONG NỖ LỰC TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, MÀ CÒN CHỨNG MINH HÙNG HỒN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY CÁC QUYỀN CỦA CON NGƯỜI TRÊN TẤT CẢ CÁC LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI, KINH TẾ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG ĐỀU ĐƯỢC TÔN TRỌNG. CÓ THỂ NÓI SỰ KIỆN “VIỆT NAM TRÚNG CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ VỚI SỐ PHIẾU CAO NHẤT” THẬT SỰ LÀ MỘT CÁI TÁT VÀO MẶT BỌN PHẢN ĐỘNG TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC DỰA VÀO MỘT SỐ THẾ LỰC TRONG CHÍNH QUYỀN Ở MỸ, Ở NHIỀU NƯỚC PHƯƠNG TÂY BÓP MÉO, BÔI NHỌ, XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM, PHỤC VỤ Ý ĐỒ ĐEN TỐI CỦA HỌ. NGÀY TRƯỚC, VÀO CÁI THỜI NGÔ ĐÌNH DIỆM LÊ MÁY CHÉM KHẮP MIỀN NAM, BÊU ĐẦU NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC NHƯ HOÀNG LỆ KHA, TÀN SÁT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NHƯ Ở NHÀ TÙ PHÚ LỢI, NHÀ TÙ CÔN ĐẢO… THÌ CÁC TỔ CHỨC GỌI LÀ NHÂN QUYỀN CỦA HỌ Ở ĐÂU?
“NHỚ HOÀI NGÀN KIẾP KHÔNG NGUÔI” LÀ TÊN MỘT BÀI THƠ MÀ NHÀ BÁO HOÀNG PHƯƠNG LÀM TẶNG BẠN MÌNH CÓ NGƯỜI NHÀ BỊ MỸ - DIỆM TÀN SÁT Ở ĐẬP VĨNH TRINH, QUẢNG NAM CÁCH ĐÂY HƠN 50 NĂM TRƯỚC. NHỮNG SỰ KIỆN BI THẢM NHƯ TRONG BÀI VIẾT CỦA HOÀNG PHƯƠNG THIẾT NGHĨ CŨNG CẦN NÊN NHẮC LẠI ĐỂ NHỮNG THẾ HỆ TRẺ NGÀY NAY ĐƯỢC BIẾT KHÔNG Ở ĐÂU KHÁC, MÀ CHÍNH TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM MÌNH VÀO CÁI THỜI TA ĐANG SỐNG, QUYỀN CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN TRỌNG NHẤT…
NẾU CÓ THẾ LỰC NÀO LỚN TIẾNG GÀO THÉT “VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM” THÌ CHẲNG QUA HỌ ĐÒI CÁI QUYỀN ĐƯỢC NÓI BẬY, VIẾT BẬY, KÍCH ĐỘNG BẠO LOẠN, CÁI QUYỀN ĐƯỢC CHÀ ĐẠP LÊN QUYỀN CON NGƯỜI CỦA DÂN TỘC CHÚNG TA MÀ THÔI! HÃY CẢNH GIÁC VÀ NẾU CẦN HÃY GIÁNG TRẢ ĐÍCH ĐÁNG!
BBT.TB VĂN NGHỆ TP.HCM

Những ngày cuối đông bầu trời xám xịt, lâm thâm mưa phùn làm không gian lạnh lẽo, thỉnh thoảng từng cơn gió bấc rét đến run người. Đi dưới làn mưa phùn như vậy, môi ai cũng thâm, hai hàm răng khua vào nhau lập cập, mặt mày tái mét, trắng bệch, da bàn tay móp vào như củ ấu phơi khô.
Đồng lúa mới cấy màu mạ non vàng vọt bên con đường Cái Ngang đất đá lởm chởm, ẩm ướt và lầy lội, nằm vắt ngang qua cánh đồng, mới trông như một cái quai nón rách, kéo dài từ chợ Mỹ Lược vào đến tận Xuyên Phú im lìm lặng lẽ như buồn đau cho số kiếp nhân sinh. Còn một tháng nữa là đến Tết Giáp Ngọ, vậy mà chợ Mỹ Lược trông quạnh quẽ, đìu hiu, như nung nấu trong lòng bao nỗi niềm uất hận.
Đêm đêm có nhiều người bị bắt, một vài ngày sau người dân phát hiện họ bị giết như ông Võ Văn Mậu bị giết tại bãi cát Thạnh Xuyên. Ông Đào Quý Tân bị bỏ bao tời (bao bố) thả đập Thạch Bàn. Ông Một ở Gia Hòa bị giết tại bãi Tuần - Cù Bàn…
Thảm kịch Mỹ Lai - Ảnh từ Internet
Chín năm kháng Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, nhiều người trên quê hương tôi tập kết ra Bắc. Ông Ngô Sĩ Tấn con trai ông Cửu Cang, ông Ngô Đình Bá con trai ông Hương Nại, chồng bà Tô, con trai ông Tẫn… ai ra đi cũng đưa hai ngón tay lên trời chào giã biệt người thân, ngụ ý sau hai năm sẽ trở về sum họp. Kẻ ra đi, người ở lại bịn rịn tiễn đưa nhau, hứa hẹn cùng nhau đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, để trong vòng hai năm là tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trong số người ở lại có ông Tào Tri, đã hơn 40 tuổi, dáng người cao ráo, da trắng trông rất uyên bác. Trong 9 năm chống Pháp, ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam và là Chủ tịch xã Duy Tiến, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông thường giúp đỡ mọi người và nói đến làm ruộng thì ít ai bì kịp. Bà Tào Tri kém ông vài tuổi. Gia đình ông bà và các con sống với nhau rất đầm ấm, hạnh phúc. Hôm ấy, hai ông bà đi làm đồng về, chưa kịp tắm rửa, tay chân còn dính đầy bùn đất. Bỗng con chó ki nuôi trong nhà chồm lên sủa dữ dội vì có nhiều người lạ hấp tấp chạy vào sân. Ông chưa kịp phản ứng thì có hai ba tên chạy vào ôm ghì lấy ông. Chúng tự xưng là cán bộ kháng chiến, nay là cán bộ “quốc gia” theo lệnh của “chính phủ”, đứng đầu là Ngô Tổng thống đến mời ông xuống quận… “làm việc”! Thế rồi chúng bắt ông dẫn đi. Ông chỉ nói được với bà một câu:
- Ráng lên! Cố gắng sống mà nuôi các con nghe em!
Nhìn theo từng bước chân và dáng đi xiêu vẹo của ông, bà như đứt từng đoạn ruột…
Còn ở thôn Gia Hòa, liền kề với thôn Mỹ Lược, nói đến thầy Khánh bốc thuốc Bắc thì không ai không biết. Ông là người hiền lành, nhân ái. Những người nghèo khổ không có tiền, rủi ro bị đau ốm, thầy đều xem mạch và bốc thuốc miễn phí cho. Dân gian có câu “Cây lành sinh trái ngọt” thì gia đình thầy Khánh minh chứng điều đó. Con trai thầy Khánh là Phan Đệ, hơn 30 tuổi, dáng người quắc thước, da ngăm ngăm đen, trong kháng chiến chống Pháp, ông là chiến sĩ Vệ quốc đoàn và là nông dân giỏi của xã Duy Tiến, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Ông đã có gia đình vợ con, sống với nhau trên thuận dưới hòa, ấm cúng hạnh phúc, được chòm xóm thương mến, nể vì. Vừa ăn cơm sáng xong, chuẩn bị đi làm thì nghe tiếng chó sủa dữ dội trước cổng. Nghĩ là bà con lối xóm đến bàn việc đồng áng, ông bước ra sân định la con chó thì không còn kịp nữa. Hàng chục người lạ mặt đã vây kín nhà ông. Bốn, năm tên áp sát quật ngã ông, rồi trói ngoặc hai tay ông ra sau lưng. Chúng tự xưng là cán bộ “quốc gia”, vâng lệnh cấp trên đến mời ông xuống quận… “làm việc”.
Cùng thời điểm này, tại thôn Phú Lạc, liền kề với thôn Gia Hòa, gia đình ông Nguyễn Huấn - con trai ông Thủ Đối, một ông già có uy tín trong làng, đã xảy ra thảm cảnh tương tự như hai ông Tào Tri, Phan Đệ. Ông Huấn năm ấy đã 50 tuổi, bà Huấn xấp xỉ tuổi ông. Các con ông bà đều là nông dân chất phác. Nhiều người trong số họ, hồi 9 năm chống Pháp là Vệ quốc đoàn. Người con trai thứ ba đã tập kết ra Bắc. Còn người thứ tư đã anh dũng hi sinh trong một trận “công đồn đả viện” đánh nhau với giặc Pháp tại đồn Kiểm Lâm. Chỉ còn người con trai thứ năm đang ở nhà phụ việc đồng áng cùng vợ chồng ông (những năm đầu của thập kỉ 60, người con trai thứ năm này cũng bị Mỹ - Diệm bắt và bắn chết tại Bàu Gà thuộc thôn Phú Lạc, xã Xuyên Hòa).
Người hàng xóm thân thiết với ông Nguyễn Huấn là gia đình ông Ngô Khanh - một ông già trông tiên phong đạo cốt và có uy tín nhất trong làng. Con trai ông Ngô Khanh tên là Ngô Dự - còn gọi là Năm Lữ - năm ấy ông Ngô Dự đã 32 tuổi, người vạm vỡ lực lưỡng như lực sĩ, da nâu đen, rắn chắc, là Vệ quốc đoàn trong 9 năm kháng chiến và là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Ông đã có vợ và một con gái. Sau khi ông bị bắt, Mỹ - Diệm o ép, khủng bố làm con gái ông cũng bị bệnh mà chết.
Như vậy, chỉ mới vài ngày mà xã Xuyên Hòa có bảy người bị bắt là các ông: Huỳnh Liên, Võ Văn Cẩm, Đào Yêm, Tào Tri, Phan Đệ, Nguyễn Huấn và Ngô Dự. Trong toàn quận Duy Xuyên có đến 37 người bị bắt với các trường hợp tương tự. Còn bọn đi bắt người, có người nhận diện biết được ba tên trong số đó là: Súy - bí thư quốc dân đảng quận Duy Xuyên, có nhà ở chợ Bà Rén; Cai Phồi, nói giọng Huế, nhỏ con, da ngăm đen, môi thâm vì ghiền á phiện. Còn người lớn con, to, cao, da trắng, có cặp mắt lé và trắng dã như mắt heo luộc, nhìn ai không hề nhìn thẳng, đó chính là học trò của ông Bùi Hí - làm nghề võ sư, có tên là Bùi Quang Soạn, đảng viên quốc dân đảng phản động khét tiếng, nằm trong Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, cùng hội cùng thuyền với Phan Lai, Nguyễn Đình Thiệp, Phạm Thái, Dương Văn Hiếu và Lê Đình Duyên - quận trưởng Duy Xuyên. Tên Duyên rất hung hăng, thường nói năng trơ tráo: “diệt Cộng sản như nhổ cỏ gấu”, “số phận của các đảng viên Cộng sản như cá nằm trên thớt” (sau này Bùi Quang Soạn trốn chạy vào Sài Gòn và đã bị cách mạng trừng trị, bắt y phải đền tội ác tại quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định - nay là TP. Hồ Chí Minh).
Các gia đình có người thân bị bắt, lòng dạ cồn cào, nóng như lửa đốt. Họ chạy ngược chạy xuôi ra xã, xuống quận tìm kiếm. Có đứa chỉ:
- Đã giải ra Huế gặp cậu Cẩn rồi!
Có thằng lại bảo:
- Đã giải ra Đà Nẵng; đã giải xuống Hội An…
Nhưng thật ra tất cả đều bị giam giữ tại đồn Hòn Bằng, cách dinh quận trưởng Duy Xuyên một quãng không xa lắm. Có đến năm, sáu mươi người đi thăm. Chúng cho gặp mặt, nhưng phải đứng cách xa vài mươi thước và không cho nói chuyện. Vợ nhìn chồng, con nhìn cha nước mắt lưng tròng. Nhớ thương dồn nén đến uất nghẹn trong lòng: Còn đâu những đêm trăng vợ chồng giã gạo/ Con cái ê a trên sách vở học bài/ Còn đâu, đồng làng quê vang tiếng cười, tiếng hát/ Vợ chăn trâu, chồng nhổ mạ, gánh khoai…
Mất tất cả! Trước mắt các anh chỉ có song sắt nhà tù, xiềng xích, kẽm gai… Chỉ còn hai ngày nữa là hết năm Giáp Ngọ. Xuân Ất Mùi - 1955 sắp đến. Bất chấp sự cản ngăn của chúng, mọi người đều la lớn:
- Biết được tụi nó giam các anh ở đây rồi, ngày mai sẽ mang quà đến thăm và lo cho các anh ăn Tết!
Thế nhưng làm gì có ngày mai, làm gì có ngày Tết. Mọi người đâu có ai ngờ rằng, lần gặp gỡ ấy cũng là lần cuối cùng vĩnh biệt người thân!
Đêm 21 tháng giêng năm 1955, tức là đêm 28 tháng chạp rạng ngày 29 Tết Ất Mùi, trời chưa sáng hẳn, đã có nhiều người tay túi, tay xách lục tục kéo đến đồn Hòn Bằng thăm chồng, thăm con. Đồn Hòn Bằng nằm trên một ngọn đồi cao, như gắn liền với phần đuôi của dãy Trường Sơn trông ra biển Đông. Trong đồn có vài ba dãy nhà lợp tôn lụp xụp. Chung quanh là lô cốt, hầm ngầm, hào rãnh được bao bọc bởi hàng chục lớp rào kẽm gai, dày đặc chông sắt, chông tre được cắm tua tủa, đầy rẫy mìn bẫy và lựu đạn gài. Lối vào đồn chỉ vừa một người đi theo hình chữ chi vặn vẹo. Xa xa trông đồn Hòn Bằng giống như mồm một con cá sấu nhe răng chơm chởm, lúc nào cũng chực chờ ăn tươi nuốt sống mọi người. Đồn Hòn Bằng hôm nay vắng lặng, thỉnh thoảng có vài ba tên lính đi lại như những bóng ma trên địa ngục trần gian. Có người tìm gặp Súy, Cai Phồi và Bùi Quang Soạn. Cả ba tên đều cười rồi nhếch mép trả lời:
- Chính phủ “quốc gia” đã thả các ông ấy về từ hôm qua rồi còn đâu!
Nhiều anh, nhiều chị, nhiều ông cha, bà mẹ lẫn các em bé trai, bé gái còn nhỏ đã không cầm được nước mắt, xách giỏ quà trong tay ra về, mà bước đi xiêu vẹo, tan nát cõi lòng, tưởng như đất dưới chân mình đang ngửa nghiêng sụp lở, bầu trời đang chao đảo quay cuồng. Các ông, các bà, các anh, các chị và các em ơi! Các người có biết đâu rằng cuộc thảm sát kinh hoàng đã giáng xuống người thân của mình chỉ mới tối hôm qua.
Có lẽ không đâu trên trái đất này, giống như quê tôi dưới thời Mỹ - Diệm. Con đường hai mươi (nay là tỉnh lộ 610) chạy dài từ Nam Phước lên đến Thu Bồn. Con đường đất, đá lởm chởm khó đi, vừa qua cầu Cây Gáo khoảng 3 cây số - trên Cụp Diêm Sơn về phía bên trái, có một ngôi chùa khang trang, đó là chùa Bà Giám. Chùa chiền trang nghiêm, ấm cúng vậy mà chùa Bà Giám độ rày lạnh lẽo quạnh hiu. Đức Phật ngồi trên bàn thờ cũng im lìm lặng lẽ, như buồn đau cho số phận con người, như căm hờn bọn Mỹ - Ngô đang… “ làm thịt” cuộc đời…
Ngày hôm trước sau khi những người đi thăm thân nhân ra về. Trời chiều dần, từng đám mây chì đen kịt nổi lên che phủ bầu trời, làm không gian trông thấp lại càng thấp hơn. Bọn người trong Đoàn công tác đặc biệt miền Trung ồn ào kéo đến các phòng giam trong đồn Hòn Bằng, trói thúc ké tất cả mọi người, bịt mắt rồi đẩy họ ra đường đưa đến tập trung tại chùa Bà Giám, đến khoảng 17 giờ chúng lại đẩy mọi người rời chùa Bà Giám theo đường công hương bỏ lại sau lưng lũy tre làng quen thuộc, như những tên trộm bất lương lấm lét đưa các anh chị đi về hướng Hòn Quắp (còn gọi là Hòn Mặt Quỉ). Đoàn người nặng nhọc bước thấp bước cao qua hết cánh đồng trống đã vào đến gần bờ đập Vĩnh Trinh. Tại đây chúng lôi, chúng xô đẩy từng người, rồi thúc vào lưng, vào bụng, vào ngực hoặc kéo xềnh xệch những người già yếu lên bờ đập. Còn các anh chị vừa bị trói, bị bịt mắt, trời mưa phùn lất phất, đường lên bờ đập bùn lầy, trơn trợt. Gió bấc từng cơn lạnh lẽo như cắt thịt da, mà có người trên thân thể chỉ độc manh quần đùi và tấm áo bà ba. Bước đi khập khiễng, bước thấp bước cao, thỉnh thoảng có người té chúi nhủi, lập tức chúng ùa đến vừa đấm, vừa đá, vừa văng tục và cười hô hố. Con đường vào đập gần gũi thân quen, nhưng hôm nay các anh chị đi, chao ôi! Gần như dài vô tận. Làng Vĩnh Trinh vắng ngắt nối dài đến đập Vĩnh Trinh. Đập Vĩnh Trinh rộng hàng trăm mẫu, bắt đầu từ Cây Cốc Dù, dốc Bà Son, đèo Đá Mái vô trại Chánh Diên đến đèo Duy Lộc, đèo Thắm… mênh mông, quạnh quẽ trong đêm đen mịt mù, hiu quạnh. Thỉnh thoảng vài ba con đom đóm lập lòe giống như một bãi tha ma rộng lớn, hoang vắng đến lạnh lùng. Trên đường đi, chúng đã phân các anh ra từng toán từ 5 đến 10 người. Vừa qua khỏi bờ đập Vĩnh Trinh có thằng la lớn:
- Đến chỗ của chúng bay rồi đó!
Có tiếng hỏi:
- Các ông nói cho chúng tôi về ăn Tết, sao lại đưa chúng tôi đi đâu đây?
- Hỏi hả? Đi tìm hà bá, đi xuống âm ti chứ đi đâu!
Phập… phập... ộc… huỵch… hàng chục con dao ba nết (một loại lưỡi lê súng trường do Mỹ sản xuất) tới tấp đâm vào ngực, vào bụng, hàng chục báng súng trường đánh vào đầu, vào sườn các anh chị, từng vòi máu bắn ra, từng thây người ngã xuống, nhiều tiếng la hét kinh hoàng, nhưng đôi tay mọi người đều bị trói thúc ké ra sau lưng, nên đành bất lực nhìn cái chết đến với mình một cách thảm khốc, nhiều tiếng rên hòa lẫn tiếng phẫn nộ:
- Đả đảo quân giết người!
- Đả đảo bọn sát nhân! Nửa chừng uất nghẹn. Chốc chốc lại vang lên vài tiếng cười của bọn ác ôn giống như tiếng tru của loài chó sói:
- Thằng này xương cứng quá, đâm năm, sáu nhát mới chịu nằm im!
- Thằng này tuy to con, song tao chỉ đập một báng súng vào đầu, hắn nhảy cẫng lên, ngã xuống như một cây thịt, máu đầu nó phọt ra như vòi rồng phun nước rồi nằm bất động…
- Thằng kia kinh quá, tao đâm cả chục nhát, mà hắn vẫn còn giãy giụa…
Bầu trời không trăng sao, tối bưng như chum đậy nắp, phải chăng trăng sao cũng không muốn nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp, dã man này? Chỉ có ánh đèn pin của bọn quỷ dữ loang loáng trong đêm đen, rọi vào từng thây thi đang nằm ngổn ngang trên bãi máu. Xác nào còn ngọ nguậy, giãy giụa là chúng tiếp tục đâm bồi vào đầu, vào ngực… Chưa thỏa mãn thú tính, hàng chục cây đèn pin soi rọi kiểm tra từng xác người rồi chúng thi nhau cười hô hố xen lẫn tiếng tranh luận của loài cầm thú:
- Mặt thằng này phải cắt mũi coi mới được!
- Mặt thằng kia phải cắt tai coi mới đẹp!
- Ồ! Thằng này chết rồi còn mở mắt trừng trừng, phải móc bỏ coi mới “xuya”!
- Thằng này có cái hàm răng trắng coi không được, phải đập bỏ thì coi nó mới bảnh!
- Thằng này cái bụng lép kẹp, chắc hôm qua đến nay không ăn gì, phải mổ ra xem có đúng không?
Một thằng rọi đèn pin soi sáng cho một thằng dùng dao cắt mũi, cắt tai, móc mắt, mổ bụng… dùng báng súng dộng cho gãy răng từng thây thi đang đẫm máu. Sau đó, hai ba thằng khiêng từng xác người xếp chồng lên nhau thành đống, rồi đổ xăng, tưới lên đầu, lên cổ các thây thi và châm lửa đốt. Cháy đầu tóc, mặt mày, cỏ dưới đất cũng cháy. Nhiều thi thể bị cháy nứt nẻ trông như củ khoai lang đỏ bầm nấu nhão. Để phi tang, chúng cẩn thận cho thi thể các anh, các chị vào bao tải rồi lấy dây kẽm gai buộc đá ba-long (loại đá xanh tảng lớn). Mỗi thây thi đều bị buộc một hoặc hai hòn đá (tùy đá lớn, nhỏ) vào bao, không đủ bao tải chúng lấy dây kẽm gai buộc vào bụng, vào cổ, vào chân rồi lấy ghe của người gác đập, kéo 37 thi thể các anh chị xuống ghe, chèo ra giữa đập, ba bốn thằng kéo, lôi một thây thi đã buộc đá sẵn, đẩy xuống dòng nước lạnh lẽo (thực ra, trong 37 thây thi có chị Phan Thị Diệu đang mang thai gần đến ngày sinh nở, nên chính xác là 38 người). Nước dậy sóng xao động rì rào trong đêm trường hoang tịch. Tiếng gió thổi qua cây lá rừng thầm thì rờn rợn hòa lẫn tiếng côn trùng nỉ non, ai oán, tiếng con chim quốc lạc bầy sầu thảm như khóc như than đưa tiễn các linh hồn. Núi Hòn Đền, Hòn Quắp im lìm lặng lẽ như buồn đau, thương tiếc các chị, các anh. Đất mẹ vĩnh viễn ôm các chị, các anh vào lòng, cho dù ngày mai đây là mồng một Tết, ngày Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc, tiễn Giáp Ngọ đi và mừng Ất Mùi đến.
Một cảnh trong vụ thảm sát Mỹ Lai đã được các nhà làm phim tài liệu sử dụng
Theo tục lệ ông bà, nhà nhà đều cúng cơm vào mồng 3 tháng giêng âm lịch - cho xong ba ngày Tết. Một cái Tết buồn đau, con xa cha, vợ xa chồng, gia đình li tán, không khí thê lương, ảm đạm bao phủ mọi nhà. Không bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in. Không hoa, không pháo, không hát bội, bài chòi… quận Duy Xuyên cô quạnh, lạnh lẽo như một bãi tha ma. Sáng tinh mơ mồng 4 Tết, cha tôi vai vác cần câu, tay cầm giỏ và lon trùn (giun) băng hóc Bà Hậu, vượt đồng Sáu Mẫu vào đập Vĩnh Trinh câu cá. Ông mong đi tìm bữa ăn tươi cho gia đình sau Tết. Đứng trên bờ đập đã nghe một mùi tanh tanh khác lạ. Nhìn xuống đập ông bàng hoàng, sửng sốt khi thấy có quá nhiều thây người đang trương sình nổi lều bều trên mặt nước và mặt nước luôn xao động vì có rất nhiều con kỳ đà đang rỉa rói các tử thi. Không tin vào mắt mình, nhưng đó là sự thật. Hoảng quá! Ông chạy về làng tri hô, tin tức lan xa…
Cha tôi, ông Hương Nại, ông Bùi Do (người cùng làng), ông Sáu Bạo (người Thu Bồn) vào đập. Các ông đã tháo từng cái gút kẽm gai, gỡ từng tảng đá, vớt từng xác, từng xác người lên bờ. Vớt được khoảng 30 xác, số còn lại bị kỳ đà ăn hết thịt, xương bị rã ra, thất lạc không còn cách nào vớt được. Người ta truyền miệng cho nhau, chẳng mấy chốc đã có cả trăm người đủ mọi lứa tuổi. Họ là cha, là mẹ, là anh, là chị, là vợ, là con của những người xấu số. Họ vào đập mong nhìn nhận cho được thi thể người thân. Theo lời cha tôi thì xác của chị Phan Thị Diệu dễ nhận hơn vì trong số nữ tù nhân có chị là mang thai, bụng to, xác chị đã trương lên bứt cả quần áo, khuôn mặt đã rữa nát chỉ còn mái tóc đen dài bê bết bùn đất. Bỗng có tiếng cụ già, tiếng thiếu phụ khóc than thảm thiết: Trời đất, cha mẹ ơi ! Con tôi đây mà, sao tai, mũi, mắt không còn! Hoặc chồng tôi đây mà, sao mặt mày, đầu tóc như thế này, chiếc áo có miếng vá trước ngực do tôi vá còn đây…
Chỉ có một số rất ít người nhìn được người thân, vì tử thi bị biến dạng, da thịt bở ra như bột nhão, tóc bị đốt cháy quăn queo quấn vào da đầu lại bị cắt mũi, cắt tai, móc mắt, gãy răng, mất cả quai hàm… nên rất khó nhận diện. Ai nhận diện được chỉ nhờ nhìn ra những mảnh vải quần, vải áo còn sót, chưa cháy hết dính lại trên thi thể mà thôi!
Tôi có bạn, con của một người là nạn nhân bị Mỹ - Diệm giết hại tại nơi đây. Chơi với bạn, tôi đã cảm xúc nên có bài thơ nói về hoàn cảnh và tâm tưởng của bạn mình khi tuổi còn ấu thơ như sau: 

 NHỚ HOÀI NGÀN KIẾP KHÔNG NGUÔI

“Một đứa trẻ như bao nhiêu đứa trẻ
 Thuở thơ ngây vui vẻ chẳng lo gì
 Nhớ những ngày nước mắt ngập tràn mi
 Chỉ vì mẹ không cho tiền ăn bánh
 Mẹ khuyên tôi muốn nên người đức hạnh
 Phải gắng công ra sức học hành
 Đừng rong chơi hoang phí cả tuổi xanh
 Con hãy nhớ lấy lời mẹ dặn
 Nhớ những chiều vàng lung linh ánh nắng
 Tôi ra đồng chạy nhảy, múa tung tăng
 Khi nô đùa trượt ngã lấm bùn đen
 Bạn lối xóm nhìn tôi cười rộ
 Tôi òa khóc cảm thấy mình xấu hổ
 Thì cha tôi chạy đến vỗ về tôi
 Ngày tháng qua như áng mây trôi
Một đêm nọ gia đình tôi tan nát
 Bọn mật vụ, bảo an và cảnh sát
Đến vây nhà bắt tôi mất người cha
 Mẹ hiền ơi! Nước mắt chan hòa
 Tìm kiếm mãi, cha bị giam ở quận

Mẹ tôi hỏi, chúng bảo bà yên bụng
 Vài ngày sau sẽ thả ông về
 Ngày lại ngày trong đau đớn ê chề
 Nhưng hình bóng cha tôi đâu biệt dạng
 Mẹ tôi hỏi, chúng hầm hầm lên đạn
 Chĩa lưỡi lê, bảo thả về rồi
 Sao mụ này còn đến hỏi lôi thôi
 Nén căm tức, nghe lòng càng uất nghẹn
 Tuần lễ sau nghe bà con bàn chuyện
 Đập Vĩnh Trinh nổi ba mươi bảy xác người
 Giết chết rồi, cột đá, bỏ bao tời…
 Hỡi lũ giặc! Bay gây chi nên tội
 Vớt từng xác, từng xác người trôi nổi
 Tìm từng thây, từng thây một có cha tôi
 Mắt hoen mờ vì lửa hận bùng sôi
Con xin nguyện thù này con phải trả
 Từng cơn gió lá vàng bay lả tả
 Như nhớ nhung, thương tiếc cho người
 Nhớ hoài nghìn kiếp không nguôi
Chẳng chung trời đất với loài sát nhân”.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives