VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT NƯỚC NGOÀI  

Posted by Unknown

ĐỎ NGHĨA LÀ ĐẸP

                                           JAQUES GODBOU

LÊ SƠN
(dịch theo Literaturnaja Gazeta) 


Năm 1982, nhà văn và nhà hoạt động điện ảnh nổi tiếng của Canada là Jaques Godbou (sinh năm 1933) được mời vào Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moskva và đã có dịp sống ở Liên Xô ba tuần lễ. Sau khi trở về nước, ông gửi cho tờ tạp chí chính trị - xã hội Actualité ở Montréal một bài viết mang tên “Bức thư từ Moskva”. “Tôi đã hoàn thành bài viết của mình về chuyến đi của chúng tôi đến Moskva với mối thiện cảm chân thành đối với những người Xô Viết, và điều đó diễn ra trong bầu không khí của cuộc chiến tranh lạnh!” - Godbou ghi trong nhật ký của mình. “Bức thư từ Moskva” được đăng kèm với bài giới thiệu khá gay gắt của ban biên tập (Actualité, No.1, 1984), trong đó Moskva được gọi là “thủ đô của chú lùn về phương diện văn hóa, thương mại và kinh tế nhưng đồng thời của chàng khổng lồ về phương diện địa chính trị”. Bài giới thiệu cũng trích dẫn một nhận xét của nhà xã hội học và triết học Pháp Edgar Morin: “Vấn đề Liên bang Xô Viết - đó là vấn đề chủ yếu của thời đại chúng ta”. Và tiếp theo: “Liệu cái chế độ ấy có sụp đổ như chuyện đó đã xảy ra với chế độ của Hitler? Và cái đế chế Xô Viết mà trong đó chế độ chuyên chế phương Đông kết hợp với một căn bệnh mang màu sắc Do Thái - Cơ đốc giáo vốn được gọi là ý thức hệ, là cái quái gì vậy? Và liệu nó có khác gì so với những đế chế trước đó?”.
Câu trả lời của Jaques Godbou không phù hợp với cái công thức được chấp nhận ở phương Tây. Từ đó đến nay gần 30 năm đã trôi qua. Nhưng giờ đây, khi thế giới đang trải nghiệm cơn khủng hoảng mang tính chất toàn cầu và nước Nga lại đang đứng giữa ngã ba đường, thì những gì mà Jacques Godbou tai nghe mắt thấy và cảm nhận được ở nước Nga Xô Viết trước đây có thể là một dịp để giúp ta suy ngẫm về quá khứ cũng như về tương lai của xứ sở bạch dương. 
Chiếc xe buýt con với những ô cửa sổ che rèm gần kín đưa tôi vào trung tâm của thủ đô nước Nga. Tuy cái đầu của tôi đầy những định kiến, song điều đó không có nghĩa là nó không suy nghĩ.
Phát hiện đầu tiên là một phát hiện đặc biệt về kiến trúc. Moskva là một thành phố đẹp với những tông màu trắng, màu hồng nhạt, màu vàng và màu xanh da trời vốn được thừa hưởng từ thời Sa hoàng ở một chừng mực nhất định. Ấn tượng thứ hai: người Nga đã bảo quản một cách kỳ diệu, đã khôi phục và biết nhấn mạnh ý nghĩa của những di tích quá khứ vốn được lưu giữ bởi vị nữ hoàng đỏng đảnh hoặc bởi các tu viện cổ kính có bức tường rào nặng nề bao quanh. Ở khắp nơi, những nóc tròn của các đại giáo đường lấp lánh trong ánh nắng.
Khi tôi chưa đặt chân đến vùng đất Moskva thì với tôi, thủ đô của nước Nga trong tâm trí được gắn với điện Kremli, với quân đội, với Đảng Cộng sản và cơ quan an ninh KGB vốn hiện diện ở khắp nơi, với những tù nhân bất đồng chính kiến và với những bài diễn văn long trọng nhạt nhẽo. Nhưng ba tuần lễ sống ở Moskva đã khiến tôi phải nhìn nhận lại nhiều thứ. Chẳng hạn, Quảng trường Đỏ được đặt tên không phải để tưởng nhớ tới cuộc cách mạng Tháng Mười mà nó mang cái tên này từ thế kỷ XV. “Đỏ” trong tiếng Nga vừa có nghĩa là màu sắc lại vừa có nghĩa là vẻ đẹp.
Quảng trường Đỏ là địa điểm đầu tiên đã hướng tôi đến lịch sử và vẻ lộng lẫy về kiến trúc của thành phố này, nhưng nó cũng là sự xác nhận về niềm hứng thú sinh động của hàng vạn người dân từ các nước Cộng hòa Gruzija, Litva, Azerbaidzhan hoặc Ukraina hàng ngày đến đây để xếp hàng vào viếng Lăng Lênin được xây bằng đá hoa cương đỏ.
Tại một phía khác của quảng trường Đỏ, những chiếc xe tắc-xi thanh lịch xếp hàng ngay ngắn, từ đó tỏa ra những cô dâu Moskva với những bó hoa trong tay bước vào khu vườn ngự uyển Aleksandrovski. Họ, những cô dâu này, rất cần đến niềm tin vào tương lai.
Ở phía bên phải quảng trường Đỏ, GUM - cửa hàng bách hóa quốc gia khổng lồ với những vòm mái bằng kính tráng lệ - nổi lên sừng sững như một cung điện. Nằm sâu tít bên trong, phía sau bức tường kiên cố là những cung điện cổ kính của Sa hoàng và Cung đại hội hiện đại, nơi tiếp đón sứ giả của các nước cộng hòa. Cũng như khách sạn “ROSSIJA” là nơi chúng tôi sẽ sống, công trình này được xây dựng theo phong cách techno và nằm cách quảng trường Đỏ vài bước.
*
Ở Nga không thể đánh giá lại vai trò của lịch sử. Sự hiện diện của nó đều được cảm nhận rõ ở khắp mọi nơi. Điều này đặc biệt đập vào mắt chúng tôi là những người lần đầu tiên tách khỏi người Mỹ, nhưng không có lần thứ hai, khi, thay vì vũ khí, họ trưng bày trước chúng tôi những chiếc tủ lạnh, những chiếc xe hơi đắt tiền và đồ ăn nhanh của Hoa Kỳ. Và chúng tôi đã ôm hôn họ thắm thiết.
Theo cách nói chính thống của Moskva thì những nhà cầm quyền Mỹ xảo quyệt là những kẻ hiếu chiến
nhưng chính bản thân nhân dân Mỹ lại yêu chuộng hòa bình. Tôi không rõ ý đồ thực sự của những nhà lãnh đạo Xô Viết, có điều những người Nga mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, mà cùng chúng tôi cụng ly, thưởng thức đồ nhắm Nga, vui đùa và dạo chơi trên đường phố như những người anh em - những người Nga này cũng mong muốn hòa bình. Hơn nữa, mọi thứ hàng hóa của Mỹ - quần áo, thức ăn, phim ảnh được giới trẻ rất ưa chuộng, họ mặc áo thun có in những chữ Speedy, University of California, Appolo!
Ở Liên Xô, du khách nước ngoài chủ yếu đi du lịch theo từng đoàn, họ được phục vụ bởi một cơ quan nhà nước mang tên “Insturist” vốn đưa ra vô thiên lủng những chương trình tham quan. Riêng chúng tôi thì được tự do nhiều hơn trong việc làm thỏa mãn nguyện vọng của mình, song với một điều kiện là bao giờ cũng có người phiên dịch đi kèm để khi cần thì kịp thời ngăn chặn những hành động sai trái...
Ở Nga mỗi người sinh hoạt trong giới của mình. Chẳng hạn, những nhà điện ảnh chủ yếu giao tiếp với những nhà điện ảnh, cho dù đó là lúc làm việc hay rảnh rỗi. Các công đoàn nhà máy hay các công đoàn nghiệp vụ chịu trách nhiệm về việc tổ chức học tập, tổ chức các ngày lễ, những cuộc tham quan. Các câu lạc bộ thuyền buồm và các nhóm vận động viên leo núi nghiệp dư tồn tại nhờ sự chu cấp của công đoàn. Công đoàn cũng xây dựng những khách sạn trên bờ biển.
*
Dân số của Moskva khoảng 9 triệu người, cộng thêm với 2 triệu khách vãng lai hàng ngày đến thủ đô bằng xe hỏa. Xe điện ngầm, xe buýt điện, tàu điện, xe buýt, ca nô hành khách đường sông làm nhiệm vụ chuyên chở người lao động trên địa bàn thành phố. Đi qua đường không đơn giản: những đại lộ rộng bát ngát, dọc theo hai bên là những tòa nhà hoành tráng. Có thể nghĩ rằng chúng được xây dựng cách đây một trăm năm. Té ra là không phải: những tòa nhà này được xây dựng sau chiến tranh theo lệnh của Stalin là người đã trang bị vĩnh cửu cho thành phố bảy ngôi nhà chọc trời. Tôi muốn tìm những từ có ấn tượng mạnh hơn từ “hoành tráng” nhưng không thể tìm được. Nền kiến trúc này phản ánh quy mô của đất nước. Hai trăm bảy mươi triệu người, một châu lục rộng lớn hơn toàn bộ Bắc Mỹ, 15 nước Cộng hòa độc lập, 57 ngôn ngữ dân tộc...
Ở Moskva, hơn bất cứ một thành phố nào khác, cần phải đứng xếp hàng và hơn nữa, không dễ dàng mua được món đồ với chất lượng hoặc số lượng cần thiết. Một phụ nữ điều khiển việc xếp hàng để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Thoạt tiên đứng xếp hàng để trả tiền, sau đó lại đứng xếp hàng để nhận đồ. Tất cả thủ tục đó đã rèn luyện cho mọi người cái được gọi là kiểu tư duy “phong tỏa”. Thông thường các tủ lạnh ở nhà chất đầy thực phẩm, còn các cửa hàng thì trống không. Các bà nội trợ mua đủ thứ để dự trữ cho mình và cho hàng xóm và lúc nào cũng lo lắng: nhỡ ra còn thiếu một thứ gì đó thì sao? Hễ trên hè phố người ta bắt đầu bán cam Marốc thì lập tức một đoàn người đứng xếp hàng được hình thành.
Tất cả chuyện đó đã làm nảy sinh chợ đen và việc móc ngoặc mà nhiều công dân từ thủ trưởng cấp cao đến các nhân viên bình thường đều sống theo quy luật của nó. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng trẻ hàng tuần phải có tí chút lót tay cho những người bán thịt để mong mua được miếng thịt ngon. Và cũng nên có riêng một người thợ sửa ống nước hoặc người thợ máy “của mình”. Và trả công cho họ không phải theo biên lai thanh toán của nhà nước mà bỏ tiền trực tiếp vào túi họ.
Những nhà đương cục hứa sẽ lập lại kỷ cương trong việc này và dường như đã có biện pháp để chống lại vị giám đốc nhà máy nào đã dùng máy móc cũ của nhà nước để sản xuất ra thứ hàng chui, song những người làm ăn riêng lẻ vẫn tồn tại, và hệ thống tư bản chủ nghĩa song hành dường như vẫn chưa sẵn sàng rút lui.
*
Cần phải thừa nhận rằng ở khắp mọi nơi trong Liên bang Xô Viết hầu như những nhu cầu cơ bản đã được thỏa mãn: dân chúng được ăn no, mặc ấm và có việc làm. Nhưng còn cái khoản tự do thì sao? Tôi mới chỉ đả động sơ qua đến vấn đề này là  lập tức hiểu rằng chúng tôi đã trở về với Byzantin cổ đại. Tự do bao giờ cũng có những luật lệ của nó. Cả chân lý cũng thế. Tờ báo chủ chốt của Moskva cũng mang cái tên như vậy: Pravda có nghĩa là nói sự thật. Ở đây người ta muốn nói tới mục đích đạo đức vốn đòi hỏi một chuẩn mực nhất định chứ không phải mối tương quan thông thường giữa các sự việc.
“Chúng tôi công bố không phải tất cả những gì được xuất bản ở phương Tây. Lý do là ở nước chúng tôi không phải tất cả những nhiệm vụ có liên quan tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đã được giải quyết” - một nhà báo đã giải thích với tôi như thế. Một cô gái tham gia cuộc trò chuyện bổ sung thêm: “Không nên lẫn lộn quyền tự do ngôn luận của chúng tôi với quyền dối trá mà ở nước các ông đang bị lạm dụng”.
Ở Liên Xô, cách tiếp cận mang tính chất tập thể hóa và nhãn quang mang tính chất xã hội chủ nghĩa hết sức đối lập với cách tư duy của chúng ta (tức phương Tây) đến nỗi sự thật thực sự của chúng ta đối với họ có vẻ như là sự dối trá và ngược lại.
Hơn nữa, cả chúng ta lẫn họ đều sống trong một thế giới của sự tuyên truyền tinh vi và hết sức tế nhị. Ở Liên Xô, mọi người chỉ được biết một kiểu kiến giải của sự kiện. Còn ở ta thì sao?
Trong mười ngày tôi đã xem đầy đủ những bộ phim tài liệu ngắn. Chúng được chiếu trong khán phòng nhỏ của rạp chiếu bóng “Tháng Mười” và chủ yếu là những bộ phim miêu tả các cuộc giao tranh đủ loại trên hành tinh - ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La-tinh. Tôi quan sát và chú ý lắng nghe những ý kiến hoàn toàn ngược lại với những ý kiến mà những bình luận viên đài truyền hình của chúng ta đã phát biểu ở Montréal. Dần dần tôi bắt đầu ngộ ra rằng sự thật và sự dối trá thường phụ thuộc vào chính trị nhiều hơn là phản ánh tình hình thực tế của sự vật. Chẳng hạn, ở Montréal người ta khẳng định rằng những cuộc đi bộ vì hòa bình diễn ra ở phương Tây làm suy yếu chủ nghĩa quân phiệt và rằng chỉ có ở nước ta mới có được sự phản đối chống vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tôi đã xem một bộ phim Na Uy về những người phụ nữ ở các nước phương Bắc đã tham gia các cuộc diễu hành vì hòa bình. Hành trình của những cuộc diễu hành này bắt đầu ở Stockholm, đi qua Minsk rồi dẫn tới Moskva và Leningrad!
Tôi đã nhìn thấy những bà mẹ Leningrad bế con thơ mắt rơm rớm lệ, cất tiếng hát và ở đây họ chẳng khác gì những người phụ nữ Anh, Mỹ hoặc Đức đã tham gia cuộc đi bộ chống chiến tranh. Chắc các bạn còn nhớ một chương trình thời sự trên truyền hình của chúng tôi đã từng chiếu cuộc tuần hành khổng lồ vì hòa bình đã diễn ra ở Nga năm 1982?
*
Ở bất cứ nơi nào mà chúng tôi đến - ở những nơi công cộng hay trên tàu xe, mọi người đều say mê đọc sách. Từng đoàn người tụ tập quanh những bức tranh trong Viện bảo tàng Tret’jakov hay trong Viện bảo tàng mỹ thuật mang tên Puskin. Khách thăm quan chăm chú lắng nghe những lời thuyết minh cặn kẽ của hướng dẫn viên. Nhìn chung, người Nga rất hiếu học. Giống người Nhật, có điều trong phạm vi của nước mình, họ thăm các di tích lịch sử, các tu viện cổ xưa, các viện bảo tàng nghệ thuật phương Tây có những bộ sưu tập khiến ta kinh ngạc, đến dự cuộc tiếp xúc với các nhà du hành vũ trụ trong gian “Vũ trụ” tại khu triển lãm các thành tựu của nền kinh tế quốc dân, gọi tắt là “Vê-đen-kha”. Họ đi cả nhà, từng nhóm một. Họ rất có kỷ luật và lễ phép, điều mà rất hiếm thấy ở phương Tây. Lễ phép hay là ngoan ngoãn phục tùng?
Một thành quả lớn nhất của chủ nghĩa xã hội là việc thường xuyên giáo dục quần chúng nhằm nâng cao trình độ văn hóa chứ không phải để giải trí. Chẳng hạn, trên đường trở về từ Moskva, khi chiếc máy bay của chúng tôi hạ cánh ở Gandera, một phi trường bát ngát vốn là cửa ngõ mở vào nền văn minh của chúng ta, chúng tôi quan sát thấy một cảnh tượng như sau: Một trong những nhà đạo diễn sân khấu lừng danh nhất của Moskva ngồi trên máy bay giữa bốn chục thủy thủ Xô Viết đang thảo luận với ông về một vở diễn mà họ được xem trong chuyến đi phép vừa qua.
Một nước Nga cổ kính. Thế nó khác gì với nước Nga hiện nay? Chuyện gì đã xảy ra giữa thời kỳ khi nhà sưu tầm tranh là nữ hoàng Ekaterina vĩ đại đã hăng hái cho chuyển vào cung điện Ermitazh của mình hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật cổ điển và thời đại hiện nay, khi dân chúng tự do dạo chơi trên mặt sàn lát ván trang nhã của Viện bảo tàng?
Bỏ qua thời kỳ quá độ, nước Nga đã nhảy một bước từ thời Trung đại vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa. Đất nước này đã kinh qua công cuộc công nghiệp hóa, đã hiện đại hóa, đã tạo ra mạng lưới giao thông của mình, đã xây dựng những thành phố đồ sộ. Có điều, tư duy của nhân dân thay đổi chưa được bao nhiêu. Ở đây, cũng như trước kia, mọi người vẫn run sợ trước quyền lực.
*
Một quả chuông khổng lồ - Vua chuông - to bằng một ngôi biệt thự của chúng ta ở ngoại ô, được đặt cạnh các tòa giáo đường trong điện Kremli. Những thợ cả của nhà vua đã đúc nên quả chuông đó để cho thiên hạ thấy rằng họ không phải là lũ Nga ngố. Để cho những vị khách ngoại quốc hiểu rằng xứ sở này không lạc hậu so với châu Âu. Đó là một trong những động lực của nền công nghiệp Liên Xô. Trong tất cả những thứ khác thì bốn thế hệ nam nữ từng được giáo dục theo tinh thần Xô Viết, không muốn thay đổi một cái gì cả. Họ tin chắc rằng hệ thống của họ hơn hẳn hệ thống của chúng ta. Nó đạo đức hơn, nhân bản hơn. Tất nhiên, người Nga rất mong muốn cuộc sống sẽ khá lên, nhưng họ hoàn toàn không sẵn sàng đánh đổi hệ thống của mình lấy hệ thống của chúng ta, nơi đang ngự trị sự tiêu dùng thoải mái.
Cái dân tộc sùng đạo này có khả năng làm lay chuyển thế giới. Người Nga có sức mạnh thể lực và sự tự do của trí tuệ, họ rất trong sáng và đầy tính minh triết của nông dân. Lịch sử đã ủy thác cho họ dẫn đầu (theo nghĩa tôn giáo của từ này) chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và họ đang thực hiện sứ mệnh cao cả đó mà không thu được từ nhiệm vụ đó bất cứ một lợi ích vật chất nào. Nước Nga trong số tất cả các nước Cộng hòa và Moskva trong số tất cả các thành phố đang gánh vác một trọng trách nặng nề nhất. Chủ nghĩa đế quốc đã làm cho nước Mỹ và châu Âu giàu lên và làm cho nước Nga nghèo đi.
Trong chuyến đi của mình, chúng tôi quay trở lại Moskva sau khi thăm Leningrad và Kiev, và tin tưởng sâu sắc rằng chúng ta không bao giờ có thể thích nghi được với hệ thống của họ: người Nga trước hết cổ súy cho sự lành nghề, còn chúng ta thì cổ súy cho sự sáng tạo. Họ đem lợi ích riêng phục vụ lợi ích xã hội còn chúng ta thì cho rằng đó là sự vi phạm quyền tự do của con người. Vả lại, những người giàu có thường suy nghĩ như vậy. Còn ở các nước đang phát triển, đối với những người không được hưởng những phúc lợi sơ đẳng thì chuyên chế xã hội chủ nghĩa không hẳn chỉ mang tính chất độc tài. Các thành tựu về kỹ thuật của Liên Xô còn khiến ta kinh ngạc ở chỗ chúng được khuyến khích bởi những nhà hoạt động chính trị. Hơn nữa, theo mức độ chủ nghĩa xã hội được mở rộng và thoát ra khỏi Moskva thì nó thay hình đổi dạng và bắt đầu gây nên sự lo ngại của chính người Nga.
*
Ở phần cuối chuyến đi của chúng tôi, như một trường hợp ngoại lệ, cung điện Kremli đã mở rộng để đón chúng tôi. Tại đây, dưới vòm mái của cung Georgiev tráng lệ (60 x 20m, chiều cao của trần là 17m) được ốp đá hoa cương trắng với sáu khuôn cửa dát vàng chói lọi, dàn nhạc đang hòa tấu và một bữa tiệc thịnh soạn được tổ chức trong đêm khuya để nghênh tiếp hàng nghìn vị khách dự Liên hoan phim.
“Sự giàu sang của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã khiến cho trí tưởng tượng phải sửng sốt” - tôi thú nhận với một vị quan chức cao cấp. “Đó là một phần của lịch sử nước chúng tôi - ông ta đáp - Trên các bức tường ngài có thể đọc được danh tính của tất cả các chiến binh đã giải phóng điện Kremli”.
Và rõ ràng là tất cả mọi thứ ở Nga khác hẳn so với sự hình dung của chúng tôi, và, lẽ cố nhiên, có nhiều cái chúng tôi không hiểu được. Người dân Moskva luôn luôn ở trong hai trạng thái: một là trạng thái lãng mạn, khoan dung, dễ xúc động; còn trạng thái kia là họ có gốc gác từ truyền thống Á châu: chính truyền thống ấy giúp họ tiếp nhận bất cứ một sự thật nào với nụ cười trên môi. Bởi lẽ cần phải nhớ rằng: Moskva, cũng như Byzantin, nằm trên giao điểm giữa châu Âu và châu Á.
Người Nga biết rất rõ về phương Tây, trong khi đó chúng ta không biết gì về lịch sử của họ. Chúng ta cần phải mở rộng hơn nữa việc giảng dạy những kiến thức về thế giới để các học sinh ở Québec hiểu rằng chúng không phải là trung tâm của trái đất. Chủ nghĩa dân tộc của chúng ta và sự khiếm khuyết các láng giềng ở phía Bắc và phía Đông (chúng ta chỉ có một ông bạn láng giềng ở phía Nam là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) đã khiến chúng ta trở thành những kẻ dốt nát khả ái... Thậm chí, “Đài phát thanh Canada” không có phóng viên thường trú ở Moskva.

Trên chuyến máy bay trở về Montréal, ngồi cạnh tôi là một cư dân ba mươi tuổi ở Québec. Anh ta bay từ thành phố Vladimir (cách Moskva 200 km) là nơi vợ chưa cưới của anh ta, một cô giáo trẻ, hiện đang sống. Năm ngoái họ làm quen với nhau trên một chuyến tàu du lịch. Anh chàng kỹ sư hóa học này muốn chuyển đến sinh sống ở Liên Xô vì cô người yêu của mình. Anh ta phải mất nửa năm để chờ đợi sự trả lời của các nhà đương cục Xô Viết, tuy nhiên anh ta hy vọng rằng họ sẽ chấp nhận. Anh ta thích sống ở Liên Xô, thích cuộc sống dân dã phóng khoáng mà công cuộc công nghiệp hóa không gây trở ngại. Anh ta đã bắt đầu đi học tiếng Nga một cách nghiêm chỉnh. Tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng anh ta muốn chạy trốn khỏi sự suy thoái đạo đức của chúng ta. Bởi lẽ chàng trai này là một người trong sạch. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives