VĂN NGHỆ KHÁNG CHIẾN - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ  

Posted by Unknown

Người thầy tài hoa
SOẠN GIẢ DANH CẨM
ĐỖ THANH HIỀN
Tây Ninh
Đạo diễn Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh) tên thật là Nguyễn Văn Bình, quê Thái Nguyên. Vốn là dân “Nam tiến”, công tác ở Sở Văn hóa Nam bộ. Năm 1954, Nguyễn Vũ lại tập kết ngược ra Bắc, rồi đi học đạo diễn ở nước ngoài. Đạo diễn Nguyễn Vũ một thời nổi tiếng với vở kịch nói NiLa trên miền Bắc. Đồng thời, ông có nhiều góp ý, dàn dựng các vở lớn hồi bấy giờ như: Dệt gấm; Nàng tiên Mẫu Đơn; Võ Thị Sáu - người con gái đất đỏ; Tình riêng nghĩa cả...
Khoảng cuối năm 1963 đầu 1964, mặc dù còn bị sốt rét Trường Sơn đeo bám, nằm run cầm cập trên võng, Nguyễn Vũ vẫn nằng nặc xin Tiểu ban văn nghệ bố trí cho giảng dạy ở Trường Lam Giang - Trường văn hóa văn nghệ đầu tiên do TW Cục mở. “Ý chí thắng bệnh tật”, thầy Nguyễn Vũ lên lớp đều, giảng dạy chất lượng, hiệu quả. Cùng về Nam đợt này với Nguyễn Vũ có các thầy Bích Lâm, Thanh Nha, Hoàng Việt, Phan Miêng, Lê Hồng Hải; hai họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà. Tháng 7-1964, Ban căn cứ chỉ đạo xây dựng căn cứ Suối Cây cho Tiểu ban văn nghệ và Đoàn văn công Giải phóng. Đoàn chúng tôi đi công tác chiến trường Tây Ninh, Long An, Mỹ Tho vừa về tới là hành quân thẳng vô Suối Cây, dựng cứ. Các thầy Bích Lâm, Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Hồng Hải, Lê Lam bên Mỹ thuật cũng đòi đi theo để chọn đất dựng cứ cho bên hội họa.
Rồi Nguyễn Vũ lại sốt. Tôi được phân công đi nuôi thầy ở Trạm xá B14. Tội nghiệp một người năng động
giờ ngả bệnh chịu nằm một chỗ. Thầy yếu lắm, có gì đâu mà bồi bổ? Bụng tôi thương thầy mà nghĩ vậy, rồi liền tay đi làm cần câu. Ở rừng cần câu thiếu gì, nhưng khó nỗi là làm sao có lưỡi câu. Tôi phải đi kiếm mấy cái nan hoa (căm) xe đạp cũ, dành dụm, đập, giũa ngạnh, trầy trật mấy ngày thì làm xong hơn chục chiếc. Chuyện câu cá tôi rành lắm, nhưng mỗi địa điểm lại khác nhau, cũng là hên xui. Buổi chiều đầu tiên đi cắm câu, hồi hộp không kém gì đụng giặc. Vậy mà hên, tôi câu được mớ cá trê và chạch lấu. Món quà quý giá nhất lúc đó cho ông thầy Vũ. Cá trê đem nấu canh, chạch lấu đem nấu cháo lếu láo vì không có gia vị. Vậy mà thầy Vũ ngồi húp sụp soạp rất ngon miệng, khen “Ngon quá! Ngon quá!”, làm tôi vừa mừng vừa xúc động. Chừng tuần lễ sau, thầy Vũ khỏe lại. Chiều chiều ông ở trần, vung tay tập thể dục. Bữa đó ngồi uống trà, thầy Vũ nói với tôi:
- Văn Bắc à! Mày nuôi tao được khỏe như vầy, nói cám ơn thì khách sáo quá, mà không nói ra thì không được. Thôi, như vậy nhé...
- Sao thầy?
- Mày đừng kêu tao bằng thầy nữa...
- Không được! Mấy chú lớn ở tiểu ban nói, đẳng cấp của thầy thuộc... bậc thầy, về nhiều lẽ...
- Ừ! Các anh ở Tiểu ban thương tao quá nên nói vậy thôi.
- Các chú nói thầy nhiều lẽ là như vầy. Một là ý chí cách mạng của thầy, chịu vô Nam chiến đấu. hai là trình độ về nghề, về nghệ thuật. Ba là sự tận tụy trong sáng tác và giảng dạy. Lớp trẻ ở miền Nam, đa số là thất học, được gặp thầy là được gặp “sư phụ”. Ôi! Còn nhiều lắm thầy ơi...!
Thầy Vũ cười.
- Tao về lại chiến trường miền Nam lần này, thấy nhiều chuyện lạ lắm. Tươi trẻ, cang cường lắm. Cán bộ của mình bây giờ trung kiên, ít nghe thấy cái chuyện “dinh tê”, chiêu hồi đáng xấu hổ. Khỏe lại, tao xin đi chiến trường Tây Ninh hay I4...
- Thầy ráng khỏe lên, rồi đi.
- Thôi! Từ nay chú mày đừng gọi tao là thầy nữa, nghe nó cách biệt. Anh em đi! Nhớ đó!
Chừng tuần lễ nữa thì thầy Vũ được xuất viện. Vứt cây gậy le, thầy lanh lẹn đi lại, khổ nỗi miệng kêu đói hoài. Tôi cười thầm trong bụng, nói trại câu thơ của Thanh Tịnh: “Dễ trăm lần không... người thân cũng chịu/ Khó vạn lần... cơ quan liệu cũng xong”. Thầy trò lội bộ đường rừng qua suối Tre về tới suối Cây. Việc đầu tiên khi về tới cơ quan là tôi chạy đi lo cho thầy Vũ một bữa cơm khá tươm tất.
Trong cơ quan có chuyện vui bất ngờ. Tôi phải kêu lên: “Trời ơi! Vui quá!”. Cơ quan có khách quý. Chị Năm Liên và con gái Ngô Ý Minh vừa từ thành vô căn cứ. Đây là vợ con của thầy Vũ, xa cách suốt 11 năm nay. Biết là mình có con, nhưng hôm nay thầy Vũ mới biết mặt con gái yêu. Công này thuộc về Thành ủy I4 và Tiểu ban văn nghệ kết hợp tổ chức, ra thành đón mẹ con chị Năm vào cứ thăm chồng. Một cuộc họp mặt vợ chồng cha con quá sức cảm động. Cuộc xum họp của giới văn nghệ sĩ kháng chiến không bao giờ quên.
Cơ quan bố trí cho vợ chồng anh gặp nhau khá bất ngờ bên bờ suối Cây, dưới bóng mát của cụm cây trâm sắng cao tầng. Chú Sáu Lăng dẫn chị Năm Liên từ nhà khách lên. Thấy thầy Vũ ngồi dưới tán cây, chị Năm ú ớ chỉ tay vào chồng:
- Ơ... ơ! Anh... anh đó hả?

Thầy Vũ cũng bị bất ngờ, đứng bật dậy, luýnh quýnh:
- Liên! Em hả? Còn con đâu? Con gái Ý Minh đâu?
Vừa giơ tay ôm choàng lấy vợ thì mắt anh nhận ra một bé gái chạy tới. Rời tay ôm vợ, thầy ngồi sụp xuống ôm choàng lấy Ý Minh.
- Con gái! Ba nè con! Anh bồng con gái đứng dậy, ôm choàng luôn vai vợ. Cả ba người ôm nhau, khóc mướt. Chú Sáu Lăng, bác Tư Trang cũng bước ra đứng sau lưng gia đình họ, lặng lẽ không nói câu nào. Hình như mắt bác Tư Trang ướt lệ. Mãi khi thầy Vũ ôm hôn vợ túi bụi, thì bác Tư Trang mới xúc động, lập bập:
- Hôn nữa đi con! Hôn vợ mầy nữa đi... Hôn để trả ơn nó, đi con!
Là ý bác Tư Trang khen chị Năm Liên một dạ thủy chung chờ chồng, nuôi con suốt 11 năm (1954-1964). Sau Hiệp định “Giơ-neo”, Ngô Ý Linh (Nguyễn Vũ) trước khi tập kết đã gửi người vợ mang bầu về nội thành sinh con. Cháu Ý Minh sinh ra được bà ngoại và các cậu, dì đùm bọc, còn ba nó thì đã sống giữa lòng miền Bắc XHCN. Giữa vòng vây, nanh vuốt kẻ thù, chị Năm Liên một lòng trung kiên với cách mạng, thủy chung chờ chồng. Chị còn tham gia nuôi giấu cán bộ trong nội thành. Thật là một đấng hiền thê! Sau này thầy Nguyễn Vũ thường nhắc tới vợ như vậy.
Buổi chiều đó, bỗng dưng ông trời đổ mưa tầm tã. Mưa lớn như vầy thì nước suối lên, nước lên thì sẽ có cá ăn. Trên đường đi lấy cơm, tôi nghĩ như vậy. Anh Nguyễn Vũ nói với tôi:
- Tối nay, thức với tao nghen mậy!?
- Viết hả anh Năm?
- Chưa! Suy nghĩ thôi. Nhân vật trung tâm có rồi, mình hệ thống nhân vật đôi bên.
Tôi đồng ý, rồi chợt hỏi:
- Dầu đèn còn không? Để lát tôi kêu anh Thắng hậu cần đem lên. Anh bện dây cho bàn trà rồi chưa?
- Khó quá mầy ơi. Tao đâu biết bện.
- Còn trà hôn?
Lắc đầu.
- Thuốc hút?
Lại lắc đầu. Ông nầy sao thứ gì cũng hết trơn vậy.
- Trời ơi! Vậy lấy gì mà thức đêm đây cha?
Trời còn mưa rả rích. Trong rừng nguyên sinh xứ Lò Gò nầy, có tới ba tầng mưa. Tầng cổ thụ cao là mưa rơi. Tầng cây thứ hai bị mưa rớt xuống gọi là mưa rớt. Tầng cây thấp nhất nước thấm đẫm nhiều gọi là mưa rụng...
Cầm ca cơm củ cải muối, tự ca cẩm về “nhà võng nilon” nên tôi cứ miên man nghĩ vậy. Chứ mưa nào thì cũng phải choàng nilon mà đi thôi. Trên đường lên B9 Văn phòng Ban, tôi gặp anh Ngọc Anh phụ trách chung khối hậu cần Ban Tuyên huấn. Sau giải phóng, tôi mới biết ảnh tên Tám Vỹ, Phó giám đốc Sở CA TP.HCM. Lúc đó tôi nói với anh, xin chia cho mớ thuốc, mớ trà ngon ngon, ảnh cười:
- Thức đêm hả mậy?
- Dạ...!
Cầm mấy gói trà, thuốc, tôi chìa ra tờ 20 ria tiền Campuchia cho ảnh. Anh không cầm mà cười cười.
- Chúc chú em mầy vô giải thưởng Văn nghệ giải phóng. Thôi, tao chúc mừng luôn. Suy nghĩ sáng tạo thì phải thức đêm, nhưng thức vừa thôi, coi chừng bịnh. Về đi! Tối hù rồi. Có đèn pin không?
Tôi có mang theo đèn pin. Quay về cùng nỗi vui mừng vì tin mình được giải thưởng, cùng với lòng mến phục tình cảm của anh Ngọc Anh. Đêm đó, chẳng cần trà thuốc, tôi cũng thức trắng cùng anh Vũ.
- Văn Bắc à. Mầy nghe gì chưa?
- Chi đó anh Năm? (giờ thì tôi đã kêu ông thầy bằng anh).
- Mỹ đã đổ quân đánh ta! Chúng đã chính thức trở thành đội quân xâm lược. Ta đánh giặc thôi. “Đâu có giặc là ta cứ đi”.
Có được thuốc lá ngon hiệu Ara đỏ và trà Thái Nguyên pha quạu, anh em, thầy trò thức tới hai giờ sáng, cũng vừa xong đề cương vở kịch ngắn “Đâu có giặc là ta cứ đi”, cho tới hồi chị Năm thức dậy la, thầy trò mới chịu ngả lưng xuống võng.
Từ tháng 9-1966 cho tới cuối năm, anh Nguyễn Vũ đề nghị Tiểu ban cho mở lớp kịch ngắn hạn ba tháng, học viên tại chỗ và các tỉnh lân cận. Tình hình mở lớp kịch được triển khai gấp. Học viên tại chỗ có Đoàn văn công Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Đoàn văn công I4, được Thành ủy gửi lên R bồi dưỡng. Còn các tỉnh lân cận, anh em học viên là văn nghệ sĩ tập hợp từ Tây Ninh, Long An, Phân khu 5. Sau phát sinh thêm các học viên từ Kiến Tường - Mộc Hóa. Tổ chức được lớp kịch, chú Sáu Lăng - Trưởng ban văn nghệ và thầy Nguyễn Vũ rất mừng. Nhưng mừng thì mừng vậy, tới khi nghe báo cáo về trình độ văn hóa của các học viên, mấy ông thầy mới té ngửa vì lo lắng. Đa số học viên văn hóa thấp, lần đầu tiếp xúc với lý luận, phương pháp nghệ thuật sân khấu. Anh Vũ trăn trở dữ lắm, “Phải làm sao để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ học viên, để trong thời gian ngắn nhất, anh chị em tiếp thu được lý luận và thực tiễn một cách hiệu quả nhất, sớm có tác phẩm biểu diễn kịp thời phục vụ phong trào cách mạng”.
Suốt ba tháng trời, trừ khi lên lớp, ông thầy Vũ về lán là nằm bò ra ghi chép, theo dõi sát sao tình hình học viên. Anh bắt tôi giữ chức vụ lớn lắm, là “Trực ban giáo vụ”. Gọi thế cho oai thôi, chứ thực ra làm chân loong toong cho thầy, tìm giấy viết, tài liệu, lo nơi ăn ngủ, giờ giấc sinh hoạt, tinh thần đoàn kết, đến cả “tự tình riêng tư” của học viên nữa.
Ngày tổng kết, tiểu ban có cho mần heo và săn bắn liên hoan. Ban Tuyên huấn có chú Năm Trần Bạch Đằng, các anh Ngọc Anh, Năm Cảnh xuống dự, chia sẻ thành công bước đầu của thầy trò chúng tôi. Đang náo nức hưởng niềm vui của lớp học, bất ngờ một niềm vui khác lại đến. Cấp trên yêu cầu chúng tôi: “Chuẩn bị tiết mục, giấy bút đi chiến trường”.
Lúc đó tôi nhanh nhảu nói:
- Vậy kỳ này, ông thầy Năm Vũ thỏa chí tang bồng nơi chiến trường khói lửa nghen!
Anh cười.
- Là nói trước vậy, chớ đi ngay đâu được. Tao còn nợ ông Sáu Lăng và ông Tư Siêng hai kịch bản nữa. Đây là tiết mục tao đăng ký dàn dựng cho hai đội xung kích đó.
Nghe anh Năm nói, tôi sực nhớ, tháng 11-12 này, lực lượng sáng tác và các Đoàn văn công của Tiểu ban sau đợt tập huấn dàn dựng tiết mục, rồi sẽ “hạ sơn” ráo nạo. Chỉ còn mấy chú lãnh đạo Ban “Nằm võng lá xuân/Mà nghe lá rụng”.
Anh Nguyễn Vũ đi cùng cánh I4, do Nguyễn Trường Hùng “chủ xị”. Tôi đi cùng nhóm Văn công xung kích phục vụ các chiến trường Tây Ninh - Long An - Kiến Tường - Mỹ Tho - Bến Tre, do chú Mười Đờn trưởng đoàn.
Riêng anh Nguyễn Vũ đợt này đi thực tế chiến trường cả năm, suốt từ tháng 12-1964 đến tháng 7-1965. Trong lá thư gởi cho tôi, anh kể: “Sanh tử lắm mầy à! Nhưng mà vui. Thực tế ngồn ngộn, điển hình cao vợi, ngôn ngữ đời sống cứ sang sảng, sang sảng... nghe đẹp đẽ lắm. Nó đồng điệu với ngôn ngữ kịch bản...”. Có lẽ đúng y chang như lá thư ông thầy viết cho tôi, sau chuyến đi anh viết khá nhiều kịch bản ngắn cho miền Nam, cho các đoàn văn công tỉnh, cho Đài phát thanh Giải phóng và gửi cả ra Bắc, trọn vẹn trong tập kịch nói “Đất nước mùa xuân”. Có những vở tôi còn nhớ tên như: Phố dậy lửa, Ông già - Mặt trời và người lính, Nàng bắn lén, Mỹ cút đi...!
Vừa lo công tác, vừa lo chăm vợ con, hình ảnh, tác phong của Nguyễn Vũ được anh em khắc họa thế này:
Tính cách hiền hậu, cần cù
Cưng con, thương vợ,
đầu bù tóc xoăn.
Xin tả chút xíu hình dáng anh như sau: Dong dỏng cao, cỡ mét bảy, ốm suốt đời. Da trắng, mắt to tròn, môi đỏ thắm. Mặt chữ điền đẹp trai. Anh có cái nhìn thật xa, nghiêm nghị, mà tôi cảm tưởng lúc ấy anh đang nhìn thật sâu vào tâm tư, tình cảm từng nhân vật sắp sáng tác. Nguyễn Vũ ăn uống khá kham khổ. Tôi có cá ngon đem cho, chị Năm kho, nấu canh chua lá bứa rất ngon, nhưng tới bữa, anh chỉ... chống đũa cười cười nhìn vợ và con gái ăn ngon lành. Rồi năm sau, chị Năm sanh thêm Y Đan, anh càng “đầu bù, tóc xoăn” hơn nữa. Trong trận chuyển quân tránh chống càn Đông Dương tháng 3-1970, anh vừa phải vai cõng Y Đan, tay dắt Y Minh, chị Năm lẽo đẽo đi theo đằng sau. Nguyễn Vũ vất vả quá, bèn “tức cảnh đề thơ”:
Đường xa chạy giặc, chống càn
Cõng con, dắt vợ
băng rừng Tây Ninh
Sau lưng bom pháo ình đùng…
Đầm Be nắng sớm,
Sơ Long mưa chiều
Chạy càn khổ biết bao nhiêu…
Trước và sau Tết 1972, chúng tôi về lại Tây Ninh để gấp rút chuẩn bị ra Bắc. Đã có hai đợt đi Bắc từ ba năm trước, bây giờ là đợt ba. Tiếng là đi học tập, nhưng thực chất là đi “Giữ quân, dưỡng quân chiến lược”.
Từ trạm Hà Đông, thầy trò, anh em cùng về ở tại Láng B, dinh ông Hoàng Cao Khải, số 5 Đống Đa, Hà Nội. Sau đó, anh Nguyễn Vũ học Trường Nguyễn Ái Quốc I, tôi học Nguyễn Ái Quốc IV. Sau đó anh Vũ về Hội Nghệ sĩ Sân khấu - Bộ Văn hóa. Tôi học lý luận nghiệp vụ sân khấu ở Giảng Võ, cũng thuộc Bộ Văn hóa.

Học xong, anh Vũ về dàn dựng vở mới ở Đoàn kịch TW. Tôi cộng tác với Ban biên tập CP 90, 58 Quán sứ (Đài B - Đài phát thanh Giải phóng). Cho tới ngày cùng về Nam, sau giải phóng Sài Gòn. Nhưng chỉ ba năm sau, tôi bàng hoàng nghe tin anh qua đời vì bệnh ung thư. Những kỷ niệm một thời kháng chiến lại nhói trong lòng tôi, về một người thầy tài hoa, nghĩa tình. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives